3.2. Một số giải pháp phát triển hoạt động NC&TK trong SME
3.2.3. Giải pháp về tài chính
a) Đa dạng hoá các nguồn vốn cho SME phần mềm
Ngành công nghiệp phần mềm là ngành công nghệ cao, nhiều lợi nhuận song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó việc huy động vốn cho các SME phần mềm nên được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là phát triển mô hình các Quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đầu tư mạo hiểm là một phương thức đầu tư tài chính mang tính đặc thù, dùng để cấp vốn cho các dự án đầu tư có tính rủi ro cao. Đây là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, song nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới đã áp dụng hình thức này.
Về việc này, Nghị quyết của Chính phủ số 07/2000/NQ-CP ngày 5/6/2000 về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000- 2005 đã xác định: "Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan thành lập và ban hành quy chế tổ chức, quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ phần mềm”. Tuy nhiên đến nay các quy định này vẫn chưa được thực hiện, mặc dù đã có đề án về thành lập và triển khai Quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ cao. Mới đây Luật công nghệ cao được thông
qua, trong đó có quy định việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao ở Việt Nam (Điều 24 Luật công nghệ cao 2008). Theo đó, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia là tổ chức tài chính nhà nước để đầu tư vốn, cung cấp dịch vụ tư vấn cho tổ chức, cá nhân hình thành và phát triển doanh nghiệp ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Nguồn tài chính hình thành Quỹ gồm: vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước và được bổ sung trong quá trình hoạt động; các khoản tài trợ, vốn góp của tổ chức, cá nhân; các khoản thu từ hoạt động của Quỹ và các khoản huy động hợp lệ khác. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao là đối tượng được đầu tư từ Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia.
Giải pháp: Đa dạng hoá nguồn vốn cho SME phần mềm từ nhiều nguồn khác nhau ngoài nguồn ngân sách nhà nước, đặc biệt là đẩy nhanh việc hình thành các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm.
b) Khuyến khích SME đầu tư cho hoạt động NC&TK
Giải pháp: Nâng cao nhận thức cho các SME về giá trị của hoạt động
NC&TK đối với quá trình đổi mới và đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Chỉ khi nhận thức được điều đó, các SME sẽ tự điều chỉnh trong việc đầu tư cho hoạt động NC&TK. Bên cạnh đó, các SME phần mềm cần khai thác tối đa các nguồn vốn từ các Chương trình, các Quỹ tài chính dành cho hoạt động NC&TK của doanh nghiệp.