2.2. Một số chính sách khuyến khích SME, SME phần mềm tiến
2.2.3. Một số chính sách hỗ trợ tài chính khác
Quỹ phát triển KH&CN quốc gia có quy định về việc tài trợ hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các nhiệm vụ KH&CN thuộc hướng ưu tiên
của Nhà nước do doanh nghiệp thực hiện. Sắp tới đây các hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định 119/1999/NĐ-CP sẽ được đưa vào Quỹ này để tránh sự chồng chéo, trùng lặp.
Ngoài ra các doanh nghiệp còn được quyền thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Đây là một trong những cách nhằm bảo đảm quyền tự chủ về tài chính của doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN nói chung, hoạt động NC&TK nói riêng. Luật Chuyển giao công nghệ 2006 (Điều 45) cho phép doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế hằng năm để lập quỹ phát triển KH&CN để thực hiện hoạt động NC&TK và đổi mới công nghệ. Như vậy là, mặc dù Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp không có nguồn từ ngân sách nhà nước, nhưng rõ ràng từ quy định này Quỹ của doanh nghiệp có một phần đóng góp từ ngân sách nhà nước bởi vì phần trích lập quỹ từ lợi nhuận trước thuế. Điều đó thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động NC&PT của doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang soạn thảo quy chế hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Một trong các hình thức hỗ trợ của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia là tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí không thu hồi cho doanh nghiệp hoặc đầu tư cùng với doanh nghiệp để thực hiện các dự án đổi mới, hoàn thiện công nghệ, cải tiến công nghệ nhập, ươm tạo công nghệ của doanh nghiệp. Còn đối với Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, một trong 4 mục tiêu của Chương trình là tạo điều kiện thuận lợi cho SME thay thế công nghệ lạc hậu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, làm chủ công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam.
Luật Công nghệ cao vừa mới được ban hành ngày 13/11/2008 quy định việc thành lập Chương trình quốc gia về công nghệ cao, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. Đây là những hình thức nhằm vào hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm.
Nhìn chung, các chương trình KH&CN và các Quỹ KH&CN là những hình thức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ. Mục tiêu của các chương trình và các quỹ này là tạo điều kiện để các doanh nghiệp có được công nghệ bằng chính năng lực của mình, hạn chế việc mua sẵn công nghệ. Đây là những hình thức bổ sung bên cạnh việc cấp phát kinh phí theo ngành dọc nhằm tạo điều kiện phát huy khả năng nghiên cứu, khả năng sáng tạo của nhà khoa học.
Như vậy, nhìn vào những quy định trên đây, chúng ta có thể thấy có khá nhiều chính sách, biện pháp của Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp nói chung, SME nói riêng trong việc thực hiện các hoạt động NC&TK, hoạt động đổi mới hay đào tạo nhân lực KH&CN... nhằm phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, trước đây cũng như hiện nay, khó khăn lớn nhất của SME vẫn là thiếu vốn hoạt động, các doanh nghiệp loại này rất khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn tài chính. Từ đó dẫn tới rất khó có thể đầu tư đáng kể cho hoạt động NC&TK. Vậy thì đâu là lý do? Phải chăng đó là do tập hợp các chính sách hiện hành thiếu tính liên kết, đồng bộ, thiếu tính hệ thống khó mang lại hiệu quả đích thực của nó. Bên cạnh đó, nội dung của chính sách chỉ mang tính định hướng và khái quát, chưa chú trọng đến các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chưa thu hút được doanh nghiệp quan tâm khai thác vì thủ tục hành chính phức tạp và sự thiếu nhất quán giữa các bộ, ngành. Đây là
bài toán mà các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách không thể giải quyết ngay được mà cần phải có những lộ trình, những bước đi phù hợp trong những năm tới.