Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên diễn biến khôn lường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ chính trị an ninh nhật mỹ trong bối cảnh châu á hiện nay (Trang 38 - 43)

7. Kết cấu của luận văn

1.1. Bối cảnh chính trị an ninh châ uÁ hiện nay

1.1.3. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên diễn biến khôn lường

Tại bán đảo Triều Tiên, cục diện bế tắc của vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết.Trong hàng thập kỷ qua, các chương trình phát triển vũ khí tên lửa của Triều Tiên luôn vấp phải sự chống đối kịch liệt của nhiều nước trong đó có cường quốc hạt nhân Mỹ và hai nước láng giềng trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bán đảo Triều Tiên được coi là “vùng trũng an ninh” của toàn thế giới, những diễn biến quân sự tại khu vực này có ảnh hưởng không chỉ tới cục diện an ninh khu vực châu Á mà còn ảnh hưởng tới cả địa cầu. Bán đảo Triều Tiên có vị trí địa lý rất đặc biệt: nằm ngay giữa trung tâm khu vực Đông Bắc Á - một trong những khu vực quan trọng nhất về mặt chiến lược của thế giới. Khu vực này giáp liền với Trung Quốc về hướng tây bắc và Nga về hướng đông

bắc, với Nhật Bản ở đông nam qua eo biển Triều Tiên. Do nằm ở vị trí quan trọng trên bàn cờ chiến lược quốc tế nên từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, bán đảo Triều Tiên trở thành một điểm nóng thường trực trong tranh chấp quyền lực quốc tế.

Nếu nửa đầu thập niên 2000 tình hình bán đảo Triều Tiên diễn ra theo xu hướng tương đối hòa dịu thì nửa cuối thập niên, tình hình tương đối căng thẳng: Triều Tiên đơn phương rút khỏi Hiệp ước NPT và tuyên bố chung giữa hai miền về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên năm 1992, liên tiếp thực hiện các vụ nổ hạt nhân năm 2006, 2009, 2013 và thử tên lửa (tầm trung Nodong và tầm xa Taepodong), tháng 12/2009 đơn phương thiết lập vùng tập trận trong thời bình, tháng 12/2010 Triều Tiên nã pháo lên đảo Yeonpyeong của hàn Quốc đẩy quan hệ hai miền đến bờ vực chiến tranh [45, tr.44-45].

Việc Triều Tiên tuyên bố từ bỏ “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”2

vào tháng 1/2003 đã khiến cho phía Triều Tiên càng khó có thể đạt được thỏa thuận 6 bên về vấn đề xóa bỏ vũ khí hạt nhân của quốc gia này. Phía Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản cũng không chịu thỏa thuận khi mà Triều Tiên không đưa ra những cam kết và nhượng bộ.

Trước đó, năm 2005, Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận với các cường quốc bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, ngừng chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy viện trợ lương thực, năng lượng. Tuy nhiên, thỏa thuận trên sụp đổ trong vòng đàm phán cuối cùng năm 2008 do Triều Tiên từ chối để các thanh tra viên quốc tế kiểm tra và xác nhận việc họ có tuân thủ thỏa thuận hay không. Từ vụ tàu “Cheonan”3 năm 2010 đến nay, tình hình bán đảo Triều Tiên liên tục căng thẳng.Ba nước Mỹ, Nhật, Hàn

2 Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty) viết tắt là NPT được 187 quốc gia có chủ quyền tham gia ký kết vào ngày 1/6/1968. Hiệp ước này được thiết lập nhằm mục đích hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân.

3 Sự cố đắm tàu Cheonan (sự cố Baengnyeong): ngày 26 tháng 3 năm 2010, tàu tuần tra Cheonan của Hải quân Hàn Quốc chở hơn 100 người đã bị đắm tại khu vực ngoài khơi đảo Baengnyeong, phía tây Hàn Quốc. Theo Mỹ và Hàn Quốc, tàu này chìm là do trúng ngư lôi của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Quốc hình thành cơ chế hợp tác cùng kiềm chế Triều Tiên nhưng vẫn khó có thể thuần phục được nước này.

Không giống với Iran (quốc gia hiện đang là trung tâm của hoạt động ngoại giao quốc tế trong vấn đề hạt nhân), Triều Tiên đã tiến hành các vụ nổ để thử nghiệm hạt nhân.Ngày 9/10/2006, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên gây chấn động toàn thế giới. Ngày 25/5/2009, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai, một lần nữa khiến cả thế giới lo ngại. Ngày 12 tháng 2 năm 2013, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 3 có sức công phá lớn hơn 2 lần trước chỉ nhỏ hơn vụ Hiroshima. Các vụ thử tên lửa định kỳ cũng như những lời lẽ “đao to búa lớn” của nước này đã đẩy khu vực vào tình trạng căng thẳng và không có dấu hiệu cho thấy các cuộc thương lượng về giải giáp vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ được nối lại.

Có thể nói, Trung Quốc và Mỹ là hai nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng nhiều nhất đến tình hình bán đảo này. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên coi hạt nhân là con bài để đạt được yêu sách Mỹ thực hiện nghiêm túc Hiệp định Geneve 1954 về bán đảo Triều Tiên là không được can thiệp vào nội bộ của bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh, gồm cả Hàn Quốc không được đe dọa sử dụng vũ lực với Triều Tiên. Mỹ đã triển khai hàng loạt các biện pháp, chính sách tại Triều Tiên nhằm phục vụ cho chiến lược lãnh đạo toàn cầu. Mâu thuẫn giữa Triều Tiên và Mỹ xung quanh việc Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân đang làm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á "nóng" lên. Vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên là vấn đề rất phức tạp và đã kéo dài nhiều năm, không chỉ là vấn đề giữa Mỹ và Triều Tiên, mà còn liên quan tới lợi ích của nhiều nước trong "bàn cờ" chiến lược ở Đông Bắc Á và thế giới.

Bán đảo Triều Tiên về mặt an ninh là cửa ngõ phía Đông Bắc của Trung Quốc, có ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc. Nếu bán đảo Triều Tiên căng thẳng và mất ổn định hoặc xung đột hai miền xảy ra, Trung Quốc sẽ phải

gánh chịu hậu quả lớn nhất.Mặc dù có ảnh hưởng rất lớn với CHDCND Triều Tiên nhưng Trung Quốc luôn lo ngại không kiểm soát được chương trình sản xuất hạt nhân của nước này và muốn có sự phối - kết hợp giữa các nước lớn với nhau. Ở góc độ ngoại giao và an ninh, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là không ngừng tăng cường sức mạnh tổng hợp để chuyển biến thành một nước lớn trên thế giới có khả năng và tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, đối với Trung Quốc việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng là một vấn đề được ưu tiên.

Bên cạnh đó, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng đang làm gia tăng những mối lo ngại an ninh đối với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của Mỹ ở châu Á. Việc Triều Tiên đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân cùng với những lời đe dọa tấn công làm cho những nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản luôn đặt trong tình trạng báo động có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Kể từ những năm đầu thập niên 2000 đến nay, Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa: Ngày 5/7/2006, Triều Tiên bắn 5 tên lửa xuống biển Nhật Bản, trong đó có một hỏa tiễn Taepodong-2 kiểu mới, vốn được thiết kế để vươn tới những mục tiêu ở xa. Ngày 5/4/2009, tên lửa Unha-2 của Triều Tiên được phóng đi bay qua Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tên lửa này đã phát nổ không lâu sau khi được phóng đi. Ngày 4/7/2009, Triều Tiên bắn 7 quả tên lửa Scud xuống vùng biển Nhật Bản khiến các nước láng giềng lo ngại. Trong năm 2015, Triều Tiên đã thực hiện 2 lần thử tên lửa bắn ra ngoài khơi trong khuôn khổ Mỹ - Hàn chuẩn bị tập trận quân sự. Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng Triều Tiên đã có sẵn hàng trăm tên lửa đạn đạo có thể nhắm vào các nước láng giềng tại Đông Bắc Á. Thực tế trên buộc các quốc gia này phải đẩy mạnh phát triển sức mạnh quân sự để đề phòng.

Cuối năm 2011, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời, Triều Tiên bước vào thời kì quá độ và thay đổi chính quyền. Đến nay tình hình của Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chiến

tranh với bên ngoài đặc biệt là Hàn Quốc. Ngay từ khi lên nắm chính quyền Kim Jong Un luôn khẳng định con đường duy nhất để ổn định và thống nhất bán đảo Triều Tiên là bằng con đường vũ trang. Mặc dù bán đảo Triều Tiên tồn tại nhiều nhân tố khó lường nhưng cục diện bế tắc hiện nay khó có thể thay đổi nhanh chóng, cho dù những cuộc tiếp xúc giữa Triều Tiên và Mỹ gia tăng nhưng tương lai các cuộc đối thoại trực tiếp khó xác định. Bên cạnh đó, những hoạt động qua lại giữa chính quyền Bắc Kinh và Bình Nhưỡng dấy lên mối lo ngại về một cục diện an ninh hỗn loạn khi mà một cường quốc mới trỗi dậy kết hợp với quốc gia chứa đầy sức mạnh về hạt nhân.

Triều Tiên đứng ở vị trí cuối cùng trong bản báo cáo “Nuclear Threat Initiative” – "Sáng kiến đe dọa hạt nhân" của Mỹ vào năm 2012, nói về các biện pháp an toàn của các nước đang nắm giữ vật liệu hạt nhân [45, tr.45]. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cũng bày tỏ mối quan ngại về sự an toàn của các cơ sở hạt nhân Triều Tiên. Đưa ra lời bình luận tại diễn đàn an ninh hạt nhân ở Hagur vào tháng 3 năm ngoái, bà Park cho rằng chỉ cần một ngọn lửa nhỏ ở Yongbyon cũng có thể gây ra một thảm họa hạt nhân kinh khủng hơn Chernobyl. Chưa nói đến vấn đề chiến tranh nổ ra, chỉ cần với kho vũ khí hạt nhân tiềm tàng CHDCND Triều Tiên đã khiến cho cả châu Á luôn đứng trước bờ vực mất ổn định về an ninh.

Tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp, đe dọa an ninh khu vực và ổn định thế giới. Sự gia tăng căng thẳng giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã tạo nên cục diện chính trị hỗn loạn trên bán đảo này. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề rất phức tạp và đã kéo dài nhiều năm, không chỉ là vấn đề giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, mà còn liên quan tới lợi ích của nhiều nước trong "bàn cờ" chiến lược ở Đông Bắc Á và thế giới, nên việc giải quyết nó không thể thực hiện trong "một sớm một chiều". Tình hình thực tế đang ngày càng diễn biến phức tạp, đẩy mâu thuẫn giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., lên những tầng mức cao hơn, nguy hiểm hơn.

Châu Á hiện nay đang là khu vực có chỉ số chi tiêu cho quân sự lớn nhất thế giới. Tăng chi tiêu quân sự luôn là đặc trưng của khu vực gia tăng xung đột. Liệu chiến tranh có nổ ra ở châu Á không, trong bối cảnh mà Triều Tiên không chịu nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân, tranh chấp biển đảo ngày một gia tăng, hai cường quốc khu vực hàng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh quyết liệt với nhau, với sự tham gia của cả cường quốc số một thế giới là Mỹ? Những vấn đề về an ninh ở châu Á đang biến động từng ngày và điều đó càng thúc đẩy các quốc gia tìm cho mình một đồng minh tin cậy trong cuộc chạy đua vũ trang này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ chính trị an ninh nhật mỹ trong bối cảnh châu á hiện nay (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)