7. Kết cấu của luận văn
2.2. Xu hƣớng của quan hệ chính trị an ninh Nhật-Mỹ
Quan hệ chính trị - an ninh Nhật - Mỹ đã trải qua gần 70 năm trong sự hòa bình, hợp tác đầy triển vọng. Trong bối cảnh an ninh - chính trị thế giới và châu Á đầy biến động hiện nay, đặc biệt là sự trỗi dậy của nhân tố Trung Quốc thì có thể nói rằng trong tương lai, xu hướng của mối quan hệ Nhật - Mỹ sẽ ngày càng phát triển.
Hiện nay, Trung Quốc đang lên đe dọa vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Những chiến lược về biển của Trung Quốc đã phá vỡ vị thế cân bằng về an ninh vốn có của châu Á. Với tiềm vọng trở thành cường quốc biển, Trung Quốc uy hiếp trực tiếp đến an ninh của nhiều quốc gia trong khu vực trong đó có Nhật Bản. Nhật - Trung hai nước xuất hiện ngày càng nhiều mâu thuẫn chiến lược. Bên cạnh đó, tình hình nội bộ nước Mỹ cũng bộc lộ nhiều yếu điểm, nền kinh tế nước Mỹ đang cần có động lực để phục hồi trong khi ngân sách quốc phòng luôn chiếm phần lớn. Nước Nhật cũng đang cần có thời gian và động lực để phục hồi nền kinh tế, ổn định chính trị. Do đó, Nhật Bản và Mỹ - hai quốc gia cùng chịu những ảnh hưởng từ Trung Quốc, cùng có những nhu cầu lợi ích chung sẽ ngày càng phát triển mối quan hệ hợp tác chính trị - an ninh.
Các cường quốc trong khu vực đang thay đổi chiến lược của họ từ ganh đua ảnh hưởng sang cạnh tranh cân bằng quyền lực. Môi trường an ninh Đông Á đang bắt đầu thay đổi vào năm 2009 khi Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực khác đang bắt đầu gia tăng những tranh chấp lãnh hải với các nước khác trên biển Đông. Sự gia tăng tranh chấp lãnh hải đã tăng lên cấp độ quốc tế khi Trung Quốc nhận chủ quyền toàn bộ Biển Đông với bản đồ gồm “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”. Gần đây nhất, Trung Quốc và Nhật Bản đang leo thang trong cuộc tranh chấp lãnh hải giữa hai
nước này về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở bờ biển Hoa Đông. Các cuộc đối đầu giữa hai nước liên tiếp diễn ra làm căng thẳng ngoại giao giữa hai nước không có dấu hiệu suy giảm.
Các nước châu Á đang không ngừng thay đổi chính sách quốc phòng và tìm kiếm quan hệ quốc phòng song phương với các cường quốc bên ngoài khu vực để chống lại sự bành trướng lãnh hải quyết liệt từ Trung Quốc.Và Nhật Bản là một trong những nước đó. Vào năm 2010, Chính phủ Nhật đã cho ra đời Đường lối chỉ đạo Chính sách quốc phòng mới theo đó nước này cần phải “dõi theo” những hành động quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Điều đó thúc đẩy Nhật Bản ngày càng tăng cường mối quan hệ chiến lược song phương đặc biệt là quan hệ đồng minh với Mỹ.
Thực chất của chính sách xoay trục trở lại châu Á của Mỹ là một sự cam kết về an ninh, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đồng minh. Vì vậy, Mỹ đã hoàn toàn ủng hộ quyết định của Nhật trong việc diễn giải lại hiến pháp, theo đó cho phép Nhật có thể tham gia vào các vấn đề an ninh tập thể, quyền tiến hành phòng vệ tập thể theo những cách hạn chế, đây là điều rất có lợi cho liên minh của Mỹ. Sự cầm quyền trở lại của Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã làm dấy lên hy vọng tại Washington về vai trò lớn hơn của Nhật đối với an ninh khu vực, trong bối cảnh Mỹ cắt giảm ngân sách. Lãnh đạo mới của Nhật sẽ tạo điều kiện cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển tăng cường sức mạnh nhằm đối phó các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp Senkaku (Điếu Ngư).
Dưới tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ, Nhật Bản sẽ là một đối tượng cần được đưa ra đánh giá kĩ lưỡng khi các lực lượng có vũ trang có ý định tấn công nước này, bởi vì tấn công Nhật Bản đồng nghĩa với việc đụng chạm đến nước Mỹ. Hay nói cách khác, tấn công Nhật Bản cũng tương tự như tấn công vào nước Mỹ một siêu cường quốc vừa mạnh về kinh tế, vừa mạnh về quân sự. Chính sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nhật Bản là một sự kiềm chế các nước khác trong khu vực trong việc gây hấn với Nhật Bản. Các nước trước
khi hành động sẽ phải suy tính đến yếu tố Mỹ, đến sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực, đặc biệt là hiện diện trên lãnh thổ Nhật Bản. Có thể nói, đối với các nước xung quanh thì sự hiện diện của các phương tiện chiến đấu của Mỹ đã tạo ra một sức ép đối với họ không chỉ đối với ý đồ tấn công Nhật Bản mà ngay cả ý đồ bố trí và sắp xếp các phương tiện chiến đấu hướng đến Nhật Bản. Vì việc bố trí này được coi như một sự thách thức và đe dọa đến các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản và sẽ gặp phải phản ứng từ phía Mỹ. Như vậy, có thể nói rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của Nhật Bản góp phần làm giảm nguy cơ đe dọa về an ninh đối với nước này từ các nước xung quanh trong khu vực.
Vào đầu tháng 5/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kết thúc chuyến công du kéo dài một tuần tới Mỹ. Ông Abe đã có bài phát biểu trước cả hai viện của Quốc hội Mỹ - điều mà chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ. Bài phát biểu có tên gọi “Hướng tới một liên minh của hy vọng” - khẳng định “mối quan hệ Mỹ - Nhật là một liên minh đầy triển vọng trong tương lai” [87]. Chuyến công du của Thủ tướng Shinzo Abe cũng mở ra cơ hội cho những nỗ lực của Nhật Bản muốn thoát khỏi những ràng buộc về pháp lý, nền tảng của mối quan hệ Mỹ - Nhật sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhật Bản sẽ trở thành một nhân tố chủ động hơn, tự chủ hơn trong việc định hình tình hình an ninh khu vực và là động lực chính trị của khu vực châu Á, đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc.
Chuyến thăm nước Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra trong thời điểm tốt đẹp nhất của quan hệ hai nước. Đã qua rồi thời mà Mỹ - Nhật tranh chấp thương mại, kích động căng thẳng vào những năm 1980, thậm chí khi đó 9 nghị sĩ quốc hội Mỹ còn đập nát một chiếc đài của hãng Toshiba Nhật. Giờ đây quan hệ song phương đã tốt đẹp hơn rất nhiều. Những quyền lợi kinh tế của Nhật liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ - Nhật sắp tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. Đây sẽ là động lực để tạo
ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn với hơn mười quốc gia nằm trên vành đai Thái Bình Dương và làm cho tầm nhìn về châu Á của cả Mỹ và Nhật sẽ hài hòa với nhau. Đồng thời những quan điểm gần như tương đồng của hai nước về vấn đề Trung Quốc sẽ kiến tạo một cấu trúc hòa bình lâu bền hơn cho châu Á. Và điều đó sẽ làm cho mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ trở thành mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn nhiều so với hơn 6 thập niên qua.
Bên cạnh việc Mỹ - Nhật tăng cường hợp tác, có thể nhận ra rằng có một xu thế mới trong mối quan hệ của Nhật và Mỹ với Trung Quốc, đó là vừa đối địch lại vừa là đối tác. Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, với thị trường tiêu thụ dồi dào, thị trường hàng hóa khổng lồ, nền kinh tế ngày càng phát triển. Mà nền kinh tế Nhật Bản và Mỹ hiện nay đang phục hồi sau những cơn khủng hoảng trầm trọng. Vì vậy, Mỹ, Nhật muốn phục hồi nền kinh tế phải mở rộng hợp tác với các nước có nền kinh tế lớn, phát triển, Trung Quốc chính là quốc gia đáp ứng yêu cầu đó. Vì vậy trên cơ sở lợi ích kinh tế, Mỹ và Nhật ngày càng có xu hướng xây dựng Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế vững mạnh trong tương lai. Có thể thấy rằng, dù mối quan hệ an ninh Nhật - Mỹ có phát triển đến tầm cỡ nào cũng không thể xem thường vai trò của việc phát triển nền kinh tế, do đó trong tương lai, việc phát triển linh hoạt mối quan hệ này với Trung Quốc là điều kiện sống còn để quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ tồn tại.
Tình hình địa chính trị Đông Á nói riêng và châu Á nói chung đang thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc sẽ trải qua một nhiều biến đổi về chính trị và kinh tế, trong khi Nhật Bản ngày càng tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong các vấn đề quân sự và chính trị khu vực. Tuy nhiên, tình hình nội bộ nước Mỹ, Nhật Bản cùng các yếu tố khác như tranh chấp lãnh thổ biển đảo ngày càng gia tăng, tình hình hạt nhân Triều Tiên cũng sẽ cản trở những nỗ lực của cả hai nước trong việc ổn định lại tình hình chính trị - an ninh khu vực. Nhưng không có nghĩa là chính phủ hai nước Mỹ và Nhật Bản sẽ không
tiếp tục nỗ lực cho một mối quan hệ chính trị - an ninh bền vững - nền tảng của hòa bình, ổn định tại châu Á.
Nước Mỹ đang có nhiều đổi thay, đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính kinh tế, do di sản của các chính quyền trước để lại, do quan hệ quốc tế có nhiều biến động phức tạp… Nhưng, nước Mỹ vẫn là siêu cường, vẫn có sức mạnh kinh tế số một thế giới ngay cả khi khủng hoảng kinh tế và các đối tác khác đang lớn mạnh không ngừng. Về khách quan, Mỹ đang có cơ sở hết sức to lớn để để đảm bảo cho vị thế siêu cường số 1 thế giới: khoa học công nghệ phát triển, yếu tố con người, tiềm lực quân sự, tiềm lực kinh tế, sự linh hoạt của chính sách quốc gia…Đây là cơ sở quan trọng mà bất cứ nước nào trên thế giới muốn phát triển mạnh, không thể không tính đến để thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Nhật Bản là một quốc đảo với diện tích khiêm tốn ở Đông Bắc châu Á với vị trí địa lý đón nhiều thiên tai như núi lửa, động đất, sóng thần. Lại thêm trong những năm gần đây đất nước gặp nhiều khó khăn: nền chính trị bất ổn, hai chính đảng LDP và DPJ đấu đá không ngừng, liên tục thay đổi người đứng đầu Chính phủ, nền kinh tế đang chững lại, từ vị trí thứ hai thế giới xuống vị trí thứ ba sau Trung Quốc. Tuy nhiên, nước Nhật vẫn là nước lớn mạnh hàng đầu trên thế giới và có sức ảnh hưởng lớn tại châu Á. Mặc dù nền kinh tế chưa khôi phục nhưng nhìn vào các chỉ số của nền kinh tế Nhật Bản (ước tính năm 2015 GPD 4210 tỷ USD, GPD bình quân đầu người 33223 USD) [106] vẫn phải công nhận rằng nước Nhật vẫn là một cường quốc. Nhật Bản có cơ sở vững chắc để phát triển và khẳng định vị trí lâu dài trên trường quốc tế: nguồn nhân lực quý hiếm, đầy tài năng, khoa học công nghệ hiện đại, tiềm lực kinh tế mạnh…Tất cả tạo cho Nhật một ưu thế để trở thành quốc gia mà bất cứ nước nào trên thế giới cũng muốn hợp tác cùng phát triển.
Có thể khẳng định rằng, với ưu thế của hai cường quốc hàng đầu thế giới và trong tình hình quốc tế ngày nay, Mỹ và Nhật sẽ không có lý do để
không tiếp tục phát triển mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước. Liên minh Mỹ - Nhật vẫn mạnh mẽ trong gần 70 năm qua vì lợi ích chung trong một châu Á hòa bình thịnh vượng. Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ Nhật Bản không chỉ nhằm bảo vệ không phận và quyền tự do hàng hải mà còn bảo vệ cả các nguyên tắc mà Mỹ đã nuôi dưỡng và duy trì ở châu Á trong nhiều năm qua. Theo các chuyên gia, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật sẽ là tấm bảo hiểm vững chắc cho sự hòa bình, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương trong vài thập niên tới.