Kế thừa sự dung hợp Tam giáo ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) triết lý nhân sinh của thiền phái trúc lâm yên tử và giá trị lịch sử của nó (Trang 28 - 34)

8. Kết cấu của đề tài

1.2. Tiền đề tư tưởng hình thành triết lí nhân sinh của thiền phái Trúc

1.2.1. Kế thừa sự dung hợp Tam giáo ở Việt Nam

Triết lí nhân sinh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là sự kế thừa truyền thống dung hợp tam giáo vốn được người Việt Nam (đặc biệt trí thức Việt Nam) thực hiện từ trước thời Trần, song được nâng lên tầm tôn giáo dân tộc của người Việt Nam.

Trước khi Việt Nam bị các triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược và đô hộ (một nghìn năm Bắc thuộc). Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam, dân tộc Việt đã có một lịch sử dựng nước sớm, một nền văn minh (Sông Hồng)

lâu đời, với nhà nước Văn Lang đầu tiên (khoảng 700 - 258 TCN) và nhà nước Âu Lạc (khoảng 257 - 208 TCN) có “trình độ văn hóa khá cao, có xã hội tổ chức thành quy củ, tồn tại lâu dài hình thành hàng nghìn năm” [24, tr. 106], cũng như có phong tục tập quán, tín ngưỡng, công cụ kĩ thuật sản xuất nông nghiệp lúa nước cùng với các văn hóa phong phú hình thành từ rất sớm như Phùng Nguyên (2000 - 1500 TCN), Đồng Đậu (1500 - 1100 TCN), Gò Mun, Sơn Vi, Hòa Bình, Đông Sơn (khoảng thế kỉ VII TCN đến thế kỉ II SCN) mà người Việt Nam hiện nay rất tự hào [25, tr. 57].

Tuy nhiên, trước khi tiếp nhận những tôn giáo ngoại lai (Phật, Nho, Đạo), người Việt cổ đã có tín ngưỡng riêng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Đó là tín ngưỡng đa thần và tục thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng đa thần của người Việt cổ là tin và thờ cúng nhiều vị thần linh như Trời, Sấm sét, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Ông Địa, Ông Táo; Các vị thần bảo trợ mùa màng như Thần Lúa, Mẹ Lúa và Phật giáo khi vào hòa quyện cùng với các tín ngưỡng bản địa và đã tiếp biến thành các vị thần biểu tượng tự nhiên của văn minh nông nghiệp như Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện… thành các thần linh phù trợ cho người nông dân được mùa và ấm no.

- Về Phật giáo du nhập và dung hòa với Nho, Đạo ở Việt Nam: Theo Đại Việt sử kí toàn thư, thời Tây Hán, tức khoảng 110 TCN - 39 sau CN, hai viên

Thái thú Tích Quang và Nhâm Diên đã “dựng học hiệu, dạy lễ nghĩa” tại quận Giao Chỉ và Cửu Chân bắt đầu truyền Nho giáo vào Việt Nam từ đó. Trong việc truyền bá Nho giáo, Sĩ Nhiếp1 (137 - 266) là người có công lao sớm nhất.

Cũng theo Đại Việt sử kí toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên đã đánh giá cao vai trò

truyền bá Nho giáo ở Việt Nam của ông: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chả lớn sao?” [89, tr.164].

1

Sĩ Nhiếp “người huyện Quảng Tín, quận Thượng Ngô. Tổ tiên ông là người Vấn Dương nước Lỗ, hồi loạn Vương Mãng ở Bắc triều, tránh sang ở đất Việt ta, đến Vương là sáu đời. Khi còn ít tuổi, Vương du học ở kinh đô nhà Hán, theo học Lưu Tử Kì người Dĩnh Xuyên, chuyên trị sách Tả thị xuân thu, có làm chú giải” [87, tr.25].

Nho giáo là công cụ của chính sách đô hộ nhà Hán là nhằm đồng hóa dân tộc Việt trong nghìn năm Bắc thuộc, thì Phật giáo lại trở thành công cụ của các triều đại Việt Nam chống Bắc thuộc, nhằm khẳng định tinh thần độc lập dân tộc chống âm mưu đồng hóa bảo tồn nòi giống, bảo tồn di sản văn hóa cổ truyền dân tộc, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Phật giáo trở thành một trong những vũ khí tinh thần mà nhân dân ta lựa chọn khi không thể không phản ứng, chống lại hệ tư tưởng thống trị do kẻ xâm lược đưa vào. Nhưng dân tộc ta cũng biết tiếp thu tinh hoa văn hóa ngoại lai để làm phong phú và sâu sắc nền văn hóa vốn có của dân tộc. Người Việt, theo một số học giả, đã dùng Phật giáo làm tấm lá chắn chống lại chính quyền đô hộ. Bởi vì Phật giáo với tư tưởng “từ, bi, hỉ, xả” đứng về người đau khổ, đứng về phía dân tộc, rất gần gũi với quan niệm phúc đức, nhân ái, vị tha của người Việt.

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền xưng Vương hiệu (939), xác lập nền độc lập và chủ quyền quốc gia. Tiếp đó, nhà Đinh, nhà Tiền Lê (968 - 1009) tiếp tục trị vì đất nước, song đều quá bận rộn với việc xây dựng nhà nước non trẻ và ổn định trật tự xã hội, đặc biệt là không ngừng đối phó với các mối đe dọa lãnh thổ và độc lập dân tộc của giặc ngoại xâm. Lúc đó việc giáo dục trong nước chưa được hệ thống, việc dạy và học hầu hết còn mang tính tự phát và “do nhà chùa đảm nhận”.... “…Tam giáo tự do lưu hành. Nhà nước sử dụng nhân tài từ cả ba nguồn: Phật, Đạo, Nho - mà trước hết là từ Phật giáo, rồi kế đó là Đạo giáo; còn Nho giáo thì chưa được trọng thị lắm, nhân tài Nho giáo hãy còn hiếm hoi, mờ nhạt như sao buổi sáng” [25, tr. 64].

Vương triều Lý (1010 - 1225), được xem là đã mở ra kỉ nguyên văn minh Đại Việt với những thành tựu phát triển về mọi mặt, nhất là về văn hóa tinh thần và tư tưởng. Xã hội phong kiến Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Theo đó, cả Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đều được nhà nước sử dụng

và tạo điều kiện phát triển. Chúng bổ sung cho nhau những điểm mạnh, điểm yếu và cũng đáp ứng nhu cầu tổ chức quản lí xã hội nhằm củng cố vương triều non trẻ, củng cố vị thế đất nước trong khu vực, đồng thời đáp ứng cả nhu cầu tư tưởng, đời sống tâm linh, đạo đức của các tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên Đại Việt vẫn cần khẳng định một tôn giáo dân tộc của người Việt. Đặc biệt, Phật giáo đã có vị thế ưu tiên từ những triều đại đầu tiên và tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong việc kiến lập nên vương triều Lý. Do vậy, Phật giáo được nhà Lý hết sức coi trọng, chiếm địa vị chủ đạo như là quốc giáo trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam lúc đó. Tuy nhiên, các triều đại đều tiếp tục giá trị tư tưởng chính trị - xã hội của Nho giáo vì “… muốn trị nước, củng cố chế độ phong kiến, thì ở vào thế một nước láng giềng có mối quan hệ văn hóa và chủng tộc với Trung Quốc, nhà Lý không thể không cậy vào Nho giáo mỗi lúc một thêm nhiều” [25, tr. 66].

Như vậy, đến triều Trần (1226 - 1400), Nho giáo và Đạo giáo có sự khởi sắc hơn thời Lý, nhưng nhà Trần tôn chuộng Phật giáo song vẫn tiếp tục chính sách thi Tam giáo trên tinh thần “Tam giáo đồng nguyên”. Kinh nghiệm với bài học từ các cuộc nổi dậy của nông dân vào cuối đời Lý, đồng thời để duy trì quyền lực và bảo đảm trật tự xã hội, nhà Trần một mặt đề cao Phật giáo song vẫn tiếp tục thực hiện việc tiếp thu Nho học, phát triển và hoàn thiện chế độ khoa cử, tôn tạo Văn Miếu, thực hiện tế tự Khổng Tử... làm cho Nho giáo phát triển lên một bước mới.

Trên cơ sở tiếp thu Quốc tử giám từ thời Lý, nhà Trần lập ra các trường Quốc tử viện, Quốc học viện, Thái học, Nhất toát trai, Tư thiện đường, Thiên trường phủ học, Lạn Kha thư viện v.v... nên Nho học càng được củng cố và mở rộng nhanh chóng so với Phật giáo. Chẳng hạn sử sách còn ghi lại: năm 1236, nhà Trần đặt chức Thượng thư tri Quốc tử viện, đưa con em văn thần, tụng thần (chức quan tư pháp) vào học; Năm 1253, nhà Trần cho lập Quốc

học viện, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh bảy mươi hai người hiền để thờ [90, tr. 25].

Đạo giáo và Đạo gia tuy không phát triển nhanh và có ảnh hưởng lớn như Nho giáo và Phật giáo, nhưng vẫn giữ một vai trò nhất định trong những tiền đề lí luận hình thành triết lí nhân sinh đối với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nếu Đạo gia ảnh hưởng nhiều đến tầng lớp trí thức thì Đạo giáo lại ảnh hưởng trong dân chúng. Thời nhà Lý, Đạo giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần xã hội, biểu hiện ở việc xây dựng nhiều miếu thờ cũng như trọng vọng các đạo sĩ, nổi bật là đạo sĩ Thông Hiền và các bùa chú, chữa bệnh... Đạo gia thì được các thiền sư vận dụng thuyết vô vi để bàn về vận mệnh quốc gia, như thiền sư Pháp Thuận. Đến thời nhà Trần, Đạo giáo tiếp tục hòa vào tín ngưỡng dân gian của cư dân Việt, trong tinh thần dung hợp Tam giáo đồng nguyên. Chẳng hạn như Trần Nhân Tông đề cao quan điểm “tiêu dao”, hòa với tự nhiên vô vi, sống ung dung tự tại nơi “non xanh”, “nước biếc”, hoặc nơi thôn dã thanh bình, “ăn rau trái”, “vận giấy vận sồi”, “lánh thị phi, ghê danh sắc” [85, tr. 505 - 507].

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng từ thời Sĩ Nhiếp (187 - 226)

Phật giáo đã phát triển khá hưng thịnh ở Giao Châu (tức Luy Lâu). Trong Đại Việt sử kí toàn thư có đoạn ghi lại thư của Viên Huy nhà Hán gửi cho Thượng

thư lệnh là Tuân Úc rằng: “Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị… Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn, những ý nghĩa to lớn, ông đều hiểu biết tường tận, đầy đủ. Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát đánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu…” [89, tr. 163]. Lối sống này cho thấy mức độ Phật giáo hóa ở Luy Lâu của

người Việt lúc đó. “Như vậy, Sĩ Nhiếp không chỉ xây dựng được chính quyền độc lập, mà còn xây dựng một nền văn hóa độc lập, là sự kết hợp văn hóa Lạc Việt với văn hóa mới Ấn Độ, mà đại diện là Phật giáo đủ sức chống trả lại sự đồng hóa từ phía Bắc.” [33, tr. 43 - 44].

Nhờ những điều kiện thuận lợi và trên cơ sở văn hóa Việt Nam truyền thống mà Phật giáo đã tiếp thu những yếu tố của Nho và Đạo để phát triển với tư cách tôn giáo trong quan hệ Tam giáo; Mặt khác Phật giáo bám rễ trong dân chúng và trở thành một trong những yếu tố của văn hóa Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển trước và đầu thời Trần, Phật giáo không chỉ đã khẳng định được tầm quan trọng trong đời sống tâm linh, đạo đức của dân tộc Việt, mà còn ảnh hưởng nhất định đến đời sống chính trị. Chẳng hạn qua tư tưởng “dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm”, “thân dân”, “khoan thư sức dân” ở các triều đại Lý - Trần là những tư tưởng trị quốc (chính trị - xã hội của Nho giáo), song được thực hiện với sự định hướng đạo đức hướng thiện của Phật giáo.

Có thể khẳng định, Phật giáo đã phát triển mạnh và đạt tới sự hưng thịnh nhất định, và được sử dụng như một quốc giáo ở thời kì Lý - Trần. Từ đó Phật giáo tiếp tục phát triển trên cơ sở hai lần tích hợp:

- Tích hợp ba thiền phái (Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường) có từ thời Lý;

- Tích hợp ba tông (Thiền, Tịnh, Mật) có ảnh hưởng không nhỏ đến tín đồ người Việt.

Cùng với đó là sự xuất hiện các nhà tư tưởng Phật học, Thiền học lớn của Việt Nam như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ. Đó là những tiền đề tư tưởng cần thiết cho sự hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như một dấu ấn đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ ảnh hưởng tới người dân bằng triết lí nhân sinh, mà trong triều đình và hầu hết các vị vua thời Lý - Trần đều tôn sùng Phật và am hiểu, vận dụng triết lí Phật giáo trong những vấn đề về nhân sinh. Tuy nhiên mối quan hệ Nho -

Lão - Phật cũng như trong mô thức “Tam giáo đồng nguyên”, chủ yếu là sự

kết hợp giữa Phật và Nho trong tư tưởng và thực tiễn đời sống.

Như vậy, đến thời kì nhà Lý, cùng với sự dung hợp tư tưởng tam

giáo (Phật, Nho và Lão) và dung hợp tư tưởng của ba thiền phái (Tì Ni Đa

Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường), đồng thời là sự phát triển cả

Thiền, Tịnh và Mật của Phật giáo. Tất cả đã tạo nên tiền đề tư tưởng vô cùng quan trọng cho nhu cầu thống nhất Phật giáo Việt Nam và hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) triết lý nhân sinh của thiền phái trúc lâm yên tử và giá trị lịch sử của nó (Trang 28 - 34)