Giá trị của triết lí Phật tại tâm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) triết lý nhân sinh của thiền phái trúc lâm yên tử và giá trị lịch sử của nó (Trang 73 - 77)

8. Kết cấu của đề tài

2.3.1.Giá trị của triết lí Phật tại tâm

2.3. Một số giá trị lịch sử của triết lí nhân sinh của Thiền Trúc Lâm Yên

2.3.1.Giá trị của triết lí Phật tại tâm

Từ góc độ lịch sử thì Phật giáo thời Trần đã tạo nên một mốc son đồng hành cùng dân tộc và có đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Đó là sự dung hợp các dòng thiền trước đây như Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - mang đậm dấu ấn của người Việt chúng ta.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với những triết lí nhân sinh sâu sắc đặc biệt là triết lí Phật tại tâm đã có tác động to lớn đối với việc hình thành tinh thần cố kết tất cả các thành phần xã hội, gắn bó cộng đồng quân dân nhà Trần cao độ, để phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sở dĩ thể hiện được triết lí nhân sinh, nhập thế tích cực, ngoài những lí do trên, còn một nguyên nhân

khác đó là bản thân cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông với vị thế xã hội và tôn giáo kép đặc biệt của mình: vừa là vị quân vương, vừa là thiền sư; không chỉ là người sáng lập ra thiền phái lớn nhất Việt Nam thời đó mà còn là vị vua anh minh dẫn dắt muôn dân trị vì đất nước. Vị thế kép đặc biệt đó đã khiến ông không thể tách rời đạo với đời, có điều kiện kết hợp đạo với đời, gắn lợi ích của bản thân với lợi ích của toàn dân tộc và tôn giáo, gắn lợi ích tôn giáo với lợi ích triều đình và Nhà nước...

Trong suốt cuộc đời mình, dù làm vua hay làm giáo chủ, Trần Nhân Tông lúc nào cũng hết lòng lo cho dân cho nước, cũng như lúc nào cũng lo học hỏi tham thiền, nhằm xây dựng một hệ tư tưởng, một tổ chức Phật giáo thống nhất góp phần làm chỗ dựa tinh thần cho một quốc gia thống nhất, có nền văn hóa văn minh độc lập, chống lại ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, chống lại sự xâm lược của quân Nguyên - Mông tàn bạo. Điều đó được biểu

hiện rõ trong bài Tiễn sứ Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng của ông: “Trời Nam, sao xứ chiếu hai ngôi,

Dẫn lối ba vòng, đêm sáng soi. Bên ấy, ơn sâu tình cảm động, Nơi đây, lễ bạc thẹn sơ sài. Gió xuân vi vút, vui kèm ngựa, Cờ tiết xông pha, mừng khỏe người. Trung Thống, chiếu xưa, lời hãy nhớ,

Nỗi lo đất nước, dịu lòng tôi.” [85, tr. 479].

Với tấm lòng “ưu quốc” (thương dân), ông đã sang tận Chiêm Thành, gặp gỡ Chế Mân, hứa gả công chúa cho vua Chiêm để giữ tình giao hảo lâu dài giữa hai nước Chiêm - Việt. Ông không chỉ giữ vai trò linh hồn của hai cuộc kháng chiến thần thánh chống quân Nguyên - Mông ấy, mà còn là người trực tiếp rèn binh, khiển tướng, tổ chức lãnh đạo, động viên quân dân Đại Việt nêu cao tinh thần và khí phách dân tộc, đoàn kết trên dưới một lòng “Sát Thát”, giành thắng lợi vẻ vang.

Hơn nữa triết lí nhân sinh của Phật giáo còn thể hiện ở sự nghiệp đánh giặc giữ nước, cứu dân, xây dựng một chế độ chính trị thân dân với xã hội yên bình, thịnh trị của Trần Nhân Tông. Ông đã biết “khoan thư sức dân”, dựa vào sức mạnh của dân để làm kế thượng sách giữ nước, làm cơ sở cho sự tồn tại vững chắc của nhà nước quân chủ. Việc Trần Nhân Tông tổ chức hội nghị Diên Hồng đã thể hiện cao tinh thần lấy dân làm gốc, một hình thức “Quốc dân đại hội” lần đầu tiên ở nước ta, lấy ý kiến của dân, tạo điều kiện cho dân tỏ rõ ý chí, quyết tâm và trực tiếp tham gia góp phần quyết định đến vận mệnh của đất nước. Ông xuống chiếu ban hành các chính sách để dưỡng dân và giáo dân, ý tưởng triệu tập bô lão trong cả nước nảy sinh từ tư tưởng thân dân, trọng dân, từ ý thức lấy dân làm gốc. Trong hai lần kháng chiến chống Nguyên - Mông, Trần Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ cố kết lòng dân, lãnh đạo nhân dân vượt qua bao khó khăn, thử thách, đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Trên nền tảng yêu nước thương dân, tinh thần từ bi hỉ xả của nhà Phật cũng mang lại cho Trần Nhân Tông một tinh thần thân dân sâu sắc. Ông luôn biết chia sẻ niềm vui và nỗi nhọc nhằn đắng cay với nhân dân. Sự cảm thông chia sẻ ở ông thể hiện với một giá trị nhân văn sâu sắc, quan tâm lo lắng cho cuộc sống người dân, mong cho dân có cuộc sống ấm no, yên bình.

Triết lí nhân sinh của Trần Nhân Tông là đánh giặc giữ nước, cứu dân như ông chủ trương xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh để đối phó với giặc ngoại xâm, vừa dựa vào sức mạnh toàn dân để đánh giặc giữ nước. Trần Nhân Tông đã kế thừa và nâng lên một bước chính sách “ngụ binh ư nông” chủ trương khi có giặc ngoại xâm thì “cử quốc nghênh địch”. Với tinh thần “Sát Thát”, “quyết chiến” của toàn dân như tạo thêm sức mạnh cho cuộc chiến tranh giữ nước.

Có thể nói rằng, tư tưởng quân sự dưới thời Trần Nhân Tông được hình thành và gắn liền với tư tưởng nhân nghĩa vì mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, đem lại cho nhân dân cuộc sống an bình thịnh vượng, đã toát

lên tính nhân văn cao cả thiêng liêng, tạo được niềm tin vững chắc trong quần chúng nhân dân hướng tới mục tiêu chung của toàn dân tộc: đánh bại xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cuộc sống an lạc, yên bình.

Trần Nhân Tông đã phát động thắng lợi cuộc “chiến tranh nhân dân” là vì ông đã thực hiện thành công sự đoàn kết toàn dân, tập hợp sức mạnh của cả nước để chống giặc ngoại xâm, với chính sách “bền gốc sâu rễ”, lấy dân làm gốc, tức là phải xây dựng cho được nền chính trị thân dân, biết phát huy tinh thần “làm chủ” của dân. Tư tưởng yêu nước, thân dân đó của Trần Nhân Tông là sự kết hợp khéo léo giữa tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Nho giáo trong chính sách nội trị, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, vừa để thực hiện mục đích giải thoát về mặt tâm linh, vừa để tạo nên sức mạnh, vỗ yên lòng dân, củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền, đánh thắng giặc ngoại xâm, giải phóng cho nhân dân về mặt hiện thực.

Với tư cách nhà chính trị - Trần Nhân Tông tỏ rõ tài thao lược trong trị quốc an dân, coi trọng hào hiếu, cố kết lòng người, giữ vững độc lập và chủ quyền quốc gia, hưng thịnh đất nước, tận tụy và kiên gan trong tìm đường khai giải nội lực con người và dân tộc để mong vượt thoát và lớn mạnh. Trần Nhân Tông luôn tôn cao thể diện quốc gia và cốt cách quân vương Đại Việt, rắn mà không ròn, nhu mà không hèn, kính mà không thẹn, nhường mà không mất, nhịn mà không thua. Như vậy ta có thể thấy thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với triết lí nhân sinh sâu sắc, đặc biệt là triết lí Phật tại tâm có giá trị đoàn kết dân tộc và văn hóa Đại Việt.

Có thể nói rằng chính triết lí Phật tại tâm có ý nghĩa to lớn cho việc đoàn kết dân tộc để xây dựng nền văn hóa dân tộc. Văn hóa Lý - Trần là giai đoạn phát triển thịnh đạt của văn hóa Đại Việt. Văn hóa Lý - Trần đã chủ động khôi phục lại những yếu tố văn hóa Việt cổ đồng thời cải biến tích hợp những yếu tố văn hóa ngoại sinh, tạo nên một phong cách riêng cho mình - văn hóa độc lập. Cũng dựa trên sự cân bằng văn hoá, văn hóa Lý - Trần là sự

hỗn dung của dòng văn hóa dân gian với dòng văn hóa cung đình, giữa những yếu tố bình dân với những yếu tố bác học, giữa Phật - Đạo và Nho. Gam màu nổi bật của văn hóa thời kì này là sự ưu trội của dòng văn hóa dân gian, đan xen vào sinh hoạt văn hóa cung đình, tuy xu thế phát triển của nó là ngả dần sang văn hóa Đông Á Nho giáo. Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần đã mang đậm tính dân gian.

Văn hóa Đại Việt thời Trần chính là một sức mạnh tinh thần, vừa là một xung lực vừa là một kháng thể trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời nó cũng là một tố chất cố kết cộng đồng người Việt, trên cơ sở tìm về một cội nguồn lịch sử và văn hóa chung, làm chín muồi ý thức quốc gia và tinh thần dân tộc Việt [49, tr. 106 - 107].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) triết lý nhân sinh của thiền phái trúc lâm yên tử và giá trị lịch sử của nó (Trang 73 - 77)