Ba dòng thiền và ba môn phái Phật giáo Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) triết lý nhân sinh của thiền phái trúc lâm yên tử và giá trị lịch sử của nó (Trang 34 - 39)

8. Kết cấu của đề tài

1.2.2.Ba dòng thiền và ba môn phái Phật giáo Việt Nam

1.2. Tiền đề tư tưởng hình thành triết lí nhân sinh của thiền phái Trúc

1.2.2.Ba dòng thiền và ba môn phái Phật giáo Việt Nam

Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường mặc dù có điểm khác nhau về triết lí, về cách thức và phương pháp tu tập cũng như vai trò của từng thiền phái trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, nhưng giữa ba thiền phái trên cũng có một số đặc điểm chung nhất định, đó là chúng đều dựa trên những triết lí cơ bản của Phật giáo Thiền tông để bàn luận, phát triển, làm sáng tỏ và phong phú hơn những vấn đề cốt lõi của Phật giáo như tâm Phật, kiến tính, đích giải thoát… Cả ba thiền phái này đều có xu hướng nhập thế, tức là khắc phục hạn chế “lập trường xuất thế, lánh đời” của Phật giáo gốc ở Ấn Độ để hòa nhập vào cuộc sống, giúp đời.

Triết lí của ba thiền phái này trong quá trình hòa nhập với tư tưởng, lối sống, văn hóa, đạo đức của người Việt Nam là những tiền đề lí luận căn bản cho sự hợp nhất thành một tôn giáo - Phật giáo Việt Nam (thiền phái Trúc Lâm Yên Tử) đời Trần có triết lí nhân sinh phù hợp với nhu cầu tâm linh, đạo đức, văn hóa của dân tộc và được triều đình nhất lòng hộ trì.

Hệ thống giáo lí của ba tông phái thiền Phật giáo thời kì này ở Việt Nam cũng đều gắn với tính thiền của Phật giáo Đại thừa. Theo nghĩa thông thường, kĩ năng luyện tập cho tâm trí được thanh tịnh có thể được gọi là Thiền. Nhưng Thiền tông lại khác hẳn với tất cả Thiền khác, ở chỗ được coi là

thực hành theo pháp Thiền mà Phật Thích Ca đích thân truyền dạy, chuyên chú trọng thực hành không cần lí luận. “… khuynh hướng Thiền - hay đúng hơn là Tiền Thiền - đã xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỉ III, với Khương Tăng

Hội và kinh An Ban Thủ Ý, làm cơ sở cho sự tiếp nhận và phát triển Thiền

tông về sau” [95, tr. 82].

Theo Thiền uyển tập anh, năm 580, nhà sư Ấn Độ, Tì Ni Đa Lưu Chi

(Vinitaruci) đã sang Việt Nam thành lập phái thiền đầu tiên - thiền phái Tì Ni

Đa Lưu Chi với kinh điển thuộc văn hệ Bát nhã có gốc từ nam Ấn Độ. Triết lí

nhân sinh của Tì Ni Đa Lưu Chi:

"Tâm ấn của chư Phật không có lừa dối, tròn như thái hư, không thiếu không dư, không đi không lại, không được không mất, chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn, vốn không có chỗ sinh, cũng không có chỗ diệt, cũng chẳng xa lìa và cũng chẳng phải chẳng xa lìa. Vì đối với vọng duyên mà giả lập tên ấy thôi... Tổ Tăng Xán khi Ấn khả chứng minh tâm này cho ta bảo ta mau về phương Nam giáo hóa. Đã trải qua nhiều nơi nay đến đây gặp ngươi quả là phù hợp với lời huyền kí. Vậy ngươi khéo giữ gìn, giờ đi của ta đã đến" [40, tr. 72].

Năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông sang Việt Nam, truyền bá dòng thiền thứ hai, Vô Ngôn Thông, mang đậm màu sắc Thiền Trung Quốc. Từ đây, từ “Buddha” được chuyển âm thành “Phật” qua biến âm của từ (Phô) trong tiếng Hán và thay thế dần từ “Bụt” - vốn là tiếng Việt chuyển âm trực tiếp tiếng Ấn “Buddha” của Phật giáo Ấn Độ. Từ “Bụt” giờ chỉ còn trong tín ngưỡng và các câu truyện dân gian, thơ, phú. Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh đến chủ trương đốn ngộ và vô đắc vốn rất gần gũi với giáo lí thiền phái Nam Phương ở Trung Hoa. Nhưng khi vào Việt Nam, thiền phái này, cũng như thiền phái Tì Ni Ða Lưu Chi, đã rất gần gũi với đời sống xã hội của người Việt, tham dự vào đời sống (nhập thế) trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình [40, tr. 119].

Tuy nhiên, tư tưởng nhân sinh của thiền tông cũng có sự kết hợp tam môn phái (Thiền - Tịnh - Mật) “... trong mấy thế kỉ đầu của thời kì độc lập tự chủ nhất là trong thời Lý - Trần, Phật giáo Thiền tông chiếm ưu thế...” và về mặt tín ngưỡng, “Thiền Tông ở nước ta kết hợp với tín ngưỡng nguyên thủy bản địa, với Đạo giáo và những yêu cầu thực tế của nhân dân, cũng vì vậy mà nó mang nhiều yếu tố của Mật tông…” [74, tr. 190]. Trong các môn phái Phật giáo (đều là ngoại nhập) vào Việt Nam (Thiền, Tịnh, Mật) lúc đó, Thiền tông hội đủ sức hình thành nên một trường phái Phật giáo độc lập của người Việt. Tuy nhiên, tư tưởng nhân sinh của Thiền tông Việt Nam luôn có sự kết hợp nhiều yếu tố “tha lực” của Mật tông và Tịnh Độ tông. Chẳng hạn như:

“… kết hợp con đường giải thoát tự lực với con đường giải thoát bằng tha lực, tức con đường cần đến sự cứu vớt của các Bồ Tát, nhất là Quan thế Âm Bồ Tát. Chính sự sùng bái lối giải thoát bằng tha lực như vậy làm cho Thiền Tông nước ta dung hòa với Tịnh Độ” [74, tr. 199].

Thiền Phật giáo giản dị về nghi thức tu hành, chỉ chú trọng tọa thiền rèn luyện trực giác mà thành giác ngộ. Triết lí nhân sinh của Thiền Phật giáo nói chung là rất gần gũi với tinh thần trọng chính nghĩa, trọng nghĩa tình, yêu lao động của người Việt Nam, như “yêu thiên nhiên, chuộng lao động, đề cao sự cảm thông giữa người với người và giữa người với muôn vật” [93, tr. 85].

Cuối thời Lý và đầu thời Trần, Phật giáo đạt tới đỉnh cao thịnh vượng, không chỉ tình cảm của người dân với Phật giáo đã trở nên sâu đậm hơn, mà trong triều đình vua, quan lại, và hoàng tộc đều sùng Phật với mong ước tự thân, đạt tới đạo đức và nhân cách đáng ngưỡng mộ và được người dân yêu quý tôn xưng là vua Phật, là Thượng Sĩ, hay Bồ Tát … Qua Phật giáo sợi dây liên kết nhân tâm trong cả nước đã được củng cố, từ đó đã tạo ra sức mạnh tinh thần lớn lao cho những chiến thắng ngoại xâm oanh liệt ở thời Lý - Trần. Sự ra đời dòng thiền Thảo đường (1069) gắn liền với sự kiện vua Lý Thánh Tông sau khi chinh phạt Chiêm Thành bắt được một số tù nhân, trong

đó có một vị thiền sư Trung Hoa tên là Thảo Đường. Khi biết được khả năng uyên bác về Phật học và Thiền học của tù binh này, vua liền gọi thiền sư Thảo Đường, phong làm Quốc sư và cho trụ trì chùa Khai Quốc. Lúc này ở Việt Nam đã có hai Thiền phái Phật giáo mang màu sắc Ấn Độ (Tì Ni Đa Lưu Chi) và Trung Hoa (Vô Ngôn Thông), nhà Lý muốn dựa vào đó để tạo ra một hệ tư tưởng mới - độc lập với phương Bắc, nên vua Lý Thánh Tông đã cho lập nên thiền phái Thảo Đường, cũng bởi “Lý Thánh Tông đã đi theo khuynh hướng tổng hợp. Từ đó tất yếu làm nảy sinh phải có một hệ tư tưởng tổng hợp để tương xứng với thực tiễn xã hội cường thịnh lúc bấy giờ” [32, tr. 107].

Thiền Thảo Đường là một bước khởi đầu cho xu hướng dung hợp giữa Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo, đồng thời tích hợp các tông phái Phật giáo (Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông) và cả các môn phái Phật giáo (Thiền, Tịnh, Mật). Nhiều người trong hoàng tộc nhà Lý theo Phật giáo và xuất gia tu Phật. Trong 19 người thuộc thiền phái Thảo Đường, thì có 10 vị là người của hoàng tộc xuất gia. Triều đình Nhà Lý chịu ảnh hưởng của Phật giáo đồng thời cũng lợi dụng sự sùng tín Phật giáo đó. Chẳng hạn, trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí (542 - 544), ông đã đặt tên cho người bà con, cũng là một vị tì tướng của mình là Lý Phật Tử, nhờ đó cuộc khởi nghĩa đã thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân. Trong triều còn có nhiều người tu hành song không xuất gia, mà là cư sĩ Phật giáo, như các vua Thánh Tông, Anh Tông, Cao Tông, và các vị quan cao cấp của triều đình như Ngô Ích, Đỗ Vũ, Nguyễn Thức. Do vậy, phái Thảo Đường chủ yếu phát triển trong giới trí thức, quan lại và hoàng tộc nhà Lý nên có khuynh hướng thiên trọng văn chương và phái này “có ảnh hưởng sâu đậm về mặt học thuật, tư tưởng và thi ca trên hai thiền phái đương thời” [41, tr. 258].

Tuy nhiên, mặt hạn chế của thiền phái Thảo đường lại là thiếu sức sống trong quần chúng - những người ít có điều kiện học hành - nên phái này “không có cơ sở phát triển trong đại chúng bình dân, cũng không có truyền

thống tu viện đặc thù” [41, tr. 258]. Do vậy, tuy Thảo Đường đã là sự tích hợp hai thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) và Vô Ngôn Thông nhưng vẫn chưa đủ sức trở thành đại diện với tư cách tôn giáo của người Việt hay như một môn phái Phật giáo độc lập có thể lưu truyền mãi về sau.

Khuynh hướng dung hợp ba thiền phái được tiếp tục bởi thiền sư Thường Chiếu (?-1203) ở chùa Lục Tổ, người làm gạch nối giữa Phật giáo ba tông phái đời Lý và Phật giáo một tông phái đời Trần. Thường Chiếu chủ trương sự tu học chứng ngộ cần được căn cứ trên một nền tâm học vững chãi

mới có thể thành tựu được. Ông nói: “Người tu đạo nếu biết rõ về tâm mình thì sẽ phí sức ít mà dễ thành công. Người tu đạo nếu không biết gì về tâm mình thì phí công vô ích”. Thấy được tâm mình, ở đây là hiểu triết lí nhân

sinh về khổ và giải thoát của người Việt, của dân tộc Việt trong mối quan hệ Phật giáo (tôn giáo) với Nhà nước và dân tộc [40, tr.141].

Bên cạnh đó cũng phải kể đến Thiền sư Hiện Quang (? - 1220), người “... mở đầu cho Phật giáo Trúc Lâm, nền Phật giáo Thống Nhất đời Trần” [41, tr. 328]. Ông là người sáng lập ra sơn môn Yên Tử - tiền thân của Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Tổ thứ hai là thiền sư Viên Chứng, (cũng lấy hiệu là Trúc Lâm) từ thời triều Lý Cao Tông (1176 - 1210), đời thứ 12, dòng Vô Ngôn Thông là thầy của vua Trần Thái Tông, được vua tôn xưng là Quốc sư. Năm 1236, khi vua Thái Tông bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử định xuất gia đi tu, ông chính là người dùng triết lí Nho - Phật để khuyên vua trở về bằng những lí lẽ rất thuyết phục, thể hiện sự am tường cả giáo lí Phật giáo và cả học thuyết chính trị - xã hội của Nho học. Thiền sư Viên Chứng được phong hiệu Trúc Lâm Quốc sư - tổ thứ sáu của sơn môn Yên Tử. Về sau pháp hiệu Trúc Lâm cũng được vua Trần Nhân Tông - tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm (với tư cách giáo hội Phật giáo Đại Việt) dùng để chỉ giáo hội đã chọn núi Yên Tử làm đại bản doanh của Phật giáo Việt Nam lúc đó [41, tr. 328].

Truyền thừa thứ ba của phái Yên Tử là Đại Đăng quốc sư, đồng sư với vua Trần Thái Tông. Truyền thừa thứ tư là thiền sư Tiêu Diêu - thầy của Tuệ

Trung Thượng Sĩ - một trong những cây đuốc sáng nhất của thiền học đời Trần. Tuệ Trung được vua Thánh Tông rất khâm phục về đạo học và tôn làm Thượng Sĩ (Bồ tát) và ca ngợi là “về cốt cách, Thượng Sĩ là người khí lượng thâm trầm, phong thần nho nhã” [85, tr. 544].

Nhu cầu cần phải xây dựng một hệ tư tưởng thống nhất của dân tộc, độc lập với đế quốc Trung Hoa đã được đặt ra từ thời Lý. Nhưng chỉ sau khi hoàn thành ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, thu được thắng lợi hào hùng, ý thức về một nền độc lập tự cường như được thổi thêm luồng sinh khí mới và theo đó nhu cầu thống nhất về tư tưởng dân tộc được đặt ra cấp bách hơn. Năm 1299, Trần Nhân Tông đã đứng ra đảm đương trọng trách thành lập thiền phái Trúc Lâm, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm. Nhân Tông chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng của Trần Thái Tông và đặc biệt là tư tưởng “nhập thế hành đạo” của Tuệ Trung Thượng Sĩ, luôn gắn lí luận với thực tiễn, gắn lợi ích Phật giáo với lợi ích của triều đại và dân tộc. Vì thế, tư tưởng nhân sinh của phái Trúc Lâm mang tính nhập thế sâu sắc và giúp cho nó ngày càng thể hiện vai trò tư tưởng chủ đạo trong văn hóa, đạo đức, chính trị - xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) triết lý nhân sinh của thiền phái trúc lâm yên tử và giá trị lịch sử của nó (Trang 34 - 39)