Trần Nhân Tông (1258-1308) tổ thứ nhất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) triết lý nhân sinh của thiền phái trúc lâm yên tử và giá trị lịch sử của nó (Trang 54 - 57)

8. Kết cấu của đề tài

2.1.1.Trần Nhân Tông (1258-1308) tổ thứ nhất

Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm - con trưởng của Thánh Tông Trần Hoảng. Khi sinh ra ông được mô tả như: “… có được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử, vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn… [92, tr. 493].

Năm 16 tuổi Trần Khâm được lập làm Hoàng Thái Tử. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua anh minh, mà còn là một tư tưởng gia Phật học lớn thể hiện được đầy đủ bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, để lại một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng nước nhà, đó là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sau mười bốn năm trị vì, theo truyền thống của nhà Trần, ông nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (1293), lui làm Thái Thượng Hoàng. Lịch sử Phật giáo Việt Nam còn ghi rõ, ngay thời gian làm vua, ông đã chú ý nghiên cứu Phật học và thiền học. Tư tưởng của ông thể hiện được chỗ tinh yếu nhất của đạo thiền.

Năm 1299 ông lên Yên Tử tu hành, khai sáng thiền phái Trúc Lâm. Ông đã để lại cho hậu thế tấm gương vua - phật, hết lòng vì nước vì dân, một bậc chân tu với những triết lí vừa huyền diệu vừa gần gũi với đời. Năm 1308 Trần Nhân Tông từ trần tại am Ngọa Vân trên núi Yên Tử [65, tr. 248].

Trần Nhân Tông còn là một nhà thơ nổi tiếng, thơ ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn của thơ thiền với những vấn đề thế sự; kết hợp tinh thần lạc quan, yêu đời, đầy lòng vị tha của một nhân cách lớn với sự tinh tế của một nghệ sĩ. Thơ của Trần Nhân Tông còn thể hiện sự hoà hợp giữa một ngòi bút cung đình vừa tinh túy, uyên bác, lịch lãm vừa giản dị, từng trải.

Trần Nhân Tông, người sáng lập thiền phái Trúc Lâm là một tấm gương hiếm thấy trong lịch sử Đại Việt cũng như lịch sử Phật giáo. Vua quyết từ bỏ địa vị cao sang để tìm đến cuộc đời khổ hạnh, xuất gia trên núi Yên Tử, vì lí tưởng xây dựng một Phật giáo Việt Nam với tư cách là tôn giáo dân tộc, làm nền tảng cho nền văn hóa Đại Việt lúc đó. Nhưng trước yêu cầu bức bách của đất nước trước nạn ngoại xâm, vua tạm gác kế hoạch lớn cao đẹp, để trở về trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông và trực tiếp cầm quân xuất trận. Sau khi hoàn thành sự nghiệp bảo vệ “sơn hà vạn cổ điện kim âu” vẻ vang, Trần Nhân Tông lại trao ngai vàng cho Thái tử Trần Anh Tông, lên núi tiếp tục lãnh đạo thiền Trúc Lâm.

Trần Nhân Tông đã phát huy vai trò kép trên nhiều phương diện thể hiện sống động tinh thần nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử:

Ông không chỉ là vị quân vương mà còn là nhà lãnh đạo Phật giáo; không chỉ là nhà văn hóa mà còn là thiền sư lỗi lạc; không chỉ là nhà chính trị nhìn xa trông rộng mà còn là nhà quân sự có tài; không chỉ là nhà ngoại giao, mà còn là nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ ... [31, tr.119].

Trần Nhân Tông đã để lại nhiều sáng tác như: Trần Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mị Ngữ và

bộ Trung Hưng Thực Lục do ông sai văn thần biên soạn. Hiện chỉ còn ba

mươi mốt bài thơ, hai cặp câu thơ lẻ, một bài minh và một bài tán của người.

Ngoài ra, trong Thiền Tông Bản Hạnh còn lưu được hai bài văn Nôm biền

ngẫu ghi tên ông là tác giả.

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Nhân Tông có vị trí rất quan trọng, là một nhà tư tưởng lớn thể hiện được đầy đủ bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng nước nhà đó là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Với tư cách một thiền sư, sau khi tu dưỡng, học đạo, Trần Nhân Tông đã đắc pháp, ngộ đạo và đem truyền đạo Phật, giảng giải kinh sách cho chúng đệ tử, cả vua quan trong triều Trần cũng như người dân. Những lời thơ ý văn thâm sâu về triết lí nhân sinh của ông đã diễn giải mối quan hệ giữa “hữu” và “vô”, “thân” và “tâm”, đề cao bản ngã chủ thể “nghiệp lặng”, “an nhàn thể tính”, “tự tại thân tại thân tâm”, “sống giữa cõi trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo”, đồng thời coi trọng cuộc sống thực tại, cảnh tỉnh lối sống tu hành cực đoan, cố chấp nhằm xây dựng một xã hội Phật giáo Việt Nam lành mạnh.

Trần Nhân Tông quan niệm “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lí. Mà chân lí thì không nằm trong Phật giáo, mà chính ngay giữa lòng cuộc sống” [65, tr. 248].

Đặc biệt Trần Nhân Tông đã thể hiện vai trò kép của một vị vua anh minh, đồng thời là một triết gia, một thiền sư lỗi lạc với nhãn quan chính trị và nhân sinh sâu rộng, có ảnh hưởng lớn lao đến cả Phật giáo Việt Nam, triều đình và toàn xã hội đương thời. Quan điểm, thái độ và đặc biệt là tầm nhìn chiến lược phát triển Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử theo hướng một tôn giáo dân tộc nhập thế tích cực của Trần Nhân Tông đã thực sự làm nên nét đặc sắc cho triết lí nhân sinh của Phật giáo Việt Nam thời Trần.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) triết lý nhân sinh của thiền phái trúc lâm yên tử và giá trị lịch sử của nó (Trang 54 - 57)