Vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của nông dân tỉnh nam định trong xây dựng nông thôn mới hiện nay (Trang 31 - 38)

1.2. XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở VIỆT NAM

1.2.3. Vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay

chưa theo quy hoạch. Do yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, cần 3 yếu tố chính: đất đai, vốn và lao động kỹ thuật. Qua việc xây dựng NTM sẽ triển khai quy hoạch tổng thể, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH. Mặt khác, mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Vì vậy, một nước công nghiệp không thể để nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân nghèo khó.

Chương trình xây dựng NTM với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua quá trình HĐH nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn theo cơ chế thị trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và các nguồn vốn. Xây dựng NTM là yếu tố quyết định cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đồng thời là nền tảng để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng: “Việc xây dựng NTM vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Qua đó tạo được sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện xây dựng NTM. UBND các tỉnh, thành phố xây dựng đề án với lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể để phù hợp về xây dựng NTM trên địa bàn. Qua đó tạo được sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương; hướng phong trào thi đua, tập trung giải quyết 11 nội dung xây dựng NTM đã đề ra.”

1.2.3. Vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay hiện nay

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là bộ phận quan trọng của nền kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo sự

phát triển của đất nước trong suốt quá trình CNH, HĐH hóa theo định hướng XHCN ở Việt Nam. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn gắn bó mật thiết với nhau, trong đó nông dân vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của quá trình phát triển. Mục tiêu của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho nông dân thông qua phát triển bền vững nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn có hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, xây dựng NTM văn minh, kinh tế phát triển, chính trị ổn định, dân chủ, kết cấu hạ tầng hiện đại, môi trường sinh thái cân bằng, bản sắc dân tộc phong phú. Mặc dù người nông dân là chủ thể trong mối quan hệ này thì họ cũng không thể tạo ra nó chỉ theo ý muốn hay lợi ích chủ quan của mình. Ở đây, nông dân thực hiện vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ ấy và bản thân họ chính là người đầu tiên được hưởng thụ những thành quả do sự phát triển nông nghiệp, nông thôn mang lại. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (8/2008) về vấn đề "tam nông" đã khẳng định: "Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng NTM gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt"[7; tr.35].

Là một lực lượng xã hội đông đảo nằm trong khối liên minh giai cấp giữa công nhân, nông dân và trí thức, nông dân Việt Nam đã trở thành một trong những lực lượng cơ bản của cách mạng, là chủ thể của quá trình phát triển. Vai trò ấy đã từng bước được thể hiện trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng nước nhà, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Ngày nay, vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM được thể hiện ở những khía cạnh sau:

Một là, nông dân là chủ thể trong việc hiện thực hóa những Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM, đưa những chủ trương, chính sách ấy đi vào đời sống

Nông dân là những người trực tiếp đóng góp và đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM đi vào cuộc sống. Những yếu tố thuộc về lãnh đạo, quản lý như chủ trương, đường lối, chính

sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước rất quan trọng đối với việc hoạch định nội dung, bước đi và thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, xây dựng NTM ở nước ta. Song, nông dân là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc biến những đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về CNH, HĐH nông nghiệp, xây dựng NTM thành hiện thực.

Quá trình xây dựng, hoạch định đường lối, chủ trương cần thu thập ý kiến từ bà con nông dân, vì bà con nông dân hàng ngày va chạm trong thực tiễn cuộc sống, có thể cung cấp cho những nhà lãnh đạo, quản lý nhiều ý kiến hay, kinh nghiệm phong phú. Khi đường lối, chủ trương đã được thông qua cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm cho nông dân hiểu và thấy được những lợi ích thiết thực, giúp họ tự giác thực hiện.

Đảng chỉ thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình khi ý Đảng hợp lòng dân, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đường lối, chủ trương, của Đảng hợp lòng dân, được dân hiểu thì dù khó khăn đến mấy cũng được nhân dân tìm cách thực hiện. Dân ủng hộ nhiều chúng ta thắng lợi nhiều, dân ủng hộ ít chúng ta thắng lợi ít. Dân không ủng hộ chúng ta sẽ thất bại. Trong xây dựng quy hoạch xây dựng NTM cũng cần phải tham khảo ý kiến của bà con nông dân; cần quy hoạch ra sao để nông thôn mới vừa kế thừa được truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được yếu tố hiện đại, thuận tiện cho cuộc sống và sản xuất của nông dân.

Hai là, nông dân là chủ thể trực tiếp trong phát triển kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

Nông dân là nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Trong nền kinh tế ở nước ta, nông dân luôn là lực lượng lao động chủ yếu trong ngành nông nghiệp, là nguồn nhân lực dồi dào, quan trọng, quyết định sự thành công trong xây dựng NTM. Những năm gần đây, nhờ áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật, nông dân đã sản xuất ra nông sản ngày càng nhiều, chất lượng cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập, tích lũy vật chất, ổn định cuộc sống và

góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

Nông dân trực tiếp tiếp thu, ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. Nông dân có kinh nghiệm phong phú trong khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai, tài nguyên biển, rừng... một cách hợp lý, hữu ích, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Trong tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, xây dựng NTM, nông dân còn là nguồn lực to lớn trong việc tiến hành chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiến tới xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng: Tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và các hoạt động dịch vụ. Điều này đòi hỏi người lao động phải mạnh dạn xóa bỏ cách nghĩ, cách làm cũ, thói quen tiểu nông, phải năng động nắm bắt nhu cầu của thị trường và dự đoán được xu hướng vận động của nó; đồng thời cũng cần có vốn, kỹ thuật, lao động để thực hiện bước

chuyển đổi. Ngoài ra, nông dân cũng chính là người trực tiếp ứng dụng những thành

tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào trong sản xuất, tăng quy mô tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển của đất nước.

Ba là, nông dân là chủ thể chủ động và sáng tạo trong xây dựng, gìn giữ và bảo vệ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn

Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bê tông, nhựa hóa nông thôn nối liền thôn, xóm, ấp liên xã là một nội dung trong xây dựng NTM. Điều đó đạt được nhanh chóng khi người nông dân nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng đường sá trong phát triển kinh tế - xã hội, tự giác đóng góp xây dựng cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước, của địa phương. Đất nước ta còn nghèo, Nhà nước còn phải tập trung vào những dự án lớn như: đường quốc lộ, những cây cầu lớn, những nhà máy thủy, nhiệt điện v.v… Những việc xây dựng đường làng, đường liên thôn, liên xã phải chủ yếu do nhân dân đóng góp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Xây dựng đã khó nhưng bảo vệ, tôn tạo hệ thống đường sá càng quan trọng hơn. Ông cha ta có câu “Của bền tại người”. Việc bảo quản, giữ gìn hệ thống đường sá nông thôn phải là công việc của chính bà con nông

dân. Người nông dân cần cập nhật những kiến thức, hiểu biết và ý thức bảo vệ

hệ thống đường nông thôn để phục vụ cho chính mình.

NTM không thể thiếu hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy nông nội đồng… Những cơ sở vật chất đó phải do chính những người nông dân ở các vùng nông thôn cùng với Nhà nước xây dựng; đồng thời bảo quản, tăng cường công tác

quản lý của chính quyền địa phương đối với những công trình.

Bốn là, nông dân là chủ thể tích cực, sáng tạo trong xây dựng đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn

Đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn là toàn bộ những hoạt động tinh thần của cư dân nông thôn mà chủ yếu là nông dân. Đời sống văn hóa tinh thần ở các vùng nông thôn bao gồm: phong tục tập quán, lối sống, quan hệ ứng xử giữa con người với con người, cách tư duy, hoạt động văn học - nghệ thuật ở các vùng nông thôn.

Quan hệ giữa những người nông dân là quan hệ tình nghĩa thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng nhau. Trong thôn, trong xóm một người có việc mọi người xung quanh giúp đỡ, theo quan niệm “sống với nhau vì tình vì nghĩa không phải vì đĩa xôi đầy”; ra đường gặp người lớn tuổi phải chào dù không có họ hàng; "thương người như thể thương thân", mối quan hệ gần gũi xóm giềng trong đời sống của bà con nông dân phải được giữ gìn, bảo vệ và phát huy để giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xóm, làng văn hóa.

Giữ gìn những giá trị văn hóa là một nội dung trong xây dựng NTM, nhằm xây dựng một đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp ở các vùng nông thôn. Việc khôi phục, giữ gìn những giá trị văn hóa như lễ hội, các hoạt động văn nghệ truyền thống như thơ ca, hò vè... là công việc của bà con nông dân. Chỉ khi nào khơi dậy được tính tích cực, nhiệt tình tham gia của quần chúng thì những hoạt động trên mới mang lại những hiệu quả thiết thực.

Năm là, nông dân là chủ thể quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở nông thôn

Nông dân là những người trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Cần phải tuyên truyền, vận động, giác ngộ để nhiều nông dân phấn đấu trở thành đảng viên, làm cho lực lượng đảng viên

nông thôn ngày càng đông đảo. Người nông dân phải tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội nơi mình cư trú; tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nông dân phải tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng quan điểm, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần sao cho những quan điểm đó phù hợp với những điều kiện của Việt Nam, của từng địa phương và đáp ứng được những nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của người nông dân.

Nông dân phải tích cực tham gia xây dựng bộ máy chính quyền từng làng, từng bản, từng xã thật sự vững mạnh, luôn luôn giữ nghiêm kỷ cương phép nước, thực hiện dân chủ rộng rãi trong nhân dân. Nông dân không chỉ là những người xây dựng mà còn là những người bảo vệ chính quyền - Nhà nước.

Hiện nay, những thế lực thù địch đang tìm mọi cách chia rẽ các dân tộc, chia rẽ Nhà nước với nhân dân. Chúng tìm mọi cách khơi dậy những mâu thuẫn, khác biệt giữa lợi ích của nông dân với Nhà nước để gây nên tình trạng mất ổn định trong xã hội, cục bộ địa phương. Bà con nông dân cần nhận thức được những âm mưu thâm độc này, bình tĩnh giải quyết những mâu thuẫn đó bằng con đường đối thoại, tránh bị kích động, bị lôi kéo của kẻ thù.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Nông dân là một giai cấp được ra đời từ rất sớm trong lịch sử xã hội loài người và có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại. Sự ra đời của Chủ nghĩa Mác vào những năm 40 của thế kỷ XIX đã cho thấy vai trò quan trọng ấy của nông dân trong cách mạng vô sản cũng như trong cách mạng XHCN. Phát huy vai trò của nông dân được xem là vấn đề có ý nghĩa trọng tâm trong suốt thời kỳ xây dựng xã hội mới.

Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc được vấn đề này và luôn khẳng định tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đi lên CNXH từ điểm xuất phát thấp, đó là một nền nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa... hơn ai hết Việt Nam cần phải tiến hành CNH, HĐH đất nước. Trong đó, CNH, HĐH nông nghiệp, xây dựng NTM luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng.

Xây dựng NTM là một trong những nội dung quan trọng của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nông dân là chủ thể tích cực trong xây đựng đời sống văn hóa mới, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển kinh tế - xã hội, làm cho mỗi người được thụ hưởng một cách tốt nhất những giá trị vật chất và tinh thần. Công cuộc xây dựng NTM là công cuộc khó khăn, lâu dài đòi hỏi sự đóng góp rất lớn của bà con nông dân. Nông dân phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình mới có thể kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp và khắc phục những yếu tố lạc hậu, tiêu cực ảnh hưởng tới quá trình phát triển để có thể xây dựng nông thôn Việt Nam hiện đại, văn minh. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện để nông dân ý thức được vai trò của mình, tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng quê hương, đất nước, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam XHCN “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của nông dân tỉnh nam định trong xây dựng nông thôn mới hiện nay (Trang 31 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)