2.1. KHÁI QUÁT VỀ TỈNH NAM ĐỊNH
2.1.2. Đặc điểm nông dân tỉnh Nam Định
Nông dân Nam Định là một bộ phận của giai cấp nông dân Việt Nam, có quá trình hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của giai cấp nông dân Việt Nam và mang đầy đủ những đặc điểm của giai cấp nông dân Việt Nam như: tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, đức tính
cần cù, chịu thương chịu khó, cách ứng xử linh hoạt... Trong quá trình CNH, HĐH đất nước, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện nay, những đặc điểm này tiếp tục tồn tại và phát triển, đồng thời, nông dân tỉnh Nam Định còn mang những nét riêng của nông dân đồng bằng bắc bộ, với một số đặc điểm nổi bật như:
Thứ nhất, nông dân tỉnh Nam Định có truyền thống yêu nước, yêu quê hương, truyền thống anh hùng, kiên cường, bất khuất
Nói đến Nam Định là nói đến mảnh đất Xứ Nam, quê hương nhà Trần, lẫy lừng hào khí Đông A - "Non sông muôn thuở vững âu vàng". Một mảnh đất có vị thế hết sức đặc biệt trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam. Đó là mảnh đất văn hiến, "địa linh, nhân kiệt", nơi sinh dưỡng biết bao trạng nguyên, khôi nguyên và nhiều trí thức làm rạng danh non sông đất nước; một vùng văn hóa đặc sắc, hòa quyện và đan xen văn hóa biển và văn hóa châu thổ, văn hóa bác học, văn hóa dân gian. Mảnh đất Xứ Nam đất hẹp, người đông, đầu sóng ngọn gió ấy đang vươn lên hội nhập vào xu thế phát triển của đất nước và thời đại.
Nam Định là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của triều Trần (thế kỷ XIII - XIV) và sinh dưỡng nhiều danh nhân, danh sĩ, võ tướng mà tên tuổi và sự nghiệp của họ đã được sử sách ghi công, nhân dân tôn thờ, nổi bật nhất là Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Nam Định là đất thượng võ, thời nào cũng có tướng sĩ tài giỏi. Đời Trần, nhân dân Nam Định đã góp phần ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên - Mông. Thời Thuộc Minh, nhân dân đã ủng hộ nghĩa quân của Trần Triệu Cơ đánh thắng trận Bồ Đề, buộc tướng Mộc Thạnh tháo chạy về thành Cổ Lộng. Trong Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, người dân Nam Định đã bí mật liên hệ với nghĩa quân giết giặc, cứu nước. Dưới triều Nguyễn, do chính sách cai trị hà khắc khiến nhân dân khổ cực, người dân Nam Định đã hợp sức nổi dậy chống lại quan quân triều đình Huế. Trong đó, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của nông dân do Phan Bá Vành chỉ huy. Khi giặc Pháp chiếm bán đảo Sơn Trà, xâm lược nước ta, Phạm Văn Nghị đã tập hợp nghĩa sĩ Nam Định tiến vào Nam diệt thù. Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp câu kết với chế độ phong kiến tay sai ra sức khai thác, vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân dân ta thậm tệ. Không cam chịu cảnh bần hàn, nông dân Nam Định cùng với
công nhân và một số tầng lớp dân cư đã đoàn kết đấu tranh đòi quyền lợi. Đặc biệt, kể từ khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lập cơ sở ở Nam Định (1926 - 1927), phong trào đấu tranh không ngừng lớn mạnh, diễn ra mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn. Nam Định trở thành một trong những trung tâm đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn phong kiến mạnh nhất cả nước. Không thời kỳ nào, Nam Định lại không có anh hùng, hào kiệt, không có những tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, trong đó có sự góp mặt của rất nhiều nông dân Nam Định.
Thứ hai, nông dân tỉnh Nam Định là những người lao động cần cù, sáng tạo, nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề
Nam Định vốn là mảnh đất văn hiến, có truyền thống yêu nước và cách mạng. Người Nam Định hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường bất khuất trong đấu tranh, có tinh thần tự lực tự cường và ý thức cộng đồng sâu sắc, luôn kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo các công trình nghiên cứu khoa học, miền đất Nam Định hình thành cách đây khoảng 70 triệu năm do ảnh hưởng tạo sơn thời kỳ Đại Tân Sinh, nâng ghềnh phía Nam sông Hồng cao lên, biển Đông lùi dần và từng bước hình thành vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đây là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, tạo cơ hội cho con người quần tụ thành cộng đồng đông vui và khá sầm uất. Để làm nên vùng non nước hữu tình, mồ hôi, nước mắt và cả máu của biết bao thế hệ người dân đã đổ xuống nơi đây để quai đê, ngăn mặn, khai phá sông ngòi, đào ao, vượt thổ tạo nên vùng đồng quê trù phú. Công cuộc di cư và những tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, làm muối... đã tạo nên làng, ấp. Dần dà, dân cư đến quần tụ tại vùng đất này ngày một đông, góp phần hình thành cộng đồng cư dân có chung mục đích, đoàn kết, hợp sức đấu tranh với thiên nhiên. Cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên của người dân nơi đây là bản anh hùng ca của nhiều thế hệ kế tiếp nhau, làm phong phú thêm nét đẹp truyền thống của văn hóa làng, xã, tuy bình dị nhưng giàu tính nhân văn của người dân Nam Định.
Nhờ "thiên thời địa lợi", nông dân Nam Định đã đi lên từ cây lúa. Những người nông dân nơi đây sản xuất lúa nước là chính, kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Họ đã biết kết hợp giữa kinh nghiệm sản xuất truyền thống với việc ứng dụng
những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại nhăm nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất. Nông dân Nam Định sớm tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa và khá nhạy bén với cơ chế thị trường.
Nông dân Nam Định đã thể hiện sự nháy bén của mình trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật, đưa kỹ thuật mới vào trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh. Quá trình đô thị hóa đã tác động không nhỏ tới quá trình sản xuất và sinh hoạt của người dân nông thôn. Nếu như trước đây, người nông dân Nam Định chỉ biết sản xuất độc canh cây lúa, thì từ khi đất nước đổi mới đến nay, họ đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa cao sản, kết hợp với các mô hình nuôi trồng thủy sản "con tôm ôm cây lúa", lúa - cá, tôm - cua...
Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, những giống cây, con mới đến tận tay nông dân nên người nông dân Nam Định đã thành công trong nuôi trồng những giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều nông dân đã chuyển đổi thành công từ những ruộng lúa không đạt năng suất sang ruộng muối hoặc nuôi trồng thủy hải sản... Từ đó cho thấy, nông dân Nam Định khá thức thời, nhanh nhạy nắm bắt cái mới, dám nghĩ dám làm, tự mình chủ động phát triển kinh tế nhằm cải thiện điều kiện sống chứ không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước hay chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, nông dân Nam Định còn biết kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tỉnh Nam Định phát triển khá đa dạng, phong phú gồm: Kim khí, mây tre đan, cói, sơn mài - nứa ghép, chế biến lương thực - thực phẩm, chế biến gỗ, dâu tằm tơ, dệt may, thêu ren, sợi lưới cước, sản xuất vật liệu xây dựng, gây trồng cây cảnh, trạm khắc đá, chế biến nấm, xây dựng, vận tải nội bộ. Trong đó, nhiều nghề được khôi phục như nghề dệt may, dâu tằm tơ; các nghề phát triển mạnh như may mặc, móc sợi, lá đan, nghề trồng và chế biến nấm, gây trồng cây cảnh. Các ngành nghề chủ lực có khả năng phát triển mạnh gồm: Nghề cơ khí, chế biến gỗ, sơn mài-tre nứa ghép và dệt may. Ngành nghề nông thôn đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng NTM và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh
tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Nhiều làng nghề đã tạo dựng được tên tuổi, uy tín trong và ngoài nước như: Làng nghề đúc đồng Tống Xá, làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên, cơ khí Xuân Kiên, Xuân Tiến, Vân Tràng, làng nghề cây cảnh Vị Khê - Điền Xá… Thu nhập của lao động ngành nghề ở các địa phương luôn cao hơn sản xuất nông nghiệp từ 2 - 3 lần. Ở những địa phương có ngành nghề phát triển đã tạo điều kiện cho nhiều loại hình dịch vụ cùng phát triển làm cho cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của địa phương ngày càng sôi động.
Thứ ba, nông dân tỉnh Nam Định có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sống hòa đồng, có trách nhiệm, lạc quan và yêu đời
Người dân Nam Định xưa và nay luôn chú ý tư tưởng hòa đồng, hòa đồng trong tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng, hòa đồng vào thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Người dân Nam Định có thú thưởng ngoạn cây cảnh, thú thưởng ngoạn này không chỉ dành cho những bậc quyền quý, quan lại mà ngay cả trong dân gian, người người, nhà nhà đều có thú vui thưởng ngoạn - đó là nét văn hóa thanh cao, trang nhã giải tỏa nhiều nỗi bức xúc của cuộc sống, hướng con người Nam Định đến với những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Dù trong chiến tranh ác liệt, trong lao động một nắng hai sương, trong tình yêu đôi lứa hay trong học hành thi cử... tiếng cười của người nông dân vẫn cứ vang lên, điệu cười dí dỏm, vui tươi, vừa hồn nhiên, vừa chân thực.
Không phải ngẫu nhiên người Nam Định dù ở đâu, làm gì cũng tự hào mình là người con của quê hương triều Trần. Từ nhận thức mối quan hệ vua - tôi, thực chất là mối quan hệ giữa Tổ quốc với trăm họ, người dân nam Định luôn xác định lợi ích, trách nhiệm giữa từng cá nhân với Tổ quốc là mối quan hệ mang tính sống còn trong bất cứ thời điểm dựng nước, giữ nước nào. Khi học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam, các thế hệ con em Nam Định đã nhận thấy rằng đó là con đường thực sự cách mạng, thực sự cần thiết để giải phóng dân tộc, bảo vệ giang sơn, bảo vệ giống nòi, bảo vệ những giá trị tinh hoa của tiền nhân. Qua gần một thế kỷ đấu tranh gìn giữ độc lập dân tộc đã có biết bao anh hùng liệt sĩ tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc, góp phần làm sáng hơn cốt
cách, tâm hồn con người Nam Định. Mỗi người dân Nam Định luôn xác định trách nhiệm đầy vinh quang trước Tổ quốc, làng xóm, gia đình và bản thân.
Bên cạnh những đặc điểm nổi bật như đã nêu trên thì hiện nay, nền kinh tế thị trường cũng đã có sự tác động tiêu cực tới tâm lý, lối sống của người nông dân Nam Định. Một bộ phận nông dân sống bàng quan, vô trách nhiệm trước cộng đồng, với những khó khăn, bất hạnh của người khác, chỉ biết chăm lo cho lợi ích cá nhân mình. Quan hệ giữa người với người trong cộng đồng làng, xã dần mất đi sự vô tư, mộc mạc, chân thành; tình trạng phân hóa giàu nghèo trong nông dân có xu hướng gia tăng; một số gia đình nông dân có tư tưởng muốn con cái nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền; các tệ nạn xã hội, hiện tượng mê tín dị đoan, cờ bạc... đang ở mức báo động. Ngoài ra, nông dân Nam Định vẫn còn tồn tại một số hạn chế đó là: lối tư duy kinh nghiệm, kỷ luật lao động kém, làm việc tùy tiện... chính những điều này đã khiến cho nông dân gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang nền sản xuất mới. Nhiều nông dân còn bỡ ngỡ, chưa tìm được hướng đi phù hợp cho mình, không dám bứt phá, vươn lên để thay đổi, để phát triển năng lực của mình. Trong sản xuất thì dè dặt, còn nhiều hạn chế khi triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cái mới vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tâm lý cố kết cộng đồng và lối sống trọng tình nghĩa của nông dân ngoài những mặt tích cực thì đã gây ra không ít những trở ngại cho quá trình CNH, HĐH nông thôn (tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái, đố kỵ, gây mất đoàn kết...). Những hạn chế nêu trên của người nông dân Nam Định đòi hỏi cần phải từng bước khắc phục dần trong quá trình xây dựng NTM nói riêng và trong sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung.