Về tỷ lệ đầu tư cho hoạt động NC&TK tính trên phần trăm doanh thu của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những trở ngại trong việc hình thành tổ chức nghiên cứu và triển khai trong các doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 54 - 58)

II. Một số đặc điểm trong tổ chức hoạt động NC&TK trong các doanh nghiệp Việt Nam

3. Về tỷ lệ đầu tư cho hoạt động NC&TK tính trên phần trăm doanh thu của doanh nghiệp

doanh thu của doanh nghiệp

Ở Việt Nam mức đầu tư bình quân của các doanh nghiệp cho NC&TK không quá 0,25% doanh thu22, trong khi các nước công nghiệp tỷ lệ này thường là 5-6%, còn các nước phát triển là 10%. Đối với các ngành công nghệ cao, đầu tư cho NC&TK luôn chiếm từ 10-20% doanh thu. Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với Bộ KH&CN ngày 24/05/2005 Thủ tướng đã đề nghị Bộ KH&CN sớm giúp Chính phủ xây dựng cơ chế buộc doanh nghiệp có thể dành từ 3-5% doanh thu cho hoạt động NC&TK và đổi mới công nghệ.

Để hiểu rõ năng lực đầu tư cho hoạt động NC&TK của doanh nghiệp ảnh hưởng tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể dẫn ra ví dụ từ các doanh nghiệp ngành dược. Nhìn chung, tỷ lệ đầu tư nghiên cứu tạo ra các sản phẩm thuốc mới của các doanh nghiệp này rất yếu. Để thấy rõ tình hình sản xuất thuốc trong nước có thể phân tích từ đơn vị nhỏ nhất: viên thuốc. Về hình thức, tuy có đổi mới so với trước đây đó là có nhiều dạng như viên nang, viên sủi, … nhưng được làm ra bởi nguyên liệu hầu hết là nhập từ nước ngoài. Cùng một viên thuốc có hoạt chất là Paracetamol có tới 421 số đăng ký, thuốc bổ B1 có tới 280 số đăng ký. Tỷ lệ trung bình một dược chất có số sản phẩm doanh nghiệp đăng ký khai thác hiện dao động từ 1/14 đến 1/23 trong khi tỷ lệ này ở nước ngoài là ¼ hoặc 1/5. Hiện nay các doanh nghiệp dược Việt Nam đang rơi vào tình trạng thấy có lợi nhuận dễ thì đổ xô

22

Theo kết quả khảo sát 1.200 doanh nghiệp Việt Nam của Tổ chức hợp tác kỹ thuật Cộng hoà liên bang Đức (GTZ).

vào khai thác, do sản xuất trùng lặp mặt hàng nên các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá bán. (Báo cáo của Cục quản lý dược, 2007)

Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng này như do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp còn chưa cao, doanh nghiệp chưa có những chiến lược phát triển dài hạn cần tới sự hỗ trợ của hoạt động NC&TK như một đòn bẩy làm thay đổi về chất hoạt động của doanh nghiệp.

Cuộc điều tra đánh giá tiềm lực KH&CN của 7.232 doanh nghiệp chiếm 61% tổng số doanh nghiệp công nghiệp cả nước, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI trong ngành công nghiệp - một lực lượng tạo ra trên 30% tổng sản phẩm quốc nội do Tổng cục Thống kê tiến hành vào năm 2002 cho thấy tổng các nguồn vốn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1.787 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 53,1%, doanh nghiệp nhà nước chiếm 41% còn lại doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 5,9%. Điều đáng lưu ý là trong tổng nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN nói trên các doanh nghiệp đã chi trên 91,20% cho đổi mới công nghệ (1.630 tỷ đồng), phần kinh phí dành cho các nhiệm vụ nghiên cứu là 148 tỷ đồng.

Trong cuộc điều tra tiếp theo vào năm 2005 cũng do Tổng cục Thống kê tiến hành tình hình đầu tư cho hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp

cũng không có nhiều biến chuyển. Trong tổng số 7.580 doanh nghiệp công

nghiệp được điều tra chỉ có 185 doanh nghiệp có đầu tư cho NC&TK với kinh phí là 193,73 tỷ đồng (chiếm 11,8% tổng đầu tư cho KH&CN, nhưng chỉ chiếm 0,003% so với doanh thu của các doanh nghiệp trên). Trong khi đó, qua khảo sát 100 doanh nghiệp mạnh trên thế giới hiện nay thì không một công ty

nào không có những bộ phận, trung tâm NC&TK riêng của mình và tỷ lệ đầu tư cho NC&TK thường chiếm từ 10 đến 15% doanh thu.

Về xu thế đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp: xu thế chung là tập trung nguồn vốn vào đổi mới trang bị kỹ thuật mà chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất. Việc nghiên cứu để có công nghệ mới và sản phẩm mới hạn chế. Số doanh nghiệp có đầu tư cho KH&CN không nhiều và nguồn đầu tư bình quân cho từng doanh nghiệp còn nhỏ bé (61,5 triệu đồng đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh), đặc biệt là tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu quá thấp nên số đông doanh nghiệp trong ngành công nghiệp khó có thể tạo lập được năng lực phát triển sản phẩm và công nghệ mới (Lê Thành Ý, 2005).

Nhìn vào lịch sử phát triển của một số hãng nổi tiếng thế giới cho thấy, việc chú trọng và đầu tư cho NC&TK, không ngừng cải tiến và đổi mới đã cho ra đời những sản phẩm luôn hấp dẫn khách hàng, đồng thời có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ. Công ty Phillips có lịch sử hình thành và phát triển gần 100 năm nhưng sản phẩm của họ không hề lỗi thời, mỗi năm họ đưa ta rất nhiều loại sản phẩm mới. Chẳng hạn, năm 1970, nghiên cứu sản xuất ra mạch điện nối tiếp mật độ cao LOCOS, năm 1972 nghiên cứu ra kỹ thuật kích quang để ghi hình trong quang học, năm 1980 áp dụng hệ thống cộng hưởng từ để cho ra đời các sản phẩm máy dùng cho chuẩn đoán trong y học, … Tương tự, hãng SONY mỗi năm cho ra đời trên 1.000 sản phẩm mới. Đơn cử, chỉ với một sản phẩm là máy Walkman của hãng này mà từ năm 1980 đến 1990 đã có 160 lần cải tiến.

Như vậy, muốn nâng cao khả năng hội nhập của nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, biện pháp hiệu quả hơn cả là đẩy mạnh hoạt động NC&TK, qua đó đổi mới công nghệ, cải tiến kết cấu, chất lượng và mẫu

mã sản phẩm của doanh nghiệp để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm cũng như của doanh nghiệp.

Trên thị trường luôn tồn tại song song: cơ hội và thách thức, tồn tại và diệt vong, tập trung và phân tán, thành công và thất bại, hai mặt đối lập này luôn đi liền với nhau. Nhìn từ tình hình phát triển của các doanh nghiệp trong và ngoài nước từ trước tới nay chúng ta có thể thấy rõ: sự tồn tại của doanh nghiệp luôn gắn liền với sản phẩm của doanh nghiệp ấy, mà sản phẩm lại phản ánh sự đổi mới của doanh nghiệp. Đổi mới chính là linh hồn cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

III. Kết luận của chương 2

1. Hiện trạng tổ chức NC&TK trong các doanh nghiệp trình bầy trên đây

một lần nữa đã khẳng định chính nhu cầu hoạt động NC&TK của doanh nghiệp quyết định hình thức tổ chức hoạt động NC&TK trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Cụ thể, hoạt động nghiên cứu ở các doanh nghiệp hiện chủ yếu là các nghiên cứu cải tiến các quy trình sản xuất hiện có, nghiên cứu cải tiến sản phẩm và thiết kế đưa ra sản phẩm mới, nghiên cứu áp dụng các quy trình sản xuất mới nên hình thức tổ chức phổ biến là có các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật thuộc các bộ phận khác nhau phụ trách hoạt động nghiên cứu trong doanh nghiệp. Trường hợp khi các nhiệm vụ nghiên cứu vượt quá khả năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp sẽ có những hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học yêu cầu trợ giúp để giải quyết. Suy cho cùng, một khi có nhu cầu NC&TK luôn có các biện pháp tổ chức để giải quyết.

2. Nghiên cứu hiện trạng về tổ chức hoạt động NC&TK trong doanh

nghiệp có thể thấy rằng đây là một quá trình “động”, xuất hiện và tồn vong cùng với sự phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong doanh

nghiệp. Bốn mô hình tổ chức hoạt động NC&TK sẽ vận động, biến đổi không ngừng và thay thế cho nhau. Có thể ban đầu hoạt động NC&TK trong doanh nghiệp chỉ do một hoặc một nhóm cán bộ kỹ thuật phụ trách sau đó do nhu cầu phát triển doanh nghiệp, sự hình thành một tổ chức độc lập với tên gọi phòng NC&TK trong doanh nghiệp. Cũng không loại trừ tình huống ngược lại, nhiều doanh nghiệp có phòng NC&TK trong cơ cấu của mình ngay từ những ngày đầu thành lập doanh nghiệp, nhưng bởi vai trò và sự đóng góp mờ nhạt của phòng này cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn doanh nghiệp nên sau đó bị giải thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những trở ngại trong việc hình thành tổ chức nghiên cứu và triển khai trong các doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)