Chiến lược phát triển doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những trở ngại trong việc hình thành tổ chức nghiên cứu và triển khai trong các doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 60 - 62)

I. Một số nhân tố chủ quan gây trở ngại trong việc hình thành tổ chức NC&TK trong doanh nghiệp

1. Chiến lược phát triển doanh nghiệp

Trên thực tế cho thấy định hướng phát triển không phải lúc nào cũng là mục tiêu cao nhất của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khi thành lập cũng như trong quá trình hoạt động chỉ tập trung vào việc khai thác các cơ hội trước mắt hoặc duy trì quy mô hiện có vì ở quy mô đó họ có thể tự điều hành công việc mà không cần sử dụng thêm lao động và cũng không phải đương đầu với những rủi ro có thể phát sinh nếu họ đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó ở các doanh nghiệp tư nhân mang tính chất gia đình, những doanh nghiệp này đổi mới công nghệ một cách thụ động và khó khăn. Những doanh nghiệp thường xuyên đổi mới là những doanh nghiệp luôn có mục tiêu mở rộng, phát triển doanh nghiệp của mình bằng các kế hoạch chiến lược.

Việc tổ chức hoạt động NC&TK trong doanh nghiệp là nhằm phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được lợi ích của hoạt động này. Những nỗ lực nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất,

nâng cao chất lượng sản phẩm vẫn được tiến hành một cách tự phát và dựa chủ yếu vào các nguồn lực tự thân. Tâm lý cho rằng phát triển NC&TK tại doanh nghiệp chỉ làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa nhận thấy rằng sự đầu tư lâu dài cho phát triển hoạt động NC&TK sẽ đem lại sự tăng tiến bền vững đồng thời thúc đẩy gia tăng lợi ích kinh tế cho chính bản thân doanh nghiệp.

Hoạt động NC&TK đóng vai trò nền tảng cho sự thành công mang tính dài hạn của doanh nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp thường có xu hướng cắt giảm khoản chi cho NC&TK trong khi chính hoạt động này góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, quy trình mới và dịch vụ mới. Khoản chi cho NC&TK thường có mức độ tập trung vốn cao nhất trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần chú ý rằng doanh nghiệp nào cắt giảm đầu tư cho NC&TK quá nhiều thì doanh nghiệp đó không những sẽ gặp khó khăn trong hiện tại mà còn có thể bị ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong tương lai.

Việc xây dựng được một chiến lược phát triển đúng đắn và hiệu quả cho doanh nghiệp có ảnh hưởng không chỉ tới tổ chức và hoạt động NC&TK mà còn ảnh hưởng tới mọi hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của doanh nghiệp. Từ vai trò đặc biệt quan trọng của việc có một chiến lược phát triển doanh nghiệp chúng ta có căn cứ để lý giải cho những hiện tượng những doanh nghiệp có số lượng cán bộ còn hạn chế, quy mô hoạt động còn khiêm tốn nhưng vẫn hình thành bộ phận NC&TK trong cơ cấu của mình, vẫn quan tâm tới đầu tư cho hoạt động NC&TK. Đồng thời giải thích vì sao mô hình tổ chức thành phòng NC&TK trong cơ cấu cứng của doanh nghiệp lại xuất hiện chủ yếu ở những doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu, những doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đặc thù hay những doanh nghiệp nằm trong

mạng lưới gia công hay công cấp phụ tùng cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.

Mục tiêu của những lớp bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp cho các nhà quản lý doanh nghiệp gần đây là giúp các chủ doanh nghiệp thay đổi quan điểm phát triển doanh nghiệp. Cụ thế, không nên quá tập trung vào giải quyết các mục tiêu trước mắt mà phải cân đối giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, cần chủ động xây dựng các kế hoạch phát triển trung và dài hạn với trọng tâm là các kế hoạch đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Kinh phí cho các khoá đào tạo bồi dưỡng này thường được hỗ trợ một phần từ các quỹ như Quỹ hỗ trợ các DNNVV, Quỹ phát triển KH&CN , … kết hợp với sự đóng góp của các hiệp hội, tài trợ trong và ngoài nước và một phần nhỏ là của chính các doanh nghiệp khi tham gia.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghệ hiện đại, các dòng sản phẩm mới đua nhau ra đời, cuộc cạnh tranh trên thị trường quốc tế vô cùng quyết liệt. Chu kỳ tồn tại của các sản phẩm trên thị trường ngày càng ngắn lại buộc các nhà doanh nghiệp phải có cái nhìn chiến lược lâu dài. Chỉ có không ngừng đổi mới mới có thể duy trì được sản phẩm của mình lâu dài trên thị trường, mới làm cho doanh nghiệp ngày càng phát triển và đi lên.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những trở ngại trong việc hình thành tổ chức nghiên cứu và triển khai trong các doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)