7. Cấu trúc của luận văn
2.2. Phản ứng của các bên liên quan
2.2.2. Phản ứng của Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những bên tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, cũng như ký Hiệp định đình chiến. Có thể nói, thể chế chính trị và nền kinh tế của Triều Tiên tồn tại, phát triển được như ngày nay phần lớn là dựa vào sự hậu thuẫn chính trị, sự hỗ trợ về kinh tế của Trung Quốc. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng không thể thiếu của Trung Quốc đối với Triều Tiên nói riêng, cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nói chung. Tuy nhiên, dù được xem là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, thậm chí từ đầu năm 2018, quan hệ Trung - Triều đã được khôi phục và đang phát triển tốt đẹp, nhưng vấn đề hạt nhân và những diễn biến an ninh phức tạp trên bán đảo Triều Tiên, nhất là trong giai đoạn 2012 - 2017, đã và đang tạo ra sự bất an cho Trung Quốc theo nhiều kịch bản khác nhau.
Trường hợp Triều Tiên quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo. Hơn 05 năm kể từ khi lên nắm quyền (12.2011 - 02.2017), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không tiến hành thăm Trung Quốc. Đây là điều khác biệt lớn so với các thế hệ lãnh đạo trước đây của Triều Tiên, là biểu hiện của việc quan hệ Triều - Trung bị gián đoạn và xấu đi nhanh chóng. Trong giai đoạn này, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được đẩy nhanh tốc độ và đạt được những kết quả nổi bật. Điều đó khiến Trung Quốc vừa bất an vừa khó xử. Bất an vì Triều Tiên đã làm chủ kỹ thuật chế tạo bom H và ICBM, hơn nữa những hành động khiêu khích quân sự của Triều Tiên (thử hạt nhân, phóng tên lửa) về cơ bản nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc. Khó xử vì nếu cứ để Triều Tiên tự do phát triển vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa trực tiếp tới an ninh của Trung Quốc, còn nếu ủng hộ Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ vấp phải phản ứng của cộng đồng quốc tế. Thậm chí, nếu Trung Quốc phản đối bằng cách gây sức ép quá mức cần thiết, không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ bỏ qua Trung Quốc, thỏa hiệp ngầm với Mỹ và đồng minh để đổi lấy những lợi ích về chính trị, kinh tế. Khi đó, Trung Quốc sẽ mất dần vai trò và ảnh hưởng đối với Triều Tiên, ảnh hưởng tới lợi ích chiến lược của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên, cũng như trong khu vực.
Trường hợp Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Trường hợp này có khả năng xảy ra khi Triều Tiên có được cam kết từ Mỹ về việc ký Hiệp định hòa bình, dỡ bỏ các lệnh cấm vận và hai nước bình thường hóa quan hệ. Trên cơ sở đó, Triều Tiên sẽ mở cửa kinh tế, thúc đẩy giai đoạn hai của chính sách Song tiến. Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra, Trung Quốc vẫn thấy bất an, vì khi đó với lợi thế đồng bào, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Triều Tiên. Đặc biệt, nếu Mỹ và Triều Tiên bình thường hóa quan hệ, Mỹ sẽ không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Triều Tiên nhằm chiếm lợi thế thị trường, đồng hóa nền kinh tế, quảng bá giá trị Mỹ, từng bước chuyển hóa chế độ và hướng lái Triều Tiên phát triển theo đường lối của Hàn Quốc.
Trong trường hợp này, vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên, cả về chính trị và kinh tế, sẽ trở nên mờ nhạt. Trung Quốc sẽ dần đánh mất vùng đệm an toàn chiến lược trước sự áp sát của Mỹ và đồng minh. Đối với Trung Quốc, kịch bản này còn tệ hơn việc Triều Tiên quyết tâm theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.
Trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Đây là kịch bản xấu nhất đối với Trung Quốc. Bởi vì, nếu xung đột quân sự nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, trước tiên Trung Quốc sẽ phải đối mặt với làn sóng người di cư ồ ạt từ Triều Tiên tràn sang qua biên giới. Khi đó, chiến tranh sẽ là cơ hội lý tưởng để Mỹ và đồng minh (NATO, Nhật Bản...) có được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, giải quyết triệt để vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc sẽ buộc phải lựa chọn: Một là, giúp đỡ Triều Tiên theo tinh thần Hiệp ước hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau hai bên ký năm 1961, cùng Triều Tiên chống lại liên quân do Mỹ đứng đầu. Khi đó, cuộc chiến tranh toàn diện sẽ là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Những thiệt hại do cuộc chiến gây ra khiến cả Trung Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế đều khó có thể lường hết. Hai là, Trung Quốc chỉ hỗ trợ Triều Tiên về vũ khí, trang bị, hậu cần..., nhưng không trực tiếp tham chiến. Nếu lựa chọn phương án này, Trung Quốc sẽ vấp phải làn sóng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vì bỏ rơi Triều Tiên, dẫn tới uy tín và vị thế trên trường quốc tế của Trung Quốc bị giảm sút, hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc trong triển khai thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường hiện nay.
Để duy trì ảnh hưởng và bảo đảm lợi ích của mình, Trung Quốc phản ứng tương đối linh hoạt trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, tùy vào bối cảnh tình hình cụ thể. Dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc thực thi chính sách vừa răn đe, vừa hậu thuẫn đối với Triều Tiên. Quan điểm, lập trường nhất quán của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên là các bên giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, bảo đảm hòa bình và ổn định để cùng hợp tác, phát triển.
Trung Quốc phản đối và răn đe trước các hành động khiêu khích leo thang của Triều Tiên. Sau mỗi vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Trung Quốc đều đưa ra tuyên bố ngoại giao với các mức độ khác nhau, tùy vào tính chất vụ việc và diễn biến thực tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thay đổi thái độ kể từ khi Triều Tiên đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo trong giai đoạn 2012 - 2017. Trong giai đoạn này, sau mỗi vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc đều có tuyên bố ngoại giao phản đối, đồng thời sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc nhất trí và thông qua 08 nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên.
Đáng chú ý, vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cận kề xung đột quân sự, nhất là sau khi Triều Tiên công khai kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ, hay Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên..., truyền thông và dư luận Trung Quốc đã có luồng quan điểm cho rằng, nếu Mỹ tấn công Triều Tiên trước, Trung Quốc sẽ hỗ trợ Triều Tiên, nhưng nếu Triều Tiên chủ động tấn công Mỹ trước, Trung Quốc sẽ không tham gia. Điều đó khiến Triều Tiên không hài lòng, cho rằng Trung Quốc theo Mỹ chống lại Triều Tiên. Quan hệ Trung - Triều vì đó cũng trở nên xa cách hơn. Điều đó cho thấy, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã có sự thay đổi lớn, trực tiếp đe dọa đến an ninh và lợi ích chiến lược của Trung Quốc.
Không chỉ dừng lại ở các tuyên bố ngoại giao và thực thi các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên, Trung Quốc còn đơn phương áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, nhất là về kinh tế. Cụ thể, Bộ Thương mại Trung Quốc (14.8.2017) ban hành quy định cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Triều Tiên, trong đó có than đá, quặng và khoáng sản - những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên. Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (7.2017) quyết định ngừng bán dầu
thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng ra lệnh đóng băng tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp, cá nhân Triều Tiên tại Trung Quốc; cấm các doanh nghiệp Trung Quốc mở mới, mở rộng kinh doanh với đối tác Triều Tiên; không gia hạn thị thực cho lao động Triều Tiên tại Trung Quốc... Ngoài lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc còn mở rộng lệnh trừng phạt sang các lĩnh vực khác, trong đó có việc cắt quan hệ quân sự và ngoại giao với Triều Tiên trong giai đoạn này. Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế vốn đã khó khăn của Triều Tiên, khiến Triều Tiên càng bị cô lập trong mọi lĩnh vực.
Mặc dù có những phản ứng cứng rắn, nhưng Trung Quốc vẫn ủng hộ và ngầm hậu thuẫn cho Triều Tiên. Vào những thời điểm tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng, nhất là sau các vụ thử hạt nhân, Trung Quốc không thể không đồng thuận với Mỹ trong việc thông qua các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngầm hỗ trợ Triều Tiên về cả chính trị, ngoại giao và kinh tế. Nhờ đó, Triều Tiên mới có thêm nguồn lực để ổn định nội bộ, duy trì sự tồn tại của nền kinh tế và trật tự xã hội như hiện nay. Điều đó cũng cho thấy vai trò và ảnh hưởng quan trọng của Trung Quốc đối với Triều Tiên.
Mục đích chính của Trung Quốc khi bảo vệ, hậu thuẫn cho Triều Tiên là giữ vững vùng đệm an toàn chiến lược trước sự áp sát của Mỹ và đồng minh, duy trì chế độ chính trị và giữ Triều Tiên trong vòng kiểm soát, đồng thời lợi dụng vấn đề hạt nhân Triều Tiên để thỏa hiệp với Mỹ trong những vấn đề khác... Thậm chí, trong thời điểm bán đảo Triều Tiên cận kề nguy cơ xung đột quân sự (7.2017), Trung Quốc công khai quan điểm kiên quyết không để cho chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cũng kịch liệt phản đối việc Mỹ triển khai THAAD và điều động các vũ khí chiến lược đến bán đảo Triều Tiên, đề xuất và kêu gọi các bên thực hiện sáng kiến hai tạm dừng (Mỹ và đồng minh dừng các cuộc tập trận quy mô lớn, Triều
Tiên dừng các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa). Đồng thời khẳng định, đối thoại là giải pháp đúng đắn duy nhất để các bên liên quan giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Đáng chú ý, kể từ khi Triều Tiên điều chỉnh chiến lược phát triển, Chủ tịch Kim Jong-un đã chủ động khôi phục và cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Trước những cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ, Chủ tịch Kim Jong-un thường tiến hành thăm Trung Quốc, hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình để tham vấn những nội dung cần trao đổi. Điều đó cho thấy, Triều Tiên vẫn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Triều, coi Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất trong mọi hoàn cảnh. Sự hậu thuẫn của Trung Quốc đã giúp Triều Tiên có thêm thế và lực trong đàm phán với Mỹ. Có thể thấy, trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, sự tham gia của các bên là điều kiện cần và vai trò của Trung Quốc là điều kiện đủ.