Tác động đối với Việt Nam và quan hệ Việ t Triều

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề hạt nhân của cộng hòa dân chủ nhân dân triều tiên giai đoạn 2012 2017 (Trang 76 - 80)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1. Những tác động của vấn đề hạt nhân Triều Tiên

3.1.2. Tác động đối với Việt Nam và quan hệ Việ t Triều

Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 31.01.1950. Trong gần 70 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Triều trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có thời điểm lâm vào trạng thái căng thẳng. Việt Nam là quốc gia không liên quan trực tiếp, nhưng đã và đang phải chịu những ảnh hưởng trực tiếp từ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Quan hệ Việt - Triều trở nên xấu đi, đứng trước nguy cơ đổ vỡ trong

giai đoạn từ năm 2012 - 2017. Trong giai đoạn đầu kể từ khi Chủ tịch Kim

Jong-un lên nắm quyền, quan hệ giữa Triều Tiên và Việt Nam vẫn được duy trì, nhưng ở mức thấp. Hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa giữa hai nước chỉ được duy trì ở mức tối thiểu. Quan hệ Việt - Triều trở nên xấu đi nhanh chóng sau khi Triều Tiên đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo.

Sau mỗi vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa của Triều Tiên, nhất là vụ phóng tên lửa ngày 22.6.2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có tuyên bố bày tỏ quan ngại đối với động thái trên của Triều Tiên. Trong Tuyên bố chung Việt - Mỹ (5.2017), Tuyên bố chung Việt - Nhật (6.2017) nhân chuyến thăm Mỹ và Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đều đề cập và cho rằng, các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên thời gian qua vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ, bày tỏ quan ngại những hành động đó sẽ gây căng thẳng trong khu vực. Những động thái trên của Việt Nam khiến Triều Tiên không hài lòng, thậm chí cho rằng Việt Nam không ủng hộ hành động tự vệ chính đáng của Triều Tiên, không coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Đặc biệt, quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên rơi vào trạng thái căng thẳng và xuống mức thấp nhất (trong giai đoạn 2012 - 2017) sau vụ công dân Việt Nam (Đoàn Thị Hương) bị lực lượng đặc biệt của Triều Tiên tuyển dụng để thực hiện vụ ám sát nhân vật Kim Chol (được cho là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với Chủ tịch Kim Jong-un) tại Malaysia ngày 13.02.2017.

Những nguyên nhân trên khiến hai bên đã có nhiều động thái cứng rắn để phản đối lẫn nhau. Cụ thể, Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội hủy kế hoạch chiêu đãi nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Il-seong (15.4.2017), quyết định không nhận Huân chương Hữu nghị do Chính phủ Việt Nam trao tặng cho cựu Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam Kim Chang-in (nhiệm kỳ 2010 - 2015), chỉ trích Bộ Ngoại giao Việt Nam gây khó khăn đối với các nhân viên ngoại giao của Triều Tiên tại Hà Nội, hạn chế hoạt động ngoại giao đối với Triều Tiên... Trong khi đó, Việt Nam cũng nhiều lần tiến hành giao thiệp nghiêm khắc với đại diện Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội, hủy toàn bộ kế hoạch các đoàn thăm và làm việc của hai bên, cử cán bộ cấp thấp tham dự các ngày lễ trọng đại do Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội tổ chức (105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Il-seong, 85 năm ngày thành lập Quân đội Triều Tiên...), chủ động hủy Thỏa thuận miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông đi công vụ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt nam và Chính phủ nước CHDCND Triều Tiên năm 1966. Những tuyên bố và động thái cứng rắn nhằm vào nhau của cả hai bên khiến quan hệ Việt - Triều trở nên căng thẳng, đứng trước nguy cơ đổ vỡ trong năm 2017.

Việt Nam chịu nhiều sức ép từ các bên liên quan, nhất là từ Mỹ, trong

thực thi các nghị quyết của HĐBA LHQ và quan hệ với Triều Tiên. Việt

Nam có quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên, cũng như có quan hệ tốt với các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc năm 2008, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc năm 2009, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga năm 2012, quan hệ Đối tác toàn diện với Mỹ năm 2013 và quan hệ Đối tác chiến lược với Nhật Bản năm 2014. Các nước trên, nhất là Mỹ, một mặt mong muốn Việt Nam sử dụng quan hệ tốt đẹp, ảnh hưởng của mình để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt

nhân, mặt khác lợi dụng vấn đề hạt nhân Triều Tiên để gây sức ép với Việt Nam trong quan hệ song phương, cũng như đối với quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội thường xuyên trao tài liệu liên quan tới vấn đề Triều Tiên cho Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam. Những tài liệu trên chủ yếu đề cập đến các vấn đề, như: Hoạt động của các tàu Triều Tiên/tàu nghi chở hàng hóa xuất xứ từ Triều Tiên trong/tiếp giáp vùng lãnh hải của Việt Nam; hoạt động giao dịch thương mại giữa một số cá nhân/tổ chức của Việt Nam với các đối tác Triều Tiên; trao đổi đáng nghi ngờ giữa các quan chức ngoại giao/công dân Triều Tiên tại Việt Nam với các cơ quan trọng yếu của Việt Nam; hoạt động phi pháp của nhân viên ngoại giao/công dân Triều Tiên tại Việt Nam; danh sách các tàu, cá nhân, tổ chức của Triều Tiên nằm trong danh sách trừng phạt của HĐBA LHQ và Mỹ...

Hành động trên của Mỹ nhằm ép buộc Việt Nam thực thi nghiêm các nghị quyết của HĐBA LHQ, cũng như lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Triều Tiên, ngăn chặn nguồn tài chính, thu hẹp không gian đối ngoại và giao dịch thương mại quốc tế của Triều Tiên; gây sức ép để Việt Nam tác động, hướng lái Triều Tiên đi theo ý đồ của Mỹ; yêu cầu Chính phủ Việt Nam công khai, minh bạch kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐBA LHQ về Triều Tiên trong Báo cáo Quốc gia định kỳ gửi HĐBA LHQ... Thông qua đó, Mỹ muốn lợi dụng Việt Nam để thực hiện chính sách đối với Triều Tiên, ép buộc Việt Nam phải nhượng bộ trong nhiều vấn đề khác (cho tàu sân bay Mỹ vào thăm các cảng quân sự, mở rộng phạm vi hoạt động trong vấn đề POW/MIA, thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, mua sắm vũ khí của Mỹ...), hay đẩy Việt Nam lên tuyến đầu chống Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang là một trong những vấn đề Mỹ lợi dụng triệt để nhằm thúc ép Việt Nam nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt lên thành Đối tác chiến lược.

Mặc dù chịu sức ép từ nhiều bên trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhưng từ năm 2018 đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên đã được cải thiện, khôi phục, củng cố và từng bước phát triển. Triều Tiên chủ động điều chỉnh chiến lược đối ngoại theo hướng ưu tiên củng cố, phát triển quan hệ với các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, trong đó có Việt Nam. Theo đó, hai bên đã nối lại các chuyến thăm cấp cao, nổi bật là chuyến thăm và tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng đoàn (08 - 11.9.2018), chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên (29.11 - 02.12.2018), hay chuyến thăm Triều Tiên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam (12 - 14.02.2019).

Đặc biệt, Triều Tiên và Mỹ đã nhất trí chọn Hà Nội là địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai (27 - 28.02.2019). Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng tiến hành chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và hội kiến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhân chuyến thăm này. Qua các chuyến thăm trên, hai bên đều khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Triều, nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới, phù hợp với lợi ích, khả năng và nhu cầu của mỗi bên, cũng như trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, hệ lụy từ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, sự ràng buộc về pháp lý liên quan tới các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ, sức ép từ Mỹ đối với cả Việt Nam và Triều Tiên... sẽ là rào cản, khiến quan hệ Việt - Triều khó có thể được mở rộng và đi vào thực chất trên mọi lĩnh vực. Thậm chí, nếu hai bên không quyết tâm cao độ trong xây dựng niềm tin chính trị, tỏ hiểu quan điểm lập trường và trách nhiệm quốc tế của nhau, rất có thể những vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên (tháng 5, 7 và 8.2019), hay việc Việt Nam thực thi đầy đủ các nghị quyết của HĐBA LHQ về Triều Tiên sẽ lại khiến quan hệ hai nước rơi vào trạng thái căng thẳng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề hạt nhân của cộng hòa dân chủ nhân dân triều tiên giai đoạn 2012 2017 (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)