Thách thức tính pháp lý các thể chế và chế tài của LHQ, tác động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề hạt nhân của cộng hòa dân chủ nhân dân triều tiên giai đoạn 2012 2017 (Trang 69 - 76)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1. Những tác động của vấn đề hạt nhân Triều Tiên

3.1.1. Thách thức tính pháp lý các thể chế và chế tài của LHQ, tác động

môi trường an ninh và hệ thống quan hệ quốc tế

3.1.1.1. Thách thức tính pháp lý của NPT và các thể chế quốc tế

Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên đã phê chuẩn việc tham gia NPT vào ngày 12.12.1985. Tuy nhiên, sau khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên khởi động chương trình làm giàu Urani, đồng thời đình chỉ việc vận chuyển nhiên liệu theo Thỏa thuận khung 1994, Triều Tiên đã rút khỏi NPT vào ngày 10.01.2003.

Vào thời điểm đó, Triều Tiên cho rằng, việc rút khỏi NPT và theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân là quyền lợi chính đáng nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chế độ chính trị trước ý đồ cô lập, bóp nghẹt Triều Tiên của Mỹ. Thậm chí, tại các vòng đàm phán 6 bên năm 2005, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng bán vũ khí hạt nhân cho lực lượng khủng bố quốc tế nếu Mỹ đẩy Triều Tiên vào đường cùng. Không chỉ đưa ra những tuyên bố cứng rắn, Triều Tiên còn tiến hành 02 vụ thử nghiệm hạt nhân, 03 vụ phóng tên lửa đạn đạo trong giai đoạn 2006 - 2011.

Ngày 21.4.2010, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố sẵn sàng tham gia lại NPT. Tuy nhiên, đến tháng 11.2010, Triều Tiên đã công khai hình ảnh về một nhà máy ly tâm mới để làm giàu Uranium và một lò phản ứng nước nhẹ đang được xây dựng. Động thái trên của Triều Tiên cho thấy, bất chấp các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, cũng như những cam kết đã đưa ra trước đây, Triều Tiên vẫn bí mật theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, đã kịch liệt phản đối và lên án Triều Tiên không tuân thủ các cam kết quốc tế, thách

thức tính pháp lý của NPT, tạo tiền lệ xấu cho các lực lượng khủng bố quốc tế, cũng như các quốc gia đang có ý định theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un chủ trương thúc đẩy chính sách Song tiến với trọng tâm là phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo nhằm đưa Triều Tiên trở thành quốc gia sở hữu hạt nhân được cộng đồng quốc tế công nhận. Để thị uy quyền lực và xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo trẻ mạnh mẽ và mưu lược, Chủ tịch Kim Jong-un đã thanh trừng những nhân vật có tư tưởng chống đối chính sách Song tiến, bất tuân mệnh lệnh và là mầm mống đe dọa tương lai chính trị của mình. Đáng chú ý, trong số các nhân vật bị thanh trừng có cả những người thân tín của cố Chủ tịch Kim Jong- il, hoặc có quan hệ huyết thống với Chủ tịch Kim Jong-un. Tiêu biểu như Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Jang Seong-taek, thân tín và là em rể của Chủ tịch Kim Jong-il, đã bị xử tử ngày 12.12.2013; Kim Jong-nam, anh cùng cha với Chủ tịch Kim Jong-un, bị sát hại tại Malaysia ngày 13.02.2017. Ủy ban Nhân quyền của LHQ cáo buộc những vụ thanh trừng cấp dưới và người thân của Chủ tịch Kim Jong-un là hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đồng thời đề nghị Tòa án Hình sự Quốc tế đưa ra xét xử. Ngoài ra, HĐBA LHQ đã thông qua 08 nghị quyết trừng phạt đối với Triều Tiên trong giai đoạn 2012 - 2017, vì đã tiến hành 04 vụ thử nghiệm hạt nhân và 38 vụ phóng tên lửa đạn đạo các loại.

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thậm chí còn đưa ra những tuyên bố mang tính thách thức, hay đáp trả bằng các hành động khiêu khích quân sự nguy hiểm. Những vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo hay những tuyên bố mang tính đe dọa của Triều Tiên trong giai đoạn này được dư luận quốc tế đánh giá là sự thách thức, làm suy giảm tính nghiêm minh, hiệu quả của các thể chế và chế tài quốc tế.

Ngoài ra, chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cũng gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới môi trường an ninh thế giới. Cụ thể, ở mức độ nào đó, thành công trong chương trình vũ khí hạt nhân và ICBM của Triều Tiên đã trở thành sự cổ vũ đối với các quốc gia đang có ý định phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, gián tiếp kích thích cuộc chạy đua hạt nhân ở khu vực và trên thế giới. Vấn đề này cũng làm gia tăng nguy cơ chiến tranh ở khu vực, thậm chí dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu các bên, nhất là Mỹ và Triều Tiên không kiểm soát tốt tình hình và có nhận định, tính toán sai. Đặc biệt, nếu Triều Tiên có ý định chuyển giao vũ khí hạt nhân, hoặc công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cho lực lượng khủng bố, thì hậu quả đối với an ninh thế giới rất khó lường.

3.1.1.2. Tác động tới an ninh và quan hệ quốc tế trong khu vực

Những vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong giai đoạn 2012 - 2017, nhất là thành công của vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và phóng ICBM Hwaseong-15, đã khiến điểm nóng bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng, môi trường an ninh trong khu vực vốn đã bất ổn ngày càng trở nên phức tạp, khó lường hơn. Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trở thành nhân tố nổi bật làm giảm xu hướng hợp tác an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, tác động trực tiếp đến quyết định nâng cao sức mạnh quân sự của Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn tại khu vực. Điều đó khiến xu hướng chạy đua vũ trang trong khu vực gia tăng, thậm chí thúc đẩy chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời làm giảm cơ hội phi hạt nhân hóa, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị ở khu vực và trên thế giới.

Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cũng khiến mâu thuẫn giữa các nước Hàn - Trung, Nhật - Trung, Trung - Mỹ, cũng như liên minh Mỹ - Nhật - Hàn thêm phần sâu sắc.

Đối với liên minh Mỹ - Nhật - Hàn: Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh ngoài NATO của Mỹ, đều phải dựa vào ô hạt nhân của Mỹ để bảo đảm an ninh quốc gia trước mối đe dọa từ Triều Tiên. Do đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng phải ủng hộ chính sách của Mỹ trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mặc dù mức độ ủng hộ của mỗi nước khác nhau. Dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, liên minh Mỹ - Nhật - Hàn có sự đồng thuận cao trong cách thức giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, liên minh Mỹ - Nhật - Hàn đã và đang có sự chia rẽ, phân hóa về quan điểm trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn ủng hộ chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Triều Tiên nhằm tận dụng sức mạnh quân sự của Mỹ để bảo đảm an ninh quốc gia, thông qua các lệnh trừng phạt của Mỹ để gây sức ép, buộc Triều Tiên phải giải quyết vấn đề con tin bị bắt cóc. Trong khi đó, Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày càng cho thấy sự khác biệt về quan điểm, cách thức giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên so với Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù vẫn phải nhượng bộ Mỹ, nhưng Hàn Quốc chủ trương giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đối thoại hòa bình, kịch liệt phản đối sử dụng biện pháp quân sự. Trong năm 2017, khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bị đẩy lên cao, cận kề nguy cơ xung đột quân sự, Tổng thống Moon Jae-in đã phải tiến hành chính sách ngoại giao con thoi, đóng vai trò trung gian để dung hòa mâu thuẫn giữa Mỹ và Triều Tiên. Quan điểm nhất quán của Tổng thống Moon Jae-in là không để chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên nổ ra một lần nữa.

Trái ngược với quan điểm của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản thường xuyên đưa ra những tuyên bố cứng rắn và có nhiều động thái răn đe quân sự trên thực địa đối với Triều Tiên. Thậm chí, nội bộ Mỹ đã có đề xuất tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Triều Tiên để răn đe, sẵn sàng đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Thêm vào đó, quan hệ giữa

Hàn Quốc và Nhật Bản vốn đã căng thẳng (do tranh chấp chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima, hay vấn đề nô lệ tình dục trong chiến tranh thế giới lần thứ hai...), nay vì bất đồng quan điểm trong vấn đề Triều Tiên nên càng trở nên xấu hơn. Ngoài ra, do quan điểm cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc ép đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản phải mua vũ khí, tăng mức chia sẻ kinh phí cho lực lượng Quân đội Mỹ đồn trú, hay phải đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn, Mỹ - Nhật... khiến liên minh Mỹ - Nhật - Hàn bị rạn nứt, ảnh hưởng tới sức mạnh của liên minh nói chung, hiệu quả triển khai chiến lược của Mỹ tại khu vực nói riêng.

Đối với quan hệ giữa các nước lớn liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều

Tiên: Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có tác động

mạnh mẽ tới các bên liên quan, khiến mối quan hệ giữa các nước này ngày càng trở nên phức tạp, nhất là quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga.

Mỹ, Trung Quốc và Nga đều là thành viên thường trực HĐBA LHQ. Tuy nhiên, LHQ lại trở thành diễn đàn để các bên thể hiện lập trường, quan điểm đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cũng như lợi dụng việc thông qua các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên để thỏa hiệp, tranh giành ảnh hưởng tại khu vực và tối đa hóa lợi ích của mình. Trên thực tế, Trung Quốc và Nga là hai nước bảo trợ chính, giúp Triều Tiên đứng vững trước các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, tự tin đối đầu với sức ép quân sự của Mỹ. Do đó, trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga là quan hệ đối đầu. Triều Tiên trở thành một trong những nhân tố kích hoạt căng thẳng giữa hai bên trong nhiều vấn đề khác.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, mặc dù bất đồng quan điểm trong vấn đề Triều Tiên, nhưng Mỹ vẫn có cách nhìn tích cực đối với Nga vì cho rằng, Nga vẫn có trách nhiệm trong giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, cách nhìn nhận của Mỹ đối với Nga đã thay đổi khi cho rằng Nga đã cản trở các nỗ lực của Mỹ trong giải quyết vấn

đề hạt nhân Triều Tiên. Thậm chí, đại đa số các giới chức Mỹ đều cho rằng, những tiến bộ vượt bậc trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là nhờ một phần vào sự giúp đỡ về kỹ thuật của Nga. Điều đó đã biến Nga thành một phần của vấn đề, thay vì là một phần của giải pháp trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Xuất phát từ quan điểm trên, Mỹ lợi dụng chính vấn đề hạt nhân Triều Tiên để gia tăng sức ép với Nga trong các vấn đề khác, như Syria hay Ukraine. Mỹ và các đồng minh phương Tây còn áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, buộc Nga phải nhượng bộ trong vấn đề Triều Tiên, cũng như các vấn đề khác. Điều đó khiến quan hệ giữa Mỹ và Nga luôn trong tình trạng căng thẳng và bế tắc trong thời gian qua.

Mặc dù đều là những nước bảo trợ cho Triều Tiên, nhưng vai trò, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên rõ ràng và nổi bật hơn Nga. Vì vậy, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Triều Tiên cũng gay gắt, phức tạp hơn Nga. Đối với Mỹ, quan điểm xuyên suốt từ thời Tổng thống Barack Obama đến Tổng thống Donald Trump là Trung Quốc cần phát huy hơn nữa vai trò, ảnh hưởng đối với Triều Tiên để hỗ trợ Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, do Trung Quốc không muốn, hoặc chưa thể hiện được sự nỗ lực như kỳ vọng, thậm chí nhiều thời điểm đi ngược lại ý đồ và mong muốn của Mỹ, nên Mỹ không ngừng gia tăng sức ép đối với Trung Quốc trong vấn đề này. Triều Tiên luôn là một trong những nội dung chính, không thể thiếu trong các chương trình nghị sự của Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, dù là trong chuyến thăm chính thức lẫn nhau hay cuộc gặp bên lề các sự kiện quốc tế. Hai bên đều có ý đồ lợi dụng con bài Triều Tiên để thỏa hiệp, gây sức ép và hướng lái đối phương, phục vụ ý đồ và lợi ích chiến lược của mình. Trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng đó, mỗi bên đều đã và đang đạt được những lợi thế nhất định. Mỹ lợi dụng vấn đề Triều Tiên để gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Đài Loan, hay cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á và gần đây nhất là cuộc chiến thương mại

giữa hai bên. Thông qua vấn đề Triều Tiên, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với nhiều cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng lợi dụng vấn đề Triều Tiên để đáp trả và thỏa hiệp với Mỹ trong chính những vấn đề Mỹ gây áp lực với Trung Quốc. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, Trung Quốc vẫn phải nhượng bộ Mỹ trong vấn đề Triều Tiên để đạt được mục tiêu chiến lược của mình.

Quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga trong vấn đề Triều Tiên cho thấy sự phức tạp, khó lường trong quan hệ quốc tế, nhất là giữa các cường quốc. Việc các nước Mỹ, Trung Quốc và Nga bất đồng quan điểm, lợi dụng vấn đề Triều Tiên để gây sức ép với đối phương khiến tiến trình phi hạt nhân hóa càng khó giải quyết, nhiều thời điểm rơi vào bế tắc. Sự tương tác giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình giải quyết vấn đề, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường an ninh và cấu trúc khu vực.

Tại khu vực, Mỹ đang cùng các đồng minh, đối tác triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Trung Quốc đang thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường, trong khi đó Nga cũng triển khai chính sách hướng Đông của mình. Nội dung của các chiến lược, sáng kiến và chính sách trên tập trung vào vấn đề hợp tác, bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là công cụ để Mỹ, Trung Quốc và Nga cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực, kiềm chế lẫn nhau và tối đa hóa lợi ích chiến lược của mình. Trong quá trình triển khai chiến lược, sáng kiến hay chính sách trên, vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một thành tố không thể bỏ qua đối với Mỹ, Trung Quốc và Nga. Ba nước này không chỉ sử dụng vấn đề hạt nhân Triều Tiên để gây sức ép lẫn nhau, giành lợi thế trong triển khai chiến lược của mình, mà còn lợi dụng vấn đề đó để lôi kéo các nước khác, tranh giành ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực. Điều đó đang đặt ra thách thức cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, khi phải cân bằng quan hệ với các nước lớn, nhất là khi buộc phải lựa chọn đối tác hoặc là Trung Quốc, hoặc là Mỹ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề hạt nhân của cộng hòa dân chủ nhân dân triều tiên giai đoạn 2012 2017 (Trang 69 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)