Phản ứng của Nga

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề hạt nhân của cộng hòa dân chủ nhân dân triều tiên giai đoạn 2012 2017 (Trang 65 - 69)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2. Phản ứng của các bên liên quan

2.2.5. Phản ứng của Nga

Vai trò và ảnh hưởng của Nga đối với Triều Tiên không nổi bật như Trung Quốc. Hơn nữa, trong giai đoạn này, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên không phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn có ảnh hưởng nhất định đối với Triều Tiên, nhất là sự trợ giúp về chính trị và kinh tế. Đồng thời, Nga cũng có những lợi ích nhất định, không thể bỏ qua trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Trong số các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên, có thể nói quan hệ Nga - Triều là mối quan hệ ổn định nhất. Tuy nhiên, thời gian qua vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với Nga. Do Nga thường xuyên phản đối các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ, nhất là những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên, nên Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga ngầm hỗ trợ và đứng sau những thành công trong chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Vì vậy, Mỹ thường xuyên lợi dụng vấn đề hạt nhân Triều Tiên để gây sức ép với Nga trong các vấn đề quốc tế khác, như vấn đề Ukraine, Syria... Trong bối cảnh tiềm lực kinh tế còn hạn chế, đang bị phương Tây cấm vận, sức ép từ Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã tạo thêm áp lực đối với Nga trong giải quyết các vấn đề chiến lược, cũng như nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Mặc dù vấn đề Triều Tiên không phải là ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Tổng thống Putin trong giai đoạn này, nhưng Nga không thể không can dự vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, vì Nga cũng có lợi ích trong vấn đề này. Nga cũng xem Triều Tiên là vùng đệm an toàn chiến lược, muốn duy trì sự ổn định tại khu vực để tập trung nguồn lực đối phó với Mỹ và các đồng minh, thậm chí lợi dụng vấn đề Triều Tiên để thỏa hiệp với Mỹ trong những vấn đề chiến lược khác. Ngoài ra, Nga muốn thúc đẩy kế hoạch phát triển kinh tế vùng Viễn Đông, thông qua Triều Tiên để kết nối mạng lưới kinh tế với Hàn Quốc (Nga đã có dự án kết nối các tuyến đường sắt xuyên Hàn Quốc và Siberia, xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt tới Hàn Quốc...), mở cánh cửa để thực hiện chính sách hướng Đông của mình.

Do có lợi ích có thể khai thác được từ Triều Tiên, nên Nga gần như không phản ứng cứng rắn đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Vào những thời điểm căng thẳng, như những lần Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, phóng ICBM hay Mỹ và Triều Tiên cùng đe dọa tấn công lẫn nhau..., Nga cũng không có tuyên bố ngoại giao cứng rắn nhằm vào Triều Tiên. Ngược lại, Nga kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường đối thoại để giải quyết vấn đề. Nga cũng ủng hộ sáng kiến Hai tạm dừng của Trung Quốc, kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm, hành động tương xứng với nỗ lực phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Với sự ủng hộ mạnh mẽ, công khai dành cho Triều Tiên, nên việc Nga nhất trí thông qua các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên cũng không khiến Triều Tiên phản ứng mạnh như đối với Trung Quốc. Thậm chí, trong thời điểm quan hệ Triều - Trung xấu đi, truyền thông Triều Tiên đã khẳng định Nga là người bạn tốt, sẵn sàng thay thế Trung Quốc. Trên thực tế, Nga đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết để phản đối các lệnh trừng

phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên; tăng cường viện trợ nhân đạo, cho phép người lao động Triều Tiên tiếp tục lưu trú, làm việc tại vùng Viễn Đông, bất chấp lệnh cấm của HĐBA LHQ và sự chỉ trích của Mỹ, EU...

Đáng chú ý, vào những thời điểm bán đảo Triều Tiên căng thẳng, Nga vẫn tăng cường hợp tác với Triều Tiên trong các lĩnh vực nhạy cảm, như: Giảm 90% trong tổng số nợ 11 tỷ USD của Triều Tiên từ thời Liên Xô (23.6.2012); cùng Triều Tiên ký Thỏa thuận về ngăn chặn hành động quân sự nguy hiểm ở cấp Tổng Tham mưu trưởng Quân đội (11.2015); ký Hiệp định về chuyển giao người nhập cư bất hợp pháp giữa Nga và Triều Tiên (02.2016); sửa chữa tuyến đường sắt nối hai nước, mở tuyến tàu thủy nối cảng Vladivostok/Nga với cảng Rajin/Triều Tiên để tăng cường vận chuyển hàng hóa; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) để thảo luận biện pháp giải quyết tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên... Đặc biệt, trong chuyến thăm Nga từ ngày 24 - 26.4.2019, Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Putin đã tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống Nga - Triều, đồng thời nhất trí sẽ thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Sự ủng hộ và hỗ trợ của Nga giúp Triều Tiên có thêm thế và lực trong đàm phán với Mỹ cùng đồng minh, có thêm cơ sở để thúc đẩy giai đoạn hai chính sách Song tiến. Ở một mức độ nào đó, quan hệ Triều - Nga phát triển tốt đẹp còn giúp Triều Tiên có thêm đối trọng, từng bước giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc trong quá trình phi hạt nhân hóa, thực hiện chính sách phát triển mới trong tương lai.

Tiểu kết chƣơng 2

Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, Triều Tiên tiếp tục quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và đạt được những tiến bộ vượt bậc. Sau vụ thử nghiệm thành công bom H và phóng thành công ICBM Hwaseong-15, Triều Tiên tự tin tuyên bố đã hoàn thành lực lượng hạt nhân quốc gia. Đây là bước nhảy về chất, đánh dấu sự thay đổi lớn trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nói riêng và vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nói chung. Sự thay đổi đó đã tác động trực tiếp, mạnh mẽ tới các bên liên quan, nhất là đối với Mỹ và đồng minh. Mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đối với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí với cả Trung Quốc đã trở nên rõ ràng, nguy cấp hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, điều đó cũng kéo theo phản ứng khác nhau của các bên đối với Triều Tiên. Những phản ứng cứng rắn từ Mỹ và đồng minh, thậm chí từ Trung Quốc trong giai đoạn này, khiến Triều Tiên hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế, không gian đối ngoại và giao dịch thương mại bị thu hẹp, nguồn thu ngoại tệ bị siết chặt, tình hình chính trị nội bộ và xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro... Mặc dù có nhiều thời điểm, nhất là trong năm 2017, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã cận kề xung đột quân sự, nhưng do các bên đều biết kiềm chế và kiểm soát tốt tình hình, nên không có bên nào tính toán sai lầm, nguy cơ chiến tranh đã được đẩy lùi. Điều đó cho thấy, sự thay đổi trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên giai đoạn 2012 - 2017 đã trở thành nhân tố quyết định đến cục diện tích cực trên bán đảo Triều Tiên về sau này.

CHƢƠNG 3. NHỮNG TÁC ĐỘNG VÀ KHẢ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ HẠT NHÂN CỦA TRIỀU TIÊN THỜI GIAN TỚI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề hạt nhân của cộng hòa dân chủ nhân dân triều tiên giai đoạn 2012 2017 (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)