Dằn vặt và vỡ mộng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểu nhân vật thuộc thế hệ vứt đitrong tiểu thuyết chiến tranh của e hemingway (Trang 44 - 49)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. “Con ngƣời có thể bị tiêu diệt…”

2.1.2. Dằn vặt và vỡ mộng

Những thanh niên như các nhân vật trong ba cuốn tiểu thuyết của Hemingway háo hức tham gia chiến tranh với ảo tưởng về một mục đích cao cả là lập lại hòa bình cho Châu Âu, chấm dứt những cuộc chiến khác. Nhưng rốt cuộc, cái mà họ gặp phải là những cảnh chém giết tàn bạo mà chính họ vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm gây ra đối với chính đồng loại của mình. Lịch sử như bị kéo lùi lại, những sự dã man mà văn minh nhân loại cố gắng xóa bỏ thì giờ đây lại tái hiện trong chiến tranh. Ngoài việc chém giết như một cỗ máy, con người đi tìm thú vui nhục dục với những cuộc tình chớp nhoáng để rồi vỡ mộng và dằn vặt tinh thần cả khi tham chiến lẫn khi đã bước ra khỏi cuộc chiến. Henry trong Giã từ vũ khí tham gia chiến đấu với lòng tự hào, tinh thần tự nguyện và một trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ, chịu biết bao gian khổ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng có những lúc anh cảm nhận được sự phi lí của những cuộc chém giết, song lại tự an ủi mình bằng “danh dự” của người lính Mỹ. Lương tâm, lý tưởng đã giúp anh đứng vững trong những ngày đầu tham chiến. Nhưng thực tế trên chiến trường chỉ rõ cho anh thấy những điều khác. Anh sống với những dự định tốt đẹp, những suy nghĩ trong sáng nhưng thực tế xảy ra lại hoàn toàn khác, cuộc chiến tranh này chẳng có gì là danh dự, là lương tâm mà anh phải hi sinh. Đám tướng tá của cái đội quân mà anh tham gia ấy vừa ngu dốt, quan liêu, lại hèn nhát chứ không phải như anh tưởng. Hậu

quả của hành động tình nguyện tham chiến chỉ là những gian khổ, mất cả vợ lẫn con, còn bản thân anh thì đầy thương tích về thể xác và tinh thần. Ngay khi tham chiến, anh đã ao ước làm được điều gì đó cao đẹp. Và anh đã có được nó, đã dũng cảm vượt qua biết bao nguy hiểm trong lòng địch. Nhưng cuối cùng khi thoát ra được thì lại suýt bị “quân mình” bắn chết. Bước ra khỏi cuộc chiến, anh “giã từ vũ khí” để mong trở về với yêu thương, hòa bình hạnh phúc bên vợ con. Nhưng kết cục thì thêm một lần hoàn toàn trái ngược: vợ con anh đều chết, còn anh bơ vơ dưới mưa nơi đất khách quê người. Henry khởi đầu là một con người thơ ngây, nhưng hoàn cảnh chiến tranh đã cho anh nếm mùi cay đắng, trở thành người hùng rồi thoắt cái lại thành kẻ phản bội. Anh chạy trốn khỏi chiến tranh, chết chóc vì tiếng gọi của tình yêu. Nhưng khi Catherine qua đời, Henry đã trở thành người đàn ông cô đơn, bối rối, và bất lực. Điều mỉa mai đối với Henry là tình yêu không thể thắng được số mệnh và không có giá trị trường tồn. Mối tình đẹp của anh kết thúc trong bi kịch đã khiến anh rơi vào ác mộng thật sự. Tất cả những bi kịch của cuộc đời đã biến nhân vật Henry trở thành hình tượng tập trung thể hiện súc tích những bất hạnh, những đau khổ tột đỉnh của con người do chiến tranh gây nên. Nếu không có cuộc chiến tranh kinh hoàng này thì có lẽ những ước mơ giản dị của anh đã có cơ hội trở thành hiện thực, và những cơn ác mộng đã không có cơ hội đến với anh trong mỗi đêm dài đau đớn. Nhưng đâu chỉ riêng anh khốn khổ trong cuộc chiến này. Bạn bè anh và cả những đồng đội của anh đã phải hi sinh oan uổng trên chiến trường cũng không phải là một ngoại lệ. Những cay đắng của sự vỡ mộng đã dồn tụ lại khiến anh thốt lên: “Tôi im lặng. Tôi luôn luôn bị bối rối vì những tiếng thiêng liêng, vinh quang, hy sinh và từ ngữ “bỏ qua vô ích”. Chúng tôi đã từng nghe những tiếng ấy khi đứng ngoài trời mưa, hầu như không lọt vào tai, chỉ nghe thấy những tiếng thét. Chúng

tôi đã đọc những tiếng ấy trên tờ thông cáo đã dán lâu ngày chồng lên những tờ thông cáo khác. Tôi không thấy gì là thiêng liêng cả. Những điều người ta gọi là quang vinh thì không có gì là quang vinh cả. Nhưng sự hy sinh thì giống như những lò mổ lợn ở Chicago chỉ khác là thịt chỉ dùng để chôn đi thôi. Có nhiều danh từ người ta không thể nào chịu đựng được khi nghe và cuối cùng chỉ có những danh từ địa phương là còn giữ được đúng ý nghĩa của nó. Cả những con số, cùng với những ngày tháng năm cũng thế. Với những tên địa phương người ta còn thấy có một chút ý nghĩa. Còn những danh từ trừu tượng như vinh quang, danh dự, dũng cảm hay thiêng liêng đều là những tiếng thô bỉ so với những danh từ cụ thể như tên làng mạc, số các con đường, tên những con sông, số các tiểu đoàn và ngày tháng năm”. [22; tr.250]

Và anh đã nghĩ về việc đào tẩu khỏi cuộc chiến giống như một sự giải thoát: “(…) mình đã mất hết cả xe và binh sĩ giống như một anh chàng coi hàng đã để hàng hoá cháy hết trong một trận hoả hoạn. Một khi đã giải quyết và không còn trách nhiệm nữa. Dòng sông đã cuốn theo nỗi căm hờn cùng tất cả trách nhiệm của tôi. Vả lại trách nhiệm đó cũng đã chấm dứt khi bọn hiến binh đã thộp cổ tôi. Tôi muốn vứt bỏ bộ quân phục dù còn đôi chút trách nhiệm tôi bị ràng buộc bởi cấp hiệu bề ngoài. Tôi đã tháo những sao cấp hiệu nhưng đó là vì lo xa chứ không phải vì danh dự. Về cơ bản, tôi không hề phản kháng. Tôi được giải thoát. Tôi cầu chúc mọi người được may mắn. Một số người, những người tốt, dũng cảm, bình tĩnh, thông minh, xứng đáng được hưởng. Riêng tôi, tôi không còn ở trong số những diễn viên của vở hài kịch và tôi chỉ mong sau chuyến tàu quý hoá này tới Mestre để được ăn và khỏi phải nghĩ ngợi gì nữa. Phải chấm dứt tuyệt đối.” [22; tr.317]

Ba nhân vật chính Jake, Henry, Robert trong ba cuốn tiểu thuyết đều phải hứng chịu cả những vết thương về thể xác lẫn vết thương tinh thần. Henrry bị thương ở chân và bị mất cả vợ lẫn con. Robert cũng bị thương ở chân khi quân địch cận kề. Anh cầm chắc hi sinh khi quyết tâm ở lại kìm chân địch cho đồng đội và người yêu chạy thoát. Anh sẽ chẳng còn cơ hội nhìn thấy bầu trời cao, những cơn gió trong lành, những ngọn cỏ xanh tươi, khuôn mặt của người con gái anh thương yêu. Và những đau khổ vì mất anh sẽ theo Maria đi suốt cuộc đời sau này. Có lẽ trong số ba người đàn ông thì Jake may mắn hơn, anh không hi sinh, cũng không mất người anh yêu thương nhưng còn gì đau khổ hơn là khi sống mà không được là chính mình, không thể mang lại hạnh phúc và không thể yêu, thà chết mà được yêu thương còn hơn sống mà nhìn người mình yêu thương đau khổ. Những vết thương thể xác thì có thể lành lại, nhưng những vết thương tinh thần, những đau khổ trong tâm trí thì sẽ ở lại mãi mãi, ngự trị mãi mãi và có thể phá hủy con người ta bất cứ lúc nào. Nhưng quan trọng hơn là cả ba người đàn ông đều gánh chịu những đau khổ chỉ vì những cuộc chiến mà chính con người gây ra.

Dằn vặt lớn nhất của những người tham chiến là khi họ nhìn thấy những người chiến đấu bên phía kẻ thù cũng là những người thuộc tầng lớp họ. Nỗi ám ảnh ấy hiện lên qua nhân vật Maria và Paolo trong Chuông nguyện hồn ai. Maria là nạn nhân của cuộc chiến. Cô gái trong sáng và xinh đẹp ấy đã bị trói trên chiếc ghế, bị cắt đi mái tóc và bị hãm hiếp tập thể. Nỗi đau đớn, nhục nhã ấy theo cô đến mãi sau này khiến cô luôn thu mình lại và sợ hãi khi có người lạ tiếp xúc. Còn Paolo, một kẻ từng chém giết không ghê tay, khi có cuộc sống bình yên nhất thời với những con ngựa – thứ tài sản duy nhất của anh ta lại thì lại không muốn rời xa chúng, không muốn có bất cứ điều gì làm xáo trộn cuộc sống ấy. Có lẽ anh ta đã sợ

cuộc sống chém giết trước đó và khao khát được làm người bình thường, sống hiền lành vô tội như những con vật. Người đọc ấn tượng nhiều nhất có lẽ là những cảnh đánh nhau giữa quân cộng hòa và quân phát xít ở cuối tác phẩm Chuông nguyện hồn ai. Nếu trước đó độc giả không khỏi rùng mình ghê sợ về tội ác mà bọn phát xít gây ra cho Maria thì giờ đây lại kinh sợ cảnh giết người không chút do dự của quân cộng hòa, và cũng xót thương tên phát xít bị giết và kéo xác một cách dã man. Chiến tranh biến những người bạn thành kẻ thù, làm hiển lộ các bản năng sơ khai của con người và các phản ứng can đảm hoặc hèn nhát của con người trước cái chết. Khi mà lý tưởng anh hùng bị chôn vùi mãi mãi trong bùn máu trên các chiến hào thì người ta sẽ thấy được rằng chiến tranh là vô nghĩa và sự hi sinh là vô ích. Họ bị vỡ mộng, tổn thương về danh dự, tình yêu, họ nhận thấy cuộc sống thật ngắn ngủi nên phải sống gấp hơn. Nhưng càng sống gấp bao nhiêu thì họ càng chìm sâu vào nỗi đau bấy nhiêu.

Trường hợp của Jake trong Mặt trời vẫn mọc thật oái oăm. Anh bị chiến tranh tước mất cái quyền được làm một người đàn ông. Đó là nỗi bất hạnh đối với anh và người yêu anh trong suốt cả cuộc đời sau này. Không chỉ có vậy, chiến tranh còn lấy đi của anh cả sự yên bình trong những giấc ngủ, “cứng rắn mọi điều ban ngày là chuyện dễ nhưng đến đêm thì lại là chuyện khác” [21;tr.50]. Những đau khổ của cái vết thương quái quỷ do chiến tranh gây ra cứ dằn vặt Jake suốt những đêm trằn trọc, tâm trí trỗi lên bao kỉ niệm xót xa: “...Tôi thổi tắt ngọn đèn. Có thể tôi sẽ có thể ngủ được. Đầu tôi bắt đầu làm việc. Nỗi đau ngày xưa. Ờ, bay vào cái mặt trận trò đùa như cái mặt trận Ý và bị thương kiểu này thật là đốn mạt” [21; tr.45]. Đôi lúc mệt mỏi thiếp đi thì những cơn ác mộng kéo về khiến anh phải kêu lên trong thảng thốt: “Tôi cảm nhận sẽ gặp lại điều xảy ra từ trước (…). Tôi cảm giác như trong cơn ác mộng của tất cả những gì đang lặp lại. Điều tôi

đã trải qua, bây giờ lại phải dấn bước thêm một lần” [21; tr.91]. Cùng với những dằn vặt là sự vỡ mộng ngâp tràn. Khi nghĩ về cái giá bản thân phải gánh chịu cho cái gọi là vinh quang của một người anh hùng, anh mỉa mai: “Anh, một người nước ngoài, một người Anh (bất cứ người nước ngoài nào cũng là người Anh), đã dâng hiến hơn cả tính mạng mình” [21;tr.45]. Anh đã tự nhận xét về cuộc chiến: “Đó là một tai họa cho nền văn minh và có lẽ lý ra nó có thể tránh được là hơn” [21;tr.26]. Có lẽ Jake sẽ đau đớn và dằn vặt không quá như vậy nếu như không có sự xuất hiện của Brett và tình yêu nơi nàng. Chính Brett là nguyên nhân khiến anh phải đau khổ thêm mỗi đêm khi phải bật khóc và thốt lên “Mặc xác em Brett, mặc xác em” [21; tr.43]. Để có thể quên đi những dằn vặt và đau khổ của mình, đã có lúc anh chán chường thả mình trong những cuộc vui, những chuyến đi chơi xa, câu cá, lao vào rượu chè say sưa và những quan hệ trai gái bừa bãi…Những hành động tự buông thả, tự hủy hoại đó giống như một hệ lụy tất yếu của chiến tranh mà nhân vật phải gánh chịu. Hemingway đã nói lên điều đó qua lời mỉa mai cay đắng của cô gái điếm Giócgiét: “Ồ, cái cuộc chiến tranh bẩn thỉu đó” [21;tr.26].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểu nhân vật thuộc thế hệ vứt đitrong tiểu thuyết chiến tranh của e hemingway (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)