Khái quát về hai tờ báo điện tử Vietnamnet và Vnexpress

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử việt nam hiện nay (Trang 33 - 38)

Chương 1 : Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu

1.3. Khái quát về hai tờ báo điện tử Vietnamnet và Vnexpress

Vietnamnet và Vnexpress là hai tờ báo điện tử ra đời sớm nhất và có lượng công chúng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Đây cũng là lý do để chúng tôi chọn hai tờ báo này làm đối tượng khảo sát.

1.3.1. Báo điện tử Vietnamnet

Báo điện tử Vietnamnet có tiền thân là trang thông tin VASC Orient của Công ty phát triển phần mềm VASC, xuất hiện vào năm 1997. Trang thông tin này được trình bày dưới dạng thức một trang báo với các thông tin được chắt lọc từ các báo, tạp chí và từ các nguồn khác nhau để cung cấp cho bạn đọc. Đội ngũ biên tập ngày đầu của trung tâm mới chỉ có 8 đến 10 người với tên gọi là đội biên tập của trung tâm phát triển hệ thống thông tin.

Thời điểm đó, mặc dù máy vi tính ở Việt Nam vẫn còn đang là sự xa xỉ, số lượng người sử dụng không nhiều, Internet còn xa vời nữa, nhưng trang thông tin trên Internet của VASC đã thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Đây chính là hình thức sơ khai của tờ báo điện tử Vietnamnet.

Đến đầu năm 2000, những người thực hiện trang thông tin này đã hình thành ý tưởng để hình thành một trang web, trang báo mạng điện tử thực sự.

Ngày 1/1/2003 Công ty phát triển phần mềm VASC chính thức công bố trang thông tin trực tuyến VASC Orient đổi tên thành Vietnamnet (Mạng Việt Nam) tại địa chỉ: www.vnn.vn. Ngày 23/1/2003, Vietnamnet chính thức được công nhận là cơ quan báo chí. Tên gọi mới này đã phản ánh được tầm vóc của một mạng thông tin mang tính quốc gia với khối lượng thông tin được cập nhật hàng ngày, hàng giờ về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, thể thao quốc gia và quốc tế.

Hiện nay, VietNamNet là một trong những website cung cấp thông tin uy tín ở Việt Nam.

1.3.2. Báo điện tử Vnexpress

Báo điện tử Vnexpress xuất hiện trên mạng điện tử lần đầu tiên ngày 26/2/2001, xuất phát từ ý tưởng của ông Trương Đình Anh, tập đoàn FPT và ông Thang Đức Thắng, phóng viên báo Lao động, hiện là Tổng biên tập báo điện tử Vnexpress.

Tòa soạn ban đầu chỉ có 20 phóng viên trẻ, làm nhiệm vụ biên tập lại tin bài của các báo khác và đăng trên trang điện tử Vnexpress.

Ngày 25/11/2002, Vnexpress chính thức được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Thông tin – Truyền thông) cấp giấy phép hoạt động báo điện tử. Cũng trong năm 2002, Vnexpress được báo giới Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin của năm do đã thực sự là một biểu tượng cho sự phát triển nội dung Internet ở Việt Nam.

Ngay sau khi xuất hiện, báo đã có tốc độ phát triển nhanh chóng với đội ngũ phóng viên, cộng tác viên đông đảo. Thông tin trên báo chủ yếu do phóng viên tự viết.

Năm 2005, Vnexpress được Bộ Văn hóa - Thông tin trao tặng Bằng khen về thành tích có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong 5 năm (2001-2006).

Tháng 7/2005, VnExpress lọt vào danh sách 500 website được nhiều người đọc nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Alexa. Đến tháng 6/2006, tờ báo tiếp tục lọt vào Top 300 website toàn cầu và chỉ ba tháng sau, lên vị trí 189.

Trong hai năm 2005 và 2006, VnExpress liên tiếp đoạt Cup vàng Công nghệ thông tin và truyền thông do Hội Tin học Việt Nam tổ chức.

Từ nhiều năm nay, Vnexpress luôn là tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam, xét cả về hình thức, nội dung và số lượng độc giả truy cập với hàng triệu người.

Tiểu kết chương 1

Ở chương 1, chúng tôi tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận chung về ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử. Qua các nghiên cứu, phân tích trên đây, có thể rút ra các kết luận sau:

Báo mạng điện tử là loại hình báo chí mới nhất trong bốn loại hình báo chí chính là báo in, phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử. Đặc điểm của ngôn ngữ báo mạng điện tử là sự tích hợp đa phương tiện, bài viết ngắn gọn cô đọng, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, mang tính thời sự cao và yêu cầu rất cao về đặt tít, viết sapo...

Tin là thể loại xung kích của các loại hình báo chí nói chung và báo mạng điện tử nói riêng. Đặc điểm của tin về nội dung là thông báo một tin tức, sự kiến mới diễn ra, mới được công bố. Đặc điểm hình thức của tin là sự ngắn gọn về dung lượng, cô đọng về ngôn từ, câu chữ.

Tin trên báo mạng điện tử cũng có các đặc điểm trên. Với loại hình báo chí này, tin càng có vai trò quan trọng hơn nữa vì thể loại tin chiếm tới 80% tổng số tác phẩm báo chí được đăng tải. Với số lượng dồi dào, thời gian cập nhật liên tục, tin cũng là thể loại góp phần quan trọng nhất trong việc làm nên tính phi định kỳ của báo mạng điện tử.

Do đó, nâng cao hiệu quả thông tin của thể loại tin có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của báo mạng điện tử.

Đối với thể loại tin nói riêng cũng như các thể loại khác của báo mạng điện tử, chữ viết được dùng làm phương tiện chuyển tải chủ yếu. Vì thế, để nâng cao hiệu quả truyền thông của thể loại tin, các tòa soạn phải sử dụng tốt ngôn ngữ dưới dạng chữ viết. Ngôn ngữ chữ viết của thể loại tin trên báo mạng điện tử được thể hiện ở ba yếu tố chính là tít, sapô và text.

Chương 2

Đặc điểm ngôn ngữ thể loại tin

trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay

Để hiểu rõ đặc điểm ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay, chúng tôi tiến hành khảo sát thể loại này trên hai tờ báo mạng điện tử lớn nhất là tờ Vietnamnet và Vnexpress. Đây cũng là hai tờ báo mạng điện tử hình thành sớm nhất nên phong cách ngôn ngữ được định hình khá rõ nét. Mặt khác, các báo này đều không có phiên bản báo giấy đi kèm.

Thời điểm khảo sát là từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2010.

Như đã nêu rõ ở trên, ngôn ngữ thể loại tin nói riêng cũng như của một tác phẩm báo chí trên báo mạng điện tử được thể hiện rõ ở các yếu tố: chữ viết, ảnh, video và các yếu tố phụ trợ khác như đồ họa, bản đồ… trong đó, chữ viết giữ vai trò chủ đạo. Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu các yếu tố ngôn ngữ dưới dạng chữ viết do đây là những thành tố chính cấu thành tác phẩm tin trên báo mạng điện tử.

Phương thức khảo sát được tiến hành theo hai cách.

Thứ nhất là khảo sát các tin trên báo mạng điện tử Vietnamnet và Vnexpress trên cơ sở phân tích các yếu tố tít, sapo, text, từ đó chỉ ra đặc điểm ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, để có cái nhìn rõ hơn về các đặc điểm đó, trong luận văn này, chúng tôi cũng sẽ tiến hành so sánh ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử với ngôn ngữ thể loại tin trên một số tờ báo in. Cụ thể, hai tờ báo in được chọn làm đối tượng so sánh của luận văn là báo Thanh niên và Tuổi trẻ Thành

phố Hồ Chí Minh vì đây là hai tờ báo in chính trị xã hội lớn của nền báo chí Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử việt nam hiện nay (Trang 33 - 38)