Tin báo mạng điện tử có dung lượng khá lớn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử việt nam hiện nay (Trang 68 - 72)

2.2.4 .Đặc điểm ngữ nghĩa của sapô thể loại tin trên báo mạng điện tử

2.3. Text của tin báo mạng điện tử

2.3.5. Tin báo mạng điện tử có dung lượng khá lớn

Một điểm có vẻ khá mâu thuẫn là ngôn ngữ tin trên báo mạng điện tử ngắn gọn, dung lượng câu ngắn hơn rất nhiều so với câu của tin trên báo in, nhưng dung lượng tin của báo mạng điện tử lại dài hơn so với tin báo in.

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, trung bình, một tin của báo mạng điện tử có 364,7 tiếng, trong khi số lượng này ở báo in là 210.

Nguyên nhân dẫn đến việc tin báo mạng điện tử thường dài hơn tin trên báo in chính là từ lợi thế của báo điện tử: sự không hạn chế về diện tích trong khi báo in lại rất eo hẹp về số trang.

Điều này dẫn tới hai vấn đề. Thứ nhất, như trên đã phân tích, tin trên báo mạng điện tử thường có thông tin nền bổ sung cho thông tin chính. Tuy nhiên, do thông tin này không quá quan trọng nên trên báo in thường bị cắt để dành diện tích cho các tin khác.

Thứ hai, tin trên báo điện tử thường chi tiết, cụ thể hơn tin báo in. Tin báo in, tùy vào diện tích ô báo dành cho tin, thường chỉ giữ lại các thông tin chính yếu nhất. Tin trên báo mạng điện tử, do diện tích rộng, thường nêu đầy đủ các chi tiết liên quan.

Ví dụ, so sánh hai tin cùng đăng tải về vụ nổ tại Tổng Công ty Mía đường II trên hai báo Tuổi trẻ TP.HCM ngày 7/5 và Vietnamnet ngày 6/5:

Tin trên Tuổi trẻ TP.HCM:

Nổ ở Công ty Mía đường II, một người bị thương

Vụ nổ xảy ra khoảng 17h ngày 6/5 tại Tổng Công ty này (34-35 Bến Vân Đồn, P.12, Q.4, TP HCM) trong lúc một công nhân đang sửa chữa các bình CO2 tại nhà khiến ông này bị thương và gục tại chỗ. Sau khi dập tắt đám cháy do vụ nổ, những công nhân có mặt và công an phường đã đưa nạn nhân đi cấp cứu. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

Tin trên Vietnamnet:

TP.HCM: Nổ kinh hoàng tại Tổng công ty Mía đường II

Một tiếng nổ kinh hoàng bất ngờ vang lên từ bên trong khuôn viên Tổng công ty mía đường II (34 – 35 Bến Vân Đồn, P.12 Q.4 TP.HCM), vào

lúc 17h ngày 6/5. Ngay sau đó, cột khói đen kèm lửa ngọn bốc lên cuồn cuộn và dâng cao từ bên trong nhà kho của công ty này.

Nhiều công nhân đang làm việc đã tích cực tham gia chữa cháy bằng bình CO2 sẵn có. Đám cháy được dập tắt kịp thời nhưng mọi người phát hiện một người đàn ông khoảng trên 40 tuổi nằm bất động bên trong nhà kho.

Nạn nhân bị nhiều vết thương ở trên cơ thể, máu ra nhiều và chỉ thở thoi thóp. Lực lượng công an địa phương đã kịp thời có mặt chuyển nạn nhân đến bệnh viện Q. 4 cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương quá nặng, bệnh viên Q.4 lại chuyển tiếp nạn nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại hiện trường, PV VietNamNet ghi nhận bên trong nhà kho có hàng chục bình CO2, hàng đống phao cứu sinh máy phát điện và nhiều thùng bia. Nguyên nhân ban đầu được dự đoán do nạn nhân vào sửa chữa bình CO2 đã bất cẩn gây nên sự cố trên.

Hiện chưa xác định được danh tính nạn nhân và cơ quan điều tra tiếp tục làm việc tìm nguyên nhân vụ nổ.

Trong hai tin trên, có thể nhận thấy rõ, mặc dù cùng chuyển tải nội dung chính là có một vụ nổ xảy ra và một công nhân bị thương, nhưng tin trên Vietnamnet cụ thể, chi tiết hơn.

Thông tin trên Tuổi trẻ TP.HCM đăng gọn gàng “ông này bị thương và gục tại chỗ” được cụ thể hóa trên Vietnamnet: “Nạn nhân bị nhiều vết thương ở trên cơ thể, máu ra nhiều và chỉ thở thoi thóp… Tuy nhiên do vết thương quá nặng, bệnh viên Q.4 lại chuyển tiếp nạn nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy… Hiện chưa xác định được danh tính nạn nhân”.

Ngoài ra, báo mạng điện tử này cũng thông tin thêm: “Tại hiện trường, PV VietNamNet ghi nhận bên trong nhà kho có hàng chục bình CO2, hàng đống phao cứu sinh máy phát điện và nhiều thùng bia. Nguyên nhân ban

đầu được dự đoán do nạn nhân vào sửa chữa bình CO2 đã bất cẩn gây nên sự cố trên”.

Tổng số tiếng mà Tuổi trẻ dùng để đăng tải thông tin là 92, trên Vietnamnet là 247, gấp 2,7 lần.

Chúng tôi đã thử tiến hành một so sánh nhỏ, dù ngoài phạm vi nghiên cứu của luận văn, là so sánh những cặp tin của cùng một tòa soạn, viết về cùng một sự kiện, nhưng một được đăng trên báo điện tử, một được đăng trên báo giấy, để thấy rõ hơn sự cụ thể hơn và dài hơn của tin trên báo mạng điện tử.

Tin trên Thanh niên, báo giấy:

Mỹ áp dụng tờ khai xin visa mới

Theo tin từ Đại sứ quán Mỹ, kể từ ngày 16.4.2010, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM sẽ áp dụng mẫu tờ khai visa mới cho các đơn xin visa thuộc diện không di dân.

Với tờ khai mới có ký hiệu DS-160, những người xin visa sẽ phải gửi ảnh và tờ khai qua mạng internet. Theo Đại sứ quán Mỹ, mẫu tờ khai mới này là một trong những nỗ lực tinh giản thủ tục visa. Thông tin chi tiết có thể xem tại http://vietnam.usembassy.gov/niv-apply.html.

Tin trên Thanh niên online:

Mỹ áp dụng tờ khai xin visa mới

(TNO) Đại sứ quán Mỹ tại VN hôm nay 31.3 cho biết, bắt đầu từ ngày 16.4.2010, Đại sứ quán Mỹ và Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM sẽ yêu cầu tất cả các đương đơn xin visa không di dân điền vào Tờ khai xin Visa Không di dân Điện tử DS-160 ứng dụng mạng để làm hồ sơ xin visa.

Tờ khai DS-160 sẽ thay thế Tờ khai DS-156 và các tờ khai bổ sung DS- 157 và DS-158 bắt buộc đối với một số đương đơn xin visa. Kể từ ngày 16.4.2010, tờ khai DS-156 sẽ không còn được sử dụng trực tuyến nữa. Bất kỳ

tờ khai DS-156 nào được lập trước thời hạn trên sẽ vẫn được chấp nhận sau ngày 16.4.

Theo Đại sứ quán Mỹ, các đương đơn sẽ tiếp tục điền các tờ khai xin visa trên mạng như đã làm trước đây đối với Tờ khai xin Visa Điện tử. Với tờ khai mới, đương đơn sẽ phải gửi ảnh visa và tờ khai qua internet. Tờ khai điện tử cũng làm cho thủ tục visa trở thành một hoạt động “xanh” và thân thiện với môi trường nhờ việc loại bỏ hoàn toàn nhu cầu sử dụng các tờ khai bằng giấy. Đương đơn sẽ in đúng một trang xác nhận khi hoàn tất tờ khai DS- 160.

Hai tin trên cùng đăng ngày 1/3/2010. Tin trên Thanh niên báo giấy gồm 103 chữ, trên báo mạng điện tử Thanh niên là 235 chữ.

Tuy nhiên, tin 235 chữ trên báo mạng điện tử vẫn là độ dài tin ở mức bình thường. Nếu báo in vì diện tích hạn hẹp nên thường có các tin vắn chỉ vài chục chữ thì báo mạng điện tử, với dung lượng vô hạn lại thường có các tin sâu. Theo nhà báo Lê Nghiêm, Trưởng Ban Nhân dân điện tử, thì “công cụ đắc lực nhất của báo mạng điện tử là loại tin sâu với độ dài khoảng 300 – 400 chữ trở lên, với cấu trúc rộng lớn, cho phép phóng viên có thể triển khai tới cả nghìn chữ” [27].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử việt nam hiện nay (Trang 68 - 72)