Ngôn ngữ tít tin trên báo mạng điện tử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử việt nam hiện nay (Trang 41 - 46)

Chương 1 : Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu

2.1. Tít tin trên báo mạng điện tử

2.1.3. Ngôn ngữ tít tin trên báo mạng điện tử

2.1.3.1. Ngôn ngữ tít tin trên báo mạng điện tử mang tính thông báo

Điểm đầu tiên dễ nhận thấy là ngôn ngữ tít tin trên báo mạng điện tử chủ yếu mang tính chất thông báo sự kiện. Đây là đặc điểm chung của ngôn ngữ thể loại tin. Thống kê cho thấy, tỷ lệ tít tin có ngôn ngữ mang tính chất thông báo sự kiện thuần túy chiếm 74,4% tổng số tít tin trên báo mạng điện tử được khảo sát.

2.1.3.2. Ngôn ngữ tít tin trên báo mạng điện tử có tính biểu cảm

Số tít tin có yếu tố biểu cảm hoặc sử dụng các biện pháp ngoài thông tin để thu hút độc giả chiếm 25,6%. Tỷ lệ này tuy có thấp hơn so với tỷ lệ tít tin mang tính thông báo thuần túy của báo mạng nhưng lại gấp hơn 8 lần so với tỷ lệ tít tin có tính biểu cảm trên báo in. Cụ thể, theo khảo sát của chúng tôi, tít tin thuần túy sự kiện trên báo in chiếm tới 95,9%, tít tin có tính biểu cảm chỉ chiếm 4,1%. Vì thế, có thể thấy, việc dùng các tít có tính biểu cảm cũng là một đặc điểm của thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay.

Tính biểu cảm trên tít báo mạng điện tử có thể thể hiện trực tiếp bằng việc dùng các tính từ, các động từ mạnh hoặc dùng các thủ pháp như tu từ, so sánh, mệnh đề ngược, từ lóng, từ “chệch chuẩn”1

hoặc các từ miêu tả cụ thể… để thu hút sự chú ý của độc giả.

Ví dụ về việc dùng tính từ mạnh: “Chém người kinh hoàng trên phố” (Vietnamnet ngày 29/4/2010), “Đổ xô xem trai khổng lồ có 15 viên ngọc”, “Cá chết nổi trắng hồ vì nắng nóng” (Vnexpress ngày 12/5/2010), “Rùng rợn

chuyện trẻ vẫn sống sau nạo thai” (Vietnamnet ngày 30/4/2010)…

Ví dụ về việc dùng biên pháp so sánh: “Cháu bé 14 tuổi bị chủ tra tấn

như thời trung cổ” (Vietnamnet ngày 30/4/2010).

Ví dụ về việc dùng mệnh đề ngược so với lẽ thông thường: “Thương cháu bằng… ma túy, một phụ nữ hầu tòa” (Vietnamnet ngày 28/4/2010)

Ví dụ về việc dùng động từ mạnh: “Một người đàn ông bị ‘xe điên’ kéo trên đường” (Vietnamnet ngày 28/4/2010), “Siết chết người tình ‘facebook’ khi ‘đang yêu’ (Vietnamnet ngày 22/4/2010).

Ví dụ về cách dùng từ mang tính chất miêu tả: “Bé 5 tuổi bị đạn lạc xuyên thủng ngực” (Vietnamnet ngày 30/4/2010), “Ô tô tải cán nát xe máy, húc hàng loạt trụ điện” (Vnexpress ngày 30/4/2010), “Cãi nhau, chú mang súng bắn thẳng vào mặt cháu” (Vietnamnet ngày 28/4/2010).

So sánh các cặp tít về cùng một sự kiện trên báo mạng điện tử và báo giấy, ta có thể thấy rõ hơn đặc điểm này của ngôn ngữ tít tin trên báo mạng điện tử:

Ví dụ:

Ngày 7/5/2010, báo Tuổi trẻ TP.HCM đưa tin về thời tiết với tít: “Nắng nóng trên 40 độ C”. Cùng về vấn đề này, Vietnamnet giật tít: “Đầu hè, miền Bắc đã “sốt” 39 độ” (Vietnamnet ngày 6/5).

Đưa tin về một vụ nổ, tít tin trên Vietnamnet là: “TP.HCM: Nổ kinh hoàng tại Tổng công ty Mía đường II” (Vietnamnet ngày 6/5), trong khi đó, tít trên Tuổi trẻ TP. HCM chỉ thuần túy thông báo sự kiện: “Nổ ở Công ty Mía đường 2, một người bị thương” (Tuổi trẻ TP. HCM ngày 7/5).

Tiếp tục so sánh các cặp tít trong ngày 8/5 của Tuổi trẻ TP.HCM và Vietnamnet, ta cũng có thể thấy rõ điều này. Tít trên Tuổi trẻ TP.HCM chỉ nêu thông tin cốt lõi: “Tìm thấy thi thể 3 bộ đội hy sinh trên dòng Serepok”. Trong khi đó, tít tin trên Vietnamnet đầy tính hình ảnh: “Cứu vớt người, 5 chiến sĩ bị sông Serepok “nuốt chửng” (Vietnamnet ngày 7/5/2010)…

2.1.3.3. Ngôn ngữ tít tin trên báo mạng điện tử mang phong cách trẻ trung, gần với ngôn ngữ văn nói của giới trẻ

Điều này thể hiện ở việc tít tin trên báo mạng điện tử dùng nhiều từ lóng, từ với nghĩa phái sinh khác nghĩa gốc, hay được dùng trong ngôn ngữ nói, nhất là ngôn ngữ nói của giới trẻ.

Ví dụ: “Toyota và Ford lại thu hồi cả trăm ngàn xe ‘dính phốt’

(Vietnamnet ngày 25/4/2010), “Giảm án cho phó chánh án nhận ‘lót tay’ 30 triệu đồng” (Vnexpress ngày 28/4/2010), “Một người đàn ông bị ‘xe điên’ kéo lê trên đường” (Vietnamnet ngày 28/4/2010), “Công viên đẹp nhất TP.HCM

‘mất điểm’ vì… chó” (Vietnamnet ngày 26/4/2010)…

Đặc biệt, các từ văn nói có tính miêu tả hoặc chỉ sắc thái làm cho tít báo trở nên sinh động hơn. Ví dụ: “Hành khách bị ép ‘ra bã’ khi mua nữ trang” (Vietnamnet ngày 28/4/2010), “Xe buýt nát đầu vì ‘chơi ngông’ húc xe tải” (Vietnamnet ngày 26/4/2010), “Brad Pitt hậm hực với vợ cũ” (Vnexpress ngày 29/4/20100…

Cách dùng từ này của tít báo mạng điện tử gần gũi với công chúng, tạo được sự phóng khoáng cần thiết phù hợp với những người trẻ - vốn là nhóm công chúng chủ yếu của báo mạng điện tử.

2.1.3.4. Ngôn ngữ tít tin trên báo mạng điện tử dùng nhiều thành tố phụ

Một đặc điểm khác phải kể đến là nhiều tít tin trên báo mạng điện tử dùng các thành tố phụ để tăng tính cụ thể của thông tin.

Thành tố phụ này có thể là trạng ngữ (“Nữ sinh lập sòng ‘sát phạt’ ngay cạnh sân trường” – Vietnamnet ngày 28/4, “Hiệp sĩ SBC truy bắt hai tên cướp trong đêm” – Vnexpress ngày 29/5), có thể là định ngữ (“Tiểu thương bị ‘chém’ 500 ngàn/1 bóng đèn được trả lại tiền” – Vietnamnet ngày 29/4/2010, “Vợ chồng chủ hành hạ Hào Anh bị đề nghị truy tố ở khung phạt nặng” – Vnexpress ngày 29/5/2010), có thể là bổ ngữ (“Đâm hai công an thủng phổi và thủng ruột rồi bỏ trốn – Vietnamnet ngày 27/4)…

Rõ ràng, các thành tố này có tác dụng rất lớn trong việc hấp dẫn độc giả. Điều đó do tính độc lập của tít báo mạng điện tử chế định. Như đã phân tích trong chương 1 của luận văn, đặc điểm nổi bật nhất của tít báo mạng điện tử là nó đóng vai trò của một tin siêu ngắn. Vì thế, tòa soạn đưa thêm chi tiết, tình tiết hấp dẫn gắn vào tít để thu hút độc giả. Ví dụ, nếu tít chỉ là “Đâm hai công an rồi bỏ trốn” thì vẫn đầy đủ thông tin chính, nhưng không thể gây ấn tượng mạnh bằng việc cụ thể hóa thông tin đâm (…) thủng phổi và thủng ruột” mà Vietnamnet đã dùng. Để tít là “Một phụ nữ hầu tòa” thì vẫn là một thông tin hoàn chỉnh, nhưng không có gì lạ. Việc thêm tiền tố “Thương cháu bằng… ma túy” rõ ràng tạo sự tò mò cho người đọc. Hoặc tin “Vợ chồng chủ hành hạ Hào Anh bị đề nghị truy tố ở khung phạt nặng”, do vụ bé Hào Anh bị hành hạ dã man đang là sự kiện nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm nên việc thêm cụm từ định danh này sẽ lập tức khiến người đọc phải bấm chuột vào để cập nhật diễn biến thông tin. Hoặc ở tin “Tiểu thương bị ‘chém’ 500

ngàn/1 bóng đèn được trả lại tiền”, có thể nói, độc giả vào đọc tin này không phải vì việc tiểu thương được trả lại tiền – vốn là nội dung chính của tin – mà vì cụm từ “bị ‘chém’ 500 ngàn/1 bóng đèn” thực sự gây “sốc” và khiến độc giả tò mò.

Các thành tố phụ này, xét về mặt nội dung cơ bản của thông tin và về mặt ngữ pháp, có thể lược bỏ. Tuy nhiên, nó lại có vai trò quan trọng trong việc làm tăng sự hấp dẫn với công chúng hoặc làm rõ hơn nội dung tin, đặc biệt là khi tít đứng độc lập. Đây cũng là lý do để các tòa soạn báo mạng điện tử khai thác triệt để các thành tố phụ trong tít. Trong tổng số 451 tít tin được khảo sát, có 111 tít có thành tố phụ, chiếm 24,6%. Các báo giấy có lợi thế hơn báo mạng điện tử là tít đi liền với nội dung tin, hơn nữa, dung lượng tin ngắn nên người đọc có thể lướt nhanh. Vì thế, sự ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề đối với loại hình báo chí này quan trọng hơn là thêm các thành tố phụ. Tỷ lệ tít tin trên báo giấy có thành tố phụ do đó cũng khá khiêm tốn, chỉ chiếm 6%.

Tuy không nhiều thành tố phụ nhưng báo giấy có nhiều tin có tít dẫn (hay còn gọi là thượng đề 1) đi kèm tít chính hơn báo mạng điện tử. Tít dẫn của tít tin trên báo giấy thường tương đối dài. Khảo sát cho thấy, có 16% tít tin trên báo giấy có tít dẫn, trong khi tỷ lệ này ở báo mạng điện tử chỉ là 2,2%. Về dung lượng, tít dẫn trên báo giấy khá dài, có thể lên đến hơn 10 tiếng. Việc dùng tít dẫn dài đã làm cho tổng dung lượng tít lớn.

Ví dụ: Tít tin “Phá án ma túy, ba cán bộ, chiến sĩ bị thương: Đề nghị phong anh hùng cho đại úy Nguyễn Đức Cường” – Tuổi trẻ TP.HCM ngày 30/5/2010 – 22 tiếng, “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga:

Yêu cầu các bên liên quan không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông” –

1 Thượng đề theo tác giả Trần Thị Thu Nga là “phụ đề nằm ở trên đầu đề hay còn có tên gọi là tít dẫn” – Trần Thị Thu Nga, Đầu đề tác phẩm báo chí trên báo in Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2007, trang 51.

Tuổi trẻ TP.HCM ngày 28/5/2010 – 24 tiếng. Những tít này dài gấp đôi, thậm chí gấp ba lần một tít tin thông thường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử việt nam hiện nay (Trang 41 - 46)