CHƢƠNG 4. NHÂN VẬT VIỄN DU : LÃNG MẠN VÀ HIỆN THỰC
4.2. Nhân vật “bên lề” của cuộc hành trình
4.2.2. Nhân vật “khai sáng”
Đó là ông lão Naman và cậu bé chăn cừu Hartani. Trong đó, ông lão Naman đã mở ra cho Lalla về một chân trời mới với thế giới thành phố hiện đại, thúc đẩy cô lên đường khám phá. Và Hartani – cậu bé câm lặng nhưng dạy cho Lalla mọi thứ về bầu trời, mặt đất, về tình yêu và khát vọng.
Ông lão Naman là một người đánh cá kì lạ. Ông “khá cao lớn, người gầy ốm với đôi vai rộng và khuôn mặt xương xẩu với nước da màu gạch, (...) luôn đi chân trần, mặc quần dài bằng vải màu xanh lam, áo sơ mi trắng quá rộng (...) khuôn mặt rõ nét, dạn dày với gió biển, còn làn da nơi trán và hai má của ông thì căng ra, sạm đen vì nắng biển, tóc cùng màu với da (...) màu xanh lục pha với màu xám, trắng quắc...” [8, tr. 96]. Ngay dáng vẻ ngoại hình của ông đã có điều gì đó rất thần bí, đôi mắt ông có thể lưu giữ lại đầy đủ ánh sáng và sự trong suốt của biển, đồng thời mỗi lần ông đến thì Lalla luôn thấy ông thật đẹp, tim đập mạnh hơn. Mỗi lần nhìn vào Naman, Lalla như thấy màu của biển cả, đại dương và cả một thế giới thành phố nơi bờ bên kia mà cô mơ tưởng. Ông lão Naman làm nghề đánh cá, nhưng cái tài của ông được thể hiện trong tiểu thuyết lại là tài kể chuyện. Naman kể chuyện rất và thu hút sự tò mò của những đứa trẻ bằng giọng điệu đặc biệt của mình. Qua những câu
chuyện của ông lão, tác giả đã đưa vào tiểu thuyết của mình bao nhiêu yếu tố thể loại văn học khác như truyền thuyết, thơ ca, truyện cổ,... Và những câu chuyện ông kể bao giờ cũng có những bài học dành cho cô bé Lalla, bài học về con người, về nhân cách.
Ông lão Naman ở một phương diện, được xây dựng như một nhân vật huyền thoại. Nhưng khác với những câu chuyện huyền thoại cũ, tính chất viễn du của tiểu thuyết hiện đại khiến nhân vật Naman cũng mang những đặc điểm nhân vật huyền thoại mới. Điều đó được thể hiện rõ ràng nhất qua cái chết của Naman. Nếu như trước đây, Lalla thấy ông đẹp biết bao, thì giờ đây, trước mắt Lalla, Naman đang hấp hối, với mồ hôi, nước tiểu đầm đìa trên thân thể gầy gò [8, tr. 242]. Hình ảnh Naman làm chúng ta dễ dàng liên tưởng đến Cụ già có đôi cánh khổng lồ nhưng trong phút chốc bị rơi xuống thế gian và trở thành một sinh vật xấu xí gây tò mò trong cộng đồng. Naman không thế, nhưng yếu tố phản huyền thoại lấp đầy những trang cuối cùng về câu chuyện của nhân vật này. Đây cũng chính là cách xây dựng nhân vật đầy tính mới mẻ thời đại trong phong cách viễn du của Le Clézio, đồng thời đề cao tính nhân văn của Le Clézio khi để cho Naman mãi là huyền thoại, là nhân vật chỉ đường cho Lalla dù cho ông không còn nữa, ngay cả khi Lalla đang ở thành phố xa xôi, nơi mà đối với Naman cũng chỉ là chốn mộng tưởng.
Hartani - cậu bé chăn cừu lặng im, đứa con của sa mạc, lại mang chút gì đó kì ảo, không tưởng. Hartani được xây dựng chân dung qua từng chặng hành trình của nhân vật Lalla. “Chú luôn mặc một cái áo dài bằng len thô tơi ở hai tay áo và phần dưới, và bộ quần áo màu trắng mà chú quấn quanh đầu và cổ. Chú cao dong dỏng và mảnh mai như một dây leo, đôi bàn tay đẹp rám nâu có những cái móng màu ngà, và đôi chân chỉ để chạy (...) khuôn mặt xương xẩu và láng lẩy, với cái trán gồ, cặp lông mày thật thẳng, đôi mắt buồn buồn màu kim loại. Tóc chú ngắn, gần như không xoăn ...” [8, tr. 125].
Hartani nhỏ tuổi hơn Lalla, nhưng dưới con mắt của Lalla lại mang vẻ đẹp lạ lùng, khó tả. Khuôn mặt chú không giống bất kì một khuôn mặt nào nơi cư xá, cậu luôn khỏe mạnh và tự tin, nụ cười làm người khác hạnh phúc, đôi tai thính nhạy, hàm răng lấp lánh, ... Hartani cũng có một thân phận kì lạ và đặc biệt. Chẳng ai biết cậu từ đâu tới và được sinh ta như thế nào. Người ta kể về sự xuất hiện của chú ngay khi chú là một đứa trẻ còn đỏ hỏn, được một người đàn ông cưỡi lạc đà với áo khoác màu xanh da trời, mặt che mạng xanh như những người chiến binh sa mạc. Người đàn ông này sau khi uống nước đã để lại cậu bé Hartani cuốn trong mảnh vải màu xanh bên bờ giếng và người vợ của kẻ chăn dê đã đón cậu về nuôi. Cái tên Hartani được hình thành do nước da ngăm đen như những người nô lệ miền Nam của cậu. Hartani lớn lên cùng với những đứa trẻ chăn cừu khác nhưng lại có một tính cách đặc biệt. Cậu chăm chỉ, yêu thương các loài động vật, kể cả những con vật nhỏ bé. Cậu có cách giao tiếp riêng với những con vật dù cậu không thể nói. Trong mắt cộng đồng, cậu là người đáng sợ, là quỷ hoặc là người có sức mạnh của quỷ. Hartani được xây dựng rất đặc biệt. Nếu Naman tác động đến Lalla qua những câu chuyện, tức là bằng lời, thì Hartani lại là thế giới không lời nhưng đầy đủ nhất về thế giới sa mạc. Lalla không sợ Hartani, cô cũng hay trò chuyện, giao tiếp với cậu, dù không phải bằng lời nói mà chỉ bằng các động tác, các kí hiệu, các câu chuyện qua đôi tay mềm dẻo của mình. Hartani là cậu bé mồ côi, đứa con của sa mạc. Hartani không bao giờ nói. Mọi giao tiếp của cậu đều thông qua hành động, cử chỉ và qua cái nhìn “rực ánh kim loại”. Hartani như vị chúa tể của thinh không, của những vùng đất sâu trong sa mạc. Chính Hartani cũng là người dẫn dắt, hướng dẫn Lalla khám phá thế giới sa mạc hoang sơ, đồng thời luôn là người mà Lalla nhớ đến, là hình mẫu so sánh trong nhiều trường hợp khi Lalla ở nơi thành phố. Nhân vật này cùng Lalla bước vào thế giới tình yêu giản dị, nguyên sơ, lãng mạn, rồi đột nhiên biến
mất như một vị thánh đã giúp Lalla khám phá thiên nhiên, bầu trời, mặt đất. Đồng thời, đứa con, là kết quả tình yêu của hai người đã nâng Lalla lên một bình diện mới, là người khai sinh ra thế hệ mới, người tiếp nối, truyền đạt những giá trị của tổ tiên xưa.
Hình tượng ông lão Naman đưa tới những cái nhìn hiện thực, những bài học cuộc sống. Ông là người dẫn dắt Lalla dấn thân khám phá thế giới thực tại, đồng thời định hướng cách sống cho cô qua những câu chuyện của mình. Bên cạnh đó, Hartani mang màu sắc lãng mạn ngay trong sự tồn tại của mình. Cậu là người thúc đẩy nhân vật trung tâm tiếp nối những giá trị cội nguồn, bảo vệ những văn hóa cổ xưa của con người sa mạc. Những nhân vật này được xây dựng độc đáo, là sự kết hợp bút pháp hiện thực và tính trữ tình gắn liền với cuộc hành trình về thế giới cội nguồn và thế giới tư tưởng của nhân vật. Những nhân vật trong Sa mạc với những chức năng nhất định của mình cũng đã góp phần không nhỏ biến đổi cốt truyện của tiểu thuyết, khiến Sa mạc phản ánh quan niệm về thế giới theo cách riêng của tiểu thuyết viễn du.
***
Những nhân vật trung tâm trong mỗi cuộc hành trình của Sa mạc được xây dựng từ nhiều khía cạnh, với những đặc điểm có sự giống, sự khác nhau nhất định. Trong đó, đặc điểm nổi bật của những nhân vật này là khả năng cảm nhận thế giới tự nhiên vô cùng nhạy bén. Đặc biệt, sự tái hiện thế giới sinh động qua giác quan nhân vật và cảm xúc khi thực khi mơ hồ của nhân vật tạo nên tính chất trữ tình mới mẻ về thế giới nhân vật và trong cả cuốn tiểu thuyết. Các nhân vật trong Sa mạc được xây dựng với thủ pháp mờ hóa bởi những dòng văn tả cảnh. Nhân vật chìm đắm trong cảnh, ẩn nấp trong cảnh. Rất nhiều lần, nhân vật là chủ thể cảm nhận không gian, nhưng cuối cùng lại khuất lấp trong chính không gian đó. Thủ pháp xóa nhòa nhân vật này rất gần gũi với những nhà tiểu thuyết những năm cuối thế kỉ XX. Bên cạnh đó, những
dòng độc thoại nội tâm xen lẫn những dòng văn xóa mờ sự phân biệt điểm nhìn của nhân vật và của người kể chuyện thể hiện rất rõ sự mới mẻ và hiện đại trong cách viết của bút pháp viễn du Le Clézio.
Xây dựng các nhân vật huyền ảo trong Sa mạc, Le Clézio tạo nên âm hưởng, thần thoại trong cốt truyện, gợi sự tò mò thú vị cho người đọc. Thế nhưng, những nhân vật này lại có ý nghĩa to lớn với các nhân vật trong cuộc hành trình của Sa mạc. Đó là những người có vai trò định hướng, giáo dục tâm hồn của các thế hệ trẻ về cội nguồn, về văn hóa dân tộc. Những nhân vật này cũng khiến thế giới sa mạc, vốn khô cằn, nguy hiểm, hoang sơ, lại ẩn chứa bao điều huyền diệu. Sa mạc vì thế mà có sự hấp dẫn riêng với các nhân vật, với những người con của nó, là thiên đường hạnh phúc đích thực, là nơi tự do cuối cùng của những con người tự do cuối cùng của thế giới.
Nhân vật trong Sa mạc được Le Clézio xây dựng với sự đa dạng về kiểu loại và bút pháp. Màu sắc hiện thực cùng tính chất lãng mạn, huyền thoại trong cách xây dựng nhân vật khiến tiểu thuyết viễn du của Le Clézio giàu chất thơ hơn, nhưng một mặt vẫn bám sát vào cuộc sống. Các nhân vật ở đây mang những chức năng nhất định trong cuộc viễn du: là người trải nghiệm, là người định hướng, dẫn lối, là người thúc đẩy hành trình,… Qua hệ thống nhân vật ấy, nhà văn đưa ra những quan điểm về thế giới, về tư tưởng tự do, hạnh phúc đích thực trong cuộc đời.
KẾT LUẬN
Le Clézio đã xây dựng Sa mạc với phong cách tiểu thuyết viễn du của riêng mình. Trong đó, những cuộc viễn du không chỉ là những cuộc khám phá các vùng đất mới mà còn là chuyến viễn du văn hoá, là hành trình tinh thần của con người trong khát vọng tìm kiếm tự do, hạnh phúc. Tiểu thuyết Sa mạc
mang những nét đặc trưng của văn chương thế kỉ XX, đồng thời thể hiện những sáng tạo riêng của Le Clézio trong tiểu thuyết viễn du.
Sa mạc xây dựng cốt truyện tự sự trên cấu trúc đan xen, lồng ghép hai cuộc viễn du ở hai thời điểm khác biệt, với những con người khác biệt và không gian cũng nhiều khác biệt. Hai cuộc hành trình của Sa mạc có thời gian, có trình tự cụ thể như cấu trúc biên niên rõ ràng, nhưng lại chồng chéo, đứt đoạn, khiến cốt truyện bị vỡ tung, bị hủy bỏ hoàn toàn. Thế nhưng cuối cùng nhìn lại, độc giả lại thấy cấu trúc vòng tròn trọn vẹn trong mỗi câu chuyện và trong cả tiểu thuyết, tạo nên tính đa âm sâu sắc.
Hai cốt truyện như độc lập ấy chỉ được kết nối qua sa mạc, qua những huyền thoại còn lại về sa mạc. Thế nhưng, cả hai cuộc hành trình ấy lại cùng điểm xuất phát, mục đích ban đầu để chạy trốn khỏi những nguy cơ đang đe dọa trước mắt và cùng điểm đến cuối cùng, là nơi mà họ đã xuất phát. Trong mỗi tuyến truyện, chiến tranh, tình trạng nghèo đói, các tệ nạn về lạm dụng phụ nữ, trẻ em, sự vô cảm của loài người,... lại được khắc họa xen kẽ đầy nghệ thuật và thống thiết. Xây dựng hai câu chuyện dường như riêng biệt ấy với bút pháp lồng ghép đan xen cùng cấu trúc hành trình, Le Clézio khiến Sa mạc khó đọc, nhưng lại khó quên, đồng thời khiến người đọc phải trăn trở suy nghĩ nhiều điều với từng trang viết về nhân vật, về xã hội khắc họa trong tác phẩm. Sự sáng tạo độc đáo của Le Clézio không chỉ là sự kết hợp, lồng ghép các cuộc viễn du, mà còn ở việc cuốn người đọc suy tư vào từng mạch truyện, vào từng sự liên kết nhỏ bé của câu chuyện, dẫn dụ họ đến khám phá những
cuộc hành trình, những không gian trong tác phẩm theo thể nghiệm riêng của bản thân.
Ngòi bút viễn du cũng khiến không gian trong Sa mạc mang tính biểu tượng và chức năng nhất định trong các cuộc viễn du. Sự miêu tả tỉ mỉ, nhiều khi khiến ta thấy quá dài, quá miên man nhưng lại tạo nên cái tĩnh lặng của dòng chảy thời gian nơi nhân vật cảm nhận. Trước những trang văn dài đậm chất trữ tình miêu tả thiên nhiên, cảnh vật, con người như bị chìm khuất, nhỏ bé, dung hòa vào thiên nhiên. Sự kịch tính, gay cấn không còn là yếu tố lôi cuốn và nổi bật của tiểu thuyết nữa, thậm chí không hề tồn tại trong Sa mạc.
Thay vào đó, chất thơ, chất trữ tình với những dòng văn miên man lại là điều khiến người ta chú ý thông qua sự tái hiện đầy sinh động và sâu sắc qua mọi giác quan của nhân vật và cái nhìn trọn vẹn của người kể chuyện. Trên hết, sự miêu tả tô đậm thế giới tự nhiên đầy cảm hứng, cũng thực chi tiết, cụ thể càng khiến tư tưởng về giá trị cội nguồn của Le Clézio đến gần người đọc.
Thế giới nhân vật trong Sa mạc thể hiện tính chức năng nhân vật trong tiểu thuyết viễn du, đồng thời mang màu sắc hiện thực - lãng mạn. Nhân vật trong Sa mạc không phân chia theo tuyến thiện – ác, phản diện – chính diện, mà được phân chia theo chức năng trong cuộc hành trình như: nhân vật trung tâm cuộc viễn du, trải nghiệm hành trình, nhân vật định hướng, dẫn lối, người thúc đẩy hành trình,... Đặc biệt, các nhân vật trung tâm được xây dựng với sự cảm nhận thế giới đặc biệt, sâu sắc, mang hơi hướng huyền thoại, tạo nên tính trữ tình mới mẻ trong tác phẩm. Nhân vật trong tiểu thuyết Sa mạc được xây dựng từ nhiều điểm nhìn, vừa mang dáng dấp huyền thoại, lại cũng đầy hiện thực giữa cuộc sống, cuộc hành trình mà họ đang trải nghiệm. Trong đó, nhân vật thường xuyên bị xóa mờ, hòa vào không gian, làm nền cho không gian, hoặc chỉ là phương tiện để các không gian, cảnh vật được miêu tả và thể hiện rõ nét hơn. Trên hết, nhân vật trong Sa mạc gắn liền với các không gian, vừa
tạo nền cho nhân vật bộc lộ bản thân, lại cũng mang đầy ý nghĩa về tư tưởng cội nguồn của tác giả. Như vậy, Le Clézio đã xây dựng Sa mạc với những nhân vật độc đáo, mang đặc trưng phong cách viễn du, đồng thời, tạo nên những thực thể chèo lái, đưa đẩy những cuộc viễn du theo tư tưởng của nhà Nobel văn chương về một thế giới hạnh phúc đích thực – thế giới cội nguồn.
Ra đời năm 1980, Sa mạc cũng là bước đánh dấu và minh chứng cụ thể nhất về sự bứt phá và đổi mới phong cách tiểu thuyết của Le Clézio. Với những sáng tạo và cách tân về cấu trúc, xây dựng nhân vật, thế giới không gian, Sa mạc tiên phong và tiêu biểu cho những đóng góp đổi mới tiểu thuyết viễn du của Le Clézio trong văn học, đồng thời, là tác phẩm khiến người ta nhớ về một phong cách tiểu thuyết viễn du đậm chất Le Clézio trong dòng chảy văn học hiện đại. Sa mạc viễn du tới những không gian, thời gian, những câu chuyện khác nhau, thực và ảo, lịch sử và hiện tại. Sa mạc cũng là cuộc viễn du trong bút pháp tác giả và sự tiếp nhận của người đọc. Trên hết, sự kiên định trong tư tưởng của nhà văn về hạnh phúc, về tư tưởng cội nguồn trong xã hội tiêu dùng hiện đại sẽ là điều mà người ta còn nhớ mãi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Việt
1. Huỳnh Phan Anh (1997), J.M.G Le Clézio và những bước đi về phía chân trời, Báo Lao động, (số 135), tr 24.
2. M. Bakhtin (2003), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
3. Nguyễn Thị Bình (2006), Thời gian và không gian trong Sa mạc của