Chương 1 NHÀ THƠ TỐ HỮU VÀ DÒNG VĂN HỌC CÁCH MẠNG
3.2. Ngôn ngữ và giọng điệu
3.2.1. Ngôn ngữ thơ Tố Hữu
Trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa, khái niệm "thơ là gì?" đã được đề cập đến từ rất sớm. Cách đây khoảng 1500 năm, trong cuốn “Văn
tâm điêu long”, Lưu Hiệp đã đề cập đến ba phương diện cơ bản cấu thành nên
một bài thơ là tình cảm, ý nghĩa (tình văn), ngôn ngữ (hình văn) và âm thanh (thanh văn). Bạch Cư Dị cũng nói "Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa". Nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” đã định nghĩa: "Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có
nhịp điệu". Định nghĩa này đã định danh một cách đầy đủ về thơ ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật. Đặc biệt, đã khu biệt được đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ phải là ngôn ngữ mang tính nghệ thuật; tính văn học được thể hiện ở: tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình, tính biểu cảm...
Ngôn ngữ thơ Tố Hữu trước hết phải là ngôn ngữ thơ giàu biểu cảm, tính tạo hình. Trong tập “Từ ấy”, Tố Hữu sử dụng ngôn ngữ để biểu cảm rất thành công. Nhờ đó tạo được xúc cảm trong lòng người đọc một cách mạnh mẽ. Ông thường sử dụng ngôn từ giàu cảm xúc, giàu hình ảnh để biểu đạt được tình cảm ở mức cao nhất. Ví như trong „Đời thợ”, ông viết:
Trong mí mắt, cảnh gia đình hiện tới Anh lại thấy ổ nhà tranh rách rưới Ngoài ngoại ô, rác bẩn như chuồng heo Nằm soi lưng lở lói dưới ao bèo.
Đây là góc buồng xưa trong bóng tối Có tiếng khóc nghe sao buồn nhức nhối Một đứa con ghẻ mụn bám đen ruồi Đang chao mình tấp tểnh đẩy tao nôi Để ru ngủ một thằng em quặn đói. Mẹ chúng nó còn lang thang bước mỏi Ngoài đường xa phố sáng bán chè rao Đó con anh và đó vợ năm nào
Xưa đã khổ mà nay càng thêm khổ!
Những từ ngữ "rách rưới", "ghẻ lở bám đen ruồi", "chao mình tấp tểnh", "quặn đói", "lang thang bước mỏi" là những hình ảnh gợi tả, miêu tả một cách chân thực đời thợ nghèo túng. Người đọc hình dung được cảnh nhà nghèo đến rơi nước mắt của người thợ: một đứa con bé nhỏ, ghẻ lở, bẩn thỉu không còn đủ sức lực vì đói, vì khát đang cố gắng ru một đứa em nằm ngửa gào khóc vì "quặn đói" khiến người đọc không khỏi xót xa, căm phẫn. Tố Hữu với trái tim
nhân hậu viết về những cảnh cùng cực, cảnh thương tâm của con người luôn khiến người đọc bị ám ảnh. Dường như không cần phải chọn lọc, theo dòng cảm xúc của tác giả, nó cứ trồi lên chân thực như cuộc đời vậy. Qua ngôn ngữ, những mảnh đời cơ cực được vẽ lại như mảnh đời em Phước, hai đứa trẻ mồ côi, em bé bán bánh bột lọc...hiện lên đầy chân thực:
Ồ lạ chửa! Đứa xinh tròn mũm mĩm Cười trong chăn và nũng nịu nhìn me. Đứa ngoài sân, trong cát bẩn bò lê Ghèn nhầy nhụa, ruồi bu trên môi tím! Đứa chồm chập vồ ôm li sữa trắng
Rồi cau mày: “Nhạt lắm! Em không ăn!”. Đứa ôm đầu, trước cổng đứng treo chân Chờ mẹ nó mua về cho củ sắn!
(Hai đứa trẻ - 1937)
hay:
Em len lét, cúi đầu, tay xách gói Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te
(Đi đi em - 1938)
Gió lùa mưa rơi rơi
Trên nẻo đường sương lạnh Đi về đâu em ơi
Phơi thân tàn cô quạnh!
...Rồi ngày kia rã cánh Rụi chết bên đường đi… Thờ ơ con mắt lạnh
Nhìn chúng: “Có hề chi!”.
Trong những bài thơ miêu tả trực tiếp cảm xúc như niềm vui sướng, hạnh phúc, nhờ ngôn ngữ biểu cảm, Tố Hữu cũng truyền được đến người đọc niềm hứng khởi tràn đầy. Với “Từ ấy”:
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi! Nước mắt ta trào, búp mí, tràn môi Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc! Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?
Ta hét huyên thuyên, ta chạy khắp nhà Ai dám cấm ta say, say thần thánh?
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tơi Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi
(Huế tháng tám - 1945)
Đọc bài thơ, ta thấy mọi giác quan đều được căng tràn cảm xúc. Những từ ngữ, hình ảnh bộc lộ sự vui sướng cũng đạt đến giới hạn lớn nhất. Vui đến nỗi "khóc", "cười", vui đến mức "hét luyên thuyên, chạy khắp nhà", vui tựa "có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi" và đặc biệt là hình ảnh ẩn dụ đạt đến kỹ thuật biểu cảm bậc thầy: "Tim bỗng hóa mặt trời" cho thấy niềm vui lớn lao, vĩ đại, tràn đầy không từ ngữ nào so sánh được, không tâm hồn nào cưỡng được.
Những từ ngữ biểu cảm, tạo hình trong thơ được Tố Hữu sử dụng chắt lọc, rất chính xác với hoàn cảnh, sự việc trong bài thơ. Tuy nhiên đó là những ngôn ngữ bình dị, không trau chuốt và được sử dụng một cách hoàn toàn tự nhiên nên nó dễ dàng đi vào lòng bạn đọc. Điều đó cho thấy nhận xét về thơ
Tố Hữu là tiếng nói bật ra từ tâm hồn để đi đến tâm hồn là một nhận xét hoàn toàn đúng.
Thứ hai ngôn ngữ thơ Tố Hữu mang tính hàm súc. Tính hàm súc thể hiện trong cách Tố Hữu sử dụng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ hoặc dùng vài từ ngữ nhưng lại gợi tả được toàn bộ hình dáng, tính chất của sự vật. Với chế độ phong kiến, nhà thơ qua một từ "ô uế" đã thể hiện được sự thối nát của nó đồng thời cho thấy thái độ căm ghét của mình. Hoặc qua hình ảnh "Con chim non rũ cánh" đã miêu tả trọn vẹn nỗi mất mát, khổ đau của những đứa trẻ mồ côi và sự cảm thương sâu sắc của nhà thơ. Hoặc chỉ bằng hai từ "le te" trong câu: "Áo quần dơ cắp chiếc nón le te" đủ khắc họa được hình ảnh một chú bé Phước nghèo, khốn khổ; chỉ bằng bốn từ "mình gió thổi nghiêng nghiêng", nhà thơ đã vẽ được hình ảnh nhỏ bé, gầy còm và cuộc sống long đong, lang bạt của một cô bé bán bánh dạo.
Như đã từng nói đến trong phần Hệ thống hình ảnh, Tố Hữu dùng những hình ảnh có nhiều tầng ý nghĩa. Hình ảnh con đường, con thuyền, dòng sông, lá cờ là những hình ảnh có tính biểu đạt cao và hàm súc. Trong bài “Từ ấy”, hình ảnh "mặt trời chân lý" là một hình ảnh đạt được lượng thông tin cao và chính xác. Chân lý ở đây là lý tưởng cộng sản vừa là nguồn sáng soi đường cho những con người chìm trong bóng tối như Tố Hữu vừa là nguồn sống cho những kiếp người cần lao. Nó cần thiết như ánh sáng mặt trời ngoài tự nhiên. Tố Hữu đã dùng từ "chói" để ghi lại cảm xúc của mình khi tiếp nhận lý tưởng cộng sản. Đó là cách dùng từ hay, chính xác thể hiện được cảm xúc của một con người đang trong bóng tối nay bỗng mở bừng hai mắt để được nhìn thấy mặt trời với thái độ đầy ngạc nhiên và cũng biết ơn sâu sắc.
Thơ Tố Hữu hàm súc, lời ít mà mức biểu cảm nhiều. Trong thơ hay sử dụng những hình ảnh hoán dụ, ẩn dụ chứa nhiều ý nghĩa và lượng thông tin lớn:
Anh nghe thu rứt lá gọi đời đi Tôi thấy cả một mùa xuân bước lại
Sự đối lập giữa hai hình ảnh thơ "thu" và "mùa xuân"; "đi" và "bước lại" làm nổi bật sự khác biệt giữa hai nhân vật trữ tình "anh" và "tôi". Đó là sự khác biệt về mặt tư tưởng. Một người đã mệt mỏi sau một chặng đường dài đấu tranh và một người luôn hăm hở tiến về phía trước đầy niềm tin, hi vọng. Sự khác biệt đó là do đâu? Phải chăng là từ chỗ tâm hồn được soi rọi hay không được soi rọi bởi ánh sáng lý tưởng cách mạng. Hay như hình ảnh "trong tro còn lửa" ở bài Bà má Hậu Giang là hình ảnh ẩn dụ được dùng một cách sáng tạo, chính xác, biểu đạt cho cả một lượng thông tin lớn: Bị đàn áp, khủng bố, cách mạng tưởng chừng đã bị quét sạch khỏi vùng Hậu Giang nhưng thật ngạc nhiên, nó vẫn được người dân nghèo che giấu như hình ảnh hòn than vùi trong tro nóng đợi cơ hội cháy bùng lên ngọn lửa:
Có ai biết, ai ngờ trong đó Còn chơ vơ một ổ lều con Đạn bom qua, hãy sống còn Núp sau lưng rộng một hòn đá to. Có ai biết trong tro còn lửa
Một má già lần lữa không đi
(Bà má Hậu Giang -1941)
Thật không còn hình ảnh so sánh nào hay hơn cách ví hòn than, mặt trời với Đảng, cách mạng.
Bên cạnh đó, thơ Tố Hữu còn sử dụng biện pháp đối ý làm bật lên tư tưởng của bài thơ. Ví dụ như trường hợp ở trên trong bài thơ “Như những con tàu” hoặc trong nhiều bài thơ khác, biện pháp tương phản trong ngôn ngữ thơ mang lại hiệu quả cao. Đó là sự tương phản giữa hai cảnh nghèo khổ của hai đứa trẻ trong “Hai đứa trẻ”, là sự tương phản giữa cuộc sống tự do và cuộc sống tù ngục trong “Khi con tu hú”... Nhờ tác dụng tương phản, những hình ảnh mang tính biểu trưng cho tư tưởng bài thơ trở nên sáng rõ, gây hiệu ứng cao nhất trong lòng bạn đọc. Một phần làm nên thành công cho sự tương phản
trong thơ Tố Hữu đó chính là việc chọn lọc và sử dụng từ ngữ giàu tính hàm súc.
Thứ ba, ngôn ngữ thơ Tố Hữu mang đặc trưng ngôn ngữ dân tộc. Tính dân tộc trong thơ ông thể hiện ở chỗ Tố Hữu luôn dùng ngôn ngữ truyền thống của dân tộc với lời ăn, tiếng nói hàng ngày, ít sử dụng từ Hán Việt. Ông đưa vào thơ ngôn ngữ vùng miền như "Chừ", "thiệt ngộ", "búp mí, tràn môi", "hót chơi", "rứa", "ni" của xứ Huế:
Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Nước mắt ta trào, búp mí, tràn môi Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ
(Huế tháng Tám - 1945)
Hai đứa con phiêu bạt Bữa ni thành tương tri...
(Tương tri - 1937)
Rứa là hết chiều ni em đi mãi...
(Đi đi em - 1938)
hoặc những từ ngữ như "má", "chi" và cách nói rất đời thường đậm chất vùng quê Nam Bộ trong Bà má Hậu Giang:
Ở đây sóng gió bất kỳ
Má ơi, má ở làm chi một mình ? ... Má già nhắm mắt, rưng rưng "Các con ơi! ở trong rừng U Minh Má có chết, một mình má chết Cho các con trừ hết quân Tây!" Thằng kia bỗng giậm gót giày
Đạp lên đầu má: "Mẹ mày, nói không?" Lưỡi gươm lạnh toát kề hông
"Các con ơi! Má quyết không khai nào!" Sức đâu như ngọn sóng trào
Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây Má hét lớn: "Tụi bay đồ chó!
Cướp nước tao, cắt cổ dân tao! Tao già không sức cầm dao
Giết bay, có các con tao trăm vùng! Con tao, gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng chàm thơm!
(Bà má Hậu Giang - 1941)
Có thể nhận định, thơ Tố Hữu có ngôn ngữ trong sáng, bình dị, gần gũi rất giống với ngôn ngữ ca dao, dân ca.
Tính dân tộc còn thể thể trong việc sử dụng các biện pháp tu từ như thủ pháp hoán dụ, cách dùng điệp từ, lối ví von, so sánh, cách dùng hư từ... Ví von là biện pháp mở rộng ý cơ rất căn bản của Tố Hữu. Thơ Tố Hữu sử dụng ví von rất nhiều, phần lớn các bài thơ đều có. Ở “Từ ấy” trong khuôn khổ trữ tình đời tư, nhiều ví von mang dấu ấn cảm xúc cá nhân đầy ý vị lãng mạn của một thời:
Đường thơm tho như mật bộng trưa hè Không gian hồng như giấc mộng đê mê...
Ví von cũng là một hiện tượng độc đáo trong sáng tác thơ Tố Hữu, thể hiện sự kết hợp thơ trữ tình điệu nói với chất thơ cao cả, bay bổng, vừa hiện đại, vừa truyền thống của ông. Nếu thơ cổ điển điệu ngâm muốn giản lược các hư từ, thì trái lại, trong thơ của Tố Hữu, các phụ từ như “vẫn”, “sẽ’, “quyết”, “cứ” “hãy”, “chẳng”, “không”, “phải”, “đâu phải” ...đóng vai trò hết sức quan trọng làm cho thơ gần gũi với tiếng nói hàng ngày. Có thể nói Tố Hữu là người sử dụng hư từ thành công bậc nhất trong thơ Việt Nam hiện đại
Nhìn chung có thể nói rằng, nhà thơ Tố Hữu đã tiếp thu vận dụng sáng tạo vốn từ phong phú của ngôn ngữ Tiếng Việt và nghệ thuật tu từ của thơ ca dân gian. Điều đó đã tạo nên sắc thái dân tộc đậm đà trong ngôn ngữ thơ của Tố Hữu, đồng thời làm tăng giá trị biểu đạt của lời thơ.