Cảm hứng hiện thực

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giá trị tập thơ Từ ấycủa Tố Hữu (Trang 57 - 64)

Chương 1 NHÀ THƠ TỐ HỮU VÀ DÒNG VĂN HỌC CÁCH MẠNG

2.2. Các cảm hứng chủ đạo

2.2.3. Cảm hứng hiện thực

Gắn mình với nhân dân - những con người nghèo khổ đang vùng lên tranh đấu, thơ Tố Hữu khác với các nhà thơ trong phong trào Thơ mới. Thơ ông vừa có chiều sâu của tình cảm nhân đạo truyền thống của dân tộc vừa có

tính nóng hổi của hiện thực cách mạng, của đời sống lao động và chiến đấu của quần chúng. “Máu lửa”, “Xiềng xích”, “Giải phóng” - ba phần trong tập

thơ “Từ ấy” là công trình sáng tác kết tinh trên cả một quá trình đấu tranh

trong hoạt động cách mạng của thi sĩ trước và trong Cách mạng tháng Tám. Trong ba tập thơ trên, cảm hứng hiện thực cũng là cảm hứng chủ đạo bên cạnh cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân đạo.

Cảm hứng hiện thực thể hiện trong thơ Tố Hữu qua việc phản ánh một cách sâu sắc bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Đó là một xã hội đầy đau thương và cùng cực. Những đứa trẻ nghèo ghẻ lở, quặn đói, những đứa trẻ bị đối xử bất công, những đứa trẻ mồ côi lang thang phải tự kiếm sống trong bão táp cuộc đời... cho đến những con người bị xã hội đè xuống đáy như chị vú em, lão đầy tớ, người thợ... đều có trong thơ Tố Hữu. Trái với hình ảnh bi thảm ấy là sự no ấm, sung sướng của tầng lớp thống trị và sự băng hoại trong đạo đức những người giàu có. Nguyên nhân của những bất công đó chính bởi sự khác biệt về giai cấp:

Vẫn chưa hết những cảnh đời đau khổ Nhưng kể làm chi nữa, bạn lòng ơi! Hai đứa kia như sống dưới hai trời Chỉ khác bởi không cùng chung một tổ: Đứa vui sướng là đứa con nhà chủ Và đứa buồn, con mụ ở làm thuê. (Hai đứa trẻ - 1937)

Ánh sáng cách mạng cho Tố Hữu nhận biết được bản chất của giai cấp thống trị, bản chất của chế độ thực dân nửa phong kiến. Với nghệ thuật tạo dựng hình ảnh đối lập, Tố Hữu không ngần ngại bóc trần sự thật bằng tất cả niềm cảm thương và uất hận:

Xạc xào động cánh đau lòng mẹ Nghe tiếng lòng con vẳng tới đây!

Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi Gục đầu thổn thức trong bàn tay... Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi Số phận hay do chế độ này?

(Vú em - 1938)

Với một trái tim ấm áp, một tâm hồn luôn mở để đón những rung động ở đời, thơ Tố Hữu vì vậy đầy ắp tính hiện thực.

Cũng như nhiều nhà thơ trước đó, coi thơ "văn dĩ tải đạo" (Nguyễn Đình Chiểu), thơ Tố Hữu nhờ phản ánh được hiện thực đau khổ của cuộc sống trở thành vũ khí đấu tranh và cũng vì vậy, thơ ông được đông đảo những người cần lao đón nhận, truyền miệng và thuộc nằm lòng. Và do đó, qua thơ Tố Hữu, chúng ta còn nhận thấy: Cảm hứng hiện thực còn thể hiện trong việc thơ Tố Hữu dám tuyên tuyền cho lý tưởng cộng sản và sự tranh đấu của quần chúng nhân dân. Nhờ thơ, ông đã truyền cho người cần lao niềm tin, lòng nhiệt huyết. Ông khơi lên trong u tối, cam chịu của họ nỗi căm hận và khát khao giành lại những gì lẽ ra thuộc về mình.

Gạt phăng hết những tình duyên nhỏ nhặt Để tay ghì riết chặt khối đời to ?

Chết con ta ? Nhưng sống vạn đời thơ Ừ chúng cũng là con ta đó cả.

.... Lòng vô sản phải mang tình nhân loại Chí đã quyết ra đi là tiến mãi!

Chí đã quyết ra đi là tiến mãi!

(Đời thợ - 1941) Này phá dô ta! Này ta phá!

Dô ta! Cho mở cửa hầm sâu!" Đó nghe không bạn hầm đang rã Bởi khối người kia đã ngẩng đầu!

Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, sức ảnh hưởng của thơ Tố Hữu với quần chúng lao động khiến kẻ thù phải sợ và tìm cách ngăn chặn sự ảnh hưởng đó. Vào tù chính là một hành động mang ý nghĩa như vậy. Tuy nhiên, tù ngục không làm Tố Hữu run sợ. Trong tù, ông vẫn sáng tác. Những bài thơ của ông vẫn đi sát với hiện thực, miêu tả nó và gửi gắm vào nó sự đồng cảm, thương xót và niềm hi vọng không bao giờ lụi tắt. “Đời thợ”, “Hai đứa trẻ”, “Trưa

tù”, “Con chim của tôi”, “Người lính đêm”... là những bài thơ như thế.

Khi vượt ngục về với nhân dân, hoạt động cách mạng, cảm hứng hiện thực giúp Tố Hữu phản ánh được một cách chân thực về thực tế lúc bấy giờ. Những bài thơ như “Đói! Đói!”, “Vỡ bờ” về cảnh khổ của dân năm 1944 - 1945 có thể làm người thời nay - những người chưa hiểu về chiến tranh và những người từng đi qua chiến tranh hiểu thêm về nạn đói năm 1945:

Một quan gạo sáu lon thôi

Không tiền mua cám mà nuôi mẹ già Cháu thơ đói lả ôm bà

Con đeo chân bố khóc la đêm ngày! (Đói!Đói - 1945)

Qua đó, ông đã lý giải được sự vùng lên mạnh mẽ như vũ bão của quần chúng trong Cách mạng tháng Tám, kêu gọi và cổ vũ sự đấu tranh đó:

Bà con ơi, chớ tần ngần

Cứu đời ta sống, phải cần tay ta! Tiến lên hăng nữa, đừng tha

Cầm dao, cầm súng xông ra phen này! Đánh cho giặc Nhật tan thây

Vằm cho nát mặt cả bầy Việt gian Diệt trừ phát-xít dã man

Việt Nam độc lập hoàn toàn tự do Đời dân ta mới ấm no!

Thơ Tố Hữu lấy cảm hứng từ hiện thực, phản ánh hiện thực nhưng ông không đưa từng mảng đời sống nghèo khổ và tranh đấu vào trong thơ. Có thể nhận thấy, cảm hứng hiện thực đó được viết bằng ngòi bút lãng mạn, có chọn lọc. Tố Hữu luôn biết sử dụng những hình ảnh mang sức gợi và sức ám ảnh lớn như hình ảnh những em bé mồ côi, em bé con người ở, em bé đi ở đợ... Đó là những từ "len lét", "le te" gợi lên hình ảnh chú bé Phước tội nghiệp, bị nhà chủ đánh đuổi. Đó là những từ ngữ đối lập trong “Hai đứa trẻ”, một đứa "xinh tròn mũm mĩm", "cười trong chăn", một đứa "đất bẩn bò lê", "ghèn nhầy nhụa, ruồi bu trên môi tím" gợi lên sự xót xa, căm giận. Đó là hai đứa bé mồ côi được ví với "con chim non rũ cánh/ lá động khóc tràn trề" đi "tìm tổ" làm người đọc rơi nước mắt. Trẻ em luôn là đối tượng quan tâm đặc biệt của người lớn và xã hội. Những đứa trẻ trong thơ Tố Hữu là những đứa trẻ bất hạnh bởi chế độ thực dân phong kiến, bởi bất công trong xã hội...

Em len lét, cúi đầu, tay xách gói Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te

(Đi đi em - 1938)

Ồ lạ chửa! Đứa xinh tròn mủm mỉm Cười trong chăn và nũng nịu nhìn me. Đứa ngoài sân, trong cát bẩn bò lê Ghèn nhầy nhụa, ruồi bu trên môi tím!

(Hai đứa bé- 1938)

Con chim non rũ cánh Đi tìm tổ bơ vơ

Quanh nẻo rừng hiu quạnh Lướt mướt dưới dòng mưa. Con chim non chiu chít Lá động khóc tràn trề Chao ôi buồn da diết Chim ơi biết đâu về.

Tố Hữu cũng miêu tả hiện thực bằng những hình ảnh, từ ngữ mang sắc thái biểu cảm cao độ như trong bài “Huế tháng Tám”. Huế trong ngày chiến thắng vừa hiện thực vừa như mơ:

Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!

...Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời

...Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tơi Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi Ta ngã vật trong dòng người vuộn thác Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc (Huế tháng Tám - 1945)

Miêu tả niềm vui phải bằng những giọt nước mắt "búp mí, tràn môi", bằng tiếng cười "trăm trận cười, trận khóc", bằng cả tâm hồn và thể xác cuồng quay trong cảm xúc "tim bỗng hóa mặt trời", "ta ngã vật trong dòng người cuộn thác".... Thật có lẽ không còn cách miêu tả niềm vui nào hơn niềm vui tột độ được giải phóng, được làm người tự do như trong thơ Tố Hữu. Hơi nóng của sức mạnh, nhiệt huyết của những trái tim bung tràn câu thơ, dội vào lòng người đọc khiến họ cũng muốn "bay lên".

Chất hiện thực cộng với tính trữ tình, lãng mạn khiến thơ Tố Hữu vừa nóng hổi vừa có chiều sâu, độ đằm dễ đi vào lòng người và tạo những hiệu ứng tình cảm đẹp đẽ. Đọc thơ Tố Hữu, người đọc vừa được hồi cố bối cảnh lịch sử, vừa được chiêm ngưỡng hồn thơ bay bổng, giàu cảm xúc của nhà thơ. Điều này không phải nhà thơ cách mạng nào cũng làm được.

TIỂU KẾT

Viết trước cách mạng tháng Tám, “Từ ấy” là tập thơ giàu giá trị. Qua

“Từ ấy”, chúng ta thấy một Tố Hữu chuyển mình từ chỗ một thanh niên trí

thức tiểu tư sản yêu nước "băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời" đến một người chiến sĩ khát khao, say mê lý tưởng cộng sản, sẵn sàng cống hiến xương máu để mang lại hòa bình, độc lập cho dân tộc; từ chỗ đầy hoài nghi đến chỗ đầy lạc quan, tin tưởng. Quá trình nhận đường đó được diễn ra bởi sự thôi thúc mãnh liệt của tình yêu nước sâu nặng và lòng nhân đạo cao cả được bồi đắp từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành trong con người Tố Hữu. Đó cũng là một quá trình chuyển biến mang tính tất yếu, đầy gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Dưới ánh sáng của lý tưởng cách mạng, thơ Tố Hữu không còn nữa giọng điệu và lối nghĩ ủy mị của một trí thức tiểu tư sản, mà thay vào đó cảm hứng yêu nước, cảm hứng nhân đạo và cảm hứng hiện thực ngân vang làm xao động lòng người. Chưa bao giờ trong thơ hiện đại Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám lại có một tình yêu nước nặng sâu, nồng nàn; một tinh thần hữu ái vô sản cao đẹp và một ngòi bút phản ánh chân thực hiện thực đến như thế. Điều đó đã làm nên giá trị bền vững cho tập thơ. Biết bao thế hệ đã đón đọc nó và không bao giờ quên được những dư âm mà nó mang lại.

Chương 3. GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TẬP THƠ “TỪ ẤY”

“Từ ấy” là tập thơ đầu trong đời thơ Tố Hữu. Tuy còn gồ ghề, chưa thực

sự được nhào nặn công phu nhưng nó vẫn là một tập thơ giàu giá trị nghệ thuật, được bạn đọc yêu mến và truyền tay.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giá trị tập thơ Từ ấycủa Tố Hữu (Trang 57 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)