Cảm hứng yêu nước

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giá trị tập thơ Từ ấycủa Tố Hữu (Trang 44 - 48)

Chương 1 NHÀ THƠ TỐ HỮU VÀ DÒNG VĂN HỌC CÁCH MẠNG

2.2. Các cảm hứng chủ đạo

2.2.1. Cảm hứng yêu nước

Tình yêu giai cấp, lòng yêu nước, lòng tin tưởng đối với nhân dân, đối với cách mạng là những đề tài đã làm nên sức sống lâu bền cho thơ Tố Hữu. Tuy trong thời kỳ đầu, Tố Hữu ít nói đến yêu nước nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, nhất là từ sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, chủ đề yêu nước thường được nhắc đi nhắc lại trong thơ Tố Hữu thành chủ đề chính.

Trong tập thơ “Từ ấy”, cảm hứng yêu nước được thể hiện bởi tình yêu con người. Yêu người trong thơ Tố Hữu là tình yêu mang tính giai cấp sâu sắc, khác với quan niệm của các sĩ phu lớp trước. Tố Hữu yêu những người nghèo - giai cấp vô sản, sống dưới đáy của xã hội. Đó là những đứa trẻ mồ côi. Đó là em bé bán bánh bột lọc lang thang trên đường khuya. Đó là chị vú em con mình đói sữa mà phải đi nuôi con người. Đó là ông lão đầy tớ làm như trâu ngựa mà không được đối xử bằng trâu ngựa. Đó là hai đứa trẻ mồ côi lạc lõng trong đường đời.... Con người nào trong thơ Tố Hữu cũng đáng thương, cũng hẩm hiu. Khi chưa được cách mạng giải phóng, họ sống trong tăm tối và vất vưởng bên lề cuộc sống. Tình yêu đối với những con người dưới đáy xã hội đã mang vào thơ sự cảm thông, sẻ chia, an ủi và chính tình yêu đó giúp Tố Hữu không ngừng hi vọng và tin tưởng vào cách mạng. Và khi cách mạng thành công, Tố Hữu đã vui cái vui của tất cả mọi người cộng với cái vui của mình:

Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần Tháng Tám mùa thu xanh thẳm Mây nhởn nhơ bay

Hôm nay ngày đẹp lắm! Mây của ta, trời thắm của ta

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!

Tình yêu con người đã giúp nhà thơ đi từ cái Tôi đến cái Ta một cách hết sức tự nhiên. Từ những tình cảm đối với từng thân phận con người trong xã hội, Tố Hữu đã hướng đến đồng bào, dành tình cảm của mình cho tất cả, nguyện làm người một nhà trong đại gia đình lớn cần lao. Không còn giọng điệu cảm thương, thơ Tố Hữu lúc này tràn ngập sự tự hào, sự tôn vinh và trân trọng con người. Ông kêu gọi những người mà ông gọi "đồng bào" đầy gần gũi:

Các anh chị

Hãy ngàn năm yên nghỉ!

Bao lời ngọc, chúng tôi ghi xương tuỷ Và xin thề trước bóng dáng thiêng liêng: Quyết hy sinh, phá tan hết gông xiềng Cho Tổ quốc muôn muôn năm độc lập! (Quyết hi sinh - 1941)

Theo sát những chuyển biến qua ba phần tập “Từ ấy”, chúng ta nhận thấy: Trong đấu tranh, tình yêu con người cá nhân nghèo khổ đã chuyển sang tình yêu con người anh hùng. Từ chỗ yêu em bé mồ côi, cậu bé đi ở, lão đầy tớ, chị vú em, như bài thơ trên, Tố Hữu yêu tất cả những con người tranh đấu cho tự do. Với ông, họ là những người anh hùng. Con người anh hùng được Tố Hữu khai thác với những phẩm chất đẹp đẽ. Trong “Từ ấy”, nhà thơ dành những vần thơ hay và xúc động để viết về bà má Hậu Giang. Bà má là người phụ nữ gan dạ, là người mẹ thương con, tự hào về sự hi sinh của con dành cho đất nước. Trước mặt kẻ thù, bà má thét:

Con tao gan dạ anh hùng

Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm Trước cái chết của má, nhà thơ đau đớn nhưng đầy tự hào và biết ơn:

Thương ôi! lời má lưỡi gươm cắt rồi! Một dòng máu đỏ lên trời Má ơi, con đã nghe lời má kêu Nước non muôn quý ngàn yêu

Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang

(Bà má Hậu Giang - 1941)

Nhà thơ cũng dùng những lời trân trọng, tin yêu, khuyến khích đối với những người thợ cần lao quyết tâm đứng dậy giũ bỏ đau khổ, bước đến với ánh sáng cách mạng:

Chết con ta ? Nhưng sống vạn đời thơ Ừ chúng cũng là con ta đó cả.

Vợ ta chết ? Nhưng sống muôn em ả Nhà ta tan ? Nhưng sống vạn gia đình. Không, phải hy sinh, phải nhất thiết hy sinh (Đời thợ - 1941)

Tình yêu đất nước trong “Từ ấy” còn được thể hiện bởi những vần thơ yêu khung cảnh quen thuộc quê hương, yêu những địa danh, những miền đất. Đó là những miền đất xác xơ vì nghèo đói:

Lúa mùa mất sạch mọi nơi

Giặc còn vơ vét hết nồi đến thăng! Đói xo khắp xóm khắp làng

Rau dưa chết giá, ngô lang xạc xờ Buồn trông đồng trắng bãi khô Lúa chiêm thôi hết ước mơ đầy nồi! Một quan gạo sáu lon thôi

Không tiền mua cám mà nuôi mẹ già Cháu thơ đói lả ôm bà

Con đeo chân bố khóc la đêm ngày! (Đói!Đói! - 1945)

hay những miền đất bị giặc chiếm giữ:

Trên Hương giang mênh mang đò lạnh ngắt Tiếng đàn im ca kỹ nép phương nào?

Trăng thì thầm chi với sóng lao xao... (Huế Tháng Tám - 1945)

hay những cánh đồng xanh mướt, cồn cát, làng xóm: Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi Đâu ruồng che mát thở yên vui Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn

Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi ? Đâu những đường con bước vạn đời Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi Giữa dòng ngày tháng âm u đó Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi... (Nhớ đồng - 1939)

Những mảnh đất trên Tổ quốc như một phần tâm hồn ông. Nó đi vào thơ ông rất bình dị song vô cùng đẹp đẽ. Nó gợi lên tình yêu đất nước tha thiết, nặng sâu trong mỗi con người. Yêu nước không phải chỉ yêu những gì to lớn, yêu nước là yêu từ bờ tre, mảnh mạ, xóm làng yêu đi. Bởi đó mới chính là nơi vun đắp cho tâm hồn.

Có thể nói trong mối tình mặn nồng đối với đất nước, Tố Hữu đã dành một vị trí đặc biệt cho xứ Huế, mảnh đất quê hương. Trước cách mạng, tình yêu ấy có gì hờn dỗi của một đứa con hờn mẹ bởi những lỗi không phải là của mẹ:

Ta nện gót trên đường phố Huế Dửng dưng không một mảnh tình chi (Dửng dưng - 1938)

Nhưng hờn dỗi cũng không che được những tình cảm đẹp của tác giả đối với Huế. Hình ảnh Huế yêu kiều, tha thướt, xinh đẹp vẫn được viết với một giọng điệu đầy tự hào :

Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng

Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai Ven bờ sông phẳng con đò mộng

Lả lướt đi về trong gió mai..

(Dửng dưng - 1938)

Khó có thể nói một cách nào khác cho đúng hơn cái phong vị riêng của xứ Huế! Vừa đài các vừa mộng mơ. Vẻ đẹp và phong cách Huế đã in dấu trong tâm hồn Tố Hữu qua những câu ca dao mẹ ông thường hát. Ông yêu Huế như yêu mẹ đẻ của mình. Ông căm ghét chế độ phong kiến tồn tại trên đất Huế. Khi nó được gỡ bỏ, niềm vui sướng tột độ "nước mắt ta trào, búp mí, tràn môi" cũng là điều dễ hiểu.

Chất giọng Huế trong thơ Tố Hữu cũng rất rõ. Đó là giọng điệu sâu, nặng, trầm, dịu ngọt, êm đềm, nhỏ nhẹ. Chất Huế còn đi vào thơ Tố Hữu trong những vần thơ mang âm hưởng ca dao, thấm đẫm tình dân tộc:

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò

(Nhớ đồng - 1939) Đồng xanh gợn nhớ quê hương

Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều.

(Tiếng hát đi đày - 1942)

Tình yêu con người, yêu xứ sở là những tình cảm đẹp làm nên tình yêu tổ quốc. Trong thơ Tố Hữu, tình yêu Tổ quốc vừa gần gũi, vừa thắm thiết lại cũng rất trang trọng, thiêng liêng. Qua từng chặng đường, tình yêu này được lý tưởng cách mạng soi chiếu trở thành cảm hứng chủ đạo trong toàn bộ thơ Tố Hữu. Nó có tác động sâu sắc đến tư tưởng người đọc, bồi đắp cho người đọc những tình cảm cao đẹp, trở thành động lực cho thế hệ thanh niên thời bấy giờ lên đường chiến đấu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giá trị tập thơ Từ ấycủa Tố Hữu (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)