Cảm hứng nhân đạo

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giá trị tập thơ Từ ấycủa Tố Hữu (Trang 48 - 57)

Chương 1 NHÀ THƠ TỐ HỮU VÀ DÒNG VĂN HỌC CÁCH MẠNG

2.2. Các cảm hứng chủ đạo

2.2.2. Cảm hứng nhân đạo

"Những vần thơ đầu tiên của Tố Hữu đã chan chứa cả một tinh thần nhân đạo tích cực."2

Đó là tình thương đối với những con người hắt hủi trên đường

đời nghiệt ngã. Những em bé “sống cù bơ cù bất”, những em bé “lạc loài” như những em bé mồ côi, bán bánh dạo hoặc chị vú em, người đầy tớ, cô gái giang hồ... đều là những con người dưới đáy xã hội được Tố Hữu đưa vào

“Từ ấy” bằng sự thương cảm, nâng niu, trân trọng. Nói đến các em - những

đứa trẻ khốn khổ, lời thơ Tố Hữu luôn có một giọng điệu trìu mến, đầy thương cảm và khiến người đọc rơi nước mắt:

Con chim non không đợi chờ cánh mọc Cơ khổ em mới ngần ấy tuổi đầu!

(Hồn chiến sĩ - 1938)

Thật xót xa sao khi hai đứa trẻ: "cùng chung nhà một tuổi... Cùng trong sáng "như hai tờ giấy mới" nhưng hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Một đứa "xinh tròn mũm mĩm/ Cười trong chăn và nũng nịu nhìn me/...chồm chập vồ ôm li sữa trắng/ Rồi cau mày: “Nhạt lắm! Em không ăn!...ngây ngất trong phòng xanh mát rượi/ Đây ngựa Nga, đây lính thổi kèn Tây...". Và đứa kia: "ngoài sân, trong cát bẩn bò lê/ Ghèn nhầy nhụa, ruồi bu trên môi tím!... ôm đầu, trước cổng đứng treo chân/ Chờ mẹ nó mua về cho củ sắn!", thấy bạn chơi mà "thèm, giương mắt đứng nhìn ngây/ Không dám tới, e đòn roi, tiếng chửi!" (Hai đứa trẻ). Nguyên nhân của sự khác nhau đó là "bởi không cùng chung một tổ/Đứa vui sướng là đứa con nhà chủ/ Và đứa buồn, con mụ ở làm thuê."!" (Hai đứa trẻ). Sự khác biệt giai cấp đã khiến những đứa trẻ vô tội trở thành nạn nhân của đói khát bị tước mất quyền được yêu thương.

Tố Hữu dành nhiều trang viết cho các em nhỏ - những mảnh đời bất hạnh từ tấm bé. Đó là Phước, là hai đứa bé mồ côi, là cô bé bán bánh dạo... Đó là những hình ảnh có sức ám ảnh lớn, để lại trong lòng người đọc nỗi xót xa, đau đớn. Nói đến nỗi đau của các em, Tố Hữu nghẹn ngào như muốn khóc:

Vẫn chưa hết những cảnh đời đau khổ Nhưng kể làm chi nữa, bạn lòng ơi!

Ai mà quên được hình ảnh tội nghiệp của em Phước khi bị chủ nhà đuổi: Em len lét, cúi đầu, tay xách gói

Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te Vẫn chưa thôi, lời day dứt nặng nề

Hàng dây tiếng rủa nguyền trên miệng chủ

(Đi đi em - Huế, 1938)

Cũng không ai quên được em bé bán bánh dạo trong “Một tiếng rao đêm”, hay hai em bé trong „Mồ côi”. Mùa đông 1941, lúc anh bị nhốt ở xà lim Quy Nhơn. Tiếng rao của một em gái bé giọng ngân còn vương vấn dại khờ và non yếu đã nhói vào tim gan người trong ngục:

Anh nằm nghe qua cửa khám, xa xôi Tiếng em bước trên đường đêm nho nhỏ Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ.

Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng Như cây dương liễu nhỏ tóc chưa viền

Manh áo mỏng che không kín ngực

Đầu không nón, bụi sương thầm chấm ướt Đuôi tóc chuôi chừng bảy tám năm thôi! Ấy chân em leo lên bước đường đời

Ngày tháng đó trong mủng vài chục bánh. Gia tài đó, mấy đồng xu mỏng manh, Biết bao giờ mà sướng được em ơi!

(Một tiếng rao đêm - tháng 11, năm 1941)

Chỉ qua một tiếng rao, bằng trái tim nhân hậu và ấm áp, Tố Hữu đã vẽ nên hình ảnh đáng thương của em bé bán bánh dạo. Giữa xà lim gông cùm, Tố Hữu vẫn dành cho em tình yêu, sự sẻ chia, đồng cảm cao nhất. Ông như người anh lớn dành cho đứa em lạc giữa dòng đời tăm tối tình thương, sự lo lắng, xót xa như kẻ một nhà, như cùng chung huyết thống.

Không có gì hơn để trao tặng giữa cảnh đời cơ cực, Tố Hữu chỉ biết trao cho những con người dưới đáy xã hội đó tình thương yêu và hi vọng - hai điều ông giàu có nhất. Ông đã đem tới cho họ hi vọng về một cuộc đời mới, an ủi, động viên để họ nuôi ý chí mà sống tiếp. Ông nói với người đầy tớ cả đời làm thuê nhưng bị chủ đối xử tệ bạc về thế giới Xã hội chủ nghĩa khiến người đầy tớ lòng tràn hi vọng:

Lão ngơ ngác nhìn tôi Rối rít: “Ồ hay nhỉ! Ai già nua được nghỉ Cũng no ấm trọn đời ? Ai cũng có nhà cửa

Cũng sung sướng bằng nhau ? Đã không ai đè đầu

Làm chi có đầy tớ ?

Cậu bảo: Cũng không xa ? – Nước Nga ?

– Ờ nước ấy”.

Và há mồm khoan khoái Lão ngồi mơ nước Nga…

(Lão đầy tớ - 1938)

Ông trao cho Phước - chú bé ở đợ sự kiêu hãnh, ý chí căm thù. Ông trao cho người con gái trên sông Hương niềm tin: "Ngày mai bao lớp đời dơ/ Sẽ tan như mảnh mây mờ đêm nay" (Tiếng hát sông Hương). Tố Hữu đã nhận được niềm tin từ ánh sáng của Đảng cộng sản và hơn ai hết, bằng trái tim nhân hậu, bằng sự giác ngộ, ông gieo mầm hi vọng trên những tâm hồn cằn cỗi vì khổ đau, xơ xác vì nghèo đói.

Trao cho họ niềm tin chính là Tố Hữu muốn được sẻ chia với họ ánh sáng lý tưởng đã làm thay đổi cuộc đời mình. Ông gieo vào họ ý chí đấu tranh

quật cường chống lại áp bức, chống lại xiềng gông dẫu phải hi sinh. Ông nói với Phước:

Nuôi đi em cho đến lớn đến già

Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu.

(Đi đi em - 1938)

và ông nói với bạn tù - người thợ nghèo sắp được ra tù nhưng không tìm thấy lối thoát cho mình và vợ, con:

Gạt phăng hết những tình duyên nhỏ nhặt Để tay ghì riết chặt khối đời to ?

Chết con ta ? Nhưng sống vạn đời thơ Ừ chúng cũng là con ta đó cả.

Vợ ta chết ? Nhưng sống muôn em ả Nhà ta tan ? Nhưng sống vạn gia đình. Không, phải hy sinh, phải nhất thiết hy sinh Lòng vô sản phải mang tình nhân loại Chí đã quyết ra đi là tiến mãi!

(Đời thợ - tháng 10, 1941)

Với tình nhân đạo sâu sắc, thơ Tố Hữu không chỉ là sự sẻ chia, thông cảm mà còn là lời khuyên, lời giục giã, là sự chỉ đường dẫn lối cho bao kiếp người đau khổ đang chìm trong đêm tối. Trong những năm tháng trước cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, thơ Tố Hữu là nguồn động viên tư tưởng lớn cho biết bao người mạnh dạn đứng lên bước ra ánh sáng để được sống làm người. Vì vậy, thơ Tố Hữu còn có giá trị tuyên truyền chính trị bên cạnh những giá trị về thơ. Song theo người viết, tính chất tuyên truyền chính trị đó được bắt nguồn từ tình cảm nhân đạo, từ trái tim ấm áp của nhà thơ và ước mong mang đến cho những kiếp lầm than cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Bên cạnh những mảnh đời nhỏ bé, bất hạnh nằm dưới đáy xã hội, thơ Tố Hữu cũng dành những tình cảm cao đẹp cho những người đồng chí. Đó là

đồng chí Vịnh trong “Nhớ đồng”, đồng chí Lê Chí Diển trong “Những người

không chết”... Đối với những đồng chí, những người chiến đấu cho lý tưởng

cách mạng, Tố Hữu luôn thân thiết gọi bằng hai tiếng "bạn đời", gọi bằng "anh" trân trọng. Tuy có khác nhau về tuổi tác, về hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở chỗ: Họ đều là những con thuyền trong đoàn chiến hạm chiến đấu đến cùng cho lý tưởng:

Ta bước tới. Chỉ một đường: Cách mạng Vững lòng tin sẽ nắm chắc thành công Như những con tàu giữa biển mênh mông Còn xa đất, vẫn tin ngày cập bến.

(Như những con tàu - 1938)

Dẫu con đường đi đó nhiều phong ba, đòi hỏi phải hi sinh tuổi trẻ và tính mạng thì họ vẫn tiến lên:

Cũng có lẽ, hỡi bạn đời yêu mến Bờ đương mờ, hải cảng vẫn còn xa Có lẽ nhiều mỏm đá với phong ba

Sẽ đánh đắm một đôi tàu mỏng mang!... bởi:

Tương lai đó, trước mặt ta, biển rộng Trên đầu ta, lồng lộng gió trời cao!

(Như những con tàu - 1938)

Chiến đấu và chết trong khi chiến đấu là điều mà người chiến sĩ không bao giờ sợ hãi, họ tự hào vì đã sống và cống hiến hết mình cho lý tưởng.

Dầu phải chết một phần ta, cứ chết!

Không kêu ca, không tiếc hối, than phiền. Quyết không để cả đoàn tan nát hết. Bạn thuyền ơi! Nỗ lực bơi chèo lên!

Kiên cường, coi thường cái chết song Tố Hữu cũng có trái tim vô cùng nhạy cảm. Trước sự hi sinh của những người chiến sĩ, Tố Hữu cũng có những nỗi đau quặn thắt như mất đi một phần máu thịt của mình. Đó là nỗi đau khi đi đày lên nhà tù Lao Bảo - nơi giam cầm những chiến sĩ:

Là nơi đây, pháp trường thân chiến sĩ Nát bầm da quằn quại là nơi đây

Roi đế quốc, báng súng trường quất xé Thịt hy sinh của những kiếp đi đầy!

(Lao Bảo - tháng 6, 1938)

Đau đớn nhưng không nhụt ý chí, cái chết của những người chiến sĩ đã giúp Tố Hữu trở nên vững vàng hơn, quyết tâm đi đến cùng. Nó trở thành sức mạnh để đấu tranh:

Tim không khóc, nhưng sôi lên, dữ dội ...

Hỡi chiến sĩ rữa tan trong mả loạn Hãy về đây trong đáy giếng hồn tôi! Hãy về đây những ảnh hình ly tán Nấu sôi niềm oán hận của muôn đời Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu Cho da tôi dày dạn với ngày mai

Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai!

(Lao Bảo - tháng 6, 1938)

Tình đồng chí, cái chết vì nghĩa lớn là nguồn sức mạnh thổi bùng khát khao cống hiến trong nhà thơ. Nó nối liền nhiều thế hệ cha anh- nhà thơ - thế hệ sau nhà thơ... Nó giục giã, khuyến khích con người lên đường tranh đấu đầy hứng khởi, say mê:

Bốn phương trời và sau dấu muôn chân Cũng như tôi, tất cả tuổi đương xuân Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng (Hy vọng - 1938)

Trân trọng tình đồng chí, nhà thơ dành cho họ nỗi nhớ của tình thâm ruột thịt và gọi họ hai tiếng đầy yêu mến, tin tưởng: "bạn đời".

Cháy lòng ta nỗi nhớ, bạn đời ơi ! Chim trên mái kêu nhau về tổ ở Chờ đây một mình ta sau cánh cửa Đi vẩn vơ theo bốn vách xà lim Ôi cô đơn thấm lạnh cả tâm tình...

(Nhớ người - 1938)

Khi bước chân đi làm cách mạng, hòa cuộc đời riêng vào cuộc đời chung, Tố Hữu đã trở thành "con của vạn nhà" "em của vạn kiếp phôi pha", "anh của vạn đầu em nhỏ", những tình cảm yêu thương, quyến luyến, nhung nhớ mà trước kia chỉ dành cho thơ tình yêu đã đi vào thơ ông trở thành tình cảm ruột thịt, máu mủ. Ông muốn yêu thương tất cả đồng bào như yêu chính gia đình mình, muốn "trải hồn tôi với bao hồn khổ/ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời" (Từ ấy).

Không chỉ yêu đồng bào máu đỏ da vàng, tinh thần nhân đạo trong thơ Tố Hữu còn mở rộng ra những dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trong tập “Từ ấy”, Tố Hữu cũng đã lắng nghe cả tiếng nức nở của những người đàn bà Nhật, Đức, Ý trong chiến tranh chống phát xít. Ông đã theo dõi bước đi của họ khi bước xuống đường tranh đấu, ông thét lên cùng nỗi uất hận của họ, cùng họ đau nỗi đau mất mát:

Nhật hoàng! Nhật hoàng! Trên ngai vàng chễm chệ Uất hận của Phù Tang Đã vang cùng sóng bể!

Trong lầu son lộng lẫy Phe phẩy quạt ngà xinh

Nghe không ngươi huyết chảy Trên đường sắt Đông Kinh ? Nghe không ngươi lời van Từ đáy lòng tha thiết: - Thôi bàn tay hung tàn Bắt chồng con ta chết

(Đông Kinh nhuộm máu - tháng 5, 1938)

Đứng ở vị thế người dân bị mất nước, đất nước bị đế quốc Nhật xâm chiếm, nhưng nhà thơ với tinh thần vô sản quốc tế, lòng bao dung đã nhìn nhận sự việc những người đàn bà Nhật lao ra chặn tàu bằng sự ngưỡng mộ, yêu mến, trân trọng. Phải chăng, Tố Hữu đã nhận thấy rằng: Họ là những người mẹ giàu tình yêu thương như những bà mẹ Việt Nam. Họ đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh cũng là để bảo vệ con cái họ, con cái của những người phụ nữ khác trên thế giới.

Là người chiến sĩ cách mạng, là nhà thơ, Tố Hữu cũng hiểu, khi tình thương lan tỏa, chiến tranh sẽ không còn. Tình thương như sợi dây nối con người trong hòa bình, thân ái. Ông cũng đã viết bài thơ “Tình thương với

chiến tranh” để gửi những người mẹ Nhật, Đức, Ý - những người đã từng

nếm đau khổ chiến tranh nay lại tiễn chồng con đi trận. Tố Hữu đã khơi dậy trong lòng những người đàn bà đó tình thương, sự đồng cảm với những người phụ nữ ở những thuộc địa:

Ôi tình thương muôn năm Trong cõi lòng dào dạt Sao lại hoá tình câm Để thêm dày tội ác?

Các bà không bom đạn Diệt loài buôn máu xương Thì sao không ngăn cản Binh lính với tình thương?

Sao không bảo chồng con: - Về thôi! Quay mũi súng Bắn chết cho kinh hồn Cả một phường lợi dụng.

(Tình thương và chiến tranh, Huế, tháng 9 năm 1938)

Hơn ai hết, nhà thơ hiểu rằng chiến tranh là đau khổ. Chiến tranh là cái cớ để bọn thống trị bành trướng, vơ vét. Chiến tranh là tan cửa nát nhà, là đau thương chết chóc với những con người hiền lành dù họ có là ai, ở đất nước nào. Tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần yêu hòa bình, căm ghét chiến tranh là nội dung chính của bài thơ trên.

Tóm lại, thơ Tố Hữu ngập tràn cảm hứng nhân đạo. Đó là tình thương, là sự trân trọng đối với những con người vô sản. Tình thương ấy được bắt nguồn từ trái tim giàu nhân ái của nhà thơ được soi chiếu bởi lý tưởng cộng sản. Ông không chỉ thương, không chỉ đồng cảm và đau xót để rồi bi lụy hay quên đi mau chóng. Lý tưởng cách mạng đã chỉ cho Tố Hữu thấy rằng, cần phải biến tình thương đó thành hành động, biến tinh thần hữu ái đó thành súng, thành đạn để tranh đấu đến cùng và phải kết hợp với tinh thần quốc tế (tuy điều này chưa thật rõ như trong thơ ông sau này). Bởi chỉ có như thế, lòng nhân đạo, tình hữu ái giai cấp mới có giá trị.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giá trị tập thơ Từ ấycủa Tố Hữu (Trang 48 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)