1.3.2 .Tác phẩm Sự nghèo nàn của thuyết sử luận
2.2.2 Phương pháp phân mảnh
Karl Popper khẳng định: “Chủ đề chính của tôi trong nghiên công trình nghiên cứu này là thuyết sử luận, một học thuyết về phương pháp mà tôi không tán thành, chứ chủ đề không phải là những phương pháp mà theo tôi đã gặt hái được nhiều thành công và hi vọng sẽ phát triển rộng rãi và có ý thức hơn. Mặc dù vậy, tôi thiết nghĩ mào đầu bằng việc mô tả vắn tắt những phương pháp thành công cũng là một việc làm có ích, để độc giả biết được tôi đứng về phía nào và để làm rõ việc tôi đứng trên quan điểm nào phê phán” [30, tr.107].
Luận điểm này muốn chứng tỏ rằng chủ đề chính của Karl Popper là phê phán thuyết sử luận, nhưng thông qua việc phê phán đó ông đã đưa ra một phương pháp luận mà theo ông là phương pháp thành công và ông hy vọng phương pháp này sẽ được áp dụng rộng rãi – phương pháp đó là phương pháp
phân mảnh, trong tác phẩm Karl Popper gọi là “công nghệ phân mảnh”. Theo ông việc đưa ra phương pháp này là nhằm chứng minh một điều rằng ông đứng trên lập trường nào để phê phán thuyết sử luận. Mà thuyết sử luận lại đứng trên lập trường của phương pháp chủ toàn khi lý giải về tiến trình phát triển của lịch sử.
Để hiểu được phương pháp phân mảnh, trước hết chúng ta cần hiểu phương pháp “Kiến dựng không tưởng” hay còn gọi là kiến dựng xã hội chủ toàn, đây là một phương pháp đối lập với “kiến dựng phân mảnh”.
Kiến dựng không tưởng là phương pháp kiến dựng xã hội luôn luôn
mang đặc tính “công”. Những vấn đề công nghệ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội mang đặc tính “công” là “Những nghiên cứu về tác động, chẳng hạn, đến trên cán cân thu nhập của việc cải tổ các trại giam, hoặc của chính sách bảo hiểm y tế cộng đồng, hoặc của việc ổn định giá cả thông qua các phương tiện pháp lý, hoặc việc đưa ra mức thuế nhập khẩu mới,…”[30, tr.109]. Mục tiêu của “kiến dựng xã hội không tưởng” là điều chỉnh xã hội theo một sự hoạch định chi tiết có sẵn. Nhiệm vụ của những nhà xã hội không tưởng là kiểm soát những động lực lịch sử của sự phát triển xã hội trong tương lai, từ đó kìm hãm sự phát đó hoặc là tiên liệu quá trình phát triển của xã hội và điều chỉnh xã hội đi theo một tiến trình xã hội nhất định. “Mục tiêu cần đạt tới của loại kiến dựng này (kiến dựng không tưởng) là uốn nắn “toàn bộ xã hội” sao cho khớp với một kế hoạch chi tiết đã được vạch sẵn; nó hướng tới việc “nắm giữ những vị trí chủ chốt” và mở rộng “quyền lực của Nhà nước cho tới khi Nhà nước gần trở thành đồng nhất với xã hội”…” [30, tr.122]. Như vậy, để đạt được việc điều chỉnh xã hội theo một kế hoạch sẵn có, đòi hỏi một sức mạnh toàn thể và vì vậy chủ nghĩa không tưởng hướng đến một chế độ độc tài toàn trị. Sự liên minh giữa thuyết sử luận với kiến dựng xã hội không tưởng là đều có xu hướng kết hợp với thuyết toàn thể. Họ tin tưởng rằng xã hội như một
toàn thể là đối tượng thích hợp của nghiên cứu khoa học. Theo Popper, hai đại diện tiêu biểu cho liên minh này là Plato và Marx. Plato thì cho rằng mọi sự biến đổi hay hầu hết sự biến đổi đều dẫn đến suy vong, đó là định luật phát triển lịch sử, vì vậy ông đưa ra đề án thiết kế Không tưởng nhằm ngăn chặn mọi biến đổi mà Popper gọi đó là một đề án “tĩnh”. Ngược lại với Plato, Marx đưa ra một đề án “động” “Marx đã tiên đoán và cố gắng tích cực thúc đẩy một hướng phát triển mà giai đoạn tột cùng của nó là một xã hội Không tưởng lí tưởng, ở đó không còn áp bức chính trị hoặc kinh tế: nhà nước này bị tiêu vong, mỗi người đều được tự do góp sức theo năng lực và hưởng thụ theo nhu cầu”. [30, tr.133].
Thông qua việc phê phán phương pháp kiến dựng xã hội không tưởng, Popper đề xuất một phương pháp mà theo ông nó thành công hơn đó là phương pháp Kiến dựng phân mảnh. Phương pháp này nghiên cứu xã hội trên những phạm vi nhỏ, tức là cải cách xã hội nên tập trung vào sự thay đổi một thiết chế ở một thời điểm. Kiến dựng xã hội từng phần tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể (nghèo đói, bạo lực, thất nghiệp, xuống cấp của môi trường, bất bình đẳng thu nhập). “Nhiệm vụ của những người kỹ sư xã hội khi áp dụng kiến thức xã hội học phân mảnh là thiết kế các thiết chế xã hội, là cải tạo và vận hành các thiết chế sẵn có” [30, tr.118]. Các thiết chế xã hội được hiểu theo nghĩa rộng, tức là các tổ chức mang cả đặc tính tư lẫn đặc tính công. Những thiết chế mới này được thử nghiệm thông qua thực tế và được thay đổi phù hợp và liên tục theo các hệ quả của nó. Các thiết chế có thể trải qua một sự cải thiện dần dần theo thời gian và những khuyết tật của xã hội dần được giảm bớt. Popper so sánh nhiệm vụ của các nhà kiến dựng xã hội từng phần với nhiệm vụ của những người kỹ sư cơ khí. Cũng như các kĩ sư kĩ thuật cải tiến chiếc máy thông qua một loạt các điều chỉnh nhỏ cho tới mô hình hiện tại, các kĩ sư xã hội cải thiện dần dần các thiết chế xã hội thông qua “sửa chữa
từng phần”. Bằng các này, phương pháp phân mảnh cho phép các kinh nghiệm được lặp lại và sự điều chỉnh liên tục. Popper nói rằng, chỉ với các kinh nghiệm xã hội như vậy mới có thể cung cấp sự phản hồi chắc chắn cho các nhà kế hoạch xã hội. Do vậy, thay vì tham vọng vào việc tái thiết kế xã hội với tư cách là một toàn thể, những nhà kiến dựng xã hội phân mảnh nghiên cứu xã hội từng bước một và so sánh những kết quả mong đợi với những kết quả đạt được, từ đó rút ra những bài học từ những sai lầm của chính mình. Theo cách này, họ có thể cảnh giác được đối với những hệ quả không mong muốn mang tính tất yếu của cuộc cải cách và tránh thực hiện những cải cách mơ hồ.
Để làm rõ sự khác biệt giữa phương pháp “kiến dựng không tưởng” và “kiến dựng phân mảnh”, Popper tập trung làm rõ những khác biệt giữa một người có quan điểm chủ toàn và một “công trình sư sử dụng kĩ thuật phân mảnh” trong cách họ nhìn nhận nhiệm vụ cải tạo xã hội. Những người theo quan điểm chủ toàn ra sức bác bỏ cách tiếp cận theo lối phân mảnh, nhưng cuối cùng họ lại áp dụng phương pháp này một cách vụng về, bởi vì phương pháp chủ toàn là một phương pháp không khả thi. Như vậy, về cơ bản thì sự khác nhau của hai phương pháp này là ở góc độ thận trọng và sự chuẩn bị đón nhận những bất ngờ không tránh khỏi.
Popper cho rằng kiến dựng phân mảnh chủ yếu dựa trên sự tương thích của nó với phương pháp thử và sai của khoa học tự nhiên: một lý thuyết được đề nghị và kiểm nghiệm, các sai lầm của lý thuyết được phát hiện và loại bỏ, và một lý thuyết mới, được cải tiến hơn xuất hiện, bắt đầu một chu kì mới. Thông qua công nghệ từng phần, quá tình tiến bộ xã hội sẽ song song với sự tiến bộ của khoa học. Do đó, một lý thuyết chỉ mang tính khoa học khi nó có thể chứng nghiệm là sai và như vậy sự phát triển của tri thức khoa học cũng diễn ra trong quá trình thường xuyên bác bỏ các lý thuyết cũ. Lý thuyết không
bị bác bỏ về nguyên tắc, thì đây không phải là lý thuyết khoa học, đây chính
là nguyên tắc phủ chứng mà Karl Popper đưa ra. Quan điểm này của Popper
cần được nhìn nhận ở góc độ nó chống lại các quan điểm siêu hình, giáo điều hóa, tuyệt đối hóa kết quả nhận thức. Nếu thổi phồng và hiểu theo một cách phiến diện thì lý thuyết này lại trở nên quá cứng nhắc và khó áp dụng vào các ngành khoa học xã hội, thậm trí là dẫn đến thái độ coi nhẹ tính kế thừa trong nhận thức.