1.3.2 .Tác phẩm Sự nghèo nàn của thuyết sử luận
2.1 Sự phê phán của Karl Popper đối với “Thuyết sử luận” và quan
2.2.1 Phê phán quan điểm chủ toàn
Quan điểm chủ toàn là một quan điểm đối lập lại với cách tiếp cận “phân mảnh”, “Nó thường được dùng để chỉ (a) Toàn bộ hoặc tất cả những đặc tính hoặc những khía cạnh của một sự vật, và đặc biệt là tất cả những mối quan hệ có được giữa những thành phần cấu thành nên sự vật đó, và thứ hai là để chỉ (b) một số đặc tính hoặc khía cạnh đặc biệt của sự vật đang được xét tới, cụ thể là những đặc tính hoặc khía cạnh khiến cho sự vật được thể hiện
như một cấu trúc có tổ chức chứ không phải “chỉ là một mớ hỗn tạp”.”[30, tr 137]. Ở cách hiểu (a) chính là chủ toàn hiểu theo thuyết toàn thể, còn cách hiểu (b) là chủ toàn theo chủ thuyết duy bản chất.
Theo quan điểm phản tự nhiên luận của thuyết sử luận thì một trong những nguyên nhân sâu sắc khiến cho những phương pháp của vật lý học không thể áp dụng vào xã hội học là vì chúng ta phải xem xét xã hội trên quan điểm “chủ toàn” chứ không phải theo quan điểm “nguyên tử luận”. Bởi vì xã hội không chỉ là sự cộng dồn của các cá nhân, hay các mối quan hệ cá nhân tồn tại trong bất kì thời điểm nào giữa các thành viên của nó, mà còn bao gồm những truyền thống, những thiết chế, những nghi lễ riêng. Cũng chính từ đặc tính “chủ toàn” của các nhóm xã hội mà thuyết sử luận phân biệt sự khác nhau căn bản giữa cái mới trong vật lý học và cái mới trong xã hội học. Họ cho rằng những điều kiện xảy ra trong vật lý học không bao giờ thực sự mới về bản chất, sự mới mẻ đó chẳng qua chỉ là sự mới mẻ trong cách sắp xếp hoặc cách kết hợp. Nhưng trong lịch sử xã hội thì những sự kiện nổi hiện trong tương lai sẽ là những sự kiện mới mẻ về bản chất, những nhân tố cũ trong đời sống xã hội khi mà nằm trong sự sắp đặt mới thì không bao giờ còn là nhân tố cũ nữa. Bởi vì lịch sử có thể lặp lại nhưng không bao giờ lặp lại trên cùng một cấp độ. Thêm vào đó chúng ta cũng cần phải xét đến tính đơn nhất của các sự kiện xã hội. Do vậy, chúng ta không thể nghiên cứu những cái mới trong xã hội học như trong vật lý học bằng cách sắp xếp lại những yếu tố quen thuộc. Chính vì vậy, các nhà chủ toàn theo thuyết sử luận cho rằng phương pháp lịch sử là phương pháp nghiên cứu phù hợp với những toàn thể hiểu theo nghĩa là những tổng thể. Do đó, để đoán trước được sự phát triển tương lai của một nhóm xã hội nào đó cần phải thấu hiểu được lịch sử cũng như những truyền thống và những thiết chế của nó. Từ cách lý giải này cho thấy sự liên kết giữa thuyết sử luận với lý thuyết duy sinh học hay hữu cơ về
cấu trúc xã hội, tức là lý thuyết diễn giải các nhóm xã hội như những cơ thể hữu cơ. Quan điểm chủ toàn này nối từ Platon, Aristot, Hegel và Marx.
Theo Popper, thuyết toàn thể của Plato được thể hiện trong quan điểm về thành bang và các mô thức. Thứ nhất, theo Plato thành bang Hy Lạp có một địa vị ưu tiên, là có tính hiện thực hơn so với các cá nhân cư ngụ trong đó. Ông chỉ thừa nhận một toàn thể ổn định, vĩnh cửu là thực tồn chứ không phải những cá nhân ngắn ngủi. Quan điểm này một lần nữa hàm ý là thành bang có các nhu cầu thực quan trọng hơn nhu cầu của các cá nhân và do đó mang lại nguồn gốc của chủ nghĩa tập thể đạo đức của Plato. Theo Popper, Plato tin rằng một xã hội công bằng đòi hỏi cá nhân phải hi sinh nhu cầu của mình cho lợi ích của nhà nước. Trong tác phẩm “Cộng hòa”, mô hình nhà nước lý tưởng mà Plato đưa ra đó là một nhà nước mà ở đó nhà chính trị lựa chọn việc từ bỏ tất cả quyền lợi cá nhân, thậm trí họ không lập gia đình, không có con cái, họ hy sinh tất cả vì quyền lợi của tập thể. Thứ hai, lý thuyết về các mô thức của Plato là điển hình cho cách tiếp cận theo “thuyết bản chất”. Theo thuyết này thì nhiệm vụ của nhận thức hay khoa học là khám phá và miêu tả bản chất thực sự của sự vật, tức là thực tại hay bản thể ẩn giấu của chúng. Theo Plato, để hiểu về bất cứ sự vật cụ thể nào đòi hỏi phải hiểu về các mô thức. Bởi vì các mô thức là vĩnh cửu, bất biến, và là mẫu hình hoàn hảo của các sự vật hữu hình trong thế giới. Mặc dù các mô thức là vĩnh cửu và bất biên, nhưng những bản sao không hoàn hảo của chúng mà ta gặp trong thế giới khả giác chắc chắn sẽ suy tàn theo thời gian. Do đó, để ngăn chặn sự suy tàn này Plato tìm kiếm một lý thuyết về sự biến đổi của lịch sử - một lý thuyết làm cho có thể hiểu được dòng chảy liên tục của thế giới chúng ta. Nghĩa là, thuyết bản chất của Plato dẫn ông đi đến điều mà Popper gọi là “chủ nghĩa lịch sử”. Trong cách nhìn của Plato, thành bang lý tưởng suy đồi thành nhà nước quân sự, nhà nước quân sự thành chính thể đầu sỏ, chính thế đầu sỏ
thành dân chủ và sau đó, cuối cùng dân chủ thành độc tài. Từ đó, Plato tìm cách cung cấp một cách ngăn cản xu hướng suy tàn tự nhiên này. Popper cho rằng, đây là một mục tiêu sâu xa của xã hội không tưởng được phát triển trong tác phẩm Cộng hòa. Đó là một xã hội với hệ thống đẳng cấp và tôn ti trật tự do các triết gia cai trị, những người có tri thức về các mô thức, để ngăn chặn sự suy tàn cũng như đảm bảo cho người cai trị không bị hủ hóa. Nền dân chủ bừa bãi của Athen sẽ được thay thế bằng một xã hội ổn định và bất biến. Plato thấy điều này là công bằng, nhưng Popper cho rằng nó mang tất cả đặc điểm của chủ nghĩa toàn trị.
Vấn đề về những cái phổ quát là vấn để đã gây ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt suốt thời Trung cổ bắt nguồn từ triết lý của Plato và của Aristole. Trong khi phân biệt duy bản chất đối lại với duy danh Popper cho rằng: “Trường phái những nhà tư tưởng mà tôi đề nghị gọi là duy bản chất phương
pháp luận là trường phái do Aristotle sáng lập” [30, tr.61]. Cũng như Plato,
Aristotle tin rằng nhận thức về một đối tượng đòi hỏi phải hiểu bản chất của nó. Tuy nhiên, Plato và Aristotle khác nhau ở cách hiểu của họ đối với mối quan hệ giữa bản chất của thực thể và làm thế nào bản chất đó thể hiện ra trong thế giới khả giác. Plato cho rằng các thực thể tìm thấy trong thế giới khả giác là không hoàn hảo, là một hình ảnh đang suy tàn của các mô thức. Popper cho rằng, cách hiểu này về lịch sử là hoàn toàn bi quan: thế giới suy tàn theo thời gian. Chính trị học của Plato là một nỗ lực để ngăn cản hay ít nhất là làm chậm sự suy tàn này. Trái lại, Aristotle hiểu về bản chất của thực thể như là một nhóm các tiềm năng sẽ biểu lộ khi thực thể phát triển theo thời gian. Bản chất của một thực thể vận động như một động cơ bên trong thúc đẩy thực thể hướng đến sự phát triển toàn diện nhất của nó, hay điều mà Aristotle gọi là mục đích cuối cùng. Từ đây Popper phát hiện ra một chủ nghĩa lịch sử ẩn tàng trong nhận thức luận của Aristotle. Dù chính Aristotle
không tạo ra một lý thuyết về lịch sử, thuyết bản chất của ông kết hợp với thuyết mục đích luận của ông mang lại một ý niệm là bản chất thực sự của con người hay nhà nước chỉ có thể hiểu được khi nó để lộ ra theo thời gian. Ngoài ra, Popper còn cho rằng thuyết bản chất của Aristotle đi cùng với ý niềm về một vận mệnh lịch sử: sự phát triển của nhà nước hay quốc gia được quyết định trước bởi “bản chất ẩn giấu chưa phát triển của nó”.
Lịch sử nằm ở trung tâm trong triết học của cả Hegel và Marx, và đối với Popper thì tư tưởng của họ là ví dụ điển hình về tư duy duy sử và từ đó là những sai lầm chính trị mà nó mang lại. Chủ nghĩa lịch sử của Hegel được phản ánh trong quan điểm của ông là sự tương tác biện chứng giữa các ý tưởng như là động cơ của lịch sử. Hegel cho rằng, sự ra đời và tiến bộ dần dần của các ý tưởng triết học, đạo đức, chính trị và tôn giáo quyết định tiến trình lịch sử. Lịch sử, mà đôi khi Hegel miêu tả như là sự mở ra dần dần của “ý niệm tuyệt đối”, đi đến một kết thúc khi tất cả các mâu thuẫn nội tại trong tư tưởng con người cuối cùng được giải quyết.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx là một sự đảo ngược nổi tiếng của
triết học của Hegel. Đối với Marx, lịch sử là một sự kế tiếp của các hệ thống kinh tế và chính trị, hay “các phương thức sản xuất” theo như lời Marx. Khi sự đối mới kĩ thuật và những cách tổ chức sản xuất mới dẫn tới sự cải thiện khả năng của xã hội trong việc đáp ứng các nhu cầu vật chất của con người, một phương thức sản xuất mới ra đời. Trong mỗi phương thức sản xuất mới, hệ thống chính trị và pháp lý, cũng như các giá trị và thực tiễn đạo đức và tôn giáo chi phối sẽ phản ánh lợi ích của những người kiểm soát hệ thống sản xuất mới. Marx dự đoán rằng, xã hội loài người sẽ lần lượt trải qua năm hình thái kinh tế xã hội, mà hình thái cao nhất là xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Theo Popper, dù họ bất đồng về cơ chế quyết định sự tiến hóa của xã hội con người, cả Marx và Hegel, giống như Plato, là các những người theo
thuyết sử luận bởi vì họ tin rằng các luật phi lịch sử chi phối lịch sử con người. Đối với Popper, đây là điểm mấu chốt, và cũng là sự sai lầm để ông phê phán.
Bác bỏ quan điểm này của thuyết sử luận, Karl Popper cho rằng thật sai lầm nếu tin vào một thứ khoa học sử học được hiểu theo nghĩa chủ toàn. Bởi vì rõ ràng chúng ta không thể mô tả lại toàn bộ dòng chảy lớn của lịch sử theo kiểu như là “nhà nước xã hội”, “ toàn bộ cơ chế xã hội”, “mọi sự kiện xã hội và lịch sử của một thời đại” . Popper dẫn chứng thêm rằng “ Không có cách gì viết được một cuốn lịch sử như thế. Mỗi cuốn lịch sử được viết ra chỉ là lịch sử của một khía cạnh hạn hẹp nhất định nào đó của quá trình phát triển “toàn diện” ấy” [30, tr.144]. Do vậy, khoa học sử học được hiểu theo nghĩa chủ toàn xuất phát từ một cái nhìn trực giác đối với lịch sử nhân loại, nó đối lập với quan điểm “chủ biệt” xuất phát từ cái nhìn lý tính đối với lịch sử nhân loại (như cách phân biệt của Cao Xuân Huy trong tác phẩm: Chủ toàn và chủ biệt,
hai ngã rẽ trong triết học Đông – Tây”).
Sự phê phán quan điểm chủ toàn của Karl Popper trong tác phẩm “Sự nghèo nàn của thuyết sử luận” được thể hiện ở một số lập luận sau đây:
Thứ nhất, Popper khẳng định rằng chúng ta không thể nghiên cứu một
bộ phận nào đó của thế giới hay của tự nhiên như một toàn thể mà chúng ta cần phải chọn một số khía cạnh nhất định. Mặc dù một trong số nhà chủ toàn có thừa nhận nguyên tắc chọn lọc trong khoa học. Tuy nhiên, họ lại tin vào khả năng thấu hiểu về mặt khoa học đối với những toàn thể xã hội. Bởi vì họ không phân biệt được rằng năng lực tri giác Hình trạng chẳng hề liên quan đến những toàn thể hiểu theo nghĩa là để chỉ toàn bộ hoặc tất cả những đặc tính hoặc khía cạnh của một sự vật, và đặc biệt là tất cả những mối quan hệ có được giữa những thành phần cấu tạo nên sự vật đó. Trong khi đó, họ lại cố gắng dùng phương pháp của lý thuyết Hình trạng, tức là nghiên cứu một số
đặc tính hoặc khía cạnh đặc biệt của sự vật đang được xét tới làm cho sự vật được thể hiện như một cấu trúc có tổ chức để suy ra rằng những toàn thể hiểu theo nghĩa tổng thể cũng có thể nghiên cứu theo lối này. Có nghĩa là những nhà chủ toàn cho rằng, chúng ta có thể nghiên cứu những khía cạnh hoặc đặc điểm đặc biệt của sự vật, từ đó có thể khái quát lên những quy luật lặp đi lặp lại, thông qua đó nhà nghiên cứu có thể tái dựng được xã hội dưới góc nhìn tổng thể, mà theo họ thì nó không chỉ đơn giản là sự cộng gộp cơ học của các bộ phận hợp thành nó, mà nó còn bao gồm những truyền thống, những thiết chế, những mối quan hệ giữa các bộ phận đó. Cách nhìn này theo Popper là một quan điểm mơ hồ và thiếu tính đặc sắc. Sở dĩ họ có những đánh giá như vậy là bởi vì họ không thấy được sự khác nhau giữa phương pháp nghiên cứu của lý thuyết Hình trạng với phương pháp toàn thể hiểu theo nghĩa tổng thể. Có chăng, thì họ cũng chỉ thấy rằng chúng chỉ khác nhau ở chỗ chúng ta chỉ có thể thấu hiểu Hình trạng bằng trực giác, còn toàn thể xã hội thì quá phức tạp cho nên nó là một quá trình suy ngẫm lâu dài và cần được bổ sung phương pháp “tổng hợp” nhằm tái dựng toàn bộ quá trình. Từ những phân tích trên, Karl Popper cho rằng việc sử dụng phương pháp chủ toàn để nghiên cứu toàn bộ xã hội, vạch ra kế hoạch kiểm soát và tái thiết xã hội là một phương pháp bất khả thi.
Thứ hai, Karl Popper cho rằng sự liên minh giữa thuyết sử luận với
thuyết chỉnh thể là một sai lầm và không tưởng. Những nhà chủ toàn theo thuyết sử luận khẳng định rằng phương pháp lịch sử là phương pháp nghiên cứu phù hợp với những toàn thể hiểu theo nghĩa là những tổng thể. Theo ông đây là là một cái nhìn trực giác đối với lịch sử nhận loại. Bởi vì cũng như những các loại hình nghiên cứu khác thì khoa học lịch sử chỉ có thể nghiên cứu những khía cạnh đã được chọn lọc của đối tượng mà nó quan tâm thôi. Như vậy, tham vọng về việc nhận biết được cả quá trình phát triển của lịch sử
là không tưởng. Những gì chúng ta biết được cũng chỉ là lịch sử của một khía cạnh hạn hẹp nào đó. Theo Popper họ đã nhầm tưởng rằng có thể sử dụng phương pháp lịch sử để sắp đặt và điều khiển được toàn bộ hệ thống của tạo hóa, nhưng sự thật rằng chúng ta không thể sắp đặt và điều khiển được một cách hoàn chỉnh dù chỉ là một phần tách riêng của bộ máy vật chất.
Thuyết Không tưởng và thuyết sử luận đều tương đồng một quan điểm cho rằng, một thực nghiệm xã hội chỉ có giá trị khi thực hiện trên phạm vi rộng khắp. Bởi vì theo cách nhìn họ thì những thí nghiệm trên quy mô nhỏ (Ví dụ như việc xác lập chủ nghĩa xã hội trong nhà máy, trong một làng, hay một khu dân cư…) đều không mang tính thuyết phục. Cách nhìn này đã bỏ qua phương pháp “phân mảnh”, là những phương pháp thực nghiệm mang tính nền tảng đối với mọi loại tri thức xã hội, tiền khoa học cũng như khoa học. Phương pháp thực nghiệm chủ toàn dường như không có sự đóng góp nhiều cho việc gặt hái tri thức thực nghiệm.