Trước khi đi vào chỉ ra nội dung khái niệm “triết học lịch sử” cần phải cắt nghĩa thế nào là “lịch sử”? Lịch sử là bộ môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Do đó “lịch sử” có hai nghĩa: thứ nhất, chuỗi các sự kiện lịch sử; thứ hai, một mô tả hay nghiên cứu về các sự kiện ấy. Vì vậy, “triết học lịch sử” cũng được hiểu theo hai nghĩa tương ứng. Một là, sự phản tư triết học về diễn biến và trình tự của các sự kiện lịch sử; hai là, về bản chất và các phương pháp của những nghiên cứu về các sự kiện lịch sử. Quan điểm về triết học lịch sử trước Hegel thuộc về loại thứ nhất nhiều hơn là loại thứ hai.
Vico là người báo hiệu cho khoa học triết học hiện đại về lịch sử, ông đã cố gắng giải thích lịch sử xã hội loài người theo quan điểm quyết định luận. Ông phủ nhận quan niệm thông thường trong thời đại của ông cho rằng khoa học lịch sử chỉ là sự miêu tả giản đơn những triều đại, những cuộc chiến tranh và sự tích anh hùng. Mặc dù thừa nhận sự tồn tại của Thượng đế, nhưng
Vico lại chịu ảnh hưởng của triết học duy vật, nên ông cho rằng Thượng đế chỉ vạch ra quy luật cho lịch sử, sau đó Thượng đế không can thiệp vào tiến trình của lịch sử nữa, nhân loại tiến hóa do những nguyên nhân bên trong, nội tại của bản tính con người. Đời sống xã hội diễn lại các thời kỳ của đời sống cá nhân: Tuổi thơ ấu, tuổi thanh niên và tuổi thành niên. Trong cuốn “Các nguyên tắc cho một khoa học mới về bản tính chung của các dân tộc” (1972), Vico cho rằng mọi dân tộc đều trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn thần linh (tuổi thơ ấu của nhân loại); giai đoạn anh hùng (tuổi thanh niên của nhân loại); giai đoạn nhân văn (tuổi thành niên của nhân loại).
Voltaire chính là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “triết học lịch sử” trong tác phẩm có cùng tên gọi (1975). Voltaire đã loại bỏ sự can thiệp trực tiếp của Chúa vào công việc của con người. Theo ông, chính con người làm ra lịch sử của mình. Sự phát triển của nhân loại là sự vận động từ tồn tại vô thức đến cơ cấu xã hội có ý thức, đến nền văn minh Khai sáng. Voltaire cho rằng, sự tiến bộ của lý tính quy định sự biến đổi về văn hóa; đến lượt mình văn hóa lại quy định sự biến đổi của tập quán, khoa học, nghệ thuật. Do đó, lịch sử chính là cuộc đấu tranh của con người vì văn hóa và tiến bộ.
Rousseau đã tiến một bước xa hơn trong quan niệm về sự phát triển lịch sử. Nếu như Vico nêu ra quan niệm về sự phát triển lịch sử loài người nói chung thông qua sự phát triển của những tổ chức xã hội toàn vẹn trong phạm vi dân tộc theo một vòng chu kỳ khép kín, thì Rousseau đã nêu tư tưởng về xu thế chung của lịch sử nhân loại thông qua sự phát triển của các quan hệ xã hội. Ông đã chia tiến trình phát triển lịch sử thành ba giai đoạn: “Trạng thái tự nhiên”, tức là giai đoạn đầu của xã hội, ở giai đoạn này thì chưa có sự khác nhau rõ rệt giữa mọi người về địa vị xã hội, kinh tế…quan hệ xã hội còn thuần khiết, chưa có sự phân biệt về đẳng cấp; “trạng thái công dân” theo Rousseau chính sự phát triển của trí tuệ con người, và đặc biệt, sự xuất hiện
của sở hữu tư nhân đã dẫn đến phá vỡ “trạng thái tự nhiên” của xã hội, dẫn đến sự xuất hiện xã hội công dân. Ở giai đoạn này xã hội công dân đầy rẫy những bất công áp bức. Các mối quan hệ hoàn toàn bị biến mất, đối lập với bản chất tự nhiên của con người. Xuất hiện các cuộc chiến tranh và mọi tệ nạn xã hội khác. Vì vậy, đây là thời kỳ bị tha hóa, đối lập với bản tính tự nhiên của nó. Cũng giai đoạn này, nhà nước xuất hiện trên cơ sở khế ước xã hội do nhân dân lập ra một cách thầm lặng. Tuy nhiên, do bối cảnh xuất hiện đầy rẫy những bất công, thì nhà nước cũng tha hóa bản chất của mình. Từ chỗ do nhân dân lập ra nhằm đảm bảo quyền lợi cho mọi người, nhà nước trở thành công cụ đàn áp nhân dân; trạng thái thứ ba là thông qua cách mạng, xã hội trở về với “trạng thái tự nhiên” ban đầu của nó, nhưng trên cơ sở cao hơn. Mọi bất công và tệ nạn xã hội công dân bị xóa bỏ, tự do bình đẳng được khôi phục.
Ngược lại với nghiên cứu của các tiền bối, Hegel coi sự phát triển lịch sử loài người là sự vận động của ý niệm tự do, coi tự do là chuẩn mực cơ bản đánh giá sự ưu việt của thời đại này so với thời đại khác, của dân tộc này so với dân tộc khác. Từ đây, ông chia lịch sử thế giới như sau: 1. Thời kỳ tiền sử không ai có tự do; 2. Thế giới phương Đông cổ đại chỉ một người có tự do là nhà vua chuyên chế, còn nhân dân không có tự do; 3. Thế giới Hy Lạp, La Mã cổ đại có tự do hạn chế của một số người đó là dân chủ quý tộc; 4. Thế giới nước Đức, Thiên chúa giáo, trung cổ và cận đại có tự do cho tất cả mọi người. Quan niệm của Hegel đã không còn hạn chế lịch sử trói buộc nữa, mà ngược lại nó đã có cơ sở lịch sử toàn thế giới đã hình thành về cơ bản. Hegel đã nắm được những biến đổi của lịch sử qua những bước đi khác nhau về chất và làm cơ sở cho việc xác định những thời kỳ lịch sử cơ bản, Hegel muốn hướng tới cái căn nguyên thật sự của quá trình lịch sử đó là sự phát triển của bản thân con người.
Quan điểm của Marx về triết học lịch sử chính là chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết này lý giải sự tiến hóa của xã hội loài người bằng sự phát triển của trình độ sản xuất. Trình độ sản xuất thay đổi khiến quan hệ sản xuất cũng thay đổi dẫn đến những mối quan hệ xã hội thích ứng với những quan hệ sản xuất đó cùng với những tư tưởng nảy sinh ra từ những quan hệ xã hội đó cũng thay đổi kéo theo sự thay đổi hệ thống pháp lý và chính trị. Chủ nghĩa duy vật lịch sử nghiên cứu xã hội với tư cách là một chỉnh thể thống nhất để vạch ra những nét chung của sự phát triển xã hội, những động lực, những nguyên nhân cơ bản của sự chuyển biến từ một hình thái kinh tế - xã hội này sang một hình thái kinh tế - xã hội khác, mối liên hệ qua lại và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những hiện tượng khác nhau của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, tư tưởng v.v…Từ đó, vạch ra những quy luật chung nhất của sự vận động và phát triển xã hội, chỉ ra vị trí và vai trò của mỗi mặt của đời sống xã hội, trong hệ thống xã hội nói chung, vạch ra những nét cơ bản của các giai đoạn phát triển của xã hội loài người.
Tóm lại, tư tưởng triết học lịch sử đã hình thành từ trong lịch sử triết học phương Tây và được khởi đầu từ Vico, Voltaire, Rousseau,…cho tới Hegel và Marx. Khái lược các tư tưởng nêu trên, có thể định nghĩa khái niệm triết học lịch sử như sau: “Triết học lịch sử là một bộ phận tri thức triết học, gắn liền với việc nhận thức mục đích và các quy luật của tiến trình lịch sử,
giải quyết vấn đề quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.” [xem 35, tr.5].
Như vậy, thế kỷ XX với nhiều biến động đã thôi thúc các nhà khoa học đưa ra những học thuyết, quan điểm mới phù hợp hơn với bối cảnh lịch sử đương thời dựa trên cơ sở phê phán hoặc kế thừa tư tưởng của các bậc tiền bối. Đối với Karl Popper, ông đặc biệt đề cao sự phát triển của tri thức nhân loại, do đó những thành tự khoa học công nghệ thế kỷ XX, nổi bật là nguyên
điểm “bất định luận lịch sử” của ông. Bên cạnh đó, những tư tưởng triết học của các bậc tiền bối như A.Comte, J.S. Mill, các nhà Hậu thực chứng và đặc biệt là quan niệm về triết học lịch sử của Marx, Hegel cũng có những ảnh hưởng không nhỏ tới sự hình thành nội dung phương pháp luận triết học lịch sử của Karl Popper. Ông kế thừa tiền đề tư tưởng của chủ nghĩa thực chứng mới về việc đề cao vai trò quan sát, thực nghiệm. Nhưng lại bác bỏ nguyên tắc thực chứng dựa trên phương pháp quy nạp của chủ nghĩa thực chứng mới và đưa ra nguyên tắc phủ chứng và phương pháp diễn dịch.
1.3 Cuộc đời và tác phẩm “Sự nghèo nàn của thuyết sử luận” của Karl Popper Karl Popper
1.3.1. Những nét chính về cuộc đời Karl Popper
Karl Raimund Popper sinh ngày 28 tháng 07 năm 1902 tại Vienna và mất ngày 17 tháng 09 năm 1994 tại London. Ông là nhà triết học Anh, gốc Áo, được đánh giá là một trong những nhà triết học về khoa học có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Ban đầu, Karl Popper chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng logic, song ông cũng là một trong những người đầu tiên phê phán trường phái đó và xây dựng trường phái triết học của riêng mình – chủ nghĩa duy lí phê phán.
Karl Popper sinh ở Vienna (thuộc lãnh thổ Áo – Hung thời bấy giờ), trong một gia đình trung lưu gốc Do Thái, cả cha và mẹ đều cải đạo theo đạo Tin Lành. Cha ông, Dr S.S.C. Popper, một luật sư danh tiếng, tuy nhiên đã mất hết gia sản và cơ nghiệp sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Mẹ ông, bà J. Popper, nhạc công dương cầm tài năng. Popper được nuôi dưỡng trong một gia đình mà sách và âm nhạc luôn đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, ngay từ khi còn trẻ Popper đã quan tâm đến cả hai lĩnh vực là âm nhạc và khoa học. Bên canh đó, ông cũng chú ý đến những câu hỏi về triết học và chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx.
Ông tốt nghiệp Đại học Vienna và nhận bằng Tiến sĩ Tâm lý học năm 1928. Từ năm 1930 đến năm 1936 ông làm giáo viên trung học. Cuốn sách đầu tiên của Popper là Logik der Forschung (Logic khám phá khoa học) được xuất bản năm 1934. Trong tác phẩm này, ông đã phê phán quan điểm duy tâm lí, duy tự nhiên, duy nghiệm cũng như chủ thuyết thực chứng logic và xây dựng một luận thuyết của riêng mình, coi khả năng kiểm sai như một tiêu chí nhằm phân biệt giữa khoa học và không khoa học.
Năm 1937, khi chủ nghĩa phát xít nổi lên, Popper phải di cư sang New Zealand và giảng dạy triết học tại trường Đại học Canterbury thuộc giáo hội công giáo.
Trong mùa đông 1944, 1945 nhờ vào sự giúp đỡ của Friedrich August von Hayek, Popper nhận được lời mời giảng dạy tại der London School of Economics (LSE) and Political Science.
Đầu tháng 1 năm 1946 vợ chồng Popper đến nước Anh, ông trở thành Phó Giáo sư môn Logic học và phương pháp khoa học của Học viện Kinh tế London và được phong Giáo sư vào năm 1949.
Năm 1965 Karl Popper được Nữ hoàng Elisabeth II phong tước hiệp sĩ và được bầu làm Hội viên Hội Hoàng gia Anh năm 1976. Năm 1969 ông ngưng giảng dạy nhưng vẫn tiếp tục viết sách. Năm 1992 ông được Goethe của Đức trao tặng Huy chương Goethe.
Các tác phẩm chính của ông bao gồm: Hai vấn đề của học thuyết tri thức (1979); Logic của sự khám phá khoa học (1934); Xã hội mở và kẻ thù của nó (1945); Sự nghèo nàn của thuyết sử luận (1957); Thuyết duy thực và nhiệm vụ của Khoa học (1956/57); Phỏng định và Bác bỏ: sự tăng trưởng của tri thức (1963); Tri thức khách quan – một cách tiếp cận dưới góc độ tiến hóa (1972);…