3.1 .1– Thông tin cần chính xác, dễ hiểu và khách quan
3.1. 2 Tránh thông tin một chiều, cần có sự phản hồi kịp thời
Trong cuốn “Cơ sở lý luận báo chí truyền thông” của nhóm tác giả Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2004 có viết: “Báo chí luôn lấy hiện thực khách quan làm đối
tượng phản ánh. Thông tin báo chí là một quá trình liên tục, xuyên suốt trong mối quan hệ chặt chẽ giữa Cuộc sống – Nhà báo – Tác phẩm – Công chúng... Hiện thực tái hiện trên báo chí phải là một hiện thực sôi động, tiêu biểu và luôn luôn đổi mới”[31, Tr 23]. Đây là một đòi hỏi hàng đầu đặt ra cho báo chí nói
chung, báo chí viết về tài chính, kinh tế nói riêng.
Thông tin một chiều có yếu điểm là thiếu khách quan. Việc đưa thông tin một chiều, đơn thuần theo quan điểm của cơ quan quản lý vẫn đang là “bệnh” của nhiều tờ báo hiện nay. Với một tờ báo ngành như Thời báo Tài chính Việt Nam, cũng không nằm ngoài tồn tại chung này.
Thông tin chính sách của TBTCVN chủ yếu dừng ở các tin vắn, tin sâu, ghi ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà quản lý tại các hội nghị, hội thảo chứ ít có sự khảo sát trong đời sống, để xem người dân đón nhận hay phản ứng với những thông tin đó như thế nào, chính sách có thực sự đi vào đời sống hay không, hiệu quả tới đâu, hạn chế ở những điểm nào... Đôi khi TBTCVN thực hiện được một số bài viết tại các địa phương hoặc phản ứng của thị trường, nhưng thường là thông tin chậm và chưa sâu. Chưa chú trọng khai thác các ý
kiến phản biện một cách hợp lý. Nội dung này là thế mạnh của các tờ như Tuổi trẻ, Thanh niên, Sài Gòn Đầu tư tài chính... TBTCVN cũng như một số báo chí ngành Tài chính thường nêu những mặt tốt của chính sách, còn những yếu tố bất cập, báo chí ngành thiếu tính phát hiện, hoặc còn có tư tưởng né tránh, ngại động chạm (chẳng hạn về vấn đề quản lý giá; các loại phí giao thông đường bộ; thuế đánh vào xe ô tô...).
Thông tin về quản lý tài chính hoặc các hoạt động thu, chi ngân sách được phản ánh với số lượng khá nhiều, trên hầu khắp các mặt. Tuy nhiên, những thông tin này còn nặng tính chất tổng kết vì dựa chủ yếu trên các báo cáo, hội nghị, hội thảo. Thông tin có hơi thở cuộc sống từ các địa phương, các điểm nóng còn ít; nhất là các bài báo đề cập đến những khó khăn, bất cập, sai phạm trong hoạt động của ngành thì càng hiếm hoi. Các vụ việc, chỉ đến khi có kết luận thanh tra mới được đăng tải, bài điều tra thực sự đúng nghĩa về những sai phạm của ngành mình là không hề có. Như vậy, tính chiến đấu của báo chí chưa được phát huy.
Chính vì nặng thông tin một chiều và chủ yếu là phục vụ cho mục đích chính trị của bộ, ngành, nên các báo chí ngành Tài chính chỉ phát hành chủ yếu trong nội bộ ngành mà chưa vươn ra được bạn đọc ngoài ngành. Như vậy, báo chí mới chỉ dừng ở việc đăng tải những thông tin mà cơ quan chủ quản muốn đưa ra, chứ chưa thực sự được tổ chức thông tin theo nhu cầu của bạn đọc.
Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Quang Hào, giảng viên Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội trong các bài giảng của mình, cũng như với tư cách một chuyên gia báo chí, luôn chú trọng. TS Vũ Quang Hào từng khẳng định, báo chí hiện đại cần phải chú ý tới nhu cầu của bạn đọc, quan tâm xem người đọc muốn thụ hưởng nội dung thông tin gì, với cách thức như thế nào. Ông nhấn mạnh: “Cần phải luôn đặt câu hỏi: Người đọc được lợi ích gì từ những thông tin này? Từ đó, báo chí tổ chức thông tin theo nhu cầu bạn đọc, như vậy mới hiệu quả, mới được bạn đọc đón nhận”. Đúng như vậy, đơn cử khi tuyên truyền chính sách, cũng phải diễn đạt bằng ngôn ngữ dễ hiểu, nêu bật những điểm mới, những điểm tác động tới đời sống, để người dân nhận thức được ngay. Ngược lại, nếu chỉ đăng văn bản hoặc viết bài nhưng thiếu chỉ dẫn, không được diễn giải bằng ngôn ngữ dễ hiểu thì văn bản chính sách khó mà thấm được vào người dân, như vậy hiệu quả tuyên truyền sẽ thấp.
Qua khảo sát ý kiến của độc giả về thông tin tài chính trên 3 tờ báo là Thời báo Tài chính Việt Nam, Sài Gòn Đầu tư Tài chính và Đầu tư - Tiền tệ, cho thấy, độc giả ngày nay đã rất quan tâm đến lĩnh vực tài chính, nhất là những
thông tin mới về chính sách thuế, phí, thông tin phân tích, chỉ dẫn thị trường chứng khoán, vàng, ngoại tệ, nhà đất và các mặt hàng thiết yếu (từ trên 96 đến trên 99%). Phần lớn độc giả được khảo sát (chiếm tỷ lệ 66,67%) công tác trong ngành Tài chính, nên thường xuyên đọc báo Tài chính và các báo có nội dung tài chính, kinh tế, nên có những đánh giá khá sát về tính nhanh nhạy, chính xác và khách quan của những thông tin tài chính. Độc giả cũng đánh giá khá cao vai trò của báo chí với vấn đề thực thi và điều chỉnh các chính sách tài chính, cũng như rất quan tâm tới ý kiến, phân tích của các chuyên gia.
Nhận thức được những đòi hỏi của độc giả cũng như những tồn tại của mình, TBTCVN đã có sự cố gắng cải tiến về nội dung. Trong trường hợp xảy ra việc một số báo chí ngoài ngành đưa thông tin thiếu chính xác, do sự hiểu biết, suy luận của phóng viên về chính sách tài chính còn hạn chế, TBTCVN đã nhanh chóng có tin, bài viết rõ hơn về những vấn đề đó, mục đích làm cho thông tin thêm phần minh bạch, tránh sự hiểu lầm, tạo sự đồng thuận xã hội.
TBTCVN cũng xây dựng những trang riêng về các hoạt động chủ lực của ngành như thuế, hải quan... từ đó đã chuyển tải những nội dung khá thời sự như: Chống buôn lậu, trốn thuế, chống chuyển giá, chống ma túy... Bên cạnh đó là chuyên mục Giải đáp chính sách thuế, Nhịp sống tài chính, Người trong cuộc, Sự kiện – Nhận định... Đây là những nơi đăng tải thông tin chỉ dẫn, bình luận, phản hồi...
Trong bài phát biểu nhân buổi gặp mặt đội ngũ làm báo ngành Tài chính 21/6/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có chỉ đạo: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các cơ quan báo chí, xuất bản làm sao giữ vững bản sắc tài chính và các vấn đề có tính chất chuyên ngành, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh “xã hội hoá” cả về mặt nội dung lẫn hình thức tuyên truyền và đẩy mạnh công tác phát hành để đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn cho bạn đọc trong và ngoài ngành”.
Đây là một sự chỉ đạo hết sức đúng đắn và cũng là mục tiêu phấn đấu của báo chí các bộ, ngành hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là một khó khăn, thách thức lớn mà nhìn chung các báo của bộ, ngành chưa giải quyết được. Khi đưa khối lượng thông tin về ngành thật toàn diện, thì đạt yêu cầu của bộ, ngành, nhưng với đời sống thì lại nằm ở phạm vi hẹp và nhiều vấn đề chuyên ngành, bạn đọc ngoài ngành khó tiếp nhận và chỉ quan tâm đến một số ít thông tin tác động trực tiếp đến đời sống của họ mà thôi. Nói về bộ, ngành chủ quản thì không thể theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, chỉ phản ánh thiên về những mặt “chưa được” của chính sách, hoặc của quá trình thực thi, giống như một số báo hiện nay đang làm. Các báo này rất ít đưa những mặt “được” của chính sách, cũng
như hoạt động quản lý, mà chỉ xoáy vào những bất cập, những mặt trái, và báo bán ra thị trường rất “chạy”. Điều tốt của thông tin này là các bộ ngành nhận được những cảnh báo, phản hồi để tham khảo trong việc xây dựng cũng như sửa đổi chính sách, nhưng điểm chưa tốt là các bộ, ngành có cảm giác bị đánh giá thiên lệch, người đọc cũng có ác cảm và đánh giá thấp về các cơ quan quản lý của Nhà nước.
Cũng chính vì báo của bộ, ngành chưa đưa được nhiều thông tin thu hút sự chú ý của xã hội, nên tia-ra không lớn, dẫn đến khó thu hút quảng cáo và doanh thu cũng thấp, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, phóng viên, công nhân viên. Báo chí của bộ, ngành, do đó khá chật vật để thích ứng với cơ chế tự chủ tài chính áp dụng cho báo chí hiện nay.
Như vậy, mâu thuẫn giữa việc đáp ứng cao nhất nhu cầu thông tin của bạn đọc, với yêu cầu thông tin của bộ chủ quản vẫn là điều nan giải với TBTCVN và báo chí nói chung. Chỉ có thể “kéo gần khoảng cách này”, bằng sự tận tâm, chuyên nghiệp của báo chí và nhờ vào nhận thức cũng như cách thức quản lý báo chí của lãnh đạo bộ. Điều này vẫn luôn là trăn trở và là mục tiêu phấn đấu của TBTCVN.
3.1.3 Đổi mới cơ cấu tổ chức và nội dung, hình thức để tăng hiệu quả thông tin
Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết địnhsố 3319/QĐ- BTC ngày 28/12/2012 phê duyệt Kế hoạch phát triển Thời báo Tài chính Việt Nam đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020 với mục tiêu: Tập trung nguồn lực để củng cố, ổn định và phát triển Thời báo Tài chính Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại. Từng bước đưa Thời báo trở thành tờ báo kinh tế có uy tín trong thị trường báo chí cả nước, có tầm ảnh hưởng và khả năng định hướng dư luận xã hội trong lĩnh vực thông tin về kinh tế - tài chính - tiền tệ; xây dựng Thời báo trở thành một diễn đàn kinh tế - tài chính của toàn xã hội, góp phần hoàn thiện các chính sách tài chính của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, phản ánh toàn diện các hoạt động và kết quả thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nói chung và lĩnh vực tài chính nói riêng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xă hội của đất nước.
Trước yêu cầu đó, ngoài việc thường xuyên tạo điều kiện cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên trau dồi nghiệp vụ làm báo và kiến thức về tài chính, Lãnh đạo TBTCVN đã xây dựng đề án đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, trong đó bao gồm những điểm cơ bản sau:
- Nâng cao tính chính trị của tờ báo, bám sát tôn chỉ, mục đích, các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; cơ cấu lại, tăng cường lực lượng phóng viên cho mảng tuyên truyền các hoạt động của Bộ, đảm bảo tính toàn diện và chuyên sâu, đặc biệt là các mảng thông tin về các hoạt động lớn của Bộ như: Thuế, Hải quan, Tài chính Doanh nghiệp, Quản lý giá…
- Tạo dựng bản sắc tài chính cho Thời báo bằng việc hoàn thiện và xây dựng các chuyên trang chuyên sâu về lĩnh vực tài chính:
Chuyên trang Chứng khoán - Tiền tệ: TBTCVN phối hợp chặt chẽ với
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thông tin chính thống, đầy đủ, kịp thời về mọi mặt hoạt động của thị trường chứng khoán.
Chuyên trang Thị trường Bảo hiểm: TBTCVN hợp tác chặt chẽ với
Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để xây dựng chuyên trang này trở thành nguồn thông tin chủ đạo dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực thông tin Bảo hiểm.
Chuyên trang Bất động sản: TBTCVN phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Công sản xây dựng chuyên trang này gắn với nhiệm vụ tuyên truyền về quản lý công sản quốc gia, để phục vụ nhu cầu thông tin của công chúng.
Chuyên trang Tài chính địa phương: Tăng cường thông tin về các hoạt
động tài chính cơ sở, làm cho nội dung tờ báo bám sát thực tiễn, phản ánh toàn diện về hoạt động của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính ở các địa phương.
- Cơ cấu lại trang Chuyên đề, thông tin chuyên sâu về hoạt động tài chính của các bộ, ngành.
- Tổ chức các khóa đào tạo và đào tạo lại đội ngũ phóng viên, biên tập viên: Mở các lớp ngắn hạn, tại chỗ, mời các giảng viên, các chuyên gia báo chí có uy tín để bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng làm báo hiện đại cho các phóng viên, biên tập viên. Về lâu dài, sẽ có chọn lọc các cán bộ, phóng viên có khả năng phát triển, cử tham dự các lớp đào tạo trong và ngoài nước.Đào tạo thêm về kỹ năng viết báo, trong đó có cả cách đặt tít, sapo, làm box, làm tin… tăng tính hấp dẫn.
- Tuyển dụng bổ sung lực lượng phóng viên, có năng lực đáp ứng được các yêu cầu phát triển của báo.
- Trang bị phương tiện hiện đại cho phóng viên, biên tập viên để đáp ứng yêu cầu làm việc của một tòa soạn báo tiến đến đa ấn phẩm, trong môi trường hội tụ cao.
- Xây dựng, phát triển hệ thống cộng tác viên, chú trọng công tác bạn đọc.
- Hình thành đội ngũ phóng viên thường trú ở các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước, tăng cường thông tin tài chính từ các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm.
- Xây dựng và thực hiện quy chế mới về định mức tin, bài cho cán bộ, phóng viên trong tòa soạn, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng tờ báo.
- Tính toán, cân đối để có cơ chế nhuận bút phù hợp, tạo thêm động lực cho phóng viên và thu hút các cộng tác viên tham gia viết bài cho báo.