1.3. Những yếu tố tác động đến việc giáo dục trẻ em trong các gia đình
1.3.4. Tác động của khoa học công nghệ và cơ chế thị trƣờng tới việc
1.3.4.1. Tác động của khoa học công nghệ:
Trong thời đại ngày nay, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp giáo dục trẻ em cả nước nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Cách mạng công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ thì trí tuệ con người ngày càng được coi trọng, là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước.
Khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình tiếp thu nhanh chóng những kiến thức khoa học áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.
Sự phát triển của khoa học công nghệ và hệ thống thông tin đại chúng đã giúp các bậc cha mẹ nâng cao sự hiểu biết về mọi mặt, trong đó có tri thức về gia đình, về cách thức giáo dục con,...vv. Chính vì thế mà trẻ em cũng được hưởng những thành quả đó, giúp trẻ có những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển toàn diện và thông minh hơn. Có thể nói, chưa bao giờ lượng thông tin kiến thức về tự nhiên, xã hội và bản thân con người lại được cập nhật đầy đủ, nhanh chóng và phong phú như hiện nay. Điều đó giúp cho các bậc cha mẹ và trẻ em nâng cao sự hiểu biết và năng lực thực hành phù hợp với sự phát triển của xã hội. Các bậc cha mẹ có thể nhanh chóng tích lũy kiến thức, cập nhật thông tin, giải đáp thắc mắc cho con chỉ qua vài thao tác đơn giản, thậm chí còn cho con được nghe những câu chuyện sinh động, bổ ích hoặc vận dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ con học tiếng anh, luyện đánh bàn phím máy tính, giải toán,...trong khi bận việc mà vẫn kiểm soát được con, vẫn tạo sự vui vẻ, thoải mái cho con theo hình thức “chơi mà học”.
Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển và nhiều chương trình bổ ích trên vô tuyến truyền hình, internet như: chương trình giáo dục từ xa, vườn cổ tích, chúc bé ngủ ngon, những đứa trẻ hay chuyện, ai thông minh hơn học sinh lớp 5, trẻ em luôn đúng,... thực sự đã hỗ trợ và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các gia đình trong việc giáo dục trẻ, tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội tiếp thu
những tri thức đa dạng nhiều chiều, kích thích tính ham học và khả năng sáng tạo, trí thông minh của trẻ.
Những thành tựu to lớn đó của khoa học và công nghệ đang đưa lại những khả năng sáng tạo, trí thông minh tuyệt vời cho con người và hứa hẹn đem lại những tiến bộ vượt bậc cho cuộc sống của cá nhân, gia đình, xã hội cả về vật chất và tinh thần. Nhưng bên cạnh những tiến bộ vượt bậc do con người tạo ra đó thì công nghệ thông tin đồng thời cũng đưa đến hàng loạt những sai lầm, thiếu hụt, những hành động dã man, những tệ nạn xấu xa, nguy hiểm lan truyền trên khắp thế giới. Mặt trái đó đã làm cho nhiều gia đình bị tan nát, chia ly, cùng khổ. Điều này đòi hỏi các gia đình phải gần gũi, định hướng và để ý đến hoạt động của con trẻ khi tiếp xúc với các mạng xã hội. Nhất là trong thời kỳ bùng nổ thông tin, mở cửa hội nhập,... nhiều loại phim ảnh có nội dung không lành mạnh, nhiều thông tin xuyên tạc không chính xác...đã ảnh hưởng không tốt đến trẻ, thậm chí làm trẻ hiểu nhầm, hiểu sai vấn đề. Không ít trẻ đã phải gánh chịu hậu quả chỉ vì tính tò mò, ham học hỏi đặt nhầm chỗ cộng với sự thờ ơ của người lớn và hạn chế về nhận thức lứa tuổi khi tiếp xúc với các trang mạng không lành mạnh, những bộ phim kích dục. Do đó các thành viên lớn trong gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ trẻ cần nâng cao trình độ và có cách nhìn khách quan, khoa học để quản lý con cái mình cho tốt, xây dựng nội dung, phương pháp giáo dục con phù hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình, tạo điều kiện giúp trẻ tiếp thu những tri thức khoa học hiệu quả hơn.
1.3.4.1. Tác động của cơ chế thị trƣờng
Bên cạnh những ưu điểm như: Thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; kích thích tính năng động sáng tạo của các chủ thể kinh tế; đẩy mạnh phân công lao động xã hội, chuyên môn hóa sản xuất, phát triển nhiều ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tạo ra nhiều hàng hóa có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng; góp phần ổn định, tăng trưởng kinh tế, từng bước cải thiện đời sống nhân dân,... thì kinh tế thị trường cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định như: phân hóa giàu nghèo, bất công xã hội; một số tệ nạn như tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, mại dâm gia tăng; suy giảm đạo lý, tình người.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, có lẽ chưa bao giờ gia đình lại có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và phấn đấu làm giàu, nhưng cũng hiếm khi gia đình lại đứng trước khó khăn nghiệt ngã như hiện nay. Mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho đời sống của một bộ phận không nhỏ các gia đình bị đảo lộn, việc thực hiện các chức năng của một số gia đình bị mất cân đối và suy giảm. Chức năng kinh tế đã lôi cuốn khá nhiều công sức, thời gian, tâm huyết của các thành viên trong gia đình, cả người già và người trẻ lao vào vòng quay của cơn lốc thị trường. Một bộ phận cha mẹ mải chạy theo các giá trị vật chất bằng mọi giá, coi trọng đồng tiền, xem nhẹ các giá trị đạo đức, các giá trị văn hóa tinh thần. Một số truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc như “Thương người như thể thương thân”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”... đang dần phai nhạt trong một số gia đình. Thay vào đó là quan niệm “Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử. Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi” hay “Có tiền mua tiên cũng được”, “Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền”,... và những hành động tiêu cực trong cách giáo dục trẻ như xin điểm, chạy điểm, mua bằng cấp, tham nhũng, hối lộ. Nhiều bậc phụ huynh xao nhãng việc dạy con học ở nhà, họ chỉ tập trung kiếm tiền, phó mặc con cho nhà trường và các trung tâm gia sư, người giúp việc. Nhiều gia đình lo đáp ứng mọi khoản tiền con cần, cho con học thêm, học bù mà không hiểu tại sao con họ không học giỏi, không biết quý trọng sức lao động của họ và ngày càng hư hỏng, đua đòi. Họ đâu có hiểu con họ thiếu gì và cần gì? Hậu quả là quyền uy của cha mẹ ngày càng giảm sút, khiến họ trở nên bất lực đối với các con và làm gia tăng lượng trẻ em hư hỏng cho xã hội. Một số cha mẹ trẻ bị đồng tiền mê hoặc đã bất chấp tất cả, tham gia buôn bán hàng quốc cấm, cờ bạc, lô đề, mại dâm,... vô tình đã tạo ra môi trường độc hại cho chính con mình.
Những hiện tượng tiêu cực do mặt trái cơ chế thị trường để lại đã gây bao hậu quả khó lường, làm cho bao gia đình bị đổ vỡ, làm suy giảm đạo lý, tình nghĩa vợ chồng. Tất cả mọi đổ vỡ, sai lầm của gia đình đều dẫn đến nhiều hậu quả xã hội khác nhau, nhưng nạn nhân đầu tiên là những đứa con vô tội trong chính gia đình đó. Các em không có tổ ấm hạnh phúc, thiếu vắng sự quan tâm và bàn tay chăm sóc, chia sẻ của cha mẹ sẽ không biết gửi gắm tình cảm vào ai và rất dễ rơi vào cạm bẫy của những kẻ bất lương và trở thành những nạn nhân của các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật
Kết luận chƣơng 1
Gia đình là cộng đồng người được hình thành trên cơ sở ba mối quan hệ cơ bản là hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Giữa các thành viên trong gia đình có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, chi phối và tác động qua lại với nhau. Họ luôn có sự gắn bó tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi; luôn bên nhau, sống cùng nhau; hàng ngày hàng giờ tác động đến nhau theo kiểu “Mưa dầm ướt áo”, “Tích tiểu thành đại”, “Mài sắt thành kim” họ sống cùng nhau dưới một mái nhà, cùng nhau giải đáp các bài toán kinh tế, tháo gỡ những mâu thuẫn trong gia đình và ngoài xã hội, để rồi sau đó cho nhau nhiều kinh nghiệm sống hơn, hiểu nhau hơn và trưởng thành tốt hơn. Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Dù cho hình thức có thay đổi, song gia đình sẽ luôn tồn tại, vận động và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Giáo dục gia đình luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần quyết định việc hình thành, phát triển nhân cách cho trẻ em nói riêng và nhân cách con người Việt nam nói chung.
Sự vận động và biến đổi của gia đình phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội và trình độ nhận thức của mỗi người. Gia đình là một thiết chế, là tế bào của xã hội và là tổ ấm của mỗi con người. Với chức năng tự nhiên và vai trò to lớn của mình, gia đình ngày càng được khẳng định, đề cao và đòi hỏi phải được phát huy hơn nữa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Giai đoạn hiện nay, vai trò của gia đình, đặc biệt là vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục trẻ là khởi nguồn vô cùng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Vai trò đó chỉ có thể được đề cao và phát huy khi có sự tâm huyết, mẫu mực của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ trẻ. Nội dung và phương pháp giáo dục khoa học, phù hợp của ông bà, cha mẹ,... sẽ góp phần to lớn vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam được phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay của sự nghiệp đổi mới đất nước.
CHƢƠNG 2
THỰC TRẠNG GIÁO DỤC TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Ở THÁI BÌNH HIỆN NAY
2.1.Thực trạng giáo dục trẻ em trong gia đình ở Thái Bình hiện nay.
Thái Bình là một tỉnh đồng bằng, ba mặt giáp sông một mặt giáp biển, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, là vùng lúa trọng điểm của phía bắc và cả nước. Trung tâm tỉnh là thành phố Thái Bình cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía Đông Nam. Thái bình tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố: Hải Dương ở Phía Bắc, Hà Nam ở phía Tây, Nam Định ở phía Tây và Tây Nam, Hưng Yên ở phía Tây Bắc, Hải Phòng ở phía Đông Bắc. Phía Đông là biển Đông.
Tỉnh Thái Bình có 286 đơn vị cấp xã gồm 10 phường, 09 thị trấn và 267 xã. Hiện Thái Bình được chia thành 07 huyện và 01 thành phố trực thuộc là Thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, huyện Hưng Hà, huyện Kiến Xương, huyện Quỳnh Phụ, huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải, huyện Vũ Thư.
Thái Bình nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng là Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, có đường biển, cảng biển và hệ thống sông ngòi thuận lợi để phát triển hàng hóa và giao lưu kinh tế- xã hội với cả nước và quốc tế. Con người Thái Bình cần cù, thông minh, ham hiểu biết, sáng tạo; yêu thể thao; yêu lao động; giàu lòng nhân ái; tích cực tham gia vào công cuộc dựng nước và giữ nước với nhiều tên tuổi được lưu danh cùng sử sách như Hoàng Công chất, Vũ Đình Dung, Tú Cao, Phan Bá Vành, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Thái, Phạm Tuân, Tạ Quốc Luật, Nguyễn Thị Chiên, Bùi Quang Thận,...
Tuy nhiên, Thái Bình lại là một tỉnh đồng bằng đất chật người đông, mật độ dân số gấp 5,7 lần mật độ trung bình của cả nước, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, công nghiệp thì nhỏ bé lạc hậu, dịch vụ thương mại chậm phát triển, lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp cho nên Thái Bình vẫn là một tỉnh nghèo và gặp nhiều bất lợi trong phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và các cấp chính quyền, sự nỗ lực của toàn dân nên kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội ở Thái Bình đã có những chuyển biến tích cực: Nền kinh tế tăng trưởng khá; Hệ thống chính trị được kiện toàn, mọi chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước được triển khai hiệu quả hơn, các cấp chính quyền không ngừng được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động; Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ không ngừng được đẩy mạnh tạo động lực để các gia đình ở Thái Bình yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống và đầu tư cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển tốt nhất về mọi mặt thể chất, đạo đức, trí tuệ và thẩm mĩ; đồng thời tham gia tích cực “Tháng hành động vì trẻ em” mà Đảng và Nhà nước đang phát động (Tháng 6 năm 2015) với phương châm “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” và hướng đến Ngày gia đình Việt Nam 28/6/2015.
Thực tế điều tra 230 phiếu ở tất cả các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Thái Bình, trong đó có 110 phiếu điều tra dành cho các bậc cha mẹ có con dưới 16 tuổi và 120 phiếu dành cho trẻ em dưới 16 tuổi. Kết quả cho thấy:
2.1.1. Thực trạng giáo dục đạo đức cho trẻ em trong các gia đình ở Thái Bình
Đa số các gia đình ở Thái Bình đều sống trọng tình nghĩa, yêu thương con cháu, có lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ, luôn dạy con biết kính trên nhường dưới, anh em thuận hòa, đoàn kết giúp đỡ nhau, khiêm tốn, lễ phép, thật thà, chăm chỉ và nhân ái.
Mặc dù kinh tế còn khó khăn, phải vất vả lao động để cho con ăn học và phát triển kinh tế gia đình nhưng đa số các bậc cha mẹ trẻ vẫn sắp xếp thời gian hàng ngày để chăm sóc con, chơi với con, tâm sự với con, giúp con học,... và hầu hết trẻ đều cảm thấy gia đình mình sống với nhau “vui vẻ, hạnh phúc và đầm ấm”, các em thấy yêu gia đình mình và gắn bó với gia đình, ra sức học tập và phấn đấu vì nghĩ đến công lao, tình cảm “luôn đặt tương lai con cái lên hàng đầu” của cha mẹ, hoặc “vì không muốn cha mẹ buồn”, “vì cha mẹ đã chịu đựng nhiều vất vả vì chúng con”, mặc dù “đôi khi bố mẹ cũng dữ” [44,tr.2]. Đây là một thành công rất đáng trân trọng của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình: đa số trẻ em Thái Bình đều cảm thấy gia đình là tổ ấm, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là động lực học tập và phấn đấu.
Tuy nhiên, bên cạnh những trẻ may mắn có một tuổi thơ bên gia đình hạnh phúc, vẫn còn một số trẻ vẫn phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi chửi nhau. Kết quả điều tra 120 trẻ cho thấy 88 trẻ (chiếm 73,3%) khẳng định cha mẹ các em không bao giờ cãi nhau hay đánh nhau trước mặt các em, 32 trẻ còn lại (chiếm 26,7%) thì khẳng định cha mẹ có cãi nhau trước mặt em vì nhiều lý do “vì mẹ không đưa tiền cho bố”, “vì không hiểu ý nhau”, “vì bố đi làm về mệt bị mẹ càu nhàu”, “vì có sai xót trong công việc”,....trong đó có 31 em phản ánh cha mẹ “thỉnh thoảng cãi nhau”