Bình.
Do chịu ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, khoa học công nghệ và hạn chế về mặt nhận thức nên phần lớn các bậc cha mẹ có con dưới 16 tuổi ở Thái Bình đều thừa nhận “Việc dạy con hiện nay khó hơn so với trước” vì “Trẻ tiếp xúc với thông tin sớm, môi trường xung quanh phức tạp”, vì “Xã hội phát triển có nhiều tệ nạn hơn trước”, “Xã hội thời nay bố mẹ ít có thời gian chăm sóc con”, “Yêu cầu của con bây giờ cao hơn”,“Trẻ con bây giờ bướng hơn ngày xưa”,... Vì thế, họ ra sức “kiếm tiền cho con học”, “dạy dỗ, động viên con ngoan, học giỏi”, “giáo dục con nghiêm khắc”, chỉ mong “con ngoan, học giỏi, sau này thành đạt có công việc ổn định, có ích cho xã hội” [45,tr.2].
Theo kết quả điều tra 110 gia đình có con dưới 16 tuổi thì 37 phụ huynh (chiếm 33,6%) đại diện cho gia đình không trả lời và không biết làm gì để phát triển trí tuệ cho con, họ mặc “con có trí tuệ thì con học; 73 phụ huynh (chiếm 66,4%) rất quan tâm đến học tập của con, mỗi phụ huynh có cách dạy con khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là hỗ trợ con học kiến thức ở trường, một số cha mẹ cho con học thêm qua internet, mua sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nâng cao,.... Trong số đó, một số phụ huynh còn quan tâm đến chế độ ăn uống cho con, dạy con mọi lúc mọi nơi, dạy qua cuộc sống hàng ngày, dạy qua giao tiếp ngoài xã hội, thậm chí kiểm tra trình độ của con bằng cách “đặt câu hỏi xem phản ứng con trả lời thế nào”. Tuy nhiên, do chương trình học của trẻ đã có nhiều cải cách so với trước, trình độ học vấn và trình độ khoa học thiếu, lại có cách giải đáp khác với cô giáo của trẻ nên các bậc cha mẹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giúp con học, phần lớn họ chỉ giám sát, rèn tính tự học cho con, còn lại “hầu như nhờ sự giúp đỡ của cô giáo và nhà trường” [45, tr.2].
Bảng 2.2: Tình trạng quan tâm đến học tập của con trong các gia đình
Quan tâm Không trả lời hoặc không biết Tổng
Số gia đình 73 37 110
Tỉ lệ (%) 66,4 33,6 100%
Nhìn chung, các gia đình ở Thái Bình đều nhận thức rất tốt vai trò của mình đối với con trẻ, đa số các gia đình được hỏi đều cho rằng việc giáo dục trẻ không phải là nhiệm vụ của riêng nhà trường vì “Đó là con chúng ta, chúng ta phải có trách nhiệm chính”, “Nhà trường chỉ là một phần”, “Nhà trường không thể quản lý con ở nhà được”, “ Ngoài thời gian ở trường, con còn ở nhà với bố mẹ, bạn bè, hàng xóm”, “Đó cũng là trách nhiệm của cả gia đình nữa”, “Phải kết hợp với cả gia đình và xã hội thì trẻ mới phát triển toàn diện được” [ 45,tr.2]. Đa số các gia đình đều nhận thức rõ vai trò của gia đình đối với con trẻ là rất quan trọng vì “Mọi hành vi giáo dục của ta giúp hình thành tính cách, nhân cách trẻ”,“Gia đình là nền tảng giúp trẻ phát triển”, “Gia đình là cái nôi dạy dỗ, giúp đỡ các cháu nên người”, “là cái nôi giúp con cái tự tin và yên tâm trong mọi hoàn cảnh”, “là nơi tình cảm với con nhất”, và “Vì trẻ còn nhỏ”, “Các cháu đang trong quá trình lớn, tâm lý chưa ổn định”, “có nhiều suy nghĩ chưa được đúng đắn”, “Tuổi này không chỉ bảo tốt trẻ dễ bị sa ngã”,“ là tuổi dễ bị dụ dỗ, cần sự quan tâm của gia đình”,...[ 45,tr.2].
*) Kết quả điều tra 120 trẻ ở Thái Bình thì 110 trẻ (chiếm 91,6%) được sự giúp đỡ của các thành viên lớn tuổi trong gia đình mà chủ yếu là cha mẹ hoặc anh chị ruột hướng dẫn, nhắc nhở, kiểm tra việc học tập của trẻ. Chỉ có 10 trẻ (chiếm 8,4%) là không cảm nhận được sự giúp đỡ của các thành viên lớn tuổi trong gia đình.
Bảng 2.3: Sự giúp đỡ trẻ học tập của người lớn trong gia đình
Được giúp đỡ Không được giúp đỡ Tổng
Số trẻ 110 10 120
Nhiều trẻ cũng được gia đình tạo điều kiện cho sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để nâng cao hiểu biết, mà phổ biến là sử dụng internet dưới sự quản lý của cha mẹ. Trong số 60 gia đình có máy tính cho trẻ sử dụng internet đều lo quản lý các em vì sợ “em bị cận thị”, “sợ em sa vào các trò xấu” hoặc “mải chơi game mà quên học” [44,tr.2],... và thực tế khi trả lời câu hỏi “Nếu được vào internet em thường xem gì, làm gì?” thì rất nhiều trẻ trả lời là vào internet để xem siêu nhân, phim hoạt hình, xem phim, nghe nhạc, vào facebook, zalo, đọc truyện, đọc báo và học tiếng anh, giải toán trên mạng và cả chơi điện tử,...[44,tr. 2]. Điều này cho thấy trẻ em Thái Bình nắm bắt, cập nhật công nghệ thông tin rất tốt, nhưng đó cũng là thách thức đối với các bậc phụ huynh trong việc quản lý trẻ hiệu quả, nhất là những phụ huynh không sử dụng máy tính và không nắm bắt được sự phát triển của công nghệ thông tin thời hiện đại.
Tuy nhiên, khi hỏi về phản ứng của các bậc phụ huynh khi biết con mình học kém, đua đòi những thói hư tật xấu thì phần lớn các bậc cha mẹ trẻ đều thấy “buồn chán”, “bực mình”, “khó chịu”, “phạt”,” khuyên bảo con”, “động viên không được thì dùng biện pháp mạnh hơn” thậm chí có phụ huynh phản ứng ngay là sẽ “quát mắng và đánh” [45,tr. 2]. Rất ít phụ huynh bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hậu quả đó của con, thông cảm, gần gũi, động viên và chỉ bảo con; phần lớn cha mẹ đều có phản ứng ngay qua thái độ buồn chán, thất vọng và trút giận lên trẻ, xúc phạm trẻ; khiến đa số trẻ thêm chán nản, sống tiêu cực hơn! Chỉ khi nào các bậc cha mẹ của trẻ kìm chế được những thái độ và hành động tức thời, tự phát; sáng suốt tìm ra được nguyên nhân cơ bản, chủ yếu và bằng tình thương, trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ lựa chọn được cách giải quyết phù hợp, hóa giải được những mâu thuẫn, khúc mắc trong con, trên cơ sở tôn trọng động viên trẻ, giúp trẻ hiểu được ý tốt và mong mỏi của cha mẹ thì vấn đề mới được giải quyết triệt để, trẻ không bị tổn thương mà lấy lại được tâm thế và sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình hơn. Chẳng hạn, nguyên nhân trẻ học kém và đua đòi vì bố mẹ không quan tâm đến trẻ, lúc nào cũng nghĩ đến tiền và sống vì tiền, trẻ luôn có cảm giác là người thừa, bị bỏ rơi; hoặc vì bố mẹ ly hôn; bố mẹ hay đánh chửi nhau; bị người khác lôi kéo, rủ
rê,... Nếu nguyên nhân là do cha mẹ mải kiếm tiền mà không quan tâm con thì chính cha mẹ phải là người thay đổi: phải xem con muốn gì và gần gũi, quan tâm đến con hơn, đồng thời hạn chế nói chuyện tiền bạc trước mặt con;... Cha mẹ trẻ phải nắm rõ đây là lứa tuổi chưa phát triển hoàn thiện, dễ có nhiều suy nghĩ phiến diện, chưa chín chắn, hay có những hành động nhất thời mà không lường trước hết hậu quả, cho nên chính cha mẹ phải là người chủ động gần gũi, chia sẻ cho con hiểu và giúp con giải quyết mâu thuẫn, tháo gỡ khó khăn, cho dù hậu quả có như thế nào cha mẹ cũng phải là chỗ dựa cho con và tiếp sức cho con vượt qua mọi khó khăn, không nên quát mắng, đánh đập, xúc phạm trẻ vì như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy lẻ loi, vô dụng và chán trường, dễ sa ngã thêm. Đây cũng là nhược điểm mà một số gia đình ở Thái Bình cần chú ý và khắc phục.
Bên cạnh truyền thống hiếu học và tình yêu con vô bờ bến “tất cả vì con em chúng ta” nhiều gia đình đã bao bọc con thái quá, họ đầu tư cho con chỉ việc ăn rồi học, ít quan tâm đến những vấn đề khác trong gia đình và ngoài xã hội. Điều này sẽ bất lợi cho trẻ trong việc gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành, trẻ ít được va vấp và sẽ có ít kinh nghiệm sống. Kết quả là trẻ có thể học rất giỏi nhưng có thể giao tiếp và xử lý các tình huống trong cuộc sống và ngoài xã hội kém, trẻ bị hạn chế tính tự lập và thiếu tự tin khi trưởng thành. Do đó các bậc cha mẹ trẻ cần chú ý phát triển trí tuệ cho trẻ không chỉ bằng việc học qua sách vở, trang bị kiến thức khoa học ở trường mà cần phải mở rộng hiểu biết cho trẻ thông qua thực tiễn cuộc sống hàng ngày, qua lao động sản xuất, ở gia đình và ngoài xã hội tùy theo từng độ tuổi; phải tôn trọng và trả lời nghiêm túc, chân thực các câu hỏi của trẻ, không được trả lời qua loa hay bỏ qua tính tích cực học hỏi, sự tò mò của con trẻ. Đồng thời rèn luyện trẻ có tính tự giác tham gia làm một số việc trong nhà giúp bố mẹ và tự phục vụ bản thân, nói cho trẻ biết mối quan hệ trong bài học “ nhân- quả” qua mọi hành động thay vì bắt trẻ làm thế này không được làm thế kia mà trẻ không hiểu rõ tại sao. Hãy để trẻ tự chứng minh bằng những hành động ít nguy hiểm, từ đó tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Mặt khác, cũng không nên kỳ vọng ở trẻ quá nhiều, bởi sự kỳ vọng nhiều khi khiến cha mẹ trẻ nôn nóng và gây sức ép cho
trẻ mà thực ra khả năng sáng tạo khó có thể tăng lên khi bị người khác thúc đẩy, ép buộc, thậm chí còn bị giảm đi. Vì vậy, hãy kiên trì và gợi ý, cung cấp những nguồn lực trẻ cần để tạo điều kiện kích thích sự xuất hiện ý tưởng mới cho trẻ .
Một sai lầm nữa thường gặp ở một số gia đình ở Thái Bình và nhiều gia đình Việt Nam là tình trạng trả lời sai hoặc né tránh trả lời câu hỏi của trẻ về những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, giới tính, tình dục. Điều này chẳng những không thực hiện được nhiệm vụ giáo dục giới tính cho trẻ trong gia đình mà còn làm cho trẻ hiểu sai, hiểu nhầm và dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc! Bởi đối với trẻ thì đây là vấn đề tế nhị, nhất là ở lứa tuổi chuẩn bị dậy thì, trẻ không dám hỏi ai ngoài những người cùng giới trong gia đình. Vậy mà khi đã mạnh dạn hỏi hoặc khi muốn trang bị kiến thức cho bản thân thì người lớn lại cho rằng đó là chuyện người lớn, trẻ con không nên biết và không trả lời đúng, để trẻ phải mò mẫm, học hỏi bằng chính hành trình sống của mình, có trẻ đã có những hành động sai lầm mà không biết trước được hậu quả khi tìm hiểu, bắt chước chuyện của người lớn. Do đó, những gia đình ở Thái Bình hiện nay còn suy nghĩ đó cần nhìn thẳng vào vấn đề và thực tiễn cuộc sống hiện nay của giới trẻ, từ đó lựa chọn phương pháp, nội dung giáo dục giới tính cho trẻ phù hợp với lứa tuổi, với cá tính đặc thù của từng trẻ, giúp trẻ trang bị được những kiến thức cần thiết, khoa học, sống lành mạnh và vững bước trong cuộc sống.
2.1.3. Thực trạng giáo dục thể chất cho trẻ em trong các gia đình ở Thái Bình
Các gia đình Thái Bình vẫn truyền tai nhau “Sức khỏe là vàng”, “Có sức khỏe là có tất cả, không sức khỏe là không có gì”. Cho nên hầu như các gia đình Thái Bình đều quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng, sức khỏe của các thành viên trong gia đình, nhất là sức khỏe của trẻ em từ rất sớm. Điều này được thể hiện ngay từ trước khi mang thai: Họ chuẩn bị tâm lý, kiến thức, sức khỏe, tiêm phòng, ăn uống đủ chất để quá trình mang thai mẹ không bị ốm đau và con được phát triển đầy đủ, khỏe mạnh. Sau chín tháng mười ngày: Họ vỗ về, chăm sóc cho trẻ ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, rồi giúp con tập lẫy, cho con ăn dặm, dạy con biết bò, biết đi, biết chạy và
vận động linh hoạt các giác quan. Khi con lớn hơn: Họ dạy con biết làm một số việc tự phục vụ bản thân như: đánh răng, rửa mặt, rửa tay và phụ giúp người thân một số việc trong sinh hoạt hàng ngày như quét nhà, quét sân, rửa cốc chén,....đồng thời khuyến khích trẻ ăn uống khoa học, luyện tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động ở nơi học tập và sinh sống... phù hợp với lứa tuổi và khả năng của từng trẻ.
Theo kết quả điều tra mức độ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và việc rèn luyện thân thể cho con thì có tới 108 gia đình (chiếm 98,2%) là quan tâm, chỉ có 01 gia đình (chiếm 0,9%) không quan tâm và 01 gia đình (chiếm 0,9 %) không có ý kiến gì [45,tr. 2].
Bảng 3.3: Mức độ quan tâm phát triển thể chất cho trẻ trong các gia đình.
Quan tâm Không quan tâm Không ý kiến Tổng
Số gia đình 108 01 01 110
Tỉ lệ (%) 98,2 0,9 0,9 100%
Trả lời câu hỏi “ Vì sao?” thì 15 gia đình (chiếm 13,6%) không giải thích, còn lại đa số các bậc cha mẹ (chiếm 86,4%) đều thấy rõ “Sức khỏe rất quan trọng đối với con người” và “Vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con”[45,tr. 1], đa số họ đều chung một mong muốn là con được khỏe mạnh và phát triển tốt.
Vậy họ sẽ làm gì để phát triển tốt về chiều cao, cân nặng và sức khỏe cho con? Trả lời câu hỏi này, đa số các bậc phụ huynh đều nhận thức rõ rằng phải chú ý đến chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ, động viên con rèn luyện thân thể, tích cực vận động và tập thể dục hàng ngày, giúp cho tinh thần các con luôn thoải mái. Trong số đó có 52 gia đình (chiếm 47,3%) chỉ nghĩ đến việc quan tâm chế độ ăn uống cho trẻ, 58 gia đình còn lại (chiếm 52,7%) có quan điểm toàn diện hơn, họ không chỉ biết chăm lo đến thể lực của con bằng chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất dinh dưỡng mà còn biết khuyến khích con luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, họ cho rằng “Phải động viên con chịu khó tập thể dục và ăn uống đầy đủ, đúng chế độ”,thậm chí, có gia đình còn chú ý đến cả mặt tinh thần của con “Giúp cho tinh thần con
luôn được thoải mái” [45,tr. 2] bên cạnh việc chú ý đến chế độ ăn, ngủ, thể dục thể thao của con.
Bảng 3.4: Nhận thức của gia đình trong việc phát triển thể chất cho trẻ
Ăn uống hợp lý Ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục Tổng
Số gia đình 52 58 110
Tỉ lệ (%) 47,3 52,7 100%
Bên cạnh những ưu điểm trên, các gia đình Thái Bình còn quan tâm, học hỏi và dõi theo rất nhiều các chương trình liên quan đến chủ đề gia đình và nuôi dạy con cái, nhất là các chương trình dành cho trẻ trên các kênh truyền hình để hiểu và nuôi dạy trẻ tốt hơn như: Đồ rê mí, giọng hát Việt nhí, siêu chíp, ai thông minh hơn học sinh lớp 5, chúc bé ngủ ngon,...(chiếm 84 gia đình = 76,4%). Chỉ có 16 gia đình (chiếm 14,6 %) không xem, 10 gia đình (chiếm 9%) không ý kiến gì.
Thực tế điều tra 120 trẻ em dưới 16 tuổi ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình, chỉ có 3 trẻ (chiếm 2,5%) không được các thành viên trong gia đình nhắc nhở vệ sinh thân thể và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và trong gia đình 3 em này cũng không có ai tham gia tập thể dục hoặc chơi thể thao, 3 em cũng không thích xem chương trình thể dục buổi sáng hay các môn thể thao trên truyền hình và vì vậy cả tuần 3 em này cũng không dành thời gian cho việc luyện tập thể dục thể thao. Còn lại 117 em (chiếm 97,5%) thừa nhận được các thành viên trong gia đình thường xuyên quan tâm, nhắc nhở các em thường xuyên vệ sinh thân thể và luyện tập thể dục thể thao. Trong đó 46 gia đình trẻ có thành viên tham gia tập thể dục