1.3. Những yếu tố tác động đến việc giáo dục trẻ em trong các gia đình
1.3.1. Vị trí địa lý, kinh tế, văn hó a xã hội và con ngƣời Thái Bình
Thái Bình- miền đất hạ lưu sông Hồng, diện tích tự nhiên 1533km2, dân số hơn 1,9 triệu người [55,tr1], mật độ dân số trung bình là 1209 người/km², phân bố không đồng đều giữa các đơn vị hành chính, mật độ cao nhất tại thành phố Thái Bình đạt 3961 người/km² và thấp nhất là huyện Tiền Hải đạt 945 người/km² [4,tr1].
Đây là mảnh đất luôn chứa đựng trong mình cả hai yếu tố song hành: thuận lợi và khó khăn. Đó là sự hứa hẹn to lớn về một cuộc sống định cư mở mang vùng đất mới vốn là sản phẩm bồi tụ màu mỡ của thiên nhiên. Song đó cũng là miền đất hoang sơ với muôn vàn nguy hiểm, thử thách như dông bão, lụt lội, nắng hạn, đầm lầy,...Trải qua quá trình trăn trở, vật lộn, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, giặc dã hoành hành,... người dân Thái Bình đã sớm hình thành những phẩm chất tốt đẹp với nhiều truyền thống đáng tự hào: cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất, chinh phục, cải tạo thiên nhiên, giàu kinh nghiệm thâm canh; yêu thể thao; ham học hỏi; có nền văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc mà vẫn có sắc thái riêng, độc đáo; có ngành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, có truyền thống hiếu học đặc biệt là truyền thống bất khuất, kiên cường, yêu nước, chống ngoại xâm và đấu tranh với các thế lực phản động.
Lợi thế so sánh của Thái Bình là có cảng biển quốc gia Diêm Điền, tàu 400 – 1000 tấn ra vào được, cùng hệ thống sông ngòi gắn với quốc lộ 10, 39A, 218 và các trục đường chính trong tỉnh tạo thành mạng lưới giao thông thuỷ, bộ tương đối thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá trong vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước, các tỉnh phía Nam của Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thái Bình cũng gần các trung tâm kinh tế lớn trong vùng tam giác tăng
trưởng kinh tế Hải Phòng - Quảng Ninh – Hà Nội, đó là thị trường lớn về lao động, sản phẩm, lương thực, thực phẩm và hợp tác phát triển. Đồng thời, Thái Bình còn có nguồn khí đốt, nước khoáng có trữ lượng lớn, khả năng khai hoang lấn biển mở rộng diện tích ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy là những tiềm năng lớn trong nuôi trồng và khai thác hải sản. Đây là những điều kiện thuận lợi cho các gia đình ở Thái Bình phát triển và mở rộng giao lưu kinh tế, học hỏi kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực với các tỉnh trong nước và quốc tế.
Thái Bình có cảnh quan thiên nhiên tương đối thuần khiết của miền đồng bằng ven biển, có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, đặc biệt là nguồn tài nguyên nhân văn. Hiện nay, loại hình du lịch văn hóa đang là thế mạnh của du lịch tỉnh nhà, với trên 2000 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó gần 100 di tích được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, gần 400 di tích cấp tỉnh, là điều kiện tốt để xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng ở đây còn đơn điệu, nghèo nàn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa mang tính đặc trưng của địa phương và thiếu sức cạnh tranh trên thị trường so với các tỉnh lân cận, dẫn tới việc chưa thu hút được khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến Thái Bình.
Hiện nay Thái Bình có hơn 1.400 công trình kiến trúc cổ đủ loại lớn nhỏ khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, điện, phủ, từ đường… Do thời gian và chiến tranh giặc dã, mặc dù trong số đó đã mất mát, thiếu vắng song số còn lại cũng phần nào minh chứng được những di sản nghệ thuật kiến trúc đồ sộ đáng tự hào, có một không hai trên cả nước điển hình như di tích chùa Keo (Vũ Thư), đình An Cố (Thái Thụy), chùa Ký Con (Đông Hưng), đình Duyên Lãng (Hưng Hà)…
Hầu như làng nào ở Thái Bình cũng có hội lễ, hội làng với nhiều nghi thức, nội dung, phạm vi khác nhau. Lễ hội Thái Bình phong phú nhưng nội dung tập trung phản ánh cơ bản việc tôn vinh những anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước, tái hiện cuộc sống nông nghiệp, tín ngưỡng và cuối cùng là thi tài, giải trí… Nhiều lễ hội có nội dung vô cùng đặc sắc như hội chùa Keo có trò bơi chải cạn, thổi cơm thi, bắt vịt; hội làng Quang Lung (Thụy Hải, Thái Thụy) có tổ
chức múa “ông Đùng, bà Đà”, hội đền Hét (Thái Thượng, Thái Thụy) có trò thi vật cầu; hội Sáo Đền (Song An, Vũ Thư) thi thả diều… Đặc biệt, hội làng tại Thái Bình còn là nơi tồn tại, củng cố và lưu giữ rất nhiều hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian và múa hát dân gian độc đáo, đậm đà sắc thái của cư dân nông nghiệp vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ như múa giáo cờ, giáo quạt ở hội làng Thượng Liệt (Đông Tân, Đông Hưng), múa Bát dật và múa Kéo chữ (hội làng An Khê, Quỳnh Phụ), múa Dội chai ở Phương Trạch (Tiền Hải)… Đáng quan tâm nhất là nghệ thuật hát chèo với chiếu chèo sân đình được sử dụng ở hầu hết các hội làng xưa ở Thái Bình. Ngoài những tích trò dân gian, những vở chèo truyền thống, việc biểu diễn chèo còn phục vụ tích cực cho việc hát thờ, hát cửa đình của nhiều hội làng. Cùng với hát chèo, múa rối nước, một loại hình sân khấu độc đáo, con đẻ của vùng sông nước cũng xuất hiện, phát triển ở 7 phường hội cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Bằng sức cuốn hút của mình, hội làng là môi trường văn hóa trực tiếp, quan trọng để tiềm năng văn hóa văn nghệ dân gian của các làng xã được lưu giữ, phát triển bất chấp sự biến đổi không ngừng của thời gian. Ngược lại, nghệ thuật dân gian cùng các trò chơi, trò diễn đã làm nên những nét riêng, có sức hấp dẫn mãnh liệt, đậm đà bản sắc truyền thống cho hội làng, hội lễ của Thái Bình. Sản sinh từ miền đất giàu bản lĩnh, ý chí, trưởng thành đắm mình trong môi trường nhiều chất văn hóa lành mạnh, tiếp thu có sáng tạo truyền thống của ông cha, con người Thái Bình qua nhiều thế hệ đã kịp trau dồi hiểu biết, hòa nhập và vươn tới đỉnh cao của tri thức đương thời, đóng góp cho đất nước không ít nhân tài trên nhiều lĩnh vực hoạt động.
Mặc dù là một vùng đất hẻo lánh, nằm xa các trung tâm văn hóa cổ, bốn bề sông nước bao bọc, song người dân Thái Bình sớm thể hiện tinh thần hiếu học, ham hiểu biết. Ngay dưới thời Lý (thế kỷ XI), nhiều vị quốc sư nổi tiếng uyên thâm đã về mở trường dạy học, xây dựng nên một trung tâm Phật giáo ở đất Thái Bình. Chỉ riêng thời Nguyễn hơn 100 năm tồn tại các khoa thi Nho giáo, Thái Bình đã có 15 người đỗ đại khoa và gần 200 người đỗ cử nhân. Trải qua 844 năm dưới chế độ khoa cử của các triều đại phong kiến (1075 - 1919), trong tổng số 2.898 trí thức đại khoa của Việt Nam thì Thái Bình chiếm tới 111 vị. Tiêu biểu cho đội ngũ nho sĩ, trí
thức của Thái Bình là tri thức uyên bác, bản lĩnh văn hóa trác việt của Nhà bác học Lê Quý Đôn. Đời nối đời, tinh thần hiếu học trên mảnh đất trẻ nơi đầu sóng ngọn gió vẫn được các thế hệ tiếp bước cho đến ngày nay. Năm học 2013- 2014 vừa qua Thái Bình đã có 568 em đỗ đại học đợt I đạt từ 24 điểm trở lên, trong đó có 4 em đỗ thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm học 2014 là em Hồ Sỹ Duy, Lê Thanh Hà, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Huyền. Trong kỳ thi olimpic toán quốc tế tại Cộng hòa Nam Phi, mảnh đất địa linh nhân kiệt Thái Bình vinh dự có 2 em đạt huy chương vàng là em Trần Hồng Quân và em Nguyễn Thế Hoàn. Niềm tự hào sâu sắc về lớp lớp nhân tài, về những danh nhân quê hương cùng những thành tố văn hóa đượm chất truyền thống, kết tụ lâu đời nơi làng xã là mối dây tình cảm tha thiết gắn chặt con người Thái Bình với quê hương. Nó không ngừng được củng cố, bồi đắp, trở thành ý chí, sức mạnh quật cường của cộng đồng cư dân đang quần tụ trên đất Thái Bình trong các cuộc đấu tranh nhằm mở mang, xây dựng cũng như bảo vệ, giữ gìn trọn vẹn những thành quả mà ông cha từ thuở khai thiên lập ấp đã tạo dựng lên.
Những bước phát triển về nông nghiệp, ngư nghiệp, sự hình thành và phát triển các làng nghề thủ công nổi tiếng, sự giao lưu về thương mại đường dài qua đường biển, đường sông đã khiến người Thái Bình có mặt ở hầu hết các miền trong nước. Việc tiếp xúc và chung sống với đồng bào ở nhiều tỉnh khác cũng là một trong những điều kiện tạo cho người Thái Bình có sự tinh nhạy, dễ hấp thụ cái hay, cái mới ở nhiều lĩnh vực đời sống.
Mặt khác, điều kiện khí hậu Thái Bình nhờ có thiên nhiên ưu đãi nên rất thuận lợi cho thâm canh, xen canh, phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây lúa. Lúa luôn giữ địa vị ưu thế trong các loại cây lương thực. Diện tích lúa năm 2011 là 165,7 nghìn ha, sản lượng đạt 1.091,3 nghìn tấn [ 4,tr 6]. Lúa được phân bố hầu hết ở các huyện trong tỉnh. Ngoài lúa, Thái Bình còn trồng các loại cây màu lương thực. Diện tích trồng màu tăng lên qua các năm. Cây màu chính gồm cây ngô và khoai lang. Cây công nghiệp có đay, cói, dâu tằm, mía, lạc, thuốc lào.. Tuy nhiên, nhược điểm khí hậu ở Thái Bình là độ ẩm cao nên việc bảo quản máy móc,
thực phẩm gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh dễ lây lan và phát triển ở diện rộng. Trong mùa mưa thường có bão, mùa khô thì có những ngày lạnh giá, sương muối làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gia súc và cây trồng.
Về thủy văn, Thái Bình là tỉnh bốn bề có sông nước bao quanh, một mặt là biển, ba mặt khác là sông. Giữa tỉnh có sông Trà Lý (dài 67km). Những con sông lớn này được nối liền với một hệ thống sông đào, kênh mương dày đặc, cộng với ảnh hưởng của thủy triều đã tạo cho Thái Bình có nguồn nước vô cùng phong phú, cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt cho các gia đình và cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Các sông trên đổ ra biển qua 5 cửa: Thái Bình, Diêm Hộ, Trà Lý, Lân và Ba Lạt có vai trò bồi đắp phù sa, tạo nên thế mạnh lấn biển của Thái Bình. Bên cạnh đó, khi các sông đổ ra biển chịu ảnh hưởng của thủy triều. Vào mùa hè, mực nước tăng nhanh, lưu lượng lớn, hàm lượng phù sa cao. Mùa đông lưu lượng giảm xuống nhiều, nước mặn từ các cửa sông lớn có thể chuyển sâu vào đất liền thành những vùng nước lợ, rất thuận tiện cho việc đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Song, điều này cũng gây không ít khó khăn cho địa phương hằng năm phải đầu tư cải tạo hàng trăm ha đất nhiễm măn và xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng, đê, kè, thủy lợi, mương máng tưới tiêu và phòng chống thiên tai để đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân.
Do ảnh hưởng của địa hình và hệ thống sông, biển, ở Thái Bình có nhiều nhóm đất khác nhau như đất mặn, đất cát ven biển, đất chua phèn, đất phù sa, đất bạc màu và đất xói mòn. Hệ thống sinh vật của Thái Bình không nhiều, chủ yếu là rừng ngập mặn ven biển, phân bố ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy với các loại cây chính là sú, vẹt… Các thảm thực vật tự nhiên khác hầu như không có mà thay vào đó là các hệ sinh thái đồng ruộng với các loại cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả… Giới động vật trên cạn vì vậy cũng có rất ít
Các mặt hàng nông thủy sản như thịt lợn, tôm đông lạnh., gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh Thái Bình. Năm 2011, các mặt hàng này đã mang lại cho Thái Bình 12.855 nghìn USD. Tuy nhiên, do năng lực quản lý, kinh doanh hạn chế nên các sản phẩm thường bị chèn ép về giá, bị các tư
thương chiếm dụng vốn nên hiệu quả kinh doanh chưa cao. Thị trường tiêu thụ bấp bênh “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa” nên người lao động ở đây không yên tâm và chưa mạnh dạn đầu tư lớn cho sản xuất.
Mặc dù vậy, sản xuất thủy sản ở Thái Bình những năm qua, bước đầu đã tạo ra vùng sản xuất hang hóa,làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tiến bộ, góp phần giảm nghèo và giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận nông dân. Quá trình thực hiện đã huy động được các nguồn lực,làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ trong nông nghiệp- nông thôn, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với các phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ những khó khăn như quy mô sản xuất của hộ còn nhỏ, công trình hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ; việc chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quền sử dụng đất, chứng nhận trang trại cho hộ nông dân còn hạn chế.
Từ thực trạng trên cho thấy: Thái Bình là tỉnh nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn của vùng đồng bằng sông Hồng. Điều kiện tự nhiên sinh thái của tỉnh tạo nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các gia đình ở Thái Bình. Hơn nữa Thái Bình còn là một tỉnh có truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội đặc sắc. Con người Thái Bình nói chung sớm có những phẩm chất tốt đẹp với nhiều thành tích, truyền thống đáng tự hào. Đây cũng là những thuận lợi lớn trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc và đầu tư giáo dục đức- trí -thể- mỹ cho trẻ trong các gia đình ở Thái Bình hiện nay.
Song, vì là một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp thuần nông cho nên phần lớn người dân Thái Bình còn mang đậm đặc điểm, tư tưởng của người nông dân nói chung. Hơn nữa, thu nhập của người dân nơi đây còn thấp và bấp bênh, nhất là những xã không có việc làm phụ, thu nhập chính chỉ trông chờ vào việc trồng trọt và chăn nuôi nên khi công nghiệp hóa nông nhiệp nông thôn, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa, tự động hóa các khâu sản xuất thì nhiều cha mẹ trẻ đang là lực lượng lao động chính trong gia đình đã phải lên các thành phố tìm việc làm có thu nhập ổn định. Cho nên, trong các gia đình ở nông thôn hiện nay chủ yếu còn người già và trẻ
em. Nhiều ông bà của trẻ có con đi làm ăn xa, nhưng vì còn trong tuổi lao động, kinh tế gia đình còn thiếu thốn nên vừa nuôi dạy cháu, vừa làm thuê tăng thu nhập cho gia đình. Một số gia đình chỉ có một người lớn ở nhà với trẻ, còn lại đi làm ăn xa hoặc lên các thành phố phát triển hơn tìm việc làm: giúp việc, công nhân,… Do đó, yếu tố kinh tế đã phần nào làm cho việc giáo dục trẻ trong các gia đình ở Thái Bình hiện nay có phần lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm thích đáng của cha mẹ.
1.3.2. Tác động giáo dục của các thành viên trong gia đình tới trẻ em ở Thái Bình
Giáo dục gia đình là một quá trình liên tục và lâu dài. Nó có đặc trưng riêng xuất phát từ tình cảm và thông qua tình cảm, thái độ, việc làm, hành vi ứng xử của người lớn mà trẻ học tập cách sống, cách nghĩ. Giáo dục gia đình có phương pháp đặc biệt là thuyết phục, giảng giải, cùng trao đổi thân tình và làm gương, trên cơ sở tình yêu của những người ruột thịt. Những thông tin mà người lớn truyền thụ cho trẻ