5. Cấu trúc của luận văn
2.3 Loại hình nhân vật nghịch dị trong sáng tác của Nam Cao và LỗTấn
từ góc nhìn so sánh
So sánh về loại hình nhân vật nghịch dị trong tác phẩm của hai tác giả ta thấy trong truyện ngắn của Nam Cao, đa phần là các nhân vật nghịch dị dương tính, nhân vật nghịch dị âm tính ít hơn hẳn, trong khi tác phẩm của Lỗ Tấn thì ngược lại. Lý giải về sự lựa chọn kiểu nhân vật nghịch dị của Nam Cao và Lỗ Tấn, có thể đi từ mục đích sáng tác của hai tác giả. Nam Cao viết văn với mục đích chính là để phơi bày hiện thực, phê phán hiện thực, để đồng cảm với những kiếp người nhỏ bé, những số phận đáng thương do nghịch cảnh tạo nên. Do vậy, ông miêu tả quá trình tha hóa từ ngoại hình đến nhân cách, nhấn mạnh vào sự dị dạng ở cả vẻ bề ngoài và trong tính cách của nhân vật, qua đó gián tiếp thể hiện sự phê phán đối với xã hội đương thời đã đẩy con người rơi vào bước đường đau khổ. Bên cạnh đó, Lỗ Tấn lại hướng đến việc khai sáng, phê phán quốc dân tính, nên đa phần các nhân vật thể hiện những nét nghịch dị âm tính trong nhân cách, nhận thức.
Nhân vật nghịch dị trong truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn đều khá phong phú, đa dạng. Có những nhân vật tính nghịch dị được thể hiện rất rõ nhưng cũng có những nhân vật tính nghịch dị rất mờ nhạt, dường như hòa tan vào cái thường ngày. Chất nghịch dị của các nhân vật được lấy từ chính cuộc sống hiện thực chứ không kì quái, huyền bí như nghịch dị trong các truyện cổ
tích hay truyền kì. Các nhân vật nghịch dị trong truyện ngắn của hai ông là sự xây dựng có chủ ý nghệ thuật cụ thể. Có những nhân vật trong sáng tác của hai tác giả có sự gặp gỡ kì lạ. Tiêu biểu là nhân vật Chí Phèo và nhân vật AQ. Cả hai nhân vật đều là cố nông, tứ cố vô thân, Chí Phèo thì ở trong cái miếu con ở bờ sông làng Vũ Đại còn AQ thì ở trong cái miếu Thổ Cốc của làng Mùi. Cả hai đều thích uống rượu, đều có những hành động lưu manh, ngổ ngáo.Chí Phèo bẻ trộm chuối xanh, bốc muối của người ta để đem về nhắm rượu thì AQ cũng nhổ trộm củ cải của nhà chùa về ăn. Chí Phèo có hành động ngang ngược, dục tính khi gặp Thị Nở ở bờ sông thì AQ cũng ngang ngược không kém khi giữa ban ngày ban mặt ôm lấy cô tiểu ở ngay giữa đường làng mà trêu ghẹo. Làm nghề rạch mặt ăn vạ, đâm thuê chém mướn nhưng Chí Phèo lại cho sự ấy là anh hùng: “Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta” còn AQ thì thấy mình cái gì cũng nhất ngay cả việc “nhịn nhục”. Số phận của hai nhân vật này cũng đều kết thúc bằng cái chết bi đát và sự xôn xao của dư luận mà chẳng hề có một chút xót thương của làng xóm…Nhiều người từng cho rằng Nam Cao có chịu ảnh hưởng của Lỗ Tấn khi viết Chí Phèo nhưng điều này chưa xác đáng vì thời điểm Nam Cao viết Chí Phèo thì AQ chính truyện của Lỗ Tấn vẫn chưa được dịch vào Việt Nam.
Mặc dù tính cách của hai nhân vật này khác xa nhau: một nhân vật nổi bật với “phép thắng lợi tinh thần” còn một nhân vật nổi bật sự tha hóa, lưu manh hóa nhưng sự gặp gỡ ngẫu nhiên của nhiều chi tiết và cách xây dựng nhân vật đã khiến người đọc liên tưởng đến sự tương đồng giữa hai nhân vật này. Điều đó cho thấy ý nghĩa xã hội, tính chân thực, tương đối phổ biến của những con người kiểu Chí Phèo, AQ trong xã hội nông thôn. Loại người khốn khổ, tứ cố vô thân ở một nước thuộc địa hay nửa thuộc địa trong xã hội nửa thực dân phong kiến không phải là hiện tượng ngẫu nhiên, cá biệt mà nó là hiện tượng xã hội, nảy sinh một cách có quy luật trong những điều kiện nhất định.
Một sự gặp gỡ ngẫu nhiên nữa giữa hai nhân vật mà tính chất nghịch dị được thể hiện không rõ ràng trong tác phẩm của Nam Cao và Lỗ Tấn là nhân
vật dì Hảo và nhân vật thím Tường Lâm. Hai người phụ nữ khốn khổ ấy đều sinh ra trong gia đình nghèo khó, được bán đi làm con ở, đều bị ép lấy người mình không yêu thương, hai người phụ nữ ấy đã có lúc nghĩ đến sự phản kháng, dì Hảo từng một lần bỏ về nhà mẹ đẻ khi bị người vợ lẽ ức hiếp, thím Tường Lâm cũng từng giãy giụa kêu cứu khi bị bắt đi cải giá, thậm chí còn đâm đầu vào tường. Tuy nhiên sự giãy giụa yếu ớt vốn như bản tính của hai người phụ nữ này không thể giúp họ chiến thắng nghịch cảnh.Và kết thúc của hai tác phẩm là sự cam chịu mãi mãi của họ.
Đối với Nam Cao đó là những nhân vật do hoàn cảnh xô đẩy trở lên méo mó đi, xệch xạc đi. Đối với Lỗ Tấn, đó là những nhân vật biểu hiện liệt căn tính quốc dân mà ông phê phán, với mong muốn thức tỉnh dân tộc.
Tuy nhiên chúng ta thấy các nhân vật nghịch dị trong sáng tác của hai tác giả có những sự khác biệt. Nếu các nhân vật nghịch dị của Nam Cao phần lớn là nghịch dị về cả ngoại hình và tính cách, có những nhân vật chỉ nghịch dị về ngoại hình thì ở Lỗ Tấn, các nhân vật chủ yếu được khai thác ở khía cạnh nghịch dị về tâm hồn, tính cách. Nam Cao thường có xu hướng xây dựng các nhân vật xấu xí với sự dị dạng rõ rệt về ngoại hình, tiêu biểu như Thị Nở, Lang Rận, Mụ Lợi, chị Tư Bình…Phần lớn các nhân vật nghịch dị đều được Nam Cao miêu tả về ngoại hình trong khi đó Lỗ Tấn chỉ thường sử dụng một đặc điểm nào đó của nhân vật để phân biệt với các nhân vật khác. Ví dụ như Năm da chàm, lão mặt vuông, lão mặt phè, lão tóc hoa râm...
Nhân vật nghịch dị trong truyện ngắn của Nam Cao khá đa dạng.Từ những nhân vật tính nghịch dị được thể hiện rất rõ, sự quái dị đập ngay vào mắt người đọc đến những nhân vật tính nghịch dị mờ nhạt hơn.Những nhân vật cũng rất phong phú, đa dạng, có nhân vật được xây dựng chỉ nghịch dị về ngoại hình hoặc tính cách, có những nhân vật được xây dựng nghịch dị cả về tính cách và tâm hồn.Các nhân vật nghịch dị của Nam Cao phần lớn đều có cuộc sống nghèo khổ, khốn khó và cái nghịch dị cũng từ cái đói mà ra.
TIỂU KẾT
Sự phân chia các nhân vật nghịch dị trong sáng tác của Nam Cao và Lỗ Tấn thành nhân vật nghịch dị dương tính và nhân vật nghịch dị âm tính thực chất chỉ là sự phân chia mang tính tương đối. Ngoài những nhân vật chất nghịch dị được thể hiện rõ hoặc những nhân vật chất nghịch dị mờ nhạt thì có những nhân vật nằm ở khoảng giữa, có thể xếp vào kiểu dương tính mà cũng có thể xếp vào kiểu âm tính.
Tiêu chí chúng tôi đưa ra để làm căn cứ phân loại đó là mức độ đậm – nhạt của chất nghịch dị. Ở các nhân vật nghịch dị dương tính, chất nghịch dị thể hiện rõ ở ngoại hình, hành động, lời nói…Những cái đập vào mắt rất dễ dàng nhận thấy. Ở những nhân vật này, chất nghịch dị đã được đẩy lên thành cái bất thường. Ngược lại, ở các nhân vật nghịch dị âm tính, chất nghịch dị thể hiển chủ yếu trong suy nghĩ, tính cách, nó chỉ ở mức độ khác thường chứ chưa đến mức bất thường.
Các nhân vật nghịch dị trong truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn có những nét tương đồng và cũng có sự khác biệt. Sự tương đồng và khác biệt này do từng kiểu nhân vật quy định mà sâu xa là do sự quy định của hoàn cảnh xã hội, ý đồ nghệ thuật của từng tác giả dẫn đến việc xây dựng những hình tượng nhân vật khác nhau.
Việc xây dựng thành công các nhân vật nghịch dị đã góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm của hai nhà văn. Các nhân vật này gây ấn tượng mạnh với người đọc chính bởi sự kì quặc, kì dị và nó đã truyền tải thành công tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của tác giả.
CHƢƠNG 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT NGHỊCH DỊ TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO VÀ LỖ TẤN
Như chúng tôi đã phân tích ở chương trên, nhân vật nghịch dị trong sáng tác của Nam Cao và Lỗ Tấn có những điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều sự khác biệt. Nhân vật nghịch dị trong truyện ngắn của hai tác giả đều khá phong phú, đa dạng. Có những nhân vật tính nghịch dị được thể hiện nổi bật, biểu hiện ra ở sự bất thường (nghịch dị dương tính) nhưng cũng có những nhân vật tính nghịch dị rất mờ nhạt, dường như hòa tan vào cái thường ngày, đó chỉ là những cái khác thường (nghịch dị âm tính).
Bên cạnh đó, nếu như các nhân vật nghịch dị của Nam Cao phần lớn là nghịch dị về cả ngoại hình và tính cách, có những nhân vật chỉ nghịch dị về ngoại hình thì ở Lỗ Tấn, các nhân vật chủ yếu được khai thác ở khía cạnh nghịch dị về tâm hồn, tính cách.
Chính từ sự khác nhau đó sẽ dẫn đến sự khác biệt trong nghệ thuật xây dựng các nhân vật nghịch dị của hai tác giả, cũng như sự khác biệt trong nghệ thuật xây dựng nhân vật nghịch dị giữa hai loại dương tính và âm tính.
Về nghệ thuật xây dựng nhân vật nghịch dị dương tính, nếu như Nam Cao chú trọng miêu tả đa dạng, phong phú và chi tiết về ngoại hình nhân vật và để các nhân vật ấy bộc lộ sự dị thường qua một loạt các hành động thì Lỗ Tấn lại khác, nhân vật nghịch dị dương tính của ông ít được miêu tả về ngoại hình và hành động, chủ yếu là bộc lộ suy nghĩ, tính cách qua độc thoại nội tâm. Ngược lại với các nhân vật nghịch dị dương tính, các nhân vật nghịch dị âm tính chỉ được miêu tả ngoại hình bằng những điểm nhấn và những nét hành động, tâm lý đặc thù.