Đặc điểm Phật giáo nhập thế trong đời sống chính trị xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số đặc điểm của phật giáo thời ngô đinh tiền lê và ý nghĩa của nó đối với lịch sử việt nam (Trang 45 - 49)

8. Kết cấu của luận vă n

2.1 Đặc điểm nhập thế của Phật giáo thời Ngô – Đinh –Tiền Lê

2.1.1 Đặc điểm Phật giáo nhập thế trong đời sống chính trị xã hội

Xét dưới góc độ tôn giáo học, Phật giáo là một tôn giáo, không những vậy còn là một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới. Tự thân các tôn giáo lớn nói chung và Phật giáo nói riêng ngay từ đầu ra đời đã có xu hướng thoát tục, xuất thế, lánh đời mang tính chất “phi chính trị”. Tuy nhiên trong quá trình du

nhập và phát triển của Phật giáo vào một nền văn hóa Việt Nam, tôn giáo này đã được hội nhập vào yêu cầu thực tiễn gay gắt là khôi phục lại quyền tự chủ bởi vậy nó bị chính trị hóa. Do vậy mà nó xảy ra hai khuynh hướng:

Một là trở thành một lực lượng đối lập, mâu thuẫn với quyền lực chính trị. Hai là nó ủng hộ, bảo vệ quyền lực chính trị đương thời.

Như phần trên đã phân tích toàn bộ điều kiện, cơ sở tại Việt Nam trong trường hợp đối với Phật giáo, ở Việt Nam ngay từ đầu khi mới du nhập vào nền văn hóa của nước ta, với bản tính “nhu hòa và uyển chuyển” trong giáo lý , với tinh thần “khế lý khế cơ” nên nó đã hòa nhập vào nền văn hóa Việt một cách tự nhiên. Đối với yêu cầu chính trị của dân tộc là giành lại quyền tự chủ trong hoàn cảnh đất nước đang bị phong kiến phương Bắc đô hộ Phật giáo cũng phải chịu thân phận của tôn giáo không chính thống, bị coi nhẹ và phải chịu sự “lấn áp” của Nho giáo.

Trong thế kỷ X bối cảnh chung của đất nước như vậy, Phật giáo không thể đứng ngoài cuộc mà đã tích cực, chủ động, hội nhập tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Các trí thức Phật giáo với tư cách là tầng lớp trí thức trong xã hội đã ra sức tham mưu, phò giúp những vị thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa, đưa vị thủ lĩnh tài ba và xứng đáng nhất lên ngôi vua, khôi phục lại nền độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để Phật giáo có được vai trò, vị thế xứng đáng trong đời sống tinh thần của dân tộc.

Bởi vậy thế kỷ X, khi đất nước đã thoát khỏi ách đô hộ của thực dân phương Bắc được sự đề cao, sử dụng của các vua thì các thiền sư lại giúp các vị vua đưa ra những đường lối chính sách về chính trị thân dân giúp nước. Đặc biệt là đóng góp trong việc định hướng xây dựng mô hình nhà nước quân chủ tản quyền ảnh hưởng của cả Nho giáo và Phật giáo, sẽ được kế thừa về sau. Ở đây có hiện tượng tác động biện chứng qua lại giữa Phật giáo với văn hóa bản địa và Nho, Đạo, văn hóa dân tộc đã đem đến cho Phật giáo những đặc điểm khác lạ nổi trội nhất là đặc điểm nhập thế, vị đời. Phật giáo tham dự,

hội nhập cũng đem lại các giá trị mới mẻ phong phú hơn cho văn hóa dân tộc. Phật giáo trong thời kỳ này còn có một sức lan tỏa hấp dẫn còn là cơ sở cho sự khoan dung đã thẩm thấu vào các học thuyết khác phát huy giá trị đó.

Phật giáo với vai trò to lớn trong xã hội như vậy nhưng Phật giáo trong giai đoạn này không vì uy tín và sự kính trọng của nhà vua và dân chúng để phát triển thế lực của mình vươn lên thống trị chính trị - xã hội, trở thành lực lượng đối trọng đối lập với quyền lực chính trị và đây là đặc điểm khoan dung nhập thế mà không để bị hòa tan vào thế tục, không bị mất đi bản tính Phật giáo vô ngã, vị tha siêu việt của nó.

Trong lúc Phật giáo tỏa rộng và thấm dần vào đời sống nhân dân thì giữa triều đình Phật giáo được công nhận là một tôn giáo chính thức. Đinh Tiên Hoàng ngay sau khi lên ngôi năm 971 đã quy định các cấp bậc tăng đạo, đồng thời với các cấp bậc quan văn võ. Nhà sư Ngô Chân Lưu được cử làm tăng thống tức chức quan đứng đầu Phật giáo, được ban hiệu là Khuông Việt Đại Sư .Trương Ma Ni được cử làm Tăng Lục tức chức quan dưới chức Tăng Thống. Tăng Thống và Tăng Lục và các chức tăng quan sau này các triều đại vẫn dùng. Việc quy định các chức quan tăng đạo đồng thời với việc xây dựng bộ máy nhà nước, chứng tỏ vua Đinh rất chú trọng đến vị trí của tôn giáo, nhất là Phật giáo. Nhà Lê cũng tiếp nối theo con đường của nhà Đinh.

Nhiều nhà sư đã trở thành những cố vấn cho các ông vua về đường lối đối nội, đối ngoại. Tên Khuông Việt mà Đinh Tiên Hoàng ban cho Ngô Chân Lưu là có ý nghĩa giúp việc nước. Theo Thiền Uyển Tập Anh, Đinh Tiên Hoàng thường mời Khuông Việt để hỏi chuyện và rất mến nhà sư. Những việc quân quốc đại sự đều mời Khuông Việt tham gia. Đỗ Pháp Thuận thuộc dòng Tì Ni Đa Lưu Chi cũng là một cố vấn của vua Lê Đại Hành. Theo Thiền uyển tập anh: khi vua Đinh Tiên Hoàng mới sáng nghiệp, sư vận trù kế hoạch rất đắc lực. Đến khi trong nước thái bình, sư không nhận phong thưởng của nhà vua, nên vua Đại Hành lại càng kính trọng, thường chỉ gọi là Đỗ Pháp sư

chứ không dám gọi tên và giao cho những việc văn hàn. Các nhà sư Ma Ha, Sùng Phạm, Vạn Hạnh cũng thường được vua Lê Đại Hành mời vào cung để hỏi ý kiến về việc đạo cũng như việc đời. Chẳng hạn Vạn Hạnh được hỏi về kết quả của cuộc kháng chiến chống Tống năm 980. Vạn Hạnh là nhà sư đã hoạt động tích cực để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Các nhà sư trong giai đoạn này cũng thường được giao công việc ngoại giao đón tiếp xứ thần Trung Quốc.

Ảnh hưởng của Phật giáo trong xã hội cũng tăng lên ở vùng đồng bằng phía Nam lưu vực sông Hồng với trung tâm Phật giáo vùng Sơn Nam Hạ Hoa Lư, nơi có dân cư tập trung đông, chùa chiền đã mọc lên nhiều. Như chúng ta đã biết sự phát triển, hình thành các trung tâm Phật giáo mới đã nói lên phạm vi phát triển và ảnh hưởng của Phật giáo trong xã hội. Từ buổi đầu du nhập tại trung tâm Luy Lâu Phật giáo đã kết hợp chặt chẽ với tín ngưỡng văn hóa dân gian cổ truyền. Giờ đây khi mở rộng ra các vùng xa trung tâm nó vẫn giữ phương thức đó - tức là cố gắng hòa hợp hay thay thế vai trò của các thiên thần cũ ở nơi đến.

Cảnh loạn lạc do chiến tranh có lẽ cũng thúc đẩy và góp phần đưa người dân đến với tinh thần hòa giải, hòa bình Phật giáo. Còn tầng lớp thống trị những người gây ra chiến tranh loạn lạc cũng cầu nguyện Phật hy vọng rũ sạch được tội lỗi của mình. Chẳng hạn, Nam Việt Vương Đinh Liễn con trai của Vua Đinh Tiên Hoàng sau khi giết em mình đã cho dựng ở Hoa Lư một 100 cột kinh bằng đá, để sám hối, tội lỗi, cầu vong hồn em được giải thoát và cũng cầu cho mình giữ được chức tước bổng lộc bền vững.

Phật giáo với sự tỏa rộng hơn về mặt không gian, cũng như thấm sâu trong đời sống tinh thần đã bước đầu chiếm được một vị trí vững chắc trong xã hội. Tất nhiên đây là thế kỷ bản lề chuẩn bị cho sự cực thịnh của nó chỉ có được trong hai triều đại Lý – Trần tiếp theo. Nhưng giờ đây phải dựa vào những nguồn tư liệu hiện tại và kết hợp với nguồn khảo cổ học mới tìm được

ở Hoa Lư chúng ta đã có thể nhận ra dấu tích, căn cứ rõ ràng cho sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo thời Ngô – Đinh – Tiền Lê.

Như vậy, Phật giáo trong quá trình trước đó có một tiến trình đã được định hướng từ thời Bắc Thuộc mà khi được tự chủ thế kỷ X Phật giáo hội nhập với văn hóa Việt Nam, do các yêu cầu thực tiễn và các cơ sở điều kiện tồn tại xã hội quy định mà Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh đất nước đã xác lập tư thế đồng hành cùng với dân tộc. Nhưng khi đất nước được độc lập tự chủ Phật giáo có điều kiện thuận lợi góp phần bảo vệ phát triển thái bình, vương triều được vững chắc nhưng Phật giáo không ỉ vào thành tích của mình đã làm được để được kể công đòi hưởng đặc quyền, đặc lợi mà chủ động lui về chuyên tâm tu hành Phật pháp hộ quốc an dân. Đây chính là cơ sở nền tảng để Phật giáo luôn luôn hòa hợp với chính trị, đồng thời luôn ủng hộ những vị vua sáng tôi hiền và chiếm được uy tín trong đời sống tinh thần dân tộc, phù hợp với ý nguyện dân chúng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số đặc điểm của phật giáo thời ngô đinh tiền lê và ý nghĩa của nó đối với lịch sử việt nam (Trang 45 - 49)