Đặc điểm dung thông của Phật giáo trong Tam giáo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số đặc điểm của phật giáo thời ngô đinh tiền lê và ý nghĩa của nó đối với lịch sử việt nam (Trang 73 - 78)

8. Kết cấu của luận vă n

2.2 Đặc điểm dung thông của Phật giáo thời Ngô – Đinh –Tiền Lê

2.2.2 Đặc điểm dung thông của Phật giáo trong Tam giáo

Khác với ở Trung Quốc ba tôn giáo Nho – Phật – Đạo cũng có sự dung thông nhưnglấy Nho giáo làm cơ sở còn ở Việt Nam thế kỷ X Phật giáo với vai trò trung gian, với vai trò như là một chất “dung môi” đã gắn kết giúp cho Nho – Đạo cùng với Phật giáo dung thông với nhau một cách nhuần nhuyễn tự nhiên.

Để có sư phát triển mới ở thế kỷ X sự dung thông giữa Nho – Phật – Đạo theo Nguyễn Lang đã có cơ sở ngay từ thời Mâu Tử, khi ông đã vận dụng những kiến thức của cả Nho và Đạo để giải thích những khúc mắc, những điều cần làm rõ khi nhận thức về Phật giáo và các chân lý. Tư tưởng dung thông Nho – Phật – Đạo càng về sau càng thể hiện rõ ràng, đặc biệt là khi đất nước được giành độc lập chủ quyền. Phật giáo muốn khẳng định vị trí, vai trò với chính trị thì nó bắt buộc phải dung thông với Nho giáo để khắc phục hạn chế của mình. Bởi vì xét đến cùng Phật giáo có nhập thế đến mấy thì vẫn là một tôn giáo xuất thế. Trong hệ thống giáo lý của Phật giáo không có nhiều lý luận cung cấp những bài học, những kinh nghiệm về mô hình xây dựng quản lý nhà nước thế tục. Nếu có chăng thì Phật giáo chỉ có thể đưa ra một số nguyên lý chung về mô hình xã hội lý tưởng là “Niết bàn” trừu tượng. Còn về phía Nho giáo dung thông với Phật giáo để Nho giáo tránh được sự dị ứng, đối kháng từng bước khẳng định vị thế, vai trò của mình trong đời sống chính trị nước ta.

Đạo giáo được truyền vào nước ta từ thời Bắc Thuộc, do điều kiện phương Nam xa xôi ngay từ khi du nhập vào Đạo giáo đã hòa quyện ngay với tín ngưỡng và văn hóa bản địa. Những vị đạo sĩ thì được người dân mời đến để trừ tà, bắt ma, xem đất, chữa bệnh… để gia tăng ảnh hưởng ở một chừng mực nào đó thì Đạo giáo và Phật giáo với tư cách là những tôn giáo ngoại lai đã có sự giao thoa kết hợp với nhau làm giàu thêm nội dung tư tưởng của chính mình.

Có thể nhận ra một điển hình rõ nét đặc điểm Phật giáo theo xu hướng tư tưởng “dung thông tam giáo”, được thể hiện một cách đậm nét trong bài thơ Quốc Tộ của Pháp Thuận:

Quốc tộ như đằng lạc, Nam thiên lý thái bình. Vô vi cư điện các, Xứ xứ tức đao binh.

Dịch nghĩa: “Ngôi nước như dây leo quấn quýt Ở góc trời Nam mở ra cảnh thái bình. Dùng đường lối vô vi ở nơi cung điện Thì khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh”

Bài Quốc tộ được nhà sư làm vào khoảng năm 981 – 982 dưới triều vua Lê Đại Hành. Bài thơ này lần đầu tiên được ghi lại trong “Thiền uyển tập anh ngữ lục”, một tác phẩm được viết khoảng đầu thời Trần. Bài thơ là một thiền ngữ được trình bày trong một cuộc vấn đáp giữa sư Pháp Thuận với vua Lê Đại Hành về sự dài ngắn, bền vững về ngôi nước, của ngôi vua, của đế vị tức là của vận nước. Bài thơ vốn không có tên gọi nhưng được người đời sau đặt tên “Quốc tộ” lấy từ câu thơ đầu của bài thơ để nói về chủ đề chính của nhà sư Pháp Thuận.

Giai thoại kể rằng, lên ngôi rồi, vua Lê Đại Hành vẫn rất tín nhiệm các vị Thiền sư, trong đó có Pháp Thuận, thường tham vấn trong việc bàn bạc

quốc sách. Ở cái thời mà mọi sự đều còn rất sơ khai trong quản lý quốc gia, những gợi ý của những trí tuệ cao siêu như các Thiền sư đã có giá trị như những khai mở trong tình hình rối ren. Và một lần, vua Lê Đại Hành đã mời Thiền sư Pháp Thuận vào cung để tham vấn về những việc cần làm gì để đắp bồi vận nước cho vững bền. Và Thiền sư Pháp Thuận đã đọc bốn câu kệ ngắn gọn cả bài thơ chỉ có 20 chữ trên. Bài thơ rất ngắn gọn và cũng vì thế mà rất súc tích, phải ngẫm ngợi lâu mới rõ hết các ý nghĩa tư tưởng khái quát sâu sắc.

Trong cách hiểu của Thiền sư Pháp Thuận, vận nước lúc đó còn rối ren có thể thay đổi và chắc chắn sẽ thay đổi tùy thuộc vào cách ta ứng xử với nội lực. Nếu ta biết cách cai trị đường lối đức trị, vô vi nhi trị, lấy từ ái, tình thương làm nền tảng huy động nội lực một cách tối đa, bằng cách “kết đoàn lại chúng ta là sức mạnh” thì “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” và vận nước sẽ thịnh. Nhược bằng tự chia rẽ, tự mâu thuẫn với nhau thì vận nước sẽ suy. Vận nước sẽ dài lâu nếu nhà vua thực hành tự mình cai trị bằng đức, bằng nhân, bằng vô vi.

Bằng nhãn quan của mình thì thiền sư đã chỉ ra cho ta thấy được hiện trạng của đất nước và những yêu cầu đặt ra để trị nước. Đó là vận của nhà Lê khi mới lên ngôi (980) phải lo lắng trăm bề để thống nhất quốc gia. Lại phải ngay lập tức tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, lòng thần dân chưa yên khi vua lập “thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại thắng minh hoàng hậu” (982), lại phải chống lại sự quấy nhiễu biên giới phía Nam, khiến cho vua phải thân chinh đi đánh giặc. Pháp Thuận đã ví “vận nước” rối bời như dây leo quấn quýt hay như dây mây quấn quýt ( như đằng lạc). Dùng hình ảnh để so sánh ví von của câu thơ này làm thành vế thứ nhất của bài thơ, chỉ rõ hiện trạng khó khăn của đất nước. Đây không phải là những mỹ từ chỉ sự tốt đẹp, sự bền chắc của ngôi vua như có người đã lý giải mà hình ảnh này chỉ sự rối rắm, phức tạp, khó khăn trăm bề của đất nước lúc bấy giờ trước vô

vàn mối lo toan chồng chất: lòng dân chưa yên với vua mới, với hoàng hậu Dương Vân Nga, nỗi lo ngoại xâm, mất mùa, đói kém…

Do đó câu hỏi đặt ra là: muốn giữ yên được ngôi vua, giữ yên vận nước thì phải làm như thế nào? Đây là vấn đề lớn mà nhà vua muốn nhà sư Pháp Thuận trả lời. Đứng trước tình hình đất nước như vậy, theo thiền sư là phải xây dựng một nền hòa bình. Nhưng để xây dựng một nền hòa bình này thì còn rất nhiều mối lo toan trăm ngả, để đạt được nền hòa bình thì cần phải có một chìa khóa để đưa đất nước tới thái bình. Thiền sư đã chỉ rõ kẻ thù của hòa bình là chiến tranh, loạn lạc, nạn đao binh. Do vậy, chấm dứt được chiến tranh, loạn lạc thì mới xây dựng được đời sống thái bình thì ngôi nước mới giữ yên được. Đó được coi là nhiệm vụ số một của bậc đế vương, phải dùng đức cai trị theo đường lối tổng hợp tinh thần Nho – Phật – Đạo phù hợp với dân tộc.

Ông cũng khẳng định thêm muốn chấm dứt chiến tranh, loạn lạc thì yêu cầu đặt ra trước hết là ở chính người cầm quyền, ở bậc đế vương trong nước. Thông qua cách lý giải súc tích này cho thấy, Thiền sư đã đứng trên lập trường của dân tộc, muôn dân, để cao trách nhiệm của người đứng đầu đất nước. Ông cho rằng đường lối trị nước đúng đắn của bậc đế vương sẽ quyết định đến vận mệnh hay sự đổi thay của đất nước. Bậc đế vương sáng suốt thì đất nước cường thịnh, phát triển, chính sách của nhà vua đúng đắn, hợp lòng dân thì mọi người tin theo, ủng hộ.

Vậy đường lối trị nước đó đã được ông khái quát trong hai câu thơ: Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

Pháp Thuận cho rằng nhà vua cần phải thực hành một đường lối “vô vi” theo tinh thần Nho – Phật – Đạo cao cả trong triều đình. Trước hết vô vi là một khái niệm trong phạm trù tư tưởng chính trị của cả Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo. Nó thấm đẫm tinh thần tam giáo thời kỳ này. Theo Đạo giáo, thì

vô vi có nghĩa là nhà vua cần thực hành một đường lối chính trị thuận theo tự nhiên chứ không bắt mọi người tuân phục những ý tưởng nhân vi chủ quan của mình. Theo Nho giáo thì vô vi cũng thể hiện tư tương thiên mệnh và dĩ nhân vi bản. Hơn thế nữa, Pháp Thuận còn là một nhà sư do vậy tư tưởng vô vi còn là một tư tưởng kép thấm nhuần tinh thần Phật giáo, là tư tưởng vô vi pháp, là tinh thần từ bi, hỷ xả, bác ái, vì mọi người… làm sao để chăm lo đến nhân dân, để nhân dân được bình an, ấm no, hạnh phúc, họ sẽ không nảy sinh ý định chống đối, mà khi nhân dân đã tin theo, thì sẽ không có binh đao, loạn lạc và ngôi nước mới giữ được yên.

Pháp Thuận khẳng định, chỉ có dùng đường lối chính trị “vô vi” như trên, nhà vua mới có thể dật tắt được nạn đao binh. Không thể dùng bạo lực để đánh đổ bạo lực mà phải dùng biện pháp tổng hợp, hợp tự nhiên mềm dẻo hợp với lòng dân, phải dùng tình yêu thương, lòng từ bi, đức hy sinh theo tinh thần Phật giáo mới có được một kết quả đẹp, mới giữ được ngôi vua lâu dài, giữ nước lâu dài.

Chỉ bằng một bài thơ ngắn gồm bốn câu thơ được viết theo lối kệ Thiền, vận dụng sự dung thông nhuẫn nhị của trí thức tam giáo, thiền sư họ Đỗ đã có thể khái quát được chính xác tình trạng đất nước lúc bấy giờ là rất rối ren và chỉ ra được một đường lối trị nước thích hợp để giữ yên được ngôi vua. Thông qua phân tích bài thơ ta cũng nhân thấy được vua Lê Đại Hành là một người tài giỏi khi biết sử dụng nhân tài và tôn trọng nhân tài vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hay nói cách khác tầm tư duy của Lê Đại Hành đã không bất cập khi nhận thức và giải quyết các vấn đề của thực tiễn đất nước nhờ sử dụng tinh thần dung thông Nho-Phật –Đạo trên nền tảng của truyền thống dân tộc.

Cuối thế kỷ X, khi đất nước giành được độc lập song lại cần tiếp tục phát triển thì thiền sư Vạn Hạnh đã dùng Phật giáo kết hợp với Đạo giáo, Nho

giáo đã thực hiện một cuộc chính biến trong lòng dân, để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi một cách hòa bình.

Qua phân tích những tư tưởng và hành động của các nhà sư đã phát huy được tác dụng khi mà đất nước vừa mới khôi phục bộn bề khó khăn trình độ của lực lượng sản xuất còn thấp kém nhận thức của người dân về một mặt còn hạn chế. Tuy nhiên, mục tiêu mà các nhà sư định hướng nhận thức và hành động không phải vì lợi ích của cá nhân mà vì lợi ích của quốc gia dân tộc. Do vậy những hạn chế của tư duy và hoạt động chưa thể có điều kiện khắc phục, vẫn chưa thoát khỏi biểu hiện mê tín dị đoan khó có thể bỏ qua.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số đặc điểm của phật giáo thời ngô đinh tiền lê và ý nghĩa của nó đối với lịch sử việt nam (Trang 73 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)