Quan hệ Nga – Trung trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nga trung từ năm 2001 đến năm 2013 (Trang 34 - 41)

2.2. Quan hệ Nga – Trung trên các lĩnh vực

2.2.1. Quan hệ Nga – Trung trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao

Nấc thang ghi dấu ấn trong tiến trình phát triển của quan hệ Nga - Trung là “Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác” giữa Nga và Trung Quốc được nguyên thủ hai quốc gia V. Putin và Giang Trạch Dân ký kết ngày 16/7/2001. Hiệp ước mang tính lịch sử này đã tập trung vào 4 lĩnh vực chính về phương diện chiến lược: thứ nhất, xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ, bao gồm sự bình đẳng chính trị, lợi ích kinh tế chung, trách nhiệm an ninh và các vấn đề thế giới. Trong số những nguyên tắc chung này, có hai tuyên bố then chốt: không bên nào hướng các loại vũ khí hạt nhân chống lại bên kia và tôn trọng chính sách một nước Trung Quốc [64]. Thứ hai, về vấn đề biên giới, hai nước xác định ổn định 4.300 km đường biên giới trên cơ sở tôn trọng theo luật pháp quốc tế, qua đó, nhấn mạnh việc xây dựng sự tin cậy hơn nữa để tiếp tục đàm phán phân định biên giới. Thứ ba, hai nước vạch ra những giới hạn cho quan hệ hai nước trong tương lai, nhất trí việc không phát triển và chỉ đạo chính sách ngoại giao và phòng thủ có thể gây nguy hiểm cho quyền lợi của bên thứ 3, thống nhất sẽ không gia nhập liên minh hay có hành động có thể làm suy yếu chủ quyền, an ninh hay toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác. Thứ tư, hai nước nhấn mạnh rằng nếu một trong hai nước phải đối mặt với mối đe doạ xâm lược thì hai nước này sẽ "ngay lập tức hội đàm với nhau để nhằm loại bỏ sự đe doạ" [64].

Bản Hiệp ước đã nêu rõ các lĩnh vực hợp tác, nổi bật nhất là: củng cố đối thoại ở tất cả các cấp; tôn trọng luật pháp quốc tế về sự ổn định, hoà bình; cùng nhau bảo vệ sự cân bằng và ổn định toàn cầu; thúc đẩy ổn định khu vực; khuyến khích hợp tác và trao đổi trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật quân sự, kinh tế, chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, li khai và tội phạm xuyên quốc gia.

Hiệp ước láng giềng thân thiện và hợp tác Nga - Trung là bản hiệp ước đầu tiên giữa hai cường quốc này kể từ sau Hiệp ước đồng minh Xô - Trung vào năm 1950. Bản Hiệp ước này được xuất phát từ những động cơ của các vấn đề hệ trọng về địa - chính trị, quân sự và kinh tế.

Như vậy, năm 2001 được coi là một mốc son quan trọng trong tiến trình phát triển của quan hệ Nga - Trung, nó khẳng định quan hệ hai nước từ đây đã

mang một hình thức cũng như tính chất mới, chứ không phải chỉ là mối quan hệ thông thường. Việc kí Hiệp ước láng giềng thân thiện và hợp tác giữa hai nước ngay sau khi Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) được thành lập đã báo hiệu sự thiết lập một mối quan hệ chiến lược có thể ảnh hưởng tới tương lai của Âu - Á.

Sau năm 2001, lãnh đạo nhà nước của Nga và Trung Quốc hàng năm đều thực hiện các cuộc thăm viếng lẫn nhau nhằm tăng cường hợp tác song phương cũng như trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Năm 2002, Tổng thống Nga V.Putin sang thăm Trung Quốc để tăng cường hợp tác năng lượng thì năm 2003, sau Đại hội Đảng thứ XVI, thế hệ lãnh đạo thứ 4 - Hồ Cẩm Đào - đã chọn Nga làm điểm đến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của mình.

Năm 2004 là năm Nga và Trung Quốc kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 1/2004, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã quyết định tuyên bố năm 2004 là năm "thanh niên hữu nghị" của Nga và Trung Quốc [72,19]. Để thúc đẩy "quan hệ đối tác chiến lược", trong Tuyên bố chung năm 2004, Nga và Trung Quốc đã khẳng định "không phụ thuộc vào bất cứ sự thay đổi khác nhau nào của tình hình thế giới, con đường củng cố quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược là hướng ưu tiên trước hết trong chính sách đối ngoại của hai nước" [68,2]. Trên cơ sở đó, nguyên thủ quốc gia hai nước đã thông qua "kế hoạch hành động về thực hiện hoá những nội dung về Hiệp định 2001 trong giai đoạn từ 2005 đến 2008", thống nhất thực hiện các "năm quốc gia" trong năm 2006 và 2007 [68,2]. Bên cạnh những cam kết tiếp tục đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác, tuyên bố chung hai nước còn nhấn mạnh cam kết nâng cao hiệu quả của việc chống khủng bố trong quan hệ song phương và trong SCO; cam kết đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa hai nước trong Liên Hợp Quốc và trong SCO cũng như trong các tổ chức quốc tế khác, trong đó "sự phát triển của SCO là hướng ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga và Trung Quốc, tổ chức này là công cụ quan trọng được thiết lập ở đại lục Âu - Á vì hoà bình, an ninh và hợp tác, là nhân tố cơ bản xây dựng trong tương

lai một trật tự thế giới đa cực" [68,4]. Đặc biệt, trong tuyên bố chung này, Nga và Trung Quốc nhấn mạnh quyết tâm cùng nhau nỗ lực ngăn ngừa việc bố trí triển khai hệ thống vũ khí giết người hàng loạt, ngăn chặn toàn diện thử nghiệm vũ khí hạt nhân và xoá bỏ mối đe doạ khủng bố hạt nhân, phối hợp có hiệu quả nhằm tìm kiếm giải pháp hoà bình về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Song song với việc nâng cao hợp tác song phương, hợp tác Nga - Trung trong các tổ chức đa phương cũng ngày càng được đẩy mạnh. Vai trò của Nga và Trung Quốc trong SCO ngày càng được nâng cao. Cũng trong tuyên bố chung 2004, hai nước nhấn mạnh sáng kiến của SCO về việc từng bước hình thành ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mạng lưới đối tác của những tổ chức nhiều bên và hướng tới thành lập một hệ thống an ninh tập thể đầy đủ ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm đảm bảo an ninh và hợp tác khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung.

Trong cuộc đàm phán cấp cao hai nước diễn ra vào tháng 7/2005, nguyên thủ quốc gia hai nước đã khẳng định sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung không chỉ đáp ứng lợi ích căn bản của hai quốc gia mà còn đảm bảo hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn cầu. Trên cơ sở đó, Nga và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về "Trật tự thế giới trong thế kỷ XXI". Tuyên bố này một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm của hai nước "nhanh chóng thực hiện có hiệu lực Hiệp định cấm triệt để các vụ thử nghiệm hạt nhân, tăng cường nỗ lực trong hợp tác toàn diện để nâng cao tính hiệu quả

của những thoả thuận về kiểm soát vũ khí..."[67,2]. Từ đó, Nga và Trung Quốc

khẳng định "sự hình thành mối quan hệ kiểu mới giữa Trung Quốc và Nga là

một đóng góp lớn vào sự tạo lập một trật tự thế giới mới" [67,3].

Đến năm 2007, quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung đã đạt được những kết quả rất to lớn. Tính chất "đối tác bình đẳng, tin cậy và hợp tác chiến lược" của mối quan hệ hai nước được xác định trong Hiệp ước năm 2001 đã trở thành định hướng hành động và phát triển quan hệ hai nước. Điều đó được thể hiện ở các mặt: vấn đề phân định đường biên giới về căn bản đã được hoàn tất;

lập trường của Nga và Trung Quốc trong nhận thức và giải quyết các vấn đề quốc tế đã có những điểm chung căn bản, rõ nét nhất là trong việc định hướng rõ về một thế giới đa cực. Ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tới tổng thể quan hệ quốc tế ngày càng rõ nét. Sự vận động có hiệu quả của quan hệ hợp tác Nga - Trung trong giai đoạn này đã góp phần nâng cao vị thế của hai nước trên trường quốc tế.

Như vậy, thành công nhất trong hoạt động ngoại giao Nga – Trung giai đoạn này là việc hai nước đã ký “Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và

hợp tác”, đây là nền tảng quan trọng trong tiến trình phát triển mối quan hệ Nga

– Trung, đưa mối quan hệ chiến lược này đi vào thực chất.

* Giai đoạn 2008 - 2013

Năm 2008, sự thay đổi vị trí Tổng thống của nước Nga một lần nữa không ảnh hưởng đến mối quan hệ Nga - Trung vốn đã được các nhà tiền nhiệm vun đắp. Ngay sau khi nhậm chức ngày 7/5/2008, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại của Tổng thống V. Putin [74], tiếp tục chính sách "hướng Đông", thúc đẩy quan hệ với châu Á, trong đó đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung vẫn là một trong những trọng điểm trong định hướng đối ngoại của nước Nga.

Chuyến thăm đối ngoại đầu tiên của D.Medvedev sau khi nhậm chức Tổng thống là tới Trung Quốc (ngày 24/5/2008). Trong Tuyên bố chung năm 2008, Nga và Trung Quốc quan tâm và tập trung định hướng nhiều hơn cho các vấn đề chiến lược như đẩy mạnh quan hệ để thúc đẩy hợp tác toàn cầu về kinh tế, về bảo vệ môi trường và xu thế đa cực hoá thế giới, cũng như biện pháp đối mặt với những đe doạ, thách thức mới như chống khủng bố, giám sát vũ khí hạt nhân, chống sử dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác ... Qua đó, có thể thấy Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh quá trình hiện thực hoá quan hệ đối tác chiến lược của họ trên cấp độ toàn cầu. Tổng thống D. Medvedev khẳng định: "Trung Quốc là một trong những đối tác chiến

lược quan trọng nhất của Nga và quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung đã trở

thành nhân tố chủ chốt trong các vấn đề an ninh quốc tế"[73].

Tháng 8/2008, khi Mỹ đã chính thức ký hiệp định sơ bộ về việc triển khai trạm ra-đa, một phần trong Hệ thống Phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) trên lãnh thổ Balan và Cộng hoà Séc; khi vấn đề khủng hoảng ở Grudia đang ngày càng trầm trọng, thì Nga và Trung Quốc càng cần thiết tăng cường quan hệ đa chiều để khẳng định vai trò của mình trong khu vực và trên thế giới. Ngày 28/8/2008, tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO, Tổng thống Nga Đ. Medveded đề nghị Tổ chức này ký tuyên bố chung, ủng hộ việc Nga công nhận nền độc lập của hai quốc gia Nam Ossetia và Akhazia. Hội nghị đã diễn ra vào đúng thời điểm căng thẳng và giải quyết vấn đề đang vô cùng nhạy cảm khiến cho SCO càng được khẳng định là một đối trọng của NATO [19,38].

Trong năm 2011 là năm kỷ niệm 10 năm hai nước ký Hiệp ước hữu nghị 2001, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc vẫn giữ được ổn định và có bước phát triển mới. Đặc biệt chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga trong tháng 6/2011, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tin tưởng rằng thập niên tới sẽ là “thời điểm quan trọng để hai nước thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng phát triển

quan hệ đối tác chiến lược tổng thể với Nga trong thập niên tới” [20,20].

Sau khi tái đắc cử chức vị Tổng thống, tháng 06/2012, Tổng thống Nga V.Putin đã đến thăm Trung Quốc. Hai nước đã tuyên bố kết thúc kế hoạch hành động Hiệp định hữu nghị giai đoạn 2009-2012. Trong tuyên bố 2012, hai nước đã xác định cơ chế trao đổi thanh niên trong 5 năm kế tiếp, thực hiện kế hoạch đưa 300 sinh viên Nga dang thực tập sinh tại Trung Quốc trong năm 2012. Tăng cường hợp tác biên giới, khẳng định cần xây dựng lòng tin quân sự, giảm lực lượng quân sự ở khu vực biên giới giữa hai nước, xây dựng các cơ sở hạ tầng hợp tác trên khu vực biên giới, nhất là các cửa khẩu, phối hợp giải quyết vấn đề di cư. Tăng cường hợp tác an ninh chống lại tội phạm xuyên biên giới, chủ nghĩa khủng bố và buôn bán ma túy. Nga và Trung Quốc khẳng định hợp tác và nâng

cao vai trò của SCO, tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế như vấn đề Triều Tiên, sử dụng các biện pháp hòa bình trong vấn đề Syria, ngăn chặn các lệnh trừng phạt và đối đấu đối với Iran. Hai nước cũng đưa ra những mục tiêu trao đổi thương mại cụ thể, như tăng trao đổi thương mại lên 150 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020, ngoài ra Nga khẳng định hai nước cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc chuyển sang thanh toán thương mại song phương bằng đồng tiền của hai nước. Đặc biệt, Nga sẽ tăng cường "đối thoại" về năng lượng với Trung Quốc, trước hết là hợp tác cung cấp khí đốt và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Đáp lại chuyến đi của Tổng thống Nga, tháng 3/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thực hiện chuyến công nước ngoài đầu tiên của mình đến Nga. Trong Tuyên bố chung Trung-Nga, nêu bật sự hợp tác chiến lược giữa hai nước cũng như lập trường và chủ trương trong các vấn đề quốc tế quan trọng. Hai bên còn phê duyệt đề cương thực thi “Hiệp ước Láng giềng hữu nghị và hợp tác Trung-

Nga giai đoạn 2013-2016”. Tuyên bố chung khẳng định hai nước Trung-Nga

cần phải thực hiện sự phát triển cân bằng cả về lượng lẫn chất trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hai nước vẫn khẳng định hợp tác năng lượng được đặt lên hàng đầu, chú ý đến bảo vệ môi trường, hợp tác an ninh phi truyền thống. Hợp tác công nghệ cao, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ theo kế hoạch từ 2013-2017. Tăng cường hợp tác giữa các tỉnh biên giới hai nước, đó là giữa vùng Viễn Đông và Xiberi của Nga và Đông – Bắc Trung Quốc. Tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế. Ngoài ra, hai nước khẳng định hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao nhân dân luôn được thúc đẩy, để khẳng định điều này, trong các năm 2014, 2015, hai nước sẽ tổ chức "Năm Giao lưu Thanh niên

Trung-Nga" tại mỗi nước nhằm khuyến khích giao lưu giữa các trường đại học

hai nước, tăng thêm số lưu học sinh..

Đặc biệt, nhân sự kiện khai mạc Thế vận hội Sochi 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Trung Quốc dự lễ khai mạc ngày 07/02/2014, và theo như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương: “Đây là lần

đầu tiên một chủ tịch Trung Quốc tham dự sự kiện thể thao quốc tế lớn như thế được tổ chức ở một nước khác". Chuyến đi này thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc với việc Nga đăng cai Thế vận hội và khẳng định sự phát triển của quan hệ ngoại giao Nga – Trung Quốc.

Như vậy, quan hệ Nga – Trung giai đoạn 2008-2013 đã có những bước tiến bộ vượt bậc, đúng như Giáo sư Yakov Berger/Viện Viễn Đông của Nga đã phát biểu trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga tháng 3/2013 rằng: “Quan hệ Nga - Trung Quốc là mối quan hệ độc nhất và khó có thể lặp lại trong các mối quan hệ của họ với những nước khác. Tôi không thể tưởng tượng được rằng các mối quan hệ khác cũng đạt được mức độ tin tưởng

cao lẫn nhau như vậy”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nga trung từ năm 2001 đến năm 2013 (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)