Sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung đã, đang và sẽ có nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam bởi Việt Nam vừa là láng giềng của Trung Quốc, cũng đồng thời có quan hệ truyền thống với Nga.
Trong từng bước trở lại Đông Nam Á, Nga coi Việt Nam là một mắt xích quan trọng đáp ứng yêu cầu bảo đảm các quyền lợi an ninh, kinh tế, hàng hải có ý nghĩa chiến lược và tăng cường hợp tác với ASEAN, coi Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược chính như một trụ cột quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ với các nước ASEAN. Về phía Việt Nam, trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực, trước hàng loạt những vấn đề đang đặt ra trong phát triển đất nước... Việt Nam đặt nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Nga là một trong những mũi nhọn đối ngoại quan trọng. Với những thúc ép phát triển và các lợi ích quốc gia, cả hai nước đều mong muốn và có biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Quan hệ hai nước mang tính thực tế cao dựa trên sự nhận thức về vị trí, vai trò của mỗi nước với tư cách là yếu tố tác động và bảo đảm hệ thống lợi ích của từng nước. Trên thực tế, hợp tác năng lượng và kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga như một đảm bảo quan trọng cho sự bền vững và tương lai phát triển của quan hệ song phương.
Đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, với đường biên giới chung kéo dài gần 1.400km trên đất liền và hàng nghìn km trên biển; với bề dày quan hệ truyền thống lịch sử cùng nhiều nét văn hóa tương đồng; với mối quan hệ kinh tế phụ thuộc, tương hỗ lẫn nhau, mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có vị trí, vai trò quan trọng với mỗi nước, đồng thời luôn ẩn chứa nhiều khó khăn, phức tạp.
Thực tế lịch sử hàng ngàn năm qua cho thấy, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã trải qua nhiều phen thăng trầm, không ít mâu thuẫn, xung đột. Nhưng
sau tất cả những sóng gió, ấm lạnh, hai bên lại cố gắng hàn gắn, củng cố, làm dịu bớt. Hiện nay, cả Việt Nam và Trung Quốc đều nhận thức rất rõ đây là thời kỳ quan trọng của công cuộc đổi mới (ở Việt Nam), cải cách, mở cửa (ở Trung Quốc) để phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước; sự phát triển của nước này có thể là cơ hội phát triển của nước kia và cũng có thể là thách thức.
Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực kinh tế, trước hết là thương mại, đầu tư. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tỉ trọng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 19%, trong đó kim ngạch xuất khẩu chiếm tỉ trọng 10%, nhập khẩu chiếm tỉ trọng 20%. Năm 2013 thương mại hai chiều đạt mức 50,32 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 13,36 tỷ USD, nhập khẩu từ Trung Quốc 36,96 tỷ USD). Trung Quốc cũng là đối tác đầu tư quan trọng của nhiều lĩnh vực công nghiệp như năng lượng, khai khoáng, hóa chất, công nghiệp nhẹ (chủ yếu là da giầy, dệt may, nhựa, giấy và thuốc lá). Trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 06.2013, hai nước nhất trí tích cực áp dụng các biện pháp hữu hiệu, quyết liệt để cố gắng hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Việt Nam ngày 4/10/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “mối quan hệ hữu nghị Việt-Trung là tài sản quý báu chung của nhân dân hai nước, hai bên cần có trách nhiệm chung tay gìn giữ và phát triển không ngừng mối quan hệ đó. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc” [36].
Tuy nhiên, hiện nay, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh, hòa bình, ổn định của Việt Nam. Trong các tranh chấp liên quan đến Biển Đông, trước đây Nga giữ thái độ thận trọng và trung lập, song trong điều kiện Nga - Mỹ - Trung đang cạnh tranh quyết
liệt tại khu vực, gần đây nước Nga đã không đứng ngoài cuộc. Sự kiện tháng 4/2012, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom và Vietsovpetro thỏa thuận về việc Gazprom sẽ tiến hành cùng khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam, (mà Trung Quốc cho là “nằm bên trong hải giới truyền thống” của mình), thể hiện lập trường của Nga đối với vấn đề Biển Đông. Tháng 7/2012, tại cuộc gặp thượng đỉnh Việt - Nga, vấn đề Biển Đông được Nga đề cập đến với thái độ tương đối dứt khoát. Các tuyên bố của nước Nga rất rõ ràng, là cam kết có nguyên tắc của một cường quốc đang từng bước tái can dự trở lại châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, có nội dung gần gũi với “Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông” mà ASEAN đạt được vào tháng 7/2012. Do vậy, Việt Nam cần tập trung những ảnh hưởng có được từ vai trò của Nga tại khu vực để tạo thêm thế và lực trong giải quyết những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh quyết liệt, Nga cũng có nhiều quyền lợi trong hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng. Những yếu tố trên đây chính là điểm thuận chiều và ngược chiều trong quan hệ Việt Nam - Nga trong vòng xoáy địa - chính trị khu vực. Thế đan xen thúc đẩy và kiềm chế, thuận lợi và thách thức, cơ hội và khả năng... trong quan hệ khu vực liên quan đến Việt Nam và quan hệ Việt - Nga đặt ra yêu cầu thiết lập các liên kết (không liên minh) an ninh kinh tế, an ninh chính trị gắn bó, bình đẳng cùng có lợi ràng buộc song phương với Nga, đa phương với các nước và khối nước; trên cơ sở đó, hạn chế, loại trừ khó khăn, thách thức, tranh thủ cơ hội, từng bước phát triển năng động, giữ vững chủ quyền quốc gia dân tộc [12, 24].
Phân tích mối quan hệ Nga - Trung ở Đông Nam Á có thể thấy, cả Nga và Trung Quốc cùng có chung những lợi ích chiến lược ở khu vực này. Trung Quốc cần Nga là đối tác chiến lược nhưng lại cần ASEAN để hỗ trợ cho sự phát triển của mình và tạo vành đai an ninh sinh mệnh bảo vệ ở phía Nam. Nga cần Trung Quốc là đối tác chiến lược nhưng cũng cần ASEAN để phục vụ cho việc tìm kiếm những ảnh hưởng và con đường chiến lược cho mình. Vì vậy, việc Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác ở Đông Nam Á là tất yếu nhưng việc hai nước
một lẽ đương nhiên. Thực tế này vừa tạo thời cơ cho Việt Nam phát triển nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những thách thức khó lường bởi chính những lợi ích an ninh, chính trị trên bàn cờ chiến lược Đông Nam Á đang có sự cạnh tranh của cả Mỹ, Nga và đặc biệt là Trung Quốc.
Nhưng trên hết, phải thừa nhận với mối quan hệ hữu nghị lâu đời với cả Trung Quốc và Nga đã tạo ra môi trường hợp tác thuận lợi cho Việt Nam với hai nước Nga, Trung. Thứ hai, quan hệ Nga - Trung là quan hệ giữa các nước lớn, cho dù còn tồn tại tính hai mặt và tính thực dụng, nhưng trong nhiều mặt, quyền lợi của họ được gắn kết với nhau, vì vậy, họ rất cần nhau, luôn phải xem xét thái độ của nhau trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Điều này sẽ có lợi nếu Việt Nam biết tận dụng mặt tích cực của nó, song nó cũng có thể là bất lợi bởi các nước lớn thường coi nhẹ quyền lợi của các nước nhỏ, thậm chí dễ chấp nhận hi sinh, đổi chác quyền lợi của nước nhỏ trong ván bài nước lớn. Trước thực tế đó, Việt Nam phải thực hiện chính sách đối ngoại mền dẻo để tận dụng mặt tích cực của mối quan hệ này, quan trọng hơn cả là ta cần phải khôn khéo, vừa lợi dụng, vừa lựa chiều quan hệ Nga - Trung, khéo léo xử lý trong quan hệ với Trung Quốc, lôi kéo Nga, biết lợi dụng Nga trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại với Trung Quốc... Trong điều kiện hiện nay, khi Nga cũng có những lợi ích nhất định ở biển Đông, Việt Nam cần tranh thủ lợi ích đan xen của Nga và Trung Quốc ở Đông Nam Á để lôi kéo Nga tham gia vào việc giải quyết các vấn đề khu vực, qua đó tranh thủ thái độ của Nga trong việc giải quyết vấn đề biển Đông. Nói cách khác, Việt Nam có thể uyển chuyển, linh hoạt vận dụng chiến lược ngoại giao để hợp tác với cả Nga và Trung Quốc để phát triển.
Cùng với chính sách mở cửa đối ngoại, từ 1991 đến nay, Việt Nam đã tranh thủ những thời cơ thuận lợi nói trên để triển khai hoạt động ngoại giao với các nước lớn, hội nhập để phát triển. Thông qua đó, Việt Nam có thể lợi dụng khéo léo những mâu thuẫn, biến sự tranh giành lợi ích giữa các nước lớn thành thời cơ phát triển cho mình; có thể khai thác tối đa những lợi thế mọi mặt để nhanh chóng vươn lên trong chủ động; biết cân bằng mối quan hệ giữa các nước lớn để tranh thủ phát triển và nâng cao địa vị của mình trên trường quốc tế. Tuy
nhiên, nếu như trong Chiến tranh lạnh, đặc biệt là giai đoạn 1954 - 1975, Liên Xô và Trung Quốc muốn thông qua việc giúp đỡ Việt Nam để mở rộng ảnh hưởng và vị thế của họ ở châu Á - Thái Bình Dương, thì sau Chiến tranh lạnh, việc cả Nga và Trung Quốc cùng có chung lợi ích chiến lược ở Đông Nam Á, từ đó muốn tranh thủ các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để phục vụ cho lợi ích của mình chính là sự tiềm ẩn những thách thức với Việt Nam. Do vậy, bài học kinh nghiệm từ lịch sử quan hệ ngoại giao của tam giác chiến lược Xô - Trung - Việt trong Chiến tranh lạnh vẫn còn nguyên giá trị đối với Việt Nam thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh.
Tiểu kết chương 3
Nhìn về lịch sử có thể thấy, quan hệ Nga - Trung (giai đoạn 2001-2013) là mối quan hệ giữa hai cường quốc láng giềng mang tính thực dụng, vì vậy tính hai mặt vừa hợp tác vừa cạnh tranh luôn tồn tại xuyên suốt chiều dài quan hệ hai nước. Sự tác động của nhân tố Mỹ vừa là nhân tố thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau nhưng lại vừa là vật cản, tạo giới hạn trong quan hệ Nga - Trung, cản trở sự ra đời của một liên minh chiến lược. Mặc dù có không ít những trở ngại còn tồn tại trong quan hệ Nga - Trung như tính cạnh tranh có thể dẫn đến sự va chạm lợi ích quốc gia, vấn đề biên giới chưa hoàn toàn rõ ràng, song với những yếu tố thuận lợi cả về chủ quan và khách quan, quan hệ Nga - Trung đã và đang là quan hệ đối tác chiến lược. Là kết quả tự nhiên của nhu cầu hợp tác hai nước giữa bối cảnh quốc tế đầy biến động, quan hệ Nga - Trung đã có những tác động quan trọng đến sự phát triển của hai nước cũng như tới khu vực và thế giới.
Hiện nay, cả Nga và Trung Quốc đều tạo điều kiện duy trì và củng cố quan hệ chính trị - ngoại giao tự chủ và độc lập của hai nước. Trong hợp tác kinh tế, nước Nga đã khách quan góp phần nâng cao mức độ an ninh năng lượng và khả năng quốc phòng của Trung Quốc, ngược lại, Trung Quốc đã trực tiếp góp phần đưa kinh tế Nga đạt hiệu quả của một “nền kinh tế tầm cỡ”. Với vai trò là những đối tác trong SCO, cả Nga và Trung Quốc đã giúp đỡ nhau trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và li khai. Như vậy, quan hệ đối tác
chiến lược Nga - Trung có nhiều cơ sở khách quan và chủ quan để củng cố và phát triển lâu dài.
KẾT LUẬN
Quan hệ Nga - Trung đã trải qua một chặng đường dài với nhiều biến cố thăng trầm: đã từng là "đồng minh chiến lược" cũng như có quan hệ thù địch trong thời kỳ quan hệ Xô-Trung. Quan hệ Nga - Trung từ năm 2001 đến năm 2013 được phát triển theo một quá trình "đối tác chiến lược". Những thành tựu của quan hệ Nga - Trung trong suốt hơn 10 năm qua được xây dựng trên những cơ sở khách quan và chủ quan thuận lợi, đặc biệt là sự song trùng về lợi ích quốc gia. Nền tảng ấy đã tạo nên một cấu trúc quan hệ mới mẻ, năng động trong thế giới đầy biến động ngày nay.
Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác Nga - Trung (2001) - được coi là cơ sở cho sự phát triển quan hệ của hai nước - đã bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác, nó phù hợp với những tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế và có hiệu lực. Trên cơ sở đó, cấu trúc thương mại song phương hai nước cũng đang ngày càng mở rộng, chất lượng quan hệ thương mại ngày càng được nâng cao. Sự hợp tác trên trường quốc tế không ngừng được mở rộng qua các năm, sự phối hợp hành động trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế ngày càng hiệu quả, quan hệ hai nước ngày càng được củng cố vững chắc. Sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung không chỉ giúp hai nước đạt được những lợi ích của mình, nâng cao vị thế quốc gia mà còn góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo môi trường an ninh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt, mối quan hệ này đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng các trung tâm quyền lực, thúc đẩy xu thế đa cực hoá thế giới.
Từ thực tế lịch sử của mối quan hệ Nga - Trung giai đoạn (2001 - 2013), có thể thấy những bài học không bao giờ cũ cho quan hệ quốc tế:
Thứ nhất, sự phát triển quan hệ hợp tác chỉ có thể diễn ra khi cả hai quốc
gia không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng sự lựa chọn của đối tác. Minh chứng là trong tất cả các tuyên bố chung, một nguyên tắc bất biến luôn được hai nước nhấn mạnh là “không can thiệp đến công việc nội bộ của nhau”. Trên thực tế, những vấn đề tư tưởng cũng như sự phát triển nội bộ của
mỗi nước đối tác cần phải nằm ngoài khuôn khổ chương trình nghị sự của mối quan hệ giữa hai quốc gia. Chính nhận thức này đã đưa đến sự thành công của Nga và Trung Quốc những năm qua trong việc xây dựng mối quan hệ giữa hai nước có con đường phát triển khác nhau, có hệ tư tưởng đối lập nhau và ở hai nền văn minh khác nhau.
Thứ hai, biết gắn kết lợi ích của nhau trong phát triển quan hệ, nỗ lực hỗ
trợ, giúp đỡ nhau trong bảo vệ những lợi ích then chốt. Để xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược thì các nước không thể chỉ bảo vệ tuyệt đối lợi ích của dân tộc mình, mà cần thiết gắn kết lợi ích của nhau. Nga và Trung Quốc đã thực hiện sự gắn kết lợi ích của hai quốc gia, chấp nhận những hi sinh có thể để phát triển quan hệ đối tác chiến lược. Minh chứng rõ nét nhất là sự giải quyết thành công vấn đề biên giới giữa hai nước, trong đó cả Nga và Trung Quốc đều phải chấp nhận nhún nhường.
Thứ ba, cần tăng cường độ tin cậy lẫn nhau trên tất cả các cấp độ. Đối với
quan hệ Nga - Trung, vấn đề lòng tin còn đang là một vấn đề cần được thiết lập, bởi trong những kết quả của quan hệ giữa hai nước còn có sự cách biệt giữa lời