Tác động của quan hệ Nga – Trung tới khu vực Châu Á-Thái Bình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nga trung từ năm 2001 đến năm 2013 (Trang 78 - 82)

Dương

3.2.1. Thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo an ninh khu vực

Châu Á - Thái Bình Dương là nơi có tầm quan trọng về vị trí địa - chiến lược, là một trung tâm kinh tế năng động và có sức sống mãnh liệt. Không ít các nhà nghiên cứu cũng như các nhà chiến lược của thế giới nhận định rằng “Thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á” [3] là thời gian mà trung tâm quyền lực của thế giới chuyển dời từ Tây sang Đông. Bên cạnh đó, châu Á - Thái Bình Dương đã nhanh chóng trở thành nơi hội tụ sức mạnh của hầu hết các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và sự đan xen lợi ích của họ. Trong hoàn cảnh đó, mối quan hệ giữa các nước này luôn tác động đến sự phát triển và môi trường an ninh của khu vực.

Với vai trò là hai nước lớn, Nga và Trung Quốc vốn là một phần thực thể của châu Á - Thái Bình Dương, nên quá trình thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước đã cùng thúc đẩy sự tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực, tạo động lực mạnh cho sự phát triển của châu Á, hướng tới đẩy mạnh hơn nữa quá trình khu vực hóa đang diễn ra nhanh chóng. Nếu thực hiện một phép tính thống kê, thì châu Á - Thái Bình Dương hiện nay đang là khu vực có sự xuất hiện và phát triển của nhiều tổ chức hợp tác nhất thế giới. Các tổ chức như APEC,

ASEAN, BRIC... đã tạo sân chơi chung cho các quốc gia, thúc đẩy cả hai mặt hợp tác và cạnh tranh để thúc đẩy sự vươn lên của châu Á. Sự phát triển mạnh mẽ của châu Á đã đưa khu vực này trở thành điểm sáng trên sân khấu chính trị thế giới. Sự năng động trong hợp tác và phát triển giữa Nga và Trung Quốc cũng như giữa các nước lớn trong khu vực đã tạo cho châu Á một “sức đề kháng” mạnh, giúp cho khu vực này trở nên vững vàng trước những cơn bão khủng hoảng kinh tế - tài chính, nhất là trong cuộc khủng hoảng năm 2008 vừa qua.

Tác động rõ nét nhất của quan hệ Nga - Trung tới châu Á là trên lĩnh vực an ninh. Đầu thế kỷ XXI, sự vươn lên mạnh mẽ, sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc, cùng với sự thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước này đã thách thức địa vị đứng đầu khu vực của Mỹ. Quan hệ Nga - Trung càng nồng ấm thì chiến lược gây sức ép của Mỹ với hai nước này càng quyết liệt hơn, điều đó hiển nhiên tạo những đe dọa, những bất ổn tới nền an ninh của khu vực, nhất là khi chính sách “quay trở lại châu Á” được coi là trọng tâm trong nhiệm kỳ lãnh đạo của Tổng thống Obama. Trong hoàn cảnh đó, quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đã trở thành nhân tố cốt lõi cho sự cân bằng các thế lực cũng như duy trì an ninh, mang lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia.

Đặc biệt sự cân bằng lực lượng giữa một bên là Nga – Trung, bên kia là Mỹ và đồng minh tại Châu Á có vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh ở khu vực Đông Bắc Á với các vấn đề luôn đe dọa đến an ninh ở khu vực đó là vấn đề eo biển Đài Loan và vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ luôn coi vấn đề Đài Loan là con át chủ bài trong việc khống chế Trung Quốc và sử dụng vấn đề Triều Tiên làm chỗ dựa để duy trì, phát triển lực lượng quân sự ở khu vực này nhằm khống chế các nước lớn xung quanh. Trong hoàn cảnh đó, sự nỗ lực hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đã khẳng định được hiệu quả trong việc xoa dịu những mâu thuẫn, căng thẳng và cân bằng thế lực với Mỹ [13,147]. Minh chứng là cả Nga và Trung Quốc đều cùng chung sự lựa chọn bảo vệ hòa bình cho Triều Tiên trước những đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ, qua đó khẳng

định sự gánh vác trách nhiệm ngoại giao với tư cách là cường quốc, đó là biện pháp hữu hiệu để gìn giữ hòa bình, giữ vững cục diện an ninh ở Đông Á.

Còn đối với khu vực Đông Nam Á, Mỹ vẫn dựa vào các đồng minh của mình để thiết lập các căn cứ quân sự nhằm khống chế eo biển Malacca - cửa ngõ quan trọng của Nga và Trung Quốc. Thực chất Mỹ vẫn muốn thông qua khu vực này nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc. Một phần vì phát triển kinh tế, một phần để đảm bảo an ninh ở cửa ngõ Đông Nam, một phần để đối phó với những tính toán và hành động của Mỹ, Nga và Trung Quốc đã cùng hướng tầm nhìn chiến lược của mình sang Đông Nam Á, tăng cường hợp tác với các nước này, với Tổ chức ASEAN, đặc biệt Nga và Trung Quốc đã phát huy vai trò nước lớn của mình trong việc tham gia vào Diễn đàn an ninh khu vực (ARF). Thông qua ASEAN, Nga và Trung Quốc đã đẩy mạnh cơ chế hợp tác trên lĩnh vực an ninh với ASEAN, qua đó đã tạo nên cơ chế đảm bảo an ninh cho Đông Nam Á. Hiện nay, vấn đề có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh Đông Nam Á là vấn đề tranh chấp biển Đông, nên hơn bao giờ hết ARF đang thể hiện rõ sự nỗ lực để giải quyết vấn đề này trên bình diện đa phương trong đó vai trò của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga là rất quan trọng.

Đối với khu vực Nam Á được coi là điểm nóng của những vấn đề đe dọa đến an ninh phi truyền thống hiện nay, từ năm 2001 đến nay, khu vực này trở thành tâm điểm chú ý của thế giới về chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ngày 7/10/2001 Mỹ chính thức phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, mục tiêu chiến lược chính là Afghanistan nhằm tiêu diệt mạng lưới khủng bố Al- Qaeda. Trong hoàn cảnh đó, cả Nga và Trung Quốc đều tích cực hợp tác với Mỹ trong quá trình chống khủng bố, thậm chí hai nước này đã chấp nhận những hy sinh lợi ích của mình tại Trung Á nhằm tạo điều kiện cho Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Nam Á. Song song với những hoạt động tích cực chống khủng bố ở các nước Nam Á, Nga và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Ấn Độ, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với nước này, đưa Ấn Độ trở thành quan sát viên của SCO, xiết chặt quan hệ hợp tác với nước này trên

mọi lĩnh vực để hướng tới đảm bảo môi trường an ninh cho cửa ngõ phía Nam của châu Á.

Đối với khu vực Trung Á là một vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với cả Nga và Trung Quốc. Đối với Nga, các nước Trung Á là khu vực gắn liền với lợi ích của Nga, là con đường giao thông quan trọng của Nga xuống Tây và Nam Á, là nơi cung cấp tài nguyên và là thị trường truyền thống của Nga. Còn đối với Trung Quốc, Trung Á là tấm lá chắn tạo môi trường hoà bình cho biên giới phía Tây của Trung Quốc. Từ sau ngày 11/9/2001, Mỹ đã lấy cớ chống khủng bố để đẩy mạnh xâm nhập vào Trung Á, đồng thời đưa các cuộc "cách mạng màu sắc" nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ vùng Kavkaz và phía Tây Nam Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) nhằm chiếm lĩnh không gian chiến lược của Nga và Trung Quốc. Sự xâm nhập vào Trung Á của Mỹ khiến cho cả hai nước này đều lo ngại. Sự hợp tác Nga - Trung trong SCO đã tạo nên sự liên kết chặt chẽ các nước trong khu vực, ngăn chặn những can thiệp tiêu cực và những tính toán của Mỹ nhằm khống chế các nước này. Vai trò của mối quan hệ "Đối tác chiến lược" Nga - Trung Quốc tại khu vực này đã được khẳng định rất rõ ràng.

3.2.2. Tạo nên những mâu thuẫn tiềm ẩn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ảnh hưởng của mối quan hệ "Đối tác chiến lược" Nga - Trung cũng mang tính hai mặt rất rõ rệt: Một mặt, xét từ mọi góc độ, mối quan hệ "Đối tác chiến lược" Nga - Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc ổn định môi trường khu vực. Mặt khác, sự hợp tác Nga - Trung để tạo đối trọng với liên minh Mỹ - Nhật lại làm cho tình hình khu vực đối mặt với nguy cơ chiến tranh.

Trên thực tế, sức mạnh của liên kết Nga - Trung trong những năm qua đã dần gạt mất vị trí là siêu cường duy nhất của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, đẩy Mỹ vào tình thế buộc phải tính toán để cân bằng lợi ích tại khu vực này. Hệ lụy của sự xung đột về lợi ích nói trên là Mỹ luôn lợi dụng các cuộc xung đột tại khu vực để gây những áp chế đối với Trung Quốc, đồng thời, cuộc chạy đua vũ

trang ở châu Á đang ngầm diễn ra mạnh mẽ, đem đến nguy cơ tiềm ẩn cho sự ổn định và an ninh của khu vực.

Đối với Nga, nếu coi vấn đề Chesnia là phép thử với quan hệ Nga - Mỹ thì ta sẽ thấy sức ép của Mỹ đối với Nga bởi những chính sách và hành động của Mỹ đối với chủ nghĩa khủng bố ở đây đều mang tiêu chuẩn kép. Sự thất vọng của Nga đã thúc đẩy Nga thực hiện đẩy mạnh phát triển lực lượng vũ trang và tiến hành nhiều cuộc biểu diễn quân sự hạt nhân với quy mô lớn để khẳng định sức mạnh của Nga với phương Tây [46, 170].

Mỹ tiếp tục lấy cớ những bất ổn ở Đông Á để tăng cường lực lượng quân sự tại khu vực, duy trì các căn cứ quân sự ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, Mỹ vẫn duy trì 29.000 quân đồn trú tại Hàn Quốc cùng với các lực lượng hạt nhân ở các căn cứ quân sự và trên các tàu ngầm để “sẵn sàng tham chiến nếu xung đột xảy ra”[53,13]. Đáng chú ý là Mỹ đang thực hiện kế hoạch thiết lập hệ thống NMD để nâng cao lợi ích an ninh chiến lược, lấn át lợi ích an ninh chiến lược của Nga và Trung Quốc [51,13].

Các cuộc tập trận chung Nga - Trung trong các năm 2005, 2007, 2009, 2010, 2012, 2013 đã gửi một thông điệp mang tính đối trọng tới Mỹ và Nhật Bản. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 6 và tháng 7 năm 2010, châu Á đã liên tiếp chứng kiến các cuộc tập trận của Nga tại Siberia và Viễn Đông, của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và của Mỹ và Hàn Quốc. Tất cả những động thái trên của các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga đã khiến châu Á phải thường xuyên đối mặt với những bất ổn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nga trung từ năm 2001 đến năm 2013 (Trang 78 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)