2.3.1 Hạn chế về kinh tế - thương mại
Bên cạnh những thành công nói trên, sự phát triển của quan hệ Nga - Trung trong hiện tại và tương lai cũng phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ, bao gồm những tồn tại và thách thức từ bên ngoài.
Để thúc đẩy quan hệ đầu tư và thương mại song phương, Nga cần phải phát triển mạnh hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông vận tải; đặc biệt nâng cấp các cửa khẩu quan trọng Zabaikalsk và Grodekovo; tốc độ triển khai thỏa thuận xây dựng chiếc cầu Nizhneleninskoe-Tongjiang qua sông Amur, được hai nước ký năm 2007, quá chậm. Một số lĩnh vực công nghiệp của Nga không thể cạnh tranh được với Trung Quốc. Trong khi đó, các khu vực của Trung Quốc quyết tâm tận dụng cơ hội mới sau khi Nga tham gia WTO.
Mặc dù xuất khẩu dầu thô và gỗ sang thị trường Trung Quốc có khả năng tiếp tục tạo ra lợi nhuận nhanh chóng cho Chính phủ và các công ty tư nhân Nga, nhưng tăng cường nhập khẩu hàng công nghiệp từ Trung Quốc trên cơ sở các điều khoản của WTO có thể gây một số thiệt hại nhạy cảm cho các ngành công nghiệp Nga. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Phát triển kinh tế Nga thì trong những năm gần đây hơn 70% giá trị xuất khẩu tài nguyên của Nga sang Trung Quốc. Còn tỷ phần máy móc các thiết bị chỉ chiếm 5%. Về phía Trung Quốc, một nửa khối lượng xuất khẩu Trung Quốc sang Nga là sản phẩm chế tạo máy.
Trong hợp tác năng lượng, khi nhu cầu năng lượng của Trung Quốc không ngừng tăng cao, Nga lại sử dụng vấn đề xuất khẩu năng lượng như một lá bài với Trung Quốc khiến Trung Quốc không thoả mãn. Sự không thoả mãn cơn
khát năng lượng đã buộc Trung Quốc phải tìm hướng đa phương hoá nguồn nhập khẩu năng lượng của mình sang Trung Á, châu Phi và các nước Mỹ La Tinh. Tuy nhiên, vấn đề mới nảy sinh tạo mâu thuẫn mới trong quan hệ Nga - Trung lại là khi Trung Quốc hướng sang thị trường Trung Á - vốn là thị trường truyền thống của Nga - đã dẫn đến sự va chạm lợi ích giữa Nga và Trung Quốc.
Hơn nữa, bất chấp mối quan hệ nhiều mặt ngày càng tăng cường giữa Mátxcơva và Bắc Kinh, hai bên vẫn chưa ký được hiệp định về việc Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. Trở ngại chính vẫn là giá cả. Nga muốn Trung Quốc trả giá bằng các khách hàng châu Âu (400 USD/1.000 m3 khí đốt), song Trung Quốc chỉ muốn trả gần với mức của các nhà cung cấp khí đốt Trung Á như Turkmenistan (250 USD/1.000 m3). Do vậy, các cuộc thương lượng vẫn rơi vào bế tắc.
Thêm vào đó, đánh giá về một trong những động lực thúc đẩy Nga tăng cường hợp tác với Trung Quốc là sức mạnh kinh tế của quốc gia hơn 1 tỷ dân này, một số chuyên gia cho rằng tình hình kinh tế của Trung Quốc thật ra cũng không hoàn toàn sáng sủa, có nhiều khả năng rủi ro. Cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và các biện pháp của Mỹ giới hạn hàng nhập từ Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến ngành xuất khẩu của nước này, khiến tốc độ tăng trưởng giảm xuống dưới ngưỡng 8%.
2.3.2. Vấn đề biên giới
Vấn đề biên giới lãnh thổ và tình trạng người nhập cư cũng chứa đựng những mâu thuẫn giữa hai nước. Mặc dù vấn đề gai góc và nhạy cảm nhất trong quan hệ Nga - Trung là vấn đề biên giới đã được giải quyết căn bản, song chưa hoàn toàn triệt để, bởi giải pháp chia đôi những hòn đảo tranh chấp - khi cả người dân Nga và Trung Quốc đều chưa hoàn toàn thoả mãn - bản thân nó vẫn còn ẩn chứa những bất ổn. Hơn thế nữa, nhìn vào thực tế thì vấn đề biên giới luôn là một vấn đề nhạy cảm, nhất là đối với Trung Quốc - một quốc gia có va chạm biên giới với nhiều nước láng giềng nhưng dường như không muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này với bất kỳ nước nào, mà luôn muốn dùng vấn đề biên
giới như một lá bài chiến lược trong đối ngoại - thì việc xảy ra những những biến số là khó loại trừ. Đặc biệt là vấn đề di dân từ Đông Bắc Trung Quốc sang Viễn Đông của Nga ngày càng tăng khiến Nga không thể kiểm soát nổi. Theo số liệu không chính thức, hiện nay có khoảng 10 triệu người dân Trung Quốc đã nhập cư vào khu vực này và hầu như tất cả các hàng hóa tiêu dùng ở vùng Viễn Đông đều đến từ châu Á, và chủ yếu là từ Trung Quốc [30,67]. Tình trạng đó khiến Chính phủ và nhân dân Nga lo lắng về sự xói mòn ảnh hưởng của Nga ở khu vực này trước “mối nguy cơ từ Trung Quốc”. Thực chất, xét về vai trò trong lịch sử và hiện tại của chủ nghĩa dân tộc ở hai nước thì sự di cư ào ạt dẫn tới việc “Trung Quốc hóa” vùng Viễn Đông sẽ có thể trở thành cực đoan, tạo nên những thách thức luôn tiềm ẩn trong quan hệ hai nước.
Ngoài ra, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Trung Á, nhất là trong lĩnh vực khai thác năng lượng được coi là sự thách thức đối với địa vị bá chủ của Nga về nguồn cung năng lượng từ Trung Á. Thực tế này đã gieo mầm cho nguy cơ xung đột về lợi ích chiến lược giữa Nga và Trung Quốc ở ngay trong khu vực.
Trong hoàn cảnh hiện nay, sự mất cân bằng giữa Trung Quốc và Nga đang tăng lên nhanh chóng trên cả lĩnh vực kinh tế và quân sự cũng tạo nên những tiềm ẩn, thách thức quan hệ Nga – Trung trong tương lai. Nga sẽ phải rất khó khăn để quen với thế lực đang ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc cũng như quên đi vai trò lãnh đạo đã từng có của mình trong lịch sử ở khu vực châu Á. Khi sự cân bằng giữa Nga và Trung Quốc mất đi, chắc chắn Nga sẽ phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn của nền kinh tế năng động Trung Quốc. Lực lượng quân sự của Nga ở vùng Viễn Đông sẽ khó có thể đối đầu với lực lượng quân sự đang lớn mạnh của Trung Quốc mà không gia tăng sự phụ thuộc vào vấn đề ngăn chặn hạt nhân.
2.3.3. Vấn đề quân sự - quốc phòng
Xét một cách tổng thể, quan hệ hợp tác quân sự Nga - Trung trong những năm qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế như có những thời điểm Nga đã "ưu ái"
với Ấn Độ hơn Trung Quốc trong việc bán các vũ khí hiện đại. Nga không hài lòng với Trung Quốc việc nôn nóng muốn chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí. Bên cạnh đó, mặc dù quan hệ hai nước đã phát triển qua một chặng đường khá dài nhưng cho đến nay Nga và Trung Quốc vẫn chưa tìm ra được một thể chế cụ thể với cấp độ cao trong sự phát triển các chương trình trao đổi quân sự. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu của thế giới đã có lúc khẳng định rằng "sự mở rộng mối quan hệ kỹ thuật quân sự giữa Nga và Trung Quốc giống như dấu hiệu của một sự liên minh quân sự" [42,25]. Mặc dù các số liệu thống kê của hải quan Nga không báo cáo lượng xuất khẩu vũ khí và sự chuyển giao vũ khí của Nga cho Trung Quốc cũng hầu hết được giữ bí mật, nhưng có thể thấy rằng, Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc [63].
Nhưng từ năm 2006, Trung Quốc đã có dấu hiệu hạn chế mua vũ khí của Nga và muốn Nga chuyển giao công nghệ quân sự nhiều hơn. Trung Quốc đã hoãn mua một số gói vũ khí lớn do bất đồng vì giá cả, trong đó có đặt hàng mua 34 máy bay vận tải và 04 máy bay tiếp dầu IL-78 với tổng giá trị1,05 tỷ USD [30,67]. Các cuộc đàm phán thường kỳ và cấp cao giữa hai nước về mua bán vũ khí cũng bị hoãn lại.
Một động thái khác làm quan hệ Nga – Trung Quốc có thể căng thẳng là Nga hiện đang tăng cường sức mạnh quân sự áp sát Trung Quốc. Cụ thể, trong chương trình tái vũ trang nhà nước tới năm 2020 và kế hoạch quốc phòng nhà nước trong năm 2013, năm 2013, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định tăng cường trang bị cho lực lượng Không quân tại Quân khu phía Đông bằng 12 tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S cho trung đoàn tiêm kích chiến đấu 23, đóng quân tại căn cứ Dzemga - vùng Khabarovsk ở Viễn Đông giáp biên giới với Trung Quốc, thuộc địa bàn Quân khu phía Đông của Nga. Ngoài ra, Nga còn tăng cường cho khu vực này máy bay Su-30SM, 40 chiếc trực thăng chiến đấu. Đặc biệt hơn tính đến năm 2012, Nga đã triển khai bốn tổ hợp tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf. Tổ hợp S-400 Triumf được triển khai tại thành phố cảng Nakhodka, thuộc vùng Primorye, gần Trung Quốc và Triều Tiên.
Tiểu kết chương 2
Những thành tựu cơ bản của quan hệ Nga - Trung từ năm 2001 đến năm 2013 trên các lĩnh vực quan hệ chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế và năng lượng đã cho thấy thiện chí phát triển quan hệ hai nước trên cả lý luận và thực tiễn. Mức độ hợp tác trong các lĩnh vực tuy không đồng đều, quan hệ chính trị - ngoại giao và hợp tác an ninh có phần trội hơn so với hợp tác kinh tế - thương mại, song tính hợp tác toàn diện của mối quan hệ này cũng đã được khẳng định. Những thành tựu hợp tác trên các lĩnh vực có sự bổ trợ cho nhau khá rõ rệt, quan hệ chính trị - ngoại giao tạo cơ sở cho quan hệ hợp tác hai nước trên các lĩnh vực quân sự, an ninh và kinh tế. Ngược lại, những thành tựu trong hợp tác kinh tế, an ninh, quân sự không chỉ là thước đo mức độ phát triển quan hệ hai nước, mà còn tạo động lực thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao ngày càng nồng ấm hơn.
Những thành tựu nói trên cho thấy quan hệ Nga - Trung đã không còn
chịu ảnh hưởng quyết định bởi vấn đề tư tưởng, cũng không còn bị tác động của
chế độ chính trị (chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội) nữa. Hai nước đã cùng
nỗ lực thiết lập nên mối quan hệ mang sắc thái cả truyền thống và hiện đại.
Bên cạnh những thành tựu không nhỏ hai nước đã đạt được, thì vẫn còn có những hạn chế đan xen trong các lĩnh vực quan hệ. Song về căn bản, cái ta cần coi là cơ sở để đánh giá về mối quan hệ Nga - Trung là những thành tựu đã và đang đạt được trong quan hệ hai nước cũng như tương quan của nó trong mặt bằng chung của quan hệ quốc tế. Từ đó, có thể nói rằng hiện nay quan hệ Nga - Trung đang đạt tới đỉnh cao trong lịch sử quan hệ song phương sau nhiều năm không ít thăng trầm, sóng gió.
CHƯƠNG 3
TRIỂN VỌNG VÀ TÁC ĐỘNG CỦA MỐI QUAN HỆ NGA - TRUNG