2.2. Quan hệ Nga – Trung trên các lĩnh vực
2.2.3. Quan hệ Nga – Trung trên lĩnh vực quân sự-quốc phòng
* Mua bán các thiết bị quân sự
Bước sang thế kỷ XXI, hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc ngày càng phát triển hơn. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới Nga vào tháng 1/2000, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã kí một bản ghi nhớ về "sự hợp tác sâu rộng và hiểu biết lẫn nhau trên lĩnh vực quân sự" [69]. Hiệp ước hữu nghị 2001 một lần nữa nhấn mạnh định hướng hợp tác quân sự hai nước. Trên cơ sở đó, năm 2001 và 2002, lượng vũ khí mà Trung Quốc mua của Nga đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2001, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 38 chiếc máy bay chiến đấu loại Su-27MKK và hệ thống tên lửa chống máy bay tầm xa S-300PMU-4 của Nga, đồng thời Nga bắt đầu bán cho Trung Quốc tàu
chiến và tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng diesel. Năm 2002, Trung Quốc tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 8 tàu ngầm lớp Kilo và hai chiếc loại 956EM [46, 39]. Năm 2003, một hợp đồng mới được ký kết, Nga bán cho Trung Quốc thêm 24 máy bay chiến đấu loại Su-30MK2 có trang bị tên lửa chống tàu chiến Kh-31[46, 47]. Để thực hiện chương trình hiện đại hoá quân sự, Trung Quốc đưa ra mục tiêu giai đoạn 1 cho đến năm 2010 phải thu hẹp khoảng cách về tiềm lực quân sự với các siêu cường chính trên thế giới, giai đoạn 2 cho đến năm 2020 sẽ trở thành một cường quốc quân sự vượt trội trong khu vực [38,56]. Trên cơ sở đó, quan hệ hợp tác Nga - Trung trên lĩnh vực quân sự tiếp tục được Trung Quốc hết sức coi trọng. Tháng 11/2006, Trung Quốc đã thoả thuận mua 50 chiếc Su-33 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD [38,57], được chuyển giao từ năm 2007. Ngoài ra Trung Quốc cũng đang đàm phán với Nga để mua loại máy bay trực thăng cảnh báo sớm K-31 được Nga chế tạo để sử dụng trên tàu sân bay. Năm 2007, Trung Quốc đã mua 8 tàu khu trục đa năng lớp Soveremenny (956EM) và 8 tàu ngầm lớp Kilo (636) của Nga [50, 90].
Tuy năm 2008 là năm mà hợp tác quân sự Nga - Trung có chiều hướng suy giảm bởi Trung Quốc ngày càng muốn được chuyển giao công nghệ hơn là nhập vũ khí, song cũng là năm cả Nga và Trung Quốc quan ngại hơn về việc sự can thiệp của Mỹ vào khu vực thông qua Hiệp ước an ninh của Mỹ với các nước đồng minh ở châu Á và về hệ thống phòng thủ tên lửa NMD, vì vậy, hai nước vẫn nhất trí triển khai đàm phán về 3 dự án kỹ thuật quân sự gồm: Nga bán cho Trung Quốc 23 máy bay Su-30 và bàn giao cho Trung Quốc công nghệ sản xuất máy bay này; Bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (Su-35) cho Trung Quốc; Tiếp tục bán máy bay hoặc nâng cấp Su-30MK2 cho Trung Quốc. Ngoài ra, hai nước còn thảo luận về việc Trung Quốc mua tổ hợp tên lửa phòng không S-300, S-400 của Nga.
Từ năm 2008 đến 2012, việc đàm phán mua vũ khí của Nga đối với Trung Quốc gặp khó khăn do Trung Quốc muốn Nga chuyển giao công nghệ nhiều hơn, tuy nhiên điều đó không cản trở việc hai nước tiếp tục có những thương vụ
mua bán vũ khí giá trị lớn. Cụ thể, năm 2011, Nga bán cho Trung Quốc các hệ thống vũ khí với tổng trị giá 1,9 tỷ USD và giá trị vũ khí bán cho Trung Quốc vượt 2,1 tỷ USD trong năm 2012. Năm 2012, Trung Quốc ký với Nga nhiều hợp đồng mới trị giá 1,3 tỷ USD. Trong số đó, 600 triệu USD dành mua 55 máy bay trực thăng Mi-171E, 700 triệu USD mua 140 động cơ phản lực Saturn AL-31F để lắp đặt cho các máy bay tiêm kích Su-27, Su-30 và các phi cơ do Trung Quốc tự sản xuất như J-11B/BS, J-15 và J-16.
Cuối tháng 3/2013, trong chuyến thăm Nga sau khi nhậm chức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc và Nga đã ký kết 2 thoả thuận khung về việc mua bán vũ khí với số lượng lượng lớn. Theo thoả thuận của 2 bên, Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác chế tạo 4 chiếc tàu ngầm AIP lớp “Lada” và bán cho Trung Quốc. Ngoài ra, hai bên còn ký kết hợp đồng Trung Quốc mua 24 chiếc máy bay Su-35 của Nga.
Có thể nói, hợp tác Nga - Trung trên lĩnh vực mua bán thiết bị quân sự đã không những giúp Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hoá quân đội mà còn đưa Trung Quốc vào vị trí các nước chế tạo vũ khí hiện đại, nâng cao tiềm lực quân sự của Trung Quốc [79,4].
* Thực hiện các cuộc tập trận thường niên
Bên cạnh việc phát triển quan hệ hợp tác trên lĩnh vực mua bán và sản xuất vũ khí, Nga và Trung Quốc cũng hết sức coi trọng đến việc hợp tác huấn luyện thực tế đối phó với các nguy cơ. Vì vậy, từ năm 2003 đến nay, hai nước đã thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung dưới nhiều cấp độ và ở nhiều địa bàn khác nhau với cơ chế tổ chức hai năm một lần, điển hình nhất là các cuộc tập trận chung năm 2005, 2007, 2009, 2010, 2013 theo khuôn khổ hợp tác trong tổ chức SCO.
Tháng 8/2005, Nga và Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận chung mang tên "Sứ mệnh hoà bình - 2005", thực hiện diễn tập từ thành phố Vladivostock của Nga đến bán đảo Sơn Đông của Trung Quốc và vùng biển phụ cận [42,23]. Hai nước đã điều động gần 10.000 binh sỹ hải, lục và không quân tham gia. Qua đó
nhằm tăng cường niềm tin, sự hợp tác và phối hợp hai nước, hai quân đội trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, đồng thời nâng cao khả năng cùng đối phó với những thách thức mới trong khu vực và trên quốc tế. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác quân sự Nga - Trung.
"Sứ mệnh hoà bình - 2007" diễn ra vào tháng 8/2007 mặc dù có sự tham gia của tất cả các thành viên SCO với 4000 quân nhưng chủ yếu là của Nga và Trung Quốc [44,23]. "Sứ mệnh hoà bình - 2007" là cuộc tập trận lớn thứ hai trong tiến trình phát triển hợp tác quân sự Nga - Trung. Cuộc tập trận này chính là một phần của hệ thống phản ứng nhanh trước mối đe doạ khu vực, được thành lập để tăng cường tiềm năng của SCO trong lĩnh vực an ninh mà Nga và Trung Quốc là chủ thể. Với quy mô lớn chưa từng có, cuộc tập trận chung này được giới quan sát khẳng định rằng nó đánh dấu sự bắt đầu của một liên minh giữa Trung Quốc và Nga để cân bằng với Mỹ và ảnh hưởng của NATO trong khu vực [42,25]. Đặc biệt, “Sứ mạng hoà bình” các năm 2009, 2010, 2013 đều có mục đích nhằm tạo ra động lực mới cho cuộc đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và cực đoan; đồng thời hoàn thiện khả năng phối hợp, tính chuyên nghiệp, khả năng thực hiện mọi nhiệm vụ, cũng như củng cố quan hệ không chỉ trong lĩnh vực chính trị -xã hội, mà cả trong lĩnh vực quân sự giữa các Trung Quốc và Nga.
Đầu tháng 7/2013, lần đầu tiên Trung Quốc điều một lực lượng hải quân lớn để tham gia cuộc tập trận quân sự chung của Nga và Trung Quốc mang tên “Hiệp lực trên biển 2013” ở vịnh Peter Đại Đế gần Vladivostok với sự tham gia của hơn 4000 binh lính và gần 20 tàu chiến, 10 máy bay.
Qua các cuộc tập trận chung nói trên, mối quan hệ Nga - Trung trên lĩnh vực quân sự, an ninh đã không ngừng được xiết chặt, qua đó hai nước cũng khẳng định được khả năng đối phó với các mối đe doạ trong khu vực và trên thế giới.
Nga và Trung Quốc luôn có quan điểm tương đồng nhau trong các vấn đề quốc tế mà hai nước cùng quan tâm nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác Nga - Trung trên chính trường quốc tế.
Hợp tác trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên: CHDCND Triều
Tiên là nước có đường biên giới chung với cả Nga và Trung Quốc, vì vậy có thể nói đây là khu vực đệm an ninh quan trọng đối với cả hai nước. Cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề Triều Tiên (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,
Triều Tiên) được diễn ra từ năm 2003 với sáng kiến của Trung Quốc, cho đến
nay tuy đã trải qua 6 (tính đến năm 2008) vòng đàm phán nhưng vấn đề này vẫn hoàn toàn bế tắc [37,39]. Ngày 14/4/2009, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi cuộc hội đàm sáu bên và tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình làm giàu hạt nhân của họ. Nguyên nhân do Mỹ muốn duy trì sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ chỉ muốn gây sức ép lớn cả về kinh tế và quân sự để phong toả Triều Tiên, thúc đẩy sự sụp đổ của Bình Nhưỡng chứ không muốn loại bỏ hoàn toàn tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vì nếu giải quyết được "mối đe doạ tên lửa" của Triều Tiên thì việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ ở Đông Bắc Á sẽ bị lộ rõ mục đích là hướng vào Nga và Trung Quốc. Trong hoàn cảnh đó, Nga và Trung Quốc đã nỗ lực hợp tác thông qua các cuộc đàm phán 6 bên, các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để hướng tới phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên bằng con đường hoà bình. Kết quả là trong suốt tiến trình đàm phán và kể cả hiện nay Mỹ đã không thể thực hiện được biện pháp trừng phạt cứng rắn bằng quân sự đối với Triều Tiên mặc dù kế hoạch đó thường trực trong chiến lược của Mỹ.
Với vấn đề Đài Loan: Mặc dù ngay từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với
Trung Quốc năm 1978, Mỹ đã tuyên bố "công nhận Chính phủ CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc" và "chấp nhận lập trường của Trung Quốc là chỉ có một nước Trung Quốc, Đài Loan thuộc lãnh
thổ Trung Quốc", nhưng dường như đó chỉ là hình thức, bởi suốt từ đó đến nay,
Trong hoàn cảnh đó, cùng với quá trình xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với Trung Quốc, Nga đã có quan điểm rất nhất quán về việc ủng hộ "một đất nước Trung Quốc". Ngay từ Tuyên bố chung đầu tiên giữa hai nước (28/12/1992), Nga đã công nhận "Chính phủ Trung Quốc là chính phủ hợp pháp
duy nhất của Trung Quốc và Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc"
[6, 102] và cam kết "Nga sẽ không có một hình thức quan hệ chính thức nào với Đài Loan" [6, 102]. Ngoài ra, Nga còn thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc, thực hiện chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chế tạo thiết bị quân sự cho Trung Quốc, giúp Trung Quốc hiện đại hoá quân đội. Đây chính là sự phát đi tín hiệu đối trọng với việc Mỹ thường xuyên bán vũ khí hiện đại để tăng cường sức mạnh quân sự cho Đài Loan.
Đối với vấn đề hạt nhân của Iran: Iran được đánh giá có tầm quan trọng đặc
biệt về địa - chính trị trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Từ năm 2001 đến nay Mỹ ra sức tăng cường can thiệp và gây sức ép với Iran. Trước tình thế đó, Nga và Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với Iran, ngoài những thoả thuận về năng lượng, Nga và Trung Quốc đã tăng cường chuyển giao công nghệ tên lửa cho Iran [43]. Ngày 11/4/2006, Chính phủ Iran đã tuyên bố công khai về việc Iran đã trở thành nước có kỹ thuật hạt nhân, không lâu sau đó, ngày 14/1/2007 Mỹ chính thức đưa ra kế hoạch tấn công Iran trên các phương tiện thông tin đại chúng [50, 95], nhưng lập tức, Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để phản đối các biên pháp trừng phạt cứng rắn từ phía Mỹ để cùng hướng tới giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng giải pháp hoà bình. Trung Quốc yêu cầu Iran tạm ngừng làm giàu uranium, Nga cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng bằng cách đề xuất làm giàu uranium của Iran tại Nga.
Trong suốt quá trình đàm phán trong khuôn khổ của nhóm "3 +3" của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm Nga, Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Trung Quốc, Nga và Trung Quốc luôn không chấp nhận việc tiếp tục gây áp lực đối với Iran thông qua biện pháp trừng phạt do các quốc gia riêng lẻ áp đặt, bổ sung
nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, được thông qua năm 2010. Nga và Trung Quốc thông qua nghị quyết 1929 chỉ sau khi cân nhắc theo truyền thống trong quan hệ với Iran. Văn kiện này quy định về xử phạt đối với nhà nước Hồi giáo đã không hoàn toàn cởi mở hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Nga và Trung Quốc thống nhất cần giải quyết vấn đề Iran bằng con đường hòa bình và tránh những biện pháp trừng phạt bóp nghẹt nền kinh tế của Iran, gây ra các vấn đề xã hội cho người dân. Chính vì thế, các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ rất khó khăn để nhất trí thông qua một nghị quyết ở Liên hợp quốc được Nga và Trung Quốc ủng hộ. Nga và Trung Quốc còn khẳng định không thể chấp nhận những động thái vội vàng và quyết liệt của các bên.
Đối với vấn đề Trung Á: Việc mở rộng NATO về phía Đông, tiến sát tới
biên giới của nước Nga đã thu hẹp không gian chiến lược của Nga và Trung Quốc. Hơn nữa, từ năm 2001 đến nay Mỹ đẩy mạnh các cuộc cách mạng màu sắc ở Trung Á, nhằm thiết lập chính quyền thân Mỹ, xa Nga, phù hợp với quan niệm dân chủ và giá trị Mỹ [22,15-16]. Chỉ trong hơn một năm (từ cuối năm 2003 đến tháng 3 năm 2005), "cách mạng màu sắc" đã lật đổ chính quyền thân Nga ở 3 nước (Grudia, Ukraina và Kyrgyzstan), đẩy Nga và Trung Quốc đứng trước tình thế khu vực an ninh truyền thống bị thu hẹp.
Với mong muốn gạt ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Á, Nga và Trung Quốc đã nỗ lực vận động đưa đến sự thành lập của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2001 và đề cao tính ổn định và đặt hợp tác an ninh khu vực lên hàng đầu như một mục tiêu chiến lược [23,31]. Năm 2005, việc SCO phê chuẩn 4 nước là Mông Cổ, Pakistan, Ấn Độ và Iran làm quan sát viên đã trở thành một tâm điểm chú ý của thế giới. Sự kiện này đã đưa SCO trở thành một tổ chức có không gian lục địa lớn nhất thế giới. Ngoài ra, ngày 5/7/2005, tại cuộc họp thượng đỉnh tại Astana, SCO đã nêu rõ "Các thành viên SCO có khả năng và
trách nhiệm để bảo vệ nền an ninh ở khu vực Trung Á" và "yêu cầu Mỹ rút các
Thông qua SCO, mối quan hệ "đối tác chiến lược" Nga - Trung Quốc không ngừng được tăng cường và củng cố và SCO đã thực sự trở thành một tổ chức an ninh khu vực với các mục tiêu chiến lược rõ ràng dưới tác động chính của Nga và Trung Quốc.
Đối với vấn đề Trung Đông – Bắc Phi: Biến động chính trị Mùa Xuân
Arab năm 2011 có ảnh hưởng đáng kể đến Trung Quốc và Nga. Chúng không chỉ làm ảnh hưởng đến những lợi ích đang có của hai nước ở khu vực này, mà còn làm thay đổi ảnh hưởng của các nước lớn và bản đồ quyền lực trong khu vực. Vì thế ngày từ đầu của cuộc biến động, Nga và Trung Quốc đều phản ứng