2.2. Quan hệ Nga – Trung trên các lĩnh vực
2.2.5. Quan hệ Nga – Trung trong các lĩnh vực khác
* Hợp tác trong phân định biên giới Nga – Trung
Trước đây, vấn đề biên giới Trung - Nga vẫn tồn tại đầy bất ổn, ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai nước. Cùng với việc đẩy mạnh tiến trình phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược, năm 2004, Nga và Trung Quốc đã ký kết thoả thuận bổ sung về vấn đề biên giới phía Đông [30, 65]. Trong thoả thuận này, Nga chấp nhận nhún nhường hơn nữa, từ bỏ chủ quyền với đảo Tarabarov và một nửa đảo Bolshoi Ussurriskii, còn Trung Quốc cũng chấp nhận từ bỏ sở hữu đối với khu vực các đảo gần thành phố Kharbarovsk của Nga. Trên cơ sở đó, năm 2006, Nga và Trung Quốc đã ký Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia giữa LB Nga với CHND Trung Hoa [44], hoàn tất việc xác định biên giới giữa hai nước, đồng thời đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng về các thuật ngữ, các văn bản, các quy định về tuần tra, kiểm tra biên giới, về các hoạt động kinh tế tại biên giới, chế độ quá cảnh biên giới, hệ thống thông tin liên lạc tại biên giới [30, 65]… Thực hiện kế hoạch cắm mốc biên giới trong Tuyên bố chung năm 2007, ngày 21/7/2008, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Bắc Kinh để kí hiệp định trao trả hai vùng đất trên cho Trung Quốc. Ngày 14/10/2008 khi văn kiện trên chính thức có hiệu lực. Trung Quốc và Nga đã tổ chức lễ công bố hoàn thành phân định đường biên giới phía Đông ngay trên đảo Bolshoi Ussuriiskii [30, 67]. Như vậy năm 2008 được coi là mốc thời gian hoàn thành việc phân định biên giới Nga - Trung, chấm dứt xung đột kéo dài suốt 40 năm. Thắng lợi này là thắng lợi vượt xa vấn đề biên giới, là thắng lợi về chính trị và mang ý nghĩa chiến lược.
* Hợp tác trong lĩnh vực văn hoá - du lịch:
Ngày 29/2/2000, hai nước ký Hiệp định miễn thị thực du lịch giữa công dân hai nước, theo đó công dân hai nước được miễn thị thực trong vòng 15 ngày khi đi du lịch. Sau khi hiệp định được ký kết, lượng người đi du lịch qua lại giữa hai nước duy trì tốc độ tăng 20% tới 30% mỗi năm. Năm 2004, công dân Nga tới Trung Quốc du lịch đã vượt con số 1,79 triệu lượt người, công dân Trung
Quốc tới Nga du lịch cũng vượt con số 810 nghìn người. Nga cũng đã thực hiện chế độ cấp visa nhanh đối với du khách Trung Quốc bắt đầu từ tháng 9/2005, cho phép khách du lịch nhận được visa ngay tại biên giới Nga mà không cần xin visa trước ở Đại sứ quán Nga.
Để thúc đẩy hợp tác văn hoá-du lịch, năm 2003 và năm 2004 hai nước tổ chức “Năm văn hoá Nga tại Trung Quốc” và “Năm văn hoá Trung Quốc tại Nga”, hoạt động tương tự cũng được tổ chức trong các năm 2006 và 2007. Chỉ tính riêng trong khuôn khổ của các năm quốc gia 2006 - 2007, Nga và Trung Quốc đã thực hiện thành công 600 sự kiện khác nhau ở hai nước [75,16]. Tiếp theo đó, năm 2013, trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Nga, hai nước đã quyết định tổ chức Năm hữu nghị Nga – Trung và trao đổi thanh niên 2014-2015.
Nhờ các hoạt động quảng bá văn hoá-du lịch, số người dân hai nước đi du lịch sang đất nước của nhau ngày càng nhiều, theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Trung Quốc, năm 2011 công dân Trung Quốc đến Nga du lịch chiếm vị trí thứ 3 trong số các nước có số công dân du lịch lớn nhất đến Nga, theo đó có 843 nghìn người Trung Quốc đến Nga, trong khi khoảng 2,5 triệu khách du lịch Nga đến thăm Trung Quốc.
Để phát triển và hợp tác hiệu quả hơn nữa, Nga và Trung Quốc đã tổ chức “Năm du lịch Nga tại Trung Quốc 2012” và “Năm du lịch Trung Quốc tại Nga 2013” với hơn 600 sự kiện được tổ chức (225 sự kiện ở Trung Quốc và 382 ở Nga). Kết quả, trong năm 2012 đã có 3,3 triệu công dân hai nước sang du lịch lẫn nhau, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 2 trong số các nước có số công dân du lịch lớn nhất đến Nga (chỉ đứng sau Đức), trong khi Nga đã đứng thứ 3 tại Trung Quốc về lĩnh vực này.
Thông qua trao đổi văn hóa-du lịch, Nga và Trung Quốc đều mong muốn để nhân dân hai nước hiểu rõ nhau hơn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân hai nước nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, thiên nhiên, phong tục-tập quán và lối sống của mỗi nước.
* Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục: Tháng 11/2005, Nga và Trung Quốc đã kỹ Hiệp định giữa hai chính phủ về việc dạy tiếng Nga ở Trung Quốc và dạy tiếng Trung Quốc tại Nga đã thúc đẩy việc học tập và nghiên cứu ngôn ngữ lẫn nhau của hai nước.
Ngày 09/10/2006, hai nước đã ký thỏa thuận giữa Bộ Giáo dục và khoa học LB Nga và Bộ Giáo dục CHND Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trong văn bản này hai nước đã khẳng định thúc đẩy giáo dục tiếng Nga ở Trung Quốc và dạy tiếng Trung Quốc tại Nga trên cở sở bình đẳng, cùng có lợi, hiệu quả [59]. Hai bên hàng năm sẽ thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, cũng như các cán bộ nghiên cứu giảng dạy. Hai nước cũng thiết lập mạng lưới thông tin, ngân hàng dữ liệu để trao đổi thông tin về cải cách giáo dục. Cũng theo thỏa thuận năm 2006, hàng năm mỗi bên cấp học bổng cho 100 nghiên cứu sinh sang học tập ở mỗi nước. Thúc đẩy giảng dạy tiếng Nga ở cấp đại học Trung Quốc và ngược lại. Ngoài ra, theo thỏa thuận, Nga sẽ thành lập các Viện Khổng Tử tại các trường đại học lớn như Đại học Mỏ quốc gia Moscow, Đại học Quốc gia St Petersburg, Đại học tổng hợp Viễn Đông, ngược lại Trung Quốc cũng mở 10 trung tâm nghiên cứu tiếng Nga tại các trường đại học của mình, như Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Đại học Hắc Long Giang...
Năm 2009, Trung Quốc tổ chức “Năm tiếng Nga ở Trung Quốc” tại 22 tỉnh thành với 260 sự kiện về giáo dục, văn hóa, phương tiện truyền thông, phim ảnh, xuất bản, hội nghị, triển lãm, trong khi đó năm 2010, Nga tổ chức “Năm tiếng Trung Quốc tại Nga” với 90 sự kiện tập trung chủ yếu ở thủ đô Moscow và thành phố St Petersburg.
Hiện ở Nga có 50 trường đại học, 17 Viện Khổng Tử với 10 nghìn sinh viên học tiếng Trung Quốc. Riêng ở thủ đô Moscow có 13 trường trung học với 2 nghìn học sinh học tiếng Trung Quốc, trong đó ở khu vực Viễn Đông, hầu hết các trường tiểu học và trung học đều tổ chức dạy tiếng Trung Quốc. Trong khi đó, hiện ở Trung Quốc có hơn 70 nghìn học sinh trung học học tiếng Nga và hơn
65 trường đại học, cao dẳng dạy tiếng Nga (chủ yếu là khu vực Đông Bắc Trung Quốc).
Theo con số của Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2011, có 19 nghìn sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc đang học tại Nga, trong khi có 10 nghìn sinh viên Nga học tại Trung Quốc.
- Lĩnh vực an ninh môi trường: Tuy là một vấn đề khá mới mẻ, song trong xu thế chung của thế giới, khi nguy cơ mất an ninh môi trường đang là vấn nạn thì rất cần có sự chung tay của toàn nhân loại, trong đó, vai trò của các nước lớn như Nga và Trung Quốc là rất quan trọng.
Trong Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác ký năm 2001, hai nước đã nhấn mạnh về hợp tác bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt chú trọng đến hợp tác an ninh môi trường ở vùng biên giới chung "hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và cải thiện môi trường xung quanh, ngăn chặn ô nhiễm xuyên quốc gia, sử dụng hợp lý và công bằng các nguồn nước biên giới, tài nguyên sống ở phía Bắc của Thái Bình Dương và lưu vực các sông dọc biên giới; tiến hành nỗ lực chung bảo vệ hệ thực động vật quý hiếm, hệ sinh thái ở các vùng biên giới; hợp tác trong lĩnh vực cảnh báo tình trạng thiên tai địch
hoạ khẩn cấp ở cả hai quốc gia và khắc phục hậu quả"[58].
Trọng tâm trong hợp tác an ninh môi trường giữa Nga và Trung Quốc trong những năm qua là việc bảo vệ môi trường tài nguyên nước. Xuất phát từ thực tế, đường biên giới phía Đông hai nước lại chính là những con sông Amur, Ussurii, Agun, mà trong điều kiện phát triển kinh tế công nghiệp, nguồn nước của các con sông này đều đã ô nhiễm ở mức báo động, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ con người, nên ngay từ Hiệp ước 2001, trọng tâm hợp tác an ninh bảo vệ môi trường nước ở biên giới đã được xác định rất rõ ràng. Một sự kiện có tác động mạnh đến việc thúc đẩy hợp tác an ninh môi trường giữa hai nước là thảm hoạ môi trường trên sông Tùng Hoa (Songhua) tháng 11/2005 đã thúc đẩy hơn nữa hợp tác bảo vệ môi trường giữa hai nước.
Tháng 2/2006, Nga và Trung Quốc đã ký một nghị định thư về việc thành lập các tiểu ban bảo vệ môi trường. Đến tháng 9 năm 2006, Uỷ ban Trung - Nga về hợp tác bảo vệ môi trường chính thức được thành lập với 3 nhóm hoạt động: nhóm công tác phòng chống ô nhiễm môi trường; nhóm phòng ngừa các thảm hoạ sinh thái và nhóm kiểm soát chất lượng nước xuyên biên giới [58].