Tác động tới lợi ích Mỹ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nga trung từ năm 2001 đến năm 2013 (Trang 82 - 85)

Mỹ tuy vẫn là một siêu cường, nhưng sau sự kiện ngày 11/9, vai trò đơn cực của Mỹ dần suy yếu. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm nền kinh tế Mỹ bị thiệt hại nghiêm trọng (ngày 12/11/2009 Bộ Tài chính Mỹ đã công bố trong năm 2009 Mỹ đã thâm hụt ngân sách là 1.420 tỷ USD - mức cao nhất trong 54 năm qua).

Song song với sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ là sự lớn mạnh không ngừng của các nền kinh tế mới nổi lên. Vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 nhanh nhất và vững vàng nhất là Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành cường quốc thế giới, đã vươn ra khắp các châu lục, âm thầm thách thức và cạnh tranh với Mỹ ở nhiều khu vực. Nga trở lại vị thế cường quốc thế giới. Tuy về kinh tế, Nga vẫn còn đứng ở vị trí khiêm tốn trên bảng xếp hạng, nhưng Nga lại có nền công nghiệp cơ bản, công nghiệp vật liệu, công nghiệp chế tạo thiết bị động lực hoàn chỉnh và không thua kém Mỹ cũng như châu Âu. Chiến lược ngoại giao năng lượng cũng góp phần tôn cao thêm vị thế của nước Nga trên chính trường thế giới. EU và Nhật Bản ngày càng có tiếng nói độc lập hơn và đang từng bước tách ra khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ.

Có thể thấy, xu thế hình thành một thế giới đa cực đã và đang hiện hữu, trong đó sự vươn lên của Trung Quốc, sự trỗi dậy của Nga và mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước có một vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi cán cân quyền lực, làm cân bằng các trung tâm sức mạnh của thế giới.

Liên minh Mỹ - Nhật đã từng đối phó với Trung Quốc, liên minh Mỹ - EU đã từng đối phó với Nga. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, các đồng minh này của Mỹ cũng đã chú trọng đến việc tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc bởi EU có quan hệ gần gũi với Nga trên nhiều phương diện như địa - chiến lược, địa - an ninh, lịch sử, văn hóa... Hơn nữa, EU còn phụ thuộc vào Nga về năng lượng, nên EU không thể quay lưng lại với Nga. Tuy là đồng minh của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc, song trước sự vươn lên của Trung Quốc, Nhật Bản đã luôn tỏ ra cẩn trọng, dè chừng, cảnh giác và luôn tránh căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc.

Như vậy, qua những biểu hiện trên, ta đã thấy rõ sự thay đổi của cán cân quyền lực thế giới và sự thai nghén của một trật tự thế giới mới. Tuy nhiên đến khi nào trật tự đa cực chính thức trở thành hiện thực thì vẫn còn khó đoán định. Nếu khẳng định vai trò của Nga và Trung Quốc đối với sự chuyển biến này của thế giới thì bản thân họ chính là những “cực” quan trọng của thế giới mới và sự

hợp tác chiến lược của họ càng làm cho sức mạnh của những “cực” ấy được nhân lên. Như vậy, khi trật tự thế giới đa cực chính thức trở thành hiện thực thì Nga và Trung Quốc chính là những người trực tiếp khai sinh ra nó, đồng thời họ cũng là chủ nhân quan trọng của thế giới đó.

Không phải ngẫu nhiên mà từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, Mỹ không ngừng tăng cường sự có mặt về quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Lực lượng quân sự mà Mỹ bố trí ở châu Á - Thái Bình Dương không ngừng được tăng cường cả về số và chất lượng với phương châm chiến lược là: Lấy Mỹ làm trục cơ bản; lấy Nhật Bản, Hàn Quốc, Okinawa, Guam làm căn cứ chủ yếu; lấy hệ thống phòng ngự chuỗi đảo với những đảo lớn làm tuyến phòng ngự để bao vây, ngăn chặn Trung Quốc cùng các nước đang trỗi dậy ở châu Á [15,78]. Hiện nay, hải quân của Mỹ ở Thái Bình Dương về cơ bản đã hình thành 3 tuyến phòng ngự theo hình vòng cung ở Thái Bình Dương, trong đó tuyến thứ nhất - quan trọng nhất - là tuyến Tây Thái Bình Dương với khu vực biển Bêrinh: phía Bắc bắt đầu từ bán đảo Alaska kéo xuống phía Nam qua một chuỗi đảo và bán đảo tới bán đảo Đông Dương vòng sang Pakixtan. Đây là tuyến bao vây cơ bản theo kiểu "be bờ" đối với "Tuyến cách ly ở phía Đông". Tuyến này Mỹ bố trí quân ở các khu vực chính như: Alaska, quần đảo Aleutian, Nhật Bản, Hàn Quốc, Okinawa, Philippin, Singapore, với binh lực dày đặc và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, nhằm áp sát các đối thủ như Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà liên minh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn ngày càng được Mỹ coi là trọng tâm trong chính sách của Mỹ ở châu Á. Tất cả các động thái đó của Mỹ thực chất là thông điệp với thế giới về sự đề phòng của Mỹ với Nga và Trung Quốc. Song một nước Nga có tiềm lực quân sự đứng thứ hai thế giới, cùng với một Trung Quốc có sức mạnh không ngừng tăng lên đang tạo thế cân bằng lực lượng với Mỹ và đồng minh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ nga trung từ năm 2001 đến năm 2013 (Trang 82 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)