Nội dung, đặc điểm cơ bản của tác phẩm Đường sống

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Lép Tônxtôi về đạo đức trong tác phẩm Đường sống (Trang 31 - 36)

7. Kết cấu của luận văn

1.3. Nội dung, đặc điểm cơ bản của tác phẩm Đường sống

Đường sống - cuốn văn thư nghị luận tổng hợp các thư từ và bài viết chính luận của đại văn hào trong những năm cuối đời, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam sẽ giúp độc giả biết và hiểu hơn về Tônxtôi với tư cách một nhà tư tưởng, một triết gia lỗi lạc. Đường sống do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành, dày gần 1300 trang với 90 bài viết chính luận và nhiều thư từ do chính Tônxtôi viết gửi cho bạn bè và độc giả, bàn luận về các vấn đề của đời sống xã hội. Tên cuốn sách “Đường sống - cuốn văn thư nghị luận chọn lọc” được đặt theo tên một tác phẩm cùng tên là Đường sống cũng nằm trong tập sách này. Đường sống, một cái tên giàu ý nghĩa bắt nguồn từ một học thuyết mà ông kiên trì theo đuổi, coi đó là con đường sống, con đường đi lên của nhân

loại. Trong tác phẩm, Lép Tônxtôi bàn về giáo dục, khoa học và đạo đức con người, bộc lộ tư tưởng về phi bạo lực, lấy thiện trả ác, đưa con người đến được hạnh phúc trọn vẹn.

Theo PGS.Phạm Vĩnh Cư, chủ biên của cuốn Đường sống, sinh thời Lép Tônxtôi từng viết hơn 10.000 bức thư, qua đó bộc lộ rất rõ quan điểm sống và nhân cách con người ông. Trong số đó, có bộ sưu tập thư từ giữa đại văn hào và cố thủ tướng Ấn Độ Gandhi, người kém ông 41 tuổi. Lúc đó Tônxtôi đã là một vĩ nhân còn Gandhi vẫn còn vô danh. Sau này, vị lãnh tụ được nhân dân Ấn Độ phong thánh luôn bày tỏ lòng tôn sùng của ông đối với Lép Tônxtôi.

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi thì cho rằng Lép Tônxtôi có những nhận định, tư tưởng đi trước thời đại cả trăm năm. Chẳng hạn như tư tưởng về giáo dục, ông nêu ra bốn mục tiêu của việc học: học để có kiến thức, để làm việc, để làm người và để chung sống với con người. Đó cũng chính là bốn trụ cột của nền giáo dục thế kỷ XX, do ông Jacques Delors, Chủ tịch Ủy ban quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO đúc kết.

Tuy vậy, Đường sống có số phận lận đận tại nước Nga. PGS.TS Phạm Vĩnh Cư cho biết, Đường sốngchỉ được xuất bản một lần với số lượng nhỏ ở Nga và hiện nay cũng không nhiều người Nga biết đến cuốn sách. Năm 1915, tức 5 năm sau khi Tônxtôi qua đời, giữa khói lửa chiến tranh thế giới thứ nhất, nhà văn Nga D.Merehkovski chua chát bình luận về ông: “Người mới đây còn là thủ lĩnh tư tưởng của chúng ta, Tônxtôi tuồng như bỗng dưng đánh mất hết quyền lực của mình, tuồng như bỗng dưng toàn bộ trở nên không đúng lúc, không cần thiết, không hiện đại, không hợp thời” [4, tr.13].

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi khẳng định, phương pháp của Tônxtôi là cực đoan, ông phê phán gay gắt nền văn minh chúng ta đang sống, con người đạo đức giả, giáo dục tệ hại, còn khoa học chỉ là ngụy khoa học. Nhưng phải

biết nhìn vào đằng sau các phê phán ấy của Tônxtôi để thấy những trăn trở của ông về nhân loại và thời cuộc, để nhận thấy 100 năm sau khi Tônxtôi qua đời, nhiều quan điểm của ông vẫn còn nguyên giá trị, nhiều quan ngại của ông vẫn chưa được giải quyết.

Nhà văn Nguyên Ngọc nói về Lép Tônxtôi và tác phẩm Đường sống: “Chúng ta ai cũng biết đến và khâm phục Tolstoi với tư cách một nhà văn hào vĩ đại, nhưng ít ai biết ông còn là một nhà tư tưởng vĩ đại không kém, thậm chí còn hơn thế. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới mà ngay ở Nga, đã một thời gian dài người ta cố tình đề cao hết mức nhà văn Tolstoi để hạ thấp hoặc chính xác hơn là lờ đi một Tolstoi - nhà tư tưởng. Sự ra mắt của cuốn Đường sống– văn thư nghị luận chọn lọc của Tolstoi bằng tiếng Việt bù đắp phần nào sự thiếu hụt trong nhận thức và tri thức của chúng ta lâu nay.

Đường sống mở ra cho chúng ta một góc nhìn khác, một thế giới khác của Tolstoi – nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà đạo đức…càng đọc càng thấy ông quá lớn so với những gì chúng ta đã biết” [53, tr. 1]

Những dấu ấn tư tưởng nổi bật của Tônxtôi trong những tiểu luận và thư từ này là sự gắn kết những tinh hoa của trí thức Nga với những tinh túy của nhân dân lao động Nga - nhất là nông dân. Tônxtôi yêu người nông dân Nga và nhận rõ những giá trị của họ, nhưng không thần thánh hóa nông dân, coi đó là những giá trị tuyệt đối và phủ nhận trí thức - thành phần xuất thân của chính mình - như các nhà cách mạng dân túy cùng thời và sau này.

Một điểm nổi bật khác mà chúng ta có thể học được từ Đường sống, đó là tầm vóc của Tônxtôi, những kiến giải sâu sắc của ông về giáo dục, đạo đức, tôn giáo, triết học, chính trị, xã hội, kinh tế. Khi đọc tiểu thuyết của ông có những điều ta chưa nhìn rõ mà chỉ cảm nhận thì đọc văn nghị luận của ông, ta bỗng thấy được soi sáng và lý giải thấu đáo.

Dễ thấy rằng Tônxtôi khẳng định quyền ưu tiên của khoa học nhân văn so với khoa học tự nhiên và trong khoa học nhân văn lại ưu tiên đạo đức học. Trong bối cảnh của thế giới ngày nay, trước những hậu quả tiêu cực khủng khiếp của tiến bộ khoa học - công nghệ, trước sự suy thoái đạo đức ghê gớm của đạo đức cá nhân và xã hội, sự ưu thắng hiển nhiên của cái ác dưới mọi biểu hiện, từ thô bạo nhất đến tinh vi nhất, từ lộ liễu nhất đến trá hình nhất và những thắng lợi còn quá đỗi nhỏ nhoi và không bền vững của cái thiện, chúng ta không thể nào phủ nhận minh triết của Tônxtôi trong tác phẩm Đường sống, nhất là quan niệm về đạo đức của ông.

Tiểu kết chương 1

Nhiều người vốn chỉ biết đến sự vĩ đại của Lép Tônxtôi với tư cách một đại văn hào Nga và thế giới, nhưng sự vĩ đại của Lép Tônxtôi còn ở chỗ ông là một nhà tư tưởng, một triết gia theo đúng nghĩa của nó. Đường sống

thể hiện những tư tưởng, quan niệm của Lép Tônxtôi về nhiều lĩnh vực như triết học, tôn giáo, giáo dục và đạo đức…Đặc biệt tên Đường sống - tập văn thư nghị luận chọn lọc được đặt theo tên một tác phẩm cùng tên là Đường sống cũng nằm trong tập sách này, thể hiện rõ quan niệm của Lép Tônxtôi về những yếu tố đạo đức nổi bật như cái thiện, lòng yêu thương, nghĩa vụ và hạnh phúc. Quan niệm đạo đức đầy tính nhân văn của Lép Tônxtôi xuất phát từ chính con người ông với bản tính giàu lòng yêu thương, cương trực, không ưa ra luồn vào cúi, luôn quan tâm đến đời sống nghèo khổ của nhân dân Nga đôn hậu. Trái tim vị tha của ông vẫn tha thiết lắng nghe những mong mỏi, nỗi niềm của những mảnh đời bất hạnh, khốn khó. Trong cuộc đời cầm bút ông miệt mài đấu tranh cho sự tự do, yên ấm, hòa bình của con người. Một con người đáng kính nhường ấy đã để lại cho hậu thế những quan niệm đạo đức mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong bối cảnh xã hội đầy biến động ở nước Nga thế kỷ XIX, Lép Tônxtôi cũng không đứng ngoài hoặc tránh khỏi sự tác động. Ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử tác động sâu sắc đến toàn bộ tâm tư, tình cảm, đến tư tưởng Lép Tônxtôi nói chung và quan niệm về đạo đức của ông nói riêng. Biết bao nỗi buồn, sự căm phẫn và nỗi niềm bừng tỉnh ước mơ của nhân dân Nga và nhân loại hướng về một tương lai tốt đẹp hơn đã được thể hiện đầy đủ trong các tác phẩm của Lép Tônxtôi. Nghiên cứu những quan niệm của Lép Tônxtôi về cái thiện, tình yêu thương, nghĩa vụ và hạnh phúc ta càng hiểu rõ thời đại sóng gió ông đã đi qua cũng như những cống hiến lớn lao của ông với nhân loại khi cố gắng xây dựng một thế giới của tình yêu, hòa bình vĩnh viễn giữa con người với con người.

CHƯƠNG 2

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUAN NIỆM LÉPTÔNXTÔI VỀ ĐẠO ĐỨC TRONG TÁC PHẨM ĐƯỜNG SỐNG

Trong Đường sống, Lép Tônxtôi thể hiện sự uyên bác của mình khi trình bày nhiều vấn đề khác nhau như đạo đức, giáo dục, tín ngưỡng, lao động, khoa học, chiến tranh…nhưng vấn đề đạo đức được Lép Tônxtôi thể hiện sâu sắc và rõ nét nhất. Với mong mỏi thế giới được sống trong tình yêu thương, hạnh phúc, đối xử với nhau bằng bản tính lương thiện, thực hành ý nguyện tốt đẹp của Thượng Đế, Lép Tônxtôi đã trình bày quan niệm về đạo đức có nội dung phong phú, trong đó nổi bật là các quan niệm của ông về cái thiện, hạnh phúc, tình yêu thương, nghĩa vụ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Lép Tônxtôi về đạo đức trong tác phẩm Đường sống (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)