Yêu thương không ngừng và vô bờ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Lép Tônxtôi về đạo đức trong tác phẩm Đường sống (Trang 44 - 49)

7. Kết cấu của luận văn

2.2. Yêu thương không ngừng và vô bờ

Quan niệm về tình yêu thương của Lép Tônxtôi được đặt trong mối liên hệ sâu sắc với hạnh phúc, như một phần thưởng cho những gì tốt đẹp con người đã cố gắng: “Để chắc chắn được hạnh phúc, chỉ cần một điều:hãy yêu thương tất cả - cả những người thiện lẫn kẻ ác. Hãy yêu thương không ngừng bạn sẽ không ngừng được hạnh phúc” [45, tr.918]. Sống có ý nghĩa, theo Lép Tônxtôi trước hết là sống trong tình yêu thương. Ta phải biết yêu thương đồng loại, dù đó là ai, thậm chí yêu cả cái người sát nách ta, cái người mà ngày ngày cùng sinh hoạt, cùng làm việc và không ưa nhau, xích mích, thù ghét nhau. Bởi theo ông, cái người quan trọng nhất chính là người đang giao thiệp với ta.

Quan niệm yêu thương cả những kẻ ác của Lép Tônxtôi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ lời dạy trong “Học thuyết mười hai thánh tông đồ”: “Hãy yêu thương kẻ thù của các con, các con sẽ không còn kẻ thù”. Lép Tônxtôi thậm chí còn nói rất rõ về điều này trong tác phẩm “Hãy tỉnh ngộ”: 1) “Yêu thương kẻ thù: yêu thương những người Nhật, người Trung Hoa, tất cả những người da vàng mà những kẻ lầm lạc hiện nay đang cố sức khơi dậy ở ta lòng căm thù họ. Yêu thương họ có nghĩa là không giết họ không phải đề giành lấy quyền đầu độc họ bằng thuốc phiện như người Anh đã làm, không phải để cướp đoạt đất đai của họ như người Pháp, người Nga, người Đức đã làm, không chôn sống họ xuống đất để trừng phạt vì đường sá bị làm hư hỏng, không trói họ bằng những đuôi sam và không nhấn chìm họ xuống

dòng Hắc Long Giang như những người Nga đã làm” [45, tr.646]; 2) “Yêu thương những người da vàng mà chúng ta gọi là kẻ thù tức là không mượn danh nghĩa đạo Kitô để dạy họ những điều dị đoan về tội tổ tông, về cứu chuộc, về sự phục sinh…không dạy họ xảo thuật lừa bịp và giết người, mà dạy họ lẽ công bằng, lòng hào hiệp, từ bi, tình yêu thương, và không dạy bằng lời nói suông, mà bằng tấm gương từ cuộc sống nhân hậu của chúng ta..Thành thử, nếu như đúng là chúng ta từng yêu thương kẻ thù, hay dù bây giờ mới bắt đầu yêu thương kẻ thù là những người Nhật, thì chúng ta đã chẳng có kẻ thù” [45, tr.646].

Lép Tônxtôi khuyên nhủ chúng ta hãy yêu thương cả “những người gây cho ta ác cảm để có niềm vui”[5,tr.919]. Quan điểm của Tônxtôi về tình yêu thể hiện tính nhân đạo cao cả của ông và nó cũng hoàn toàn phù hợp với quan niệm đúng đắn của ông về cuộc sống con người, đó là mối liên hệ giữa niềm vui và đau khổ, giữa hạnh phúc và bất hạnh. Chính tình yêu giúp con người vươn lên để hiểu cuộc sống, có ước vọng hạnh phúc, tìm ra được ý nghĩa cuộc sống. Đồng thời, ở đây tình yêu với tư cách một yếu tố của lẽ sống được hiểu chính là một động lực đạo đức cơ bản của hoạt động sống của con người. Bởi vì, tình yêu được xem là cái thiện lớn nhất.

Lép Tônxtôi trích dẫn câu nói nổi tiếng của Angelus Silesius để minh chứng cho quan điểm yêu thương không ngừng, vô bờ sẽ được hạnh phúc của mình: “Hạnh phúc ở trong ngươi, ở việc ngươi có thể yêu thương tất cả mọi người - yêu tất cả không vì một cái gì đó, không với mục đích nào cả, mà chỉ để được sống không chỉ bằng một cuộc sống của mình, mà bằng cuộc sống của tất cả” [45, tr.920].

Với Lép Tônxtôi, cái thiện, hạnh phúc, tình yêu thương luôn có mối quan hệ máu thịt, chúng gắn kết, hòa quyện với nhau tạo nên một cuộc sống tươi đẹp đầy màu sắc. Khi ta giao mình cho khát vọng thứ hai - thiện - thực

hiện ý chí của Thượng Đế, từ bỏ khát vọng thứ nhất - ác - sống cho cái tôi sinh vật của mình, ta mong muốn thực hiện ước vọng của tâm hồn, mà hồn ta thì chỉ mong muốn yêu thương và được yêu thương. Khi ta nhìn thấy cuộc sống của mình trong sự gia tăng của tình yêu, khi ấy lòng ta đã đong đầy hạnh phúc, muốn hạnh phúc mãi mãi chỉ cần ta suốt đời lương thiện, giàu lòng yêu thương đồng loại, khi đó lòng ta không mệt mỏi khi làm việc thiện cho người.

Theo Lép Tônxtôi, chúng ta sẽ không biết và không thể nào biết chúng ta sống để làm gì, cái gì nên làm, cái gì không nên nếu trong lòng ta không có khát vọng hạnh phúc, giống như cuộc đời của một người nghèo mơ ước nên không có động lực phấn đấu việc gì. Ước vọng về hạnh phúc sẽ chỉ cho chúng ta biết những hướng đi đúng đắn, những con đường lương thiện, tránh xa cái xấu cái ác, nhưng với một điều kiện là chúng ta hiểu cuộc sống của chúng ta không là cuộc sống thỏa mãn những đòi hỏi của thân xác mà sống bởi những mong mỏi tốt đẹp, lớn lao của tâm hồn. Cái hạnh phúc mà hồn ta đêm ngày ước vọng ấy được ban cho chúng ta trong tình yêu, trong khi chúng ta dịu dàng nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh, thương cảm, sẻ chia với những con người khốn khó hơn ta. Hạnh phúc ở trong tim ta nếu ở đó có tình yêu thương ngự trị.

Quan niệm của Lép Tônxtôi về yêu thương tất cả giống cái nhìn bao dung của đạo Kitô giáo, đồng thời cũng gần gũi với quan niệm của Phật giáo về tình yêu thương vốn đi cùng: Từ - bi - hỉ - xả. Có thể yêu thương cả những người ác thể hiện sự giác ngộ của tâm hồn về lòng vị tha, khoan dung, vượt qua được giới hạn của bản thân, chiến thắng chính bản tính ích kỷ trong sâu thẳm mỗi con người.

Bản thân Lép Tônxtôi cũng là hiện thân của một tâm hồn không ngơi nghỉ tình yêu thương. Với Lép Tônxtôi, tình yêu thương con người phải luôn

cần mẫn, không chỉ là thái độ và tình cảm mà còn là hành vi và việc làm. Trong “Hãy tỉnh ngộ”, ông kịch liệt phản đối chiến tranh, thẳng thắn chỉ ra sự dối trá, phi nhân đạo trong đó và kêu gọi ngừng ngay những cuộc chiến tranh phi nghĩa: “Những người có văn hóa không thể không biết, rằng lí do dẫn đến chiến tranh bao giờ cũng chỉ là những thứ chẳng những không đáng phải bỏ vào đó một mạng người, mà một phần mười số tiền bạc đã chi cho cuộc chiến cũng không đáng phải tiêu pha. Mọi người đều biết, không thể không biết một điều cơ bản, rằng chiến tranh khơi dậy ở con người những cảm xúc thú tính thấp hèn, luôn luôn làm hỏng, làm hóa thú con người. Mọi người đều biết những lí lẽ chứng minh cho lợi ích của chiến tranh, kiểu như De - Maistre, Moltke và nhiều người khác đưa ra, đều không có cơ sở, bởi vì tất cả những lí lẽ ấy đều dựa vào ngụy biện, mà cứ theo phép ngụy biện ấy thì có thể tìm thấy mặt tiện ích trong mọi bất hạnh của con người..” [45, tr.609- 610].

Lép Tônxtôi thể hiện rõ sự đau xót khi chứng kiến cảnh những kẻ cầm đầu chiến tranh đã cố tình làm cho tình yêu thương trong lòng mỗi người dân bị đánh tráo bởi lòng hận thù: “Bản thân những ai vừa hôm qua còn chứng minh sự tàn khốc, vô bổ, phi lý của chiến tranh, nay lại chỉ nghĩ, chỉ nói, chỉ viết về việc làm thế nào để tàn phá, hủy diệt sản phẩm lao động của con người được nhiều hơn, và làm thế nào để thổi bùng lên mạnh mẽ hơn ngọn lửa thù hận loài người trong lòng những người vốn hiền lành, chẳng làm ai mếch lòng, những người vốn yêu lao động và dùng sức lao động của mình để nuôi ăn, may mặc, chu cấp cho những kẻ học thức rởm đang buộc họ phải thực hiện những công việc khủng khiếp, trái với lương tri, lợi ích và tín ngưỡng của họ” [45, tr.610].

Tình yêu thương con người của Lép Tônxtôi không giới hạn ở đất nước Nga, ở việc yêu thương những người dân trong đất nước mình mà tình

yêu thương của ông là tình yêu thương nhân loại, yêu thương tất cả con người trên thế giới này, bởi con người ở quốc gia nào trên hành tinh chúng ta đang sống đây cũng đáng được sống, được yêu thương và đối xử tử tế, công bằng. Lép Tônxtôi yêu cái tốt, ghét cái xấu, đau khổ trước những nỗi thống khổ của tất cả những người dân mất nước, đang lầm than cơ cực trong biển khổ do những kẻ hiếu chiến gây ra. Ở đây, quan niệm về tình yêu thương của Lép Tônxtôi có điểm tương đồng với Khổng Tử khi cho rằng yêu người cũng là thương người có hoàn cảnh không may, ghét những gì có hại đối với con người; đồng thời tình yêu thương con người không chỉ là tình cảm mà còn biết thể hiện bằng hành động.

Đương thời, Lép Tônxtôi rất tâm đắc với những nhận định của Marcus Aurelius: “Đừng thèm khát cái phi lí, hãy cầu mong cho lợi ích chung, chứ không phải lợi ích cá nhân, như phần đông người đời vẫn làm thế. Mục tiêu của cuộc đời không phải là làm thế nào để đứng về phía đa số, mà là làm thế nào để không rơi vào hàng ngũ của những kẻ điên…”; “Đừng làm những việc mà lương tri của ngươi lên án, cũng đừng nói những điều trái với sự thật. Hãy tuân thủ điều quan trọng nhất ấy, thế là ngươi đã thực hiện được toàn bộ nhiệm vụ của đời mình..” [45, tr.635]. Và ông đã sống đúng với những gì tâm nguyện, một đời thanh bạch, thẳng ngay dù sống trong những thập kỷ đầy rẫy những khó khăn, bất ổn.

So sánh quan niệm về tình yêu thương không ngừng, vô bờ của Lép Tônxtôi và quan niệm về nhân hay tình yêu thương của Nho giáo thấy rõ sự khác biệt về đối tượng. Nho giáo chủ yếu xây dựng tư tưởng về tình yêu thương nhân dân là nhằm thuyết phục những kẻ cai trị, đặc biệt là các vua theo đạo nhân này, thương dân như con. Tư tưởng yêu thương nhân dân được thể hiện rõ ở Mạnh Tử. Đối với Mạnh Tử, đức nhân hay tình yêu thương thể hiện ở tư tưởng vì dân, lo cho dân từ cái ăn cái mặc đến việc

không vắt kiệt sức dân vào những việc như xây cung điện, phải vui với dân, được lòng dân. Nho giáo xây dựng tư tưởng về tình yêu thương cho số ít, đó là tầng lớp ở trên, còn Lép Tônxtôi đưa ra quan niệm về lòng yêu thương dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tầng lớp, xuất thân. Điều đó thể hiện sự khoan dung, tấm lòng thiết tha với cuộc đời của Lép Tônxtôi - một con người đáng kính.

Đường sống của Lép Tônxtôi thể hiện tình yêu thương không ngừng và vô bờ của ông với cuộc đời. Mặc dù sinh ra trong một gia đình đại quý tộc, sống một cuộc đời phong lưu nhưng ông vẫn dành tình yêu thương chân thành đối với những người nông dân Nga nghèo khổ hay những người làm thuê lam lũ trong trang trại của ông. Có điều kiện đi khắp nơi, chứng kiến cảnh giàu sang phú quý, những cung điện vàng son rực rỡ của Nga Hoàng cùng những cảnh sống cơ cực của người lao động đã giúp Tônxtôi nhận ra những giá trị tốt đẹp và vô giá của đời người, đó chính là tình yêu thương. Với Lép Tônxtôi, quan trọng nhất là sự lớn mạnh của lòng nhân ái giữa con người với nhau, nó đem đến niềm hạnh phúc cho những người khốn khổ hơn ta và chính ta. Hạnh phúc sẽ không thể nào có được từ việc lật đổ, hãm hại, lừa gạt kẻ khác để trục lợi cho riêng mình, hạnh phúc có được là thành quả của việc con người biết đối xử với nhau một cách nhân ái và khoan dung, hay nói cách khác: yêu thương chính là con đường của hạnh phúc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Lép Tônxtôi về đạo đức trong tác phẩm Đường sống (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)