Những giá trị và hạn chế của quan niệm Lép Tônxtôi về đạo đức

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Lép Tônxtôi về đạo đức trong tác phẩm Đường sống (Trang 66 - 71)

7. Kết cấu của luận văn

3.1. Những giá trị và hạn chế của quan niệm Lép Tônxtôi về đạo đức

Trong vòng bảy thập niên, nhà tư tưởng Lép Tônxtôi được biết đến, được nghiên cứu ở nước ông ít hơn ở bất cứ nước nào của phương Tây - nơi do nhiều định kiến về Lép Tônxtôi như một nhà văn kỳ tài nhưng là một triết gia yếu kém, tuy vậy, giới học thuật vẫn tiếp tục nghiên cứu và kiến giải về Lép Tônxtôi trong chỉnh thể sáng tác và nhân cách của ông. Tuy nhiên, trong những thập kỷ đầy khó khăn ấy, uy tín và ảnh hưởng của Lép Tônxtôi vừa như một nghệ sĩ vừa như một tư tưởng gia, may thay được duy trì ở phương Đông - khu vực thế giới mà sinh thời Lép Tônxtôi quan tâm và gửi gắm nhiều hy vọng. Nước Ấn Độ độc lập, ngưỡng kính, tự hào về Thánh Gandhi của mình, một cách tự nhiên ngưỡng kính cả Lép Tônxtôi mà Gandhi luôn luôn coi là người thầy tinh thần của ông, nâng niu trân trọng di sản tư tưởng của Lép Tônxtôi. Trong diễn văn tại mít tinh kỷ niệm 100 năm sinh Lép Tônxtôi, Mahatma Gandhixúc động nói: “Bốn mươi năm về trước, khi tôi đang phải chống chọi với một cuộc tấn công rất nghiêm trọng của chủ nghĩa hoài nghi và ngờ vực, tôi đã được đọc sách “Vương quốc của Thiên Chúa ở trong ta” của Tolstoi và nó đã để lại cho tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Thuở ấy tôi còn là người chủ trương bạo lực. Cuốn sách của Tolstoi đã chữa tôi khỏi bệnh hoài nghi và biến tôi thành người theo thuyết ahimasa (phi bạo lực) một cách có xác tín. Cái đã làm tôi kinh ngạc hơn cả ở Tolstoi là ông luôn luôn lấy việc làm củng cố cho những điều rao giảng của mình và chấp nhận mọi hi sinh vì chân lý. Thật đáng ngạc nhiên, Tolstoi đã sống giản dị và khiêm tốn thế nào! Sinh ra và được giáo dưỡng trong hoàn cảnh đầy tiện nghi và xa xỉ của một gia đình quý tộc thượng lưu, được hào phóng ban thưởng mọi phúc lợi trần gian có thể mong muốn, con người ấy sau khi nếm trải mọi lạc thú của cuộc sống đã quay lưng lại với chúng trong tuổi hoa của mình và không bao giờ để chúng cám dỗ mình nữa”; “Ông là người trung thực nhất của thời đại mình. Toàn bộ cuộc đời của ông là sự tìm kiếm thường hằng, sự nỗ lực không ngớt tìm tới chân lý và dẫn đưa nó vào đời sống. Tolstoi không bao giờ che giấu sự thật, tô điểm cho nó; không sợ quyền lực tôn giáo cũng như thế tục, ông đã cho thế giới thấy cái chân lý hoàn vũ, vô điều kiện và không thoái nhượng…Bằng cuộc đời của mình, nêu gương sáng về một ahimsa chân chính và cao chót vót, Tolstoi với lòng yêu thương loài người mênh mông như biển cả nơi ông hiện giờ vẫn là ngọn hải đăng và nguồn cổ vũ không cạn kiệt cho chúng ta” [45, tr.1100].

Lép Tônxtôi luôn yêu mến nhân dân lao động Nga và quý trọng những giá trị đạo đức tinh thần của họ. Ông khinh khét những giai tầng xã hội hạ lưu, đố kỵ luôn tìm cách giành giật lợi ích và địa vị với những giai tầng thượng lưu hay giới quý tộc quan lại ôm chân núp bóng vương quyền để được hưởng giàu sang phú quý, đặc quyền đặc lợi. Lép Tônxtôi tìm kiếm những giá trị chân chính ở cội nguồn của nhân sinh, ở đời sống tự nhiên trên đất, đời sống nhà nông. Nhân dân đối với Lép Tônxtôi trước hết và chủ yếu là những nông phu lao động trên đất, kiếm sống từ đất, đời sống của họ phù hợp với luật tự nhiên, theo ông là đời sống lành mạnh nhất, lương thiện nhất.

Loài người, cũng như mọi loài vật trên trái đất này, phải lao động để sống và để duy trì cuộc sống của nòi giống mình, đó là xuất phát điểm về thực tiễn của triết học đạo đức của ông.

Trước Lênin người ta đánh giá về Lép Tônxtôi rất khác nhau nhưng tựu trung lại có hai khuynh hướng, hoặc cường điệu mặt tiêu cực trong tư tưởng và sáng tác của Tônxtôi, hoặc coi Tônxtôi “là một giáo đồ chân chính của cách mạng”. Cả hai cách đánh giá đó đều là phiến diện. Bên cạnh đó còn có bọn bồi bút viết thuê cho nhà nước với thói đạo đức giả tráo trở đối với Tônxtôi và những lời tán dương văn hóa có tính toán trên báo chí của phái tự do. Trong bối cảnh đó, Lênin đã phân tích một cách đúng đắn, toàn diện cả học thuyết Tônxtôi lẫn sự nghiệp sáng tác vĩ đại của ông. Lênin đã nhìn thấy những giá trị lấp lánh của tư tưởng Lép Tônxtôi khi phân tích những mâu thuẫn trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông: “Những mâu thuẫn trong các tác phẩm, các quan điểm, các lý luận trong trường phái của Tônxtôi quả thật là gay gắt. Một mặt là một nghệ sĩ thiên tài không những đã vẽ nên bức tranh vô song về đời sống Nga mà còn hiến cho văn học thế giới những tác phẩm bậc nhất. Mặt khác lại là một địa chủ làm ra vẻ người chất phác theo Chúa Cơ đốc. Một mặt thì phản đối một cách đặc biệt mãnh liệt, trực tiếp và chân thành chống thói giả dối và gian trá của xã hội, mặt khác lại là một “con người kiểu Tônxtôi”, nghĩa là một con người yếu đuối, mòn mỏi, điên loạn, mệnh danh là người trí thức Nga công nhiên đấm ngực mà nói rằng: “Tôi là người tồi tệ, tôi là người xấu xa, nhưng tôi đang lo tự tu dưỡng đạo đức, tôi không ăn thịt nữa đâu và giờ đây tôi chỉ ăn bánh bằng bột gạo. Một mặt thì phê phán thẳng tay chế độ bóc lột của tư bản, tố cáo những hành vi bạo ngược của chính phủ, tố cáo các trò hề của tòa án và của cơ quan quản lý nhà nước, vạch trần hết tính chất sâu sắc của những mâu thuẫn giữa tình trạng của cải ngày càng tăng thêm, văn minh đạt nhiều thành quả và tình trạng

khốn cùng, man rợ và đau thương của quần chúng lao động ngày càng tăng thêm; mặt khác lại làm ra vẻ người chất phác, thuyết giáo không nên chống điều ác bằng bạo lực” [9, tr.122 – 123]. Nhận xét của Lênin cho thấy những giá trị tư tưởng đạo đức của Lép Tônxtôi nằm ngay trong chính con người đáng kính của ông.

Với một cái nhìn khá toàn diện về đời sống đạo đức con người và nhất là khi đặt nó trên một cơ sở thế giới quan có nhiều điểm hợp lý để xem xét, Tônxtôi đã bàn về các nội dung đạo đức một cách sâu sắc. Đây là đóng góp quan trọng của ông vào lịch sử tư tưởng đạo đức học của nhân loại, mà hiếm thấy ở các nhà tư tưởng khác. Tư tưởng Tônxtôi về cái thiện, hạnh phúc, tình yêu thương và nghĩa vụ rất có ý nghĩa không chỉ đối với thời đại ông mà cả hiện nay, không chỉ trong lĩnh vực văn chương, nghệ thuật mà cả trong các lĩnh vực khác như khoa học, giáo dục, luật pháp, chính trị, cả trong đời sống sinh hoạt thường ngày của con người cũng như trong cuộc đấu tranh cách mạng sục sôi của quần chúng, cả khi ông đang còn sống hay khi đã mất đi. Sinh thời, Lép Tônxtôi đã được đánh giá rất cao, nhận được nhiều lợi ngợi ca. Điều này thể hiện rõ qua những thư từ trao đổi giữa ông và những người khác. Nhiều nhà văn, nhà tư tưởng lớn của nước Nga và nước khác đã chịu ảnh hưởng hoặc tán thành tư tưởng của Lép Tônxtôi như N.S.Leskov, A.M.Kalmykova, Iso Abe, Trương Trịnh Tông, I.S.Turgenhep, Soloviep, Romain Rollald v.v. Tuy vậy, giá trị tư tưởng đạo đức lớn nhất ở Lép Tônxtôi chính là đối với cách mạng Nga. Lênin nhận xét: “Tônxtôi mất và nước Nga trước cách mạng đã chìm vào dĩ vãng. Nhưng trong di sản của Tônxtôi có cái không chìm vào dĩ vãng” [47, tr. 26 - 27 và 84].

Theo Lênin, những cái không chìm vào dĩ vãng đó là ý nghĩa của sự phê phán của Lép Tônxtôi đối với nhà nước, giáo hội, chế độ tư hữu đang thúc đẩy quần chúng đứng lên tiếp tục đấu tranh chống chế độ Nga Hoàng,

giúp cho quần chúng có bài học trong đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, thấy được chỗ yếu của họ để họ đoàn kết lại trong cuộc đấu tranh giành thắng lợi cuối cùng.

Song, Tônxtôi cũng bộc lộ những hạn chế trong tư tưởng của mình.

Thứ nhất, do nguồn gốc xuất thân và sự giáo dục của ông, cho nên, mặc dù Lép Tônxtôi xuất thân từ tầng lớp đại quý tộc địa chủ ở Nga nhưng ông đã đoạn tuyệt với tất cả các quan niệm thịnh hành trong giới đó để đứng trên quan điểm của người nông dân gia trưởng chất phác. Chính do tính quy định lịch sử của cách nhìn ấy mà từ chỗ là người phê phán, tố cáo hăng say, quyết liệt, Tônxtôi đã đi đến chủ nghĩa bi quan, tuyệt vọng và những sai lầm rất căn bản về tư tưởng sau này. Thứ hai, Lép Tônxtôi quá đề cao linh hồn mà hạ thấp vai trò của thân xác. Lẽ nào thân xác lại không có giá trị bản thể nào và chỉ là chướng ngại vật cản trở linh hồn hội nhập với những linh hồn khác và với Thượng Đế? Sự thực là cả thân xác và linh hồn đều đáng trân trọng, đều cần được con người rèn giũa, trau dồi trong suốt cuộc đời. Thứ ba, trong quan điểm “yêu thương cả những người gây cho ta ác cảm để có niềm vui” của Tônxtôi, ranh giới của phải và trái, chân lý và sai lầm có thể rất nhỏ hẹp, vì thế có lẽ chỉ có những tâm hồn, trí tuệ và lý tưởng cao cả mới có chỗ đứng và đứng vững ở đây. Yêu cái người mà nhiều khi ta không yêu, xích mích và thù ghét là việc rất khó, đó là cái tình yêu khó xây nhưng dễ phá. Bởi vậy, lúc còn sống, Tônxtôi đã bị chỉ trích về tội viển vông, không tưởng.

Những hạn chế của Tônxtôi cũng là hạn chế của thời đại mà ông sống, đó là biểu hiện của những điều kiện đầy mâu thuẫn chi phối đời sống Nga trong khoảng thời gian 30 năm cuối thế kỷ XIX, bởi vậy chúng ta - những thế hệ đi sau may mắn được sống trong một xã hội tiến bộ hơn cần có cái nhìn cảm thông với những hạn chế của Lép Tônxtôi, đồng thời bổ sung, góp ý sửa sai một cách ân cần như ông vẫn mong mỏi: “Trong trường hợp không

đồng tình thì không với sự khinh bỉ và lòng căm thù, mà với thái độ tiếc thương và ân cần uốn nắn cho tôi” [4, tr.15].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm của Lép Tônxtôi về đạo đức trong tác phẩm Đường sống (Trang 66 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)