7. Kết cấu của luận văn
1.2. Con người, sự nghiệp văn chương Lép Tônxtôi và cơ sở tư tưởng
1.2.3. Cơ sở tư tưởng của quan niệm của Lép Tônxtôi về đạo đức
Những tư tưởng đạo đức của Lép Tônxtôi ra đời vào thế kỷ XIX, thời kỳ mà nước Nga đang kinh qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn trong lịch sử của mình với cuộc đấu tranh lâu dài, gay gắt của nhân dân Nga chống lại chế độ nông nô chuyên chế tàn bạo và phản động. Bởi vậy, cơ sở tư tưởng quan niệm của Lép Tônxtôi về đạo đức chính là những quan niệm triết học chính trị, xã hội của ông.
Trong các tác phẩm bất hủ của Lép Tônxtôi người ta thấy nổi bật lên nhiều nội dung quan trọng. Nội dung thứ nhất là sự phản ánh cuộc cách mạng Nga, cuộc cách mạng tư sản nông dân, phong trào đấu tranh quyết liệt của hàng triệu quần chúng nhân dân Nga, nhất là nông dân, chống lại chế độ Nga hoàng, chế độ chiếm hữu ruộng đất của bọn địa chủ và bọn tư bản, đó là cuộc đấu tranh mà giai cấp nông dân không nhận thức được rõ ràng, đầy đủ nhiệm vụ của mình và vì thế nó không thể đi đến cùng và không thể điều hòa với chế độ đương thời. Nội dung thứ hai không tách rời mà bao hàm trong nội dung thứ nhất, đó là sự phê phán của Lép Tônxtôi đối với chế độ chuyên chế Nga hoàng, bọn địa chủ và bọn tư bản và cả đối với giáo hội. Sự phê phán của Lép Tônxtôi mang tính chất là sự phê phán của một nhà phản kháng mạnh mẽ, “nhà tố cáo hăng say”, “nhà phê phán vĩ đại” mà chỉ riêng những nghệ sĩ thiên tài mới có được.
Bối cảnh lịch sử - xã hội Nga thế kỷ XIX với tính chất phức tạp và trái ngược nhau của những khả năng và xu hướng phát triển lịch sử hiện thực và tâm lý, tư tưởng xã hội, theo Lênin chính là nguồn gốc sâu xa quy định những mâu thuẫn trong tư tưởng của Lép Tônxtôi. Cắt nghĩa cụ thể hơn cái cơ sở tư tưởng của Lép Tônxtôi, Lênin cho rằng “do nguồn gốc xuất thân và
sự giáo dục của ông” cho nên, mặc dù “Tônxtôi thuộc về tầng lớp đại quý tộc đại chủ ở Nga, nhưng ông đã đoạn tuyệt với tất cả các quan niệm thịnh hành trong giới đó” để “đứng trên quan điểm nông dân gia trưởng chất phác, đã đem tâm lý của người dân đó vào trong sự phê phán của mình, vào trong học thuyết của mình” và “sở dĩ sự phê phán của Tônxtôi có một tình cảm mạnh mẽ như thế, một sự hăng say như thế, có tác dụng thuyết phục như thế” chính là vì sự phê phán ấy thực sự phản ánh sự chuyển biến trong cách nhìn của hàng triệu nông dân, những người vừa mới thoát khỏi chế độ nông nô để bước tới tự do thì đã thấy rằng cái tự do đó có nghĩa là những khủng khiếp mới của sự phá sản, chết đói, sống không nhà cửa giữa bọn “ranh mãnh” ở thành thị”[46, tr .46]. Chính do tính quy định lịch sử của cách nhìn ấy mà từ chỗ là người phê phán, tố cáo hăng say, quyết liệt, Lép Tônxtôi đã đi đến chủ nghĩa bi quan, tuyệt vọng, đến những sai lầm căn bản về tư tưởng sau này.
Sinh thời, Lép Tônxtôi chịu ảnh hưởng tư tưởng của Pascal - triết gia người Pháp. Lép Tônxtôi đọc tác phẩm chính của Pascal “Những tư tưởng” trong nguyên tác được in cùng với tiểu sử vắn tắt do người chị Pascal soạn thảo. Không chỉ những tư tưởng cao cả, mà cả cuộc đời của Pascal với những tìm kiếm tinh thần, sự đấu tranh kiên cường với bệnh tật, với ý chí luôn luôn làm những điều thiện cho nhân quần - tất cả đều thu phục Lép Tônxtôi và trở thành một gương sáng đối với ông. Trong thư gửi A. A.Tolstaya (cô họ Tônxtôi), Tônxtôi viết: “Cô đã đọc tiểu sử Pascal chưa - Blaise Pascal với “Những tư tưởng” của ông ấy. Đây là cuốn sách tuyệt diệu, và cuộc đời ông ta cũng là như thế. Cháu không biết một thánh truyện nào hay hơn” [45,tr. 946].
Kant cũng là triết gia ảnh hưởng sâu sắc đến Lép Tônxtôi. Từ trẻ, Lép Tônxtôi đã tìm đọc “Phê phán lý tính thực hành” của Kant trong nguyên tác, chưa được dịch ra tiếng Nga và tâm đắc với tư tưởng cơ bản của sách ấy rằng
bằng lí trí không thể chứng minh và cũng không thể phủ nhận sự tồn tại của Thượng Đế. Vấn đề có hay không có Thượng Đế thuộc quyền giải quyết của cấp khác, mà Kant gọi là “lý tính thực hành”, tức là đời sống đạo đức và tâm linh của con người. Thuyết bất khả tri của Kant đã làm bệ đỡ cho tư tưởng của Lép Tônxtôi không chỉ trong những tìm kiếm tôn giáo - tín ngưỡng mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Với triết học đạo đức của Kant, Lép Tônxtôi cũng luôn luôn đánh giá cao, tôn sùng và viện dẫn Kant trong nhiều trước tác trước của mình. Ngoài ra ông còn chịu ảnh hưởng của triết gia người Pháp Rútxô, đại văn hào Nga Đôstôiepski,…trong các sáng tác của mình.
Đặc biệt Lép Tônxtôi chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Kitô giáo. Ông giữ một niềm tin nồng cháy và kiên định vào một Thượng Đế chí công chí thiện, bất tử và thập toàn, người sáng tạo hay khởi nguyên của tất cả. Theo Lép Tônxtôi, học thuyết tôn giáo của Kitô (mà ông chỉ coi là người, y như Phật Đà, Khổng Tử chứ không phải Thần - Nhân) trong quá trình lịch sử đã bị bóp méo và kiến giải sai trái làm cho nó biến chất, mất đi sức sống, sức chinh phục trái tim và khối óc của nhân loại. Sau Tự bạch Lép Tônxtôi dã bỏ ra ba năm để nghiên cứu và phê phán thần học Kitô giáo chính thống để dịch lại và hợp nhất bốn sách Phúc Âm trong kinh Tân Ước chứa đựng sự tích và những lời dạy của Kitô và từ đấy trở đi kiên trì bảo vệ những quan điểm tôn giáo của mình, bất chấp sự không đồng tình của hầu hết mọi người mà ông có quan hệ huyết nhục hay thân thiết, chứ chưa nói đến quần chúng nhân dân Nga. Lép Tônxtôi mong muốn “sáng lập ra một tôn giáo mới phù hợp với sự phát triển của nhân loại” [45, tr.35]. Cái tôn giáo mới mà Lép Tônxtôi dành cho cả nhân loại ấy, khác với những tôn giáo cổ truyền mà tất cả đều phải có nguồn gốc địa phương, cội rễ sắc tộc, nó phải chứa đựng chỉ những chân lý mà mà tất cả mọi người trên thế giới đều có thể chấp nhận. Để xây dựng một học thuyết tôn giáo như thế, Lép Tônxtôi không ngần ngại
bước vào xung đột trực tiếp với giáo hội chính thống của nước ông, khiến hầu hết các tác phẩm nghị luận của ông đều bị cấm và phải in ở nước ngoài, và cuối cùng chính ông cũng bị thánh vụ viện Nga khai trừ ra khỏi giáo hội.
Cơ sở tư tưởng quan trọng nhất của Lép Tônxtôi là việc ông đứng trên lập trường của người nông dân gia trưởng. Tônxtôi đã quan sát thời đại của mình sâu sắc và tế nhị. Nước Nga sau cuộc cải cách năm 1861 hiện ra trong cảm quan của Lép Tônxtôi như một biển sóng bão trào sôi đang sẵn sàng nuốt vùi hết thảy. Tônxtôi tự cảm thấy rằng có một tai họa đang chín dần trên đất nước. Tônxtôi đoạn tuyệt với giai cấp quý tộc, giai cấp xuất thân của mình. Ông đã rút ra một kết luận mà thấm sâu mãi vào tâm hồn mình: “Chỉ có thể tìm thấy tín ngưỡng chân chính ở nhân dân thôi, ở hạng người hành hương sống lang thang, ở những kẻ tối tăm nghèo khổ, nhất là ở hàng triệu nông dân chân lấm tay bùn gánh vác những công việc hữu ích nhất ở đời” [52,tr.21]. Tônxtôi tự khẳng định rằng muốn làm những việc có lợi cho nhân dân, phải biến đổi hoàn toàn lối sống của bản thân mình. Lép Tônxtôi lao động chân tay, tiếp tục tự mình cắt cỏ cho gia súc trên trại ấp và còn đóng giầy tặng một chị đầy tớ gái nhân dịp lễ sinh nhật của chị, xây một cái lò và chở củi giúp một người đàn bà góa nghèo nàn, cô đơn. Tônxtôi xuất tiền ra cứu giúp nông dân… Tônxtôi tố cáo chính quyền của giai cấp địa chủ chiếm hữu ruộng đất, tước đoạt nông dân. Gia đình cản trở Tônxtôi hành động theo ý muốn của mình nên hai lần Tônxtôi rời bỏ trại ấp để phản kháng lại. Qua tác phẩm Vậy thì chúng ta phải làm gì đây? Tônxtôi nói rõ tư tưởng chủ yếu của mình – nhất thiết phải thôi đi, đừng sống trong cảnh giàu sang nữa. Lép Tônxtôi tóm lại triết học xã hội của mình như sau: “phải từ bỏ cảnh xa hoa, nghệ thuật và khoa học, phải quay lưng lại với giáo hội, với Nhà nước, phải sám hối vì cảnh ác hại của xã hội trong đó mình sống, phải rời xa chốn thành thị và lao động tay chân cùng với nhân dân, với nông dân giản dị” [52, tr.30].
Sự đảo lộn như thế trong thế giới quan và trong tâm tư của Lép Tônxtôi đã được chuẩn bị từ lâu. Vấn đề “lãnh chủ và nông dân” đã được Lép Tônxtôi đặt ra từ lần đầu tiên từ những năm 1840. Khoảng những năm 1860, lòng khâm phục của Tônxtôi trước “chân lý nông dân” đã vang dội ít nhiều qua tác phẩm Những người Cadaki. Trong tiểu thuyết Anna Kareina điều đó càng được thể hiện rõ hơn, khẩn khoản hơn, Tônxtôi kêu gọi phục tùng “chân lý nông dân”, chân lý này có khả năng soi sáng cho cuộc đời địa chủ. Chính do nhiều năm nghiên cứu cuộc sống của nhân dân, do tiên đoán những cuộc biến động xã hội, những biến cố cách mạng thế nào cũng xảy ra trong tương lai khá gần mà Lép Tônxtôi có cuộc đảo lộn hoàn toàn trong nội tâm của mình. Bước khủng hoảng của Tônxtôi trong những năm 1880 chỉ là kết quả của cả một giai đoạn kéo dài và phức tạp, trong đó Tônxtôi đã tìm tòi, hoài nghi, lăn lộn với nhiều mâu thuẫn. Bấy giờ, Tônxtôi chuyển hoàn toàn sang lập trường nông dân gia trưởng và đứng trên lập trường này chống lại cơ cấu nhà nước Nga, chống lại cảnh sống và nền đạo đức của các giai cấp có đặc quyền.