7. Kết cấu của luận văn
2.3. Nghĩa vụ là sự thực hành ýnguyện của Thượng Đế
Lép Tônxtôi nói về nghĩa vụ trong mối liên hệ sâu sắc với hạnh phúc: “Không thể nói rằng sự phụng sự Thượng Đế là sứ mệnh của cuộc sống. Sứ mệnh của cuộc sống con người bao giờ cũng là và sẽ là hạnh phúc của nó. Nhưng bởi vì Thượng Đế muốn cho con người được hạnh phúc, thành thử khi con người đạt được hạnh phúc của mình thì nó làm cái mà Thượng Đế muốn ở nó, nó thực hành ý nguyện của người” [45, tr.910]. Trong luận điểm
này, tư tưởng của Tônxtôi về nghĩa vụ (sứ mệnh) phụng sự Thượng Đế nhằm khẳng định nghĩa vụ thật sự của con người là sống hạnh phúc.
Thực hành ý nguyện của Thượng Đế theo quan niệm của Lép Tônxtôi là thực hành ý nguyện của Thượng Đế ở trong ta chứ không phải Thượng Đế ở thế giới bên ngoài. Theo ông, người đời thường tìm những đối tượng mộ và tin theo ở thế giới bên ngoài, ở đủ các nhân vật và thế lực được thần thánh hóa, nhưng lại không biết tôn kính và nghe theo Thượng Đế sống trong mình và bằng tiếng nói của trí tuệ, của lương tâm mình. Chỉ Thượng Đế sống trong ta ấy, mà Lép Tônxtôi hay đối lập với Thượng Đế phát ngôn qua tiếng nói của các linh mục, mới là người hướng đạo đáng tin cậy trong toàn bộ cuộc đời của ta, mới chỉ bảo cho ta cần phải xử sự như thế nào trong từng trường hợp khó xử trong cuộc đời. Lép Tônxtôi khẳng định: trong mọi tình huống có thể xảy ra, dù chúng có khó khăn đến đâu, vẫn có thể tìm được lối thoát xứng đáng, chỉ cần chúng ta nhớ rằng trong chúng ta có một Thượng Đế. Thượng Đế sống trong mọi người, tức là sống trong từng người mà ta bắt gặp, tiếp xúc, có quan hệ trong cuộc sống hàng ngày.
Với Lép Tônxtôi, ý nguyện của Thượng Đế là ý chí cao nhất - ý chí đem lại sự bình yên và phúc lạc cho tâm hồn ta trong mọi giông bão cuộc đời: “Tất cả chúng ta trên cõi đời này đều như những con ngựa bất kham, bị đặt vòng lên cổ, bị thắng vào cỗ xe. Thoạt đầu ta cựa quậy, ta muốn sống chỉ cho minh, theo ý mình, ta bẻ gãy càng xe, rứt đứt yên cương, nhưng không thoát ra được, chỉ làm mình mệt nhoài. Và chỉ khi ta đã mệt nhoài, đã quên đi về ý chí của mình, và tuân phục ý chí cao hơn và kéo xe đi - chỉ khi ấy ta mới tìm thấy sự bình yên, phúc lạc” [45, tr.927]. Điều ấy có nghĩa là khi ta thực hiện luật của Thượng Đế, tức luật của tình yêu thương, của cái thiện thì chúng ta được hạnh phúc, được Thượng Đế cứu vớt. Như vậy quan niệm về nghĩa vụ của Lép Tônxtôi không nằm ngoài quan hệ ruột thịt với cái thiện,
tình yêu thương, hạnh phúc. Chúng là một khối gắn kết, không thể tách rời, cái này bổ sung cho cái kia để cùng tồn tại.
Quan niệm về nghĩa vụ của Lép Tônxtôi khác cái nhìn của Nho giáo. Với Lép Tônxtôi chúng ta phải thực hành ý nguyện của Thượng Đế, học theo sự anh minh, bình đẳng, bác ái của Người để sống một cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Còn với đạo đức Nho giáo, mọi người trước hết là học ở sách thánh hiền và tuân theo mệnh Trời. Quan niệm của Nho giáo đòi hỏi ở chủ thể đạo đức một ý thức phục tùng, tuân thủ theo những quy tắc gò bó mang tính hình thức, công thức cứng nhắc với những nghi lễ nghiêm ngặt. Hơn thế nữa, Lép Tônxtôi cho rằng mọi người thực hành ý nguyện của Thượng Đế là Thượng Đế ở trong ta chứ không phải ở thế giới bên ngoài còn Nho giáo yêu cầu tất cả phải tuân theo mệnh Trời - lực lượng siêu nhiên ở thế giới bên ngoài chứ không phải trong tâm hồn mỗi con người. Từ đó cho thấy mặc dù Lép Tônxtôi theo đạo Ki tô giáo nhưng ông lại có cái nhìn hợp lý về đạo đức chứ không bị gò ép cứng nhắc.
Lép Tônxtôi cũng bàn sâu hơn về thái độ của mỗi người đối với nghĩa vụ thực hiện ý nguyện của Thượng Đế: “Cái phụ thuộc vào ta đó là hoặc trở thành đối thủ và tự tước đi của mình hạnh phúc được tham gia vào việc thực thi ý chí tối cao ấy hoặc trở thành người dẫn đưa nó vào đời sống, hút thu nó vào mình như là một khối tình yêu mà ta có thể chứa đựng, và sống bằng nó và trải nghiệm một hạnh phúc không gì phá vỡ được” [45, tr.927]. Luận bàn này có nét tương đồng với luận bàn về cái thiện, bởi khi nói về cái thiện, Lép Tônxtôi cho rằng việc con người sống thiện hay ác là do thái độ giao mình cho khát vọng nào, khát vọng thực hiện ý chí của cái tôi sinh vật – ác hay khát vọng thực hiện ý chí của Thượng Đế - thiện. Ở đây, nếu con người chọn thái độ “trở thành đối thủ” của ý chí của Thượng Đế nghĩa là con người tự tước bỏ đi hạnh phúc của chính mình, còn nếu con người chọn thái độ “dẫn
đưa nó (tức ý chí tối cao) vào đời sống, hút nó vào mình như là một khối tình yêu mà ta có thể chứa đựng và sống bằng nó” thì con người được sống vui vẻ với một hạnh phúc không thể hủy hoại.
Không phải ngẫu nhiên Lép Tônxtôi trích dẫn lời khuyên ý nghĩa của Emerson vào những luận bàn về nghĩa vụ: “Nếu con người bất mãn vì hoàn cảnh của mình, anh ta có thể thay đổi nó bằng hai phương cách, hoặc cải thiện điều kiện sống của mình, hoặc cải thiện tâm trạng của mình. Cái thứ nhất không phải lúc nào anh ta cũng làm được, cái thứ hai lúc nào cũng ở trong quyền năng của anh ta” [45, tr.926]. Lép Tônxtôi muốn khẳng định việc thực hành ý nguyện của Thượng Đế hoàn toàn nằm trong quyền năng của con người, chỉ cần con người thay đổi cách nhìn nhận cuộc đời, thay đổi cách sống - sống trọn vẹn yêu thương, một lòng hướng thiện và hướng đến sự khoan dung của Chúa thì con người sẽ vượt qua được những giới hạn của bản thân và đứng cao hơn hoàn cảnh khó khăn của mình.
Tônxtôi hiểu rằng: “Được hạnh phúc, có sự sống vĩnh cửu, sống trong Thượng Đế, được cứu rỗi - tất cả cái đó chỉ là một - là sự giải quyết nhiệm vụ của cuộc sống. Và hạnh phúc ấy gia tăng, con người cảm thấy mình thu nhận được ngày một mạnh mẽ hơn và sâu sắc hơn niềm hoan lạc nơi thiên giới. Và không có giới hạn cho hạnh phúc ấy, bởi vì hạnh phúc ấy là tự do, là toàn năng, là sự thỏa mãn hoàn toàn mọi ýnguyện” [45, tr.916]. Chưa bàn đến nội dung và ý nghĩa tôn giáo trong luận điểm trên, có thể thấy rõ trong quan niệm của Lép Tônxtôi tất cả những gì con người mong muốn, hướng đến hay nói chung, là hạnh phúc, chỉ có thể có được nhờ sự nỗ lực không ngừng nhằm giải quyết những nhiệm vụ do cuộc sống đặt ra. Chính việc giải quyết những nhiệm vụ ấy đã làm thành con đường sống của con người. Nếu không có những nhiệm vụ hoặc không thực hiện những nhiệm vụ ấy, thì con người không thể đạt được những mong muốn, nguyện vọng của mình, tức là
không thể tiến lên, cũng có nghĩa là không có đường sống và do đó con người không thể hạnh phúc.
Thượng Đế là hiện thân của sự anh minh, bình đẳng, công bằng, bác ái, hướng về Người hay thực hành ý nguyện của Người thực chất chính là sống theo Người, tức sống một cuộc đời giàu lòng nhân ái, trái tim và tâm hồn tràn ngập tình yêu thương đồng loại, xót thương và nâng đỡ những con người bất hạnh hay vị tha với những lỗi lầm của kẻ khác. Sống như vậy tức là sống như Thượng Đế, đồng thời sống như vậy tức là ta sẽ có được một hạnh phúc bất diệt, không ai có thể hủy hoại được.
Tônxtôi khẳng định rõ hơn rằng, “nếu cuộc sống không mang lại niềm vui cho ai đó, thì chỉ bởi vì họ không làm những gì cần làm để cho cuộc sống trở thành một niềm vui không ngớt” [45, tr.923]. Ở đây, nghĩa vụ được Tônxtôi nói đến với tư cách là một yếu tố đạo đức, đồng thời là yếu tố cấu thành của lẽ sống, không phải là mọi việc cần phải làm trong cuộc sống con người, mà là những việc cần phải làm để cho cuộc sống trở thành niềm vui, nghĩa là nghĩa vụ phải hướng thẳng đến hạnh phúc của con người.
Lép Tônxtôi dẫn lời của Thượng Đế để làm rõ hơn quan điểm về nghĩa vụ: “Hãy đến với Ta tất cả những ai lao khổ và mang gánh nặng, và Ta sẽ trấn yên các người. Bởi vì ách của Ta là tốt lành và gánh của Ta nhẹ nhàng” [45, tr.927]. Những lời ấy có nghĩa là, cho dù con người có khổ sở đến đâu, cho dù những mất mát và tai họa nào có đổ xuống nó, chỉ cần nó thấu hiểu và tiếp thu vào trái tim mình cái học thuyết chân chính nói rằng cuộc sống và hạnh phúc của con người là ở sự hội nhập của hồn nó với cái mà nó bị cách li bởi thân xác: với linh hồn của những người khác và với Thượng Đế, thế thì mọi điều tưởng là tai ác sẽ tan biến tức khắc. Chỉ cần con người nhìn thấy cuộc sống của mình ở sự liên kết bằng tình yêu với mọi sinh linh và với
Thượng Đế, thì cuộc sống của nó từ nỗi khổ sẽ tức khắc trở thành một đại phúc, đại hạnh.
Linh hồn con người được coi là hội nhập với Thượng Đế khi ta sống theo những gì Thượng Đế dạy, biết giải phóng cái ác và lĩnh ngộ cái chân - thiện - mỹ của cuộc đời. Nói cách khác, sự hội nhập ấy được thể hiện bằng cái mà chúng ta quan niệm là tình yêu. Hiểu thấu chân lý đó nên ngoài đời Lép Tônxtôi luôn tha thiết hướng tới tất cả những gì gia tăng tình yêu trong ông và kiêng tránh tất cả những gì làm giảm thiểu, suy yếu tình yêu đó.
Lép Tônxtôi cho rằng “Cái giảm thiểu và làm suy yếu tình yêu với mọi người và với Thượng Đế chính là nhận thức sai lạc rằng cuộc sống của tôi ở trong thân thể của tôi. Sự lầm lạc này đẻ ra những sai phạm, tội lỗi ngăn cản sự hội nhập của linh hồn tôi với linh hồn những người khác và với Thượng Đế” [45, tr.902]. Theo ông, cuộc sống của con người không thể nằm ở trong thân xác bởi thân xác là thứ thấp hèn, là nguồn gốc của những ham muốn, dục vọng thấp hèn, cuộc sống của con người phải nằm ở phần hồn cao quý và phần hồn đó hội nhập với Thượng Đế. Thân xác trong quan niệm của Lép Tônxtôi chính là chướng ngại vật cho việc đạt tới hạnh phúc của tình yêu và do vậy ông tiến hành những nỗ lực để trấn áp mọi yêu cầu của nó.
Lép Tônxtôi chịu ảnh hưởng sâu sắc của Kant trong quan niệm về linh hồn, dù là luận bàn về cái thiện, hạnh phúc, tình yêu thương hay nghĩa vụ ông cũng luôn đề cao linh hồn, coi linh hồn là bất tử. Tônxtôi nói rằng chúng ta không biết được chúng ta từng là cái gì trước khi bước vào cõi đời này và sẽ là cái gì sau khi rời bỏ nó. Nhưng chúng ta biết trong ta có phần xác và phần hồn, phần xác theo quy luật tự nhiên tăng trưởng, đạt mức độ phát triển cao nhất, rồi già yếu, chết đi và phân hủy, nhưng phần hồn thì không phụ thuộc vào phần xác và không tuân theo quy luật ấy, cho nên nó sẽ không chết. Sau này ông nói thêm là nó sẽ trở về với khởi nguyên của mình -
Thượng Đế. Nhưng trở về bằng những con đường như thế nào thì Tônxtôi chưa tìm ra cách tiếp cận thỏa đáng.
Lép Tônxtôi kêu gọi mọi người thực hiện nghĩa vụ của mình – thực hành ý nguyện của Thượng Đế tức là trung thành với cái phần tốt đẹp nhất trong tâm hồn mình, đừng phản bội nó, đừng để cho tro bụi cuộc đời vùi lấp nó. Mọi lợi ích trần thế mà chúng ta có thể giành được không là gì so với những giá trị bị phản bội và vùi lấp ấy, nhưng ta thường nhận ra điều ấy khi đã quá muộn, khi đã không còn thời gian nữa để làm lại cuộc đời. Bởi vậy, đời sống chân chính là đời sống tinh thần - đời sống thực hành ý nguyện của Thượng Đế để có được một tâm hồn lương thiện, thẳng ngay.