1. Lý do chọn đề tài
1.2. Tiền đề lý luận cho sự ra đời tƣ tƣởng triết học chính trị xã hộ
1.2.4. Tư tưởng chính trị xã hội của trường phái Khắc kỷ
Khắc kỷ là tên gọi của trường phái triết học lớn thời kì Hy Lạp hóa, do Denon sáng lập từ thế kỉ thứ III TCN. Johannes Hirscherger chia sự phát triển của phái này thành 3 giai đoạn: Phái Khắc kỷ già (đại diện tiêu biểu là Denon, Arat, Chrysipp), phái Khắc kỷ trung (đại diện như: Panaitios, Poseidonios, Cicero) và phái Khắc kỷ trẻ (gồm Seneca, Epiktet, Marc Aurel). Và M.T.Cicero là nhà triết học tiêu biểu của phái Khắc kỷ trung kỳ [xem 18; tr. 289 - 291].
Trong quan niệm về thế giới, trường phái Khắc kỷ cho rằng tự nhiên tuân theo các quy luật sắt đá, mọi cái trong tự nhiên đều tuân theo lý tính tất yếu và con người không thể thay đổi nó. Do vậy, con người với tư cách là một bộ phận của tự nhiên, phải tuân theo những quy luật sắt đá này. Con người theo cách hiểu của phái Khắc kỷ bao gồm hai phần là thể xác và linh hồn, nhưng phần quan trọng nhất chính là linh hồn còn thể xác chỉ là cái bình chứa đựng linh hồn mà thôi. Linh hồn, mà quan trọng nhất là linh hồn lý trí chính là bộ phận thấu hiểu sự vật và chính mình. Mọi người về cơ bản đều như nhau và con người có thể rèn luyện lý trí bên trong để thấu hiểu những định luật vĩnh cửu của thế giới.
Trường phái Khắc kỷ với quan niệm tự nhiên luôn tuân theo những quy luật sắt đá do vậy xã hội – với tư cách là một phần của giới tự nhiên cũng tuân theo những quy tắc được gọi là định mệnh và con người không thể thay đổi nó. Vậy làm thế nào để con người có thể đạt đến hạnh phúc trong thế giới sắt đá này? Phái Khắc kỷ cho rằng, điều con người cần làm để hạnh phúc không phải là quay lưng lại với xã hội đầy bất công mà là thay đổi thái độ, cái nhìn của mình về thế giới. Giống như bạn đi đường mà gặp phải đoạn đường đầy đá nhọn, điều cần làm không phải là san bằng con đường ấy và tạo con đường mới mà là trang bị cho mình đôi giày đủ chắc chắn để vượt khó khăn. Chỉ cần con người thay đổi thái độ sống thì cuộc sống của con người sẽ hạnh phúc, nếu con người không chịu thay đổi thì đau khổ là điều sẽ mãi đồng hành cùng con người. “Điều chúng ta nên làm là hòa hợp chính mình với thế giới, phục tùng trật tự của vũ trụ. Con người đức hạnh và sáng suốt phải học để không quan tâm đến bão tố của cuộc sống công cộng, thoát vào bên trong bản thân mình, bỏ qua những thứ công cộng chẳng mấy quan trọng. Chỉ có cuộc sống nội tâm mới là cuộc sống đích thực, những thứ ngoại tại là thứ mong manh phù du” [15; 103]. Cũng như trường phái Khoái lạc, trường phái Khắc kỷ chỉ quan tâm đến điều tốt đẹp của cá nhân. Con người là một phần của tự nhiên, sau khi chết sẽ trở về với tự nhiên, do vậy không có một thế giới siêu nhiên hay địa ngục chờ đợi con người.
Vậy nên, trước cái chết hay thảm kịch cá nhân, chúng ta phải có thái độ chấp nhận, điềm tĩnh. Nếu trong trường hợp phải chịu đựng quá sức, họ có thể chấm dứt cuộc sống bằng tự sát. “Trường phái Khắc kỷ quan niệm rằng, cuộc đời con người phải hài hòa với tự nhiên, nếu tuân theo quy luật và lý trí thì con người sẽ tìm được hạnh phúc; “người tuân theo sự cần thiết một cách đúng đắn là kẻ khéo léo và khôn ngoan”. Hạnh phúc duy nhất chỉ có thể tìm trong đức hạnh. Đức hạnh lại chính là tuân theo quy luật, ý thức bổn phận, vượt qua và từ chối, luôn nghiêm khắc và kỷ cương với chính bản thân mình” [15 ; 103]. Vì con người không thể thay đổi những thứ vốn là định mệnh nên con người phải nhẫn
nhục chịu đựng số phận càng nhiều càng tốt. Thông qua hành động như vậy, con người sẽ được hạnh phúc cao nhất, bao gồm sự thanh thản trong tâm hồn. Điều thiện cao nhất gồm sự thanh thản trong tâm hồn. Lý tưởng sống của nhà Khắc kỷ là tách cảm xúc ra khỏi hiện thực để đạt được trạng thái vô cảm. Con người có đức hạnh theo phái Khắc kỷ là những người chối bỏ tất cả những vật chất bên ngoài: sự giàu nghèo, danh tiếng, sức khỏe thậm chí cả cái chết của chính mình. Cái cần làm là để trật tự tự nhiên dẫn đường đi cho con người.
Thoạt nghe, chúng ta rất khó có thể nhận ra mối liên hệ giữa Cicero và trường phái Khắc kỷ, bởi Cicero ngoài là một triết gia ông còn là một chính trị gia và luật sư tài ba. Ông ủng hộ con người tham gia vào chính trị, mong muốn mọi người đều có được công bằng… Vậy mối liên hệ giữa ông và trường phái khuyên con người ta phấn đấu đạt đến trạng thái vô cảm xúc này là gì?
Cicero là một người hoài nghi về niềm tin tôn giáo trong thời đại của mình, tuy nhiên, vì là một chính trị gia ở một quốc gia mà các tổ chức tôn giáo đóng một vai trò nổi bật, Cicero tôn trọng tôn giáo La Mã, mặc dù chỉ dựa trên lý do truyền thống và tiện ích. Tại một số điểm nhất định trong tác phẩm của mình, ông lên án mọi người vì quá coi trọng các huyền thoại tôn giáo truyền thống. Nhưng điều này không có nghĩa là Cicero là người vô thần. Trái lại, vì bị ảnh hưởng bởi trường phái Khắc kỷ, Cicero tin rằng có một lực lượng thiêng liêng thần thánh chi phối mọi khía cạnh của vũ trụ; vũ trụ và tất cả các bộ phận của nó luôn luôn được quản lý bởi lực lượng này. Linh hồn của con người là do những đám cháy vĩnh cửu của các ngôi sao và các hành tinh tạo thành dưới sự kiểm soát của Chúa.
Đối với Cicero, lực lượng siêu phàm này đã thiết kế và ra lệnh cho vũ trụ. Ông khẳng định rằng tất cả mọi thứ đều được ghép với một chức năng nhất định và kết thúc theo hướng mà chúng được chỉ đạo bởi các mệnh lệnh của Chúa; mệnh lệnh này được gọi là luật. Đối với Cicero, luật pháp theo đúng nghĩa là lý do đúng đắn để hòa hợp với tự nhiên. Những luật này không liên tục thay đổi hoặc tiến hóa. Vì mọi thứ đều được thiết kế với mục đích riêng bởi định mệnh,
Cicero tin rằng bằng cách kiểm tra hình thức và chức năng của một vật, người ta có thể tìm ra cách thức thứ đó hoạt động. Do đó, ông lập luận rằng bằng cách kiểm tra loài người, ông có thể hiểu nhân loại phải hành động như thế nào. Để hiểu được bản chất của công lý, người ta phải tìm kiếm nó bằng cách hiểu bản chất của loài người, vì sự xuất sắc về đạo đức không gì khác hơn là sự hoàn thiện xã hội và hoàn thiện của tự nhiên.
Cicero tin tưởng chắc chắn rằng loài người đứng giữa Thiên Chúa và các loại động vật, vì trong khi thiên nhiên khiến những con vật khác cúi xuống để kiếm ăn, ngài đã khiến con người đứng lên một mình, khuyến khích con người nhìn lên thiên đàng để trò chuyện với mình. Sự ưa thích của nhân loại dành cho Chúa được khẳng định bởi sự sở hữu của chúng ta đối với các môn khoa học liên quan đến lý trí và lời nói như: Triết học, văn học… “Trong triết học chính trị thời kỳ Hy Lạp hóa, người ta không quan tâm đến cuộc sống công cộng, nếu có thì nhà nước cũng chỉ là phương tiện không phải là mục đích. Vấn đề trọng tâm của triết học chính trị thời kỳ này là đạo đức cá nhân. Giờ đây, con người cá nhân được đề cao, đạo đức là đạo đức cá nhân và có thể đạt được thông qua con đường tự nhận thức. Cuộc sống công cộng không đem đến hạnh phúc cho cá nhân, vì vậy cá nhân tìm đến sự bình thản trong tâm hồn, tránh xa cuộc sống công cộng và rút lui vào đời sống nội tâm” [15 ; 104]. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này trong các tư tưởng chính trị - xã hội của Cicero.