7. Kết cấu đề tài
3.3 Một số giải pháp mang tính định hướng nhằm nâng cao quan hệ ngoạ
3.3.3 Ngoại giao hai nước cần thúc đẩy thông qua đẩy mạnh hợp tác trên
trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo
Đào tạo tiếng Nhật Bản tại Việt Nam được thực hiện từ những năm đầu của thập kỷ 1970 tại trường Đại học Ngoại thương và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). Tuy nhiên, trong suốt thập niên 1980, việc giảng dạy tiếng Nhật bị đình trệ do quan hệ hai nước không phát triển. Phải đến đầu những năm 1990, việc giảng dạy tiếng Nhật mới được thực hiện trở lại, và phát
triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Theo số liệu thống kê của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, vào năm 1998, có khoảng 10.000 người Việt Nam học tiếng Nhật tại 30 cơ sở đào tạo công và tư trên toàn quốc với số giáo viên giảng dạy chỉ vẻn vẹn 300 người [52, tr.21] , kể cả giáo viên người Nhật sang tình nguyện giảng dạy. Sau 10 năm, vào năm 2007, số học viên đã tăng lên 30.000 người, số cơ sở đào tạo là gần 100 trường với khoảng trên 1000 giáo viên [50, tr.56], đưa Việt Nam trở thành nước có số người học tiếng Nhật đứng thứ 8 trên Thế giới.
Đào tạo tiếng Nhật tuy là một ngành mới, song trong hơn 10 năm phát triển, đã đạt những bước tiến đáng kinh ngạc. Nếu như vào đầu những năm 1990, chương trình dạy tiếng Nhật còn lạc hậu với những bộ sách giáo khoa được biên soạn từ năm 1970, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, phương pháp giảng dạy ảnh hưởng nặng nề của nền giáo dục Nga và Trung Quốc, chỉ chú trọng đến dạy ngữ pháp… thì vài năm gần đây, tiếng Nhật đã trở thành bộ môn ngoại ngữ được cung cấp những phương tiện giảng dạy tiên tiến nhất, đội ngũ giáo viên có trình độ cao, hầu hết đều được tu nghiệp ngắn hạn hoặc dài hạn tại Nhật theo chương trình tài trợ của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản. Giáo trình giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng và được cập nhật liên tục. Đội ngũ giáo viên tu nghiệp tại Nhật Bản trở về đã sử dụng các phương pháp giảng dạy mới, chú trọng đến mục đích nâng cao khả năng giao tiếp để học viên có thể nhanh chóng sử dụng vốn kiến thức đã học vào giao tiếp thực tiễn. Một chuyên gia Nhật Bản có kinh nghiệm công tác lâu năm ở Việt Nam đã nhận xét: “Giảng dạy tiếng Nhật ở Việt Nam đang bước từ giai đoạn một - giai đoạn tiếng Nhật được giảng dạy chủ yếu tại các trường đại học và các trung tâm tiếng Nhật tư nhân tại các thành phố lớn sang giai đoạn hai - giai đoạn mở rộng về đối tượng học viên (mở rộng đào tạo tiếng Nhật ở cấp giáo dục phổ thông) và mở rộng về phạm vi địa lý, có thêm nhiều cơ sở giảng dạy tại các địa phương”. Thành quả này đạt được là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhật Bản về vốn, trang thiết bị giảng dạy, sách vở, giáo viên…, nhưng cũng không thể phủ nhận sự chuyển biến tích cực từ phía các nhà tạo lập chính sách của Việt Nam với việc chủ chương đưa tiếng Nhật vào giảng dạy thử nghiệm ở cấp
THCS và THPT. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt trong quan hệ hai nước đã tạo ra nhu cầu của “thị trường” đối với ngành tiếng Nhật.
Khác với ngành tiếng Nhật ở Việt Nam, đào tạo tiếng Việt tại Nhật Bản chưa phải là một ngành phát triển. Mặc dù có lịch sử lâu dài hơn, được bắt đầu từ những năm 1960 do một số nhà nghiên cứu Việt Nam học học mở lớp dạy tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo và trường Đại học Keio, nhưng việc giảng dạy tiếng Việt mới chỉ được mở rộng trong thập kỷ 1990. Từ con số vài nhà nghiên cứu Việt Nam học biết tiếng Việt, đến nay, cùng với sự phát triển ngành Việt Nam học tại Nhật Bản, số nhà nghiên cứu sử dụng được tiếng Việt đã tăng tới hàng trăm, và con số cơ sở đào tạo tiếng Việt cũng đã lên tới hàng hai chữ số. Riêng trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, chuyên ngành tiếng Việt đã đào tạo được khoảng trên 300 người, phục vụ tại các ngành nghề khác nhau như: ngành giáo dục, ngành báo chí, ngành ngoại giao, Đài truyền hình… Hiện nay, cùng với sự phát triển giao lưu văn hóa, đặc biệt là du lịch giữa hai nước, học tiếng Việt đang trở thành trào lưu trong một bộ phận giới trẻ Nhật Bản. Các cơ sở dạy tiếng Việt được mở rộng, không chỉ ở các trường Đại học, mà tại các Trung tâm ngoại ngữ tư thục, Hội hữu nghị Nhật - Việt ở các địa phương… các lớp tiếng Việt được mở thường xuyên. Số sinh viên Nhật Bản đến Việt Nam du học hiện nay giữ vị trí số một, cùng với sinh viên Hàn Quốc.
Sự phát triển của ngành Nhật Bản học tại Việt Nam và Việt Nam học tại Nhật Bản trong những năm gần đây là bằng chứng khẳng định mối quan hệ hai nước đã đi vào chiều sâu. Năm 1993, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản được thành lập trong Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) như một cơ quan chuyên trách nghiên cứu về Nhật Bản, được coi là bước khởi đầu của quá trình này. Cùng năm, ngành Ngôn ngữ - văn hóa Nhật Bản (tiền thân của Khoa Đông Phương sau này) được mở tại Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hai năm sau đó, năm 1995, Khoa Đông Phương, trong đó có chuyên ngành Nhật Bản học chính thức được thành lập tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội và TP.HCM. Cùng với việc mở chuyên ngành Nhật Bản học tại các trường đại học
lớn, các trường đại học tư thục cũng mở khoa đào tạo tiếng Nhật, khiến cho hoạt động nghiên cứu Nhật Bản trở nên vô cùng sôi nổi trong giai đoạn này. Ngoài các cơ quan kể trên, nghiên cứu Nhật Bản còn được thực hiện tại một số đơn vị khác như Khoa Sử của trường Đại học KHXH & NV, bộ phận nghiên cứu về kinh tế Nhật Bản của Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Sử học, Trường Đại học Ngoại thương, và các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Nội Vụ, Ban Đối ngoại Trung ương… Mặc dù nghiên cứu Nhật Bản tại các đơn vị này được tiến hành khá sớm, từ những năm 50 - 60, song chưa mang tính tổng hợp và chuyên sâu.
Hiện nay, con số những người nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam đã lên tới hàng trăm người, làm việc tại hàng chục cơ quan nghiên cứu và đào tạo trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Một số cơ sở nghiên cứu mới như Đại học Thái Nguyên, Đại học sư phạm Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Khoa Đông phương Trường Đại học KHXH & NV TP.HCM, Đại học khoa học Huế, Cao đẳng sư phạm Kontum, Cao đẳng sư phạm Vũng Tàu, Đại học Cần Thơ… Một nét mới là số cán bộ nghiên cứu Nhật Bản học tại các trường đại học và các cơ quan giảng dạy đang tăng lên. Hầu hết các cán bộ trẻ được đào tạo tại Nhật Bản về, có khả năng sử dụng tốt tiếng Nhật. Tuy nhiên, tại các cơ quan nghiên cứu, đội ngũ trung niên vẫn chiếm tỉ lệ lớn, và việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ kế cận đang là vấn đề được quan tâm. Hiện nay, mỗi năm Chính phủ Nhật Bản dành khoảng một trăm suất học bổng du học tại Nhật cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam. Tổng số lưu học sinh Việt Nam ở Nhật hiện nay là khoảng 1.500 người. Có thể nói, đây là sự giúp đỡ quý báu để bồi dưỡng nhân tài cho ngành nghiên cứu Nhật Bản học tại Việt Nam.
So với ngành Nhật Bản học tại Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản có bề dày lịch sử khá lâu, được bắt đầu ngay từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy vậy, phải đến cuối những năm 1970 nó mới trở thành một ngành khoa học độc lập, tách khỏi ngành Sử học Phương Đông. Đầu thập niên 1990, ngành Việt Nam học tại Nhật Bản thực sự phát triển, nhờ quan hệ hai nước có bước tiến triển tốt đẹp. Việc sang Việt Nam du học trở nên dễ dàng hơn, nhiều
nhà nghiên cứu đã có bề dày kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, có điều kiện để thâm nhập vào thực tế xã hội, là cơ sở để họ cho ra đời những ấn phẩm về Việt Nam ngày một phong phú. Hiện nay, con số nhà nghiên cứu tham gia vào Hội nghiên cứu Việt Nam học ở Nhật Bản đã lên tới trên một trăm người, và số công trình nghiên cứu về Việt Nam được xuất bản cũng lên tới hàng trăm cuốn sách.
Ngôn ngữ là kênh quan trọng để thúc đẩy quan hệ ngoại giao hai nước ở cả ngoại giao chính phủ và ngoại giao nhân dân.