7. Kết cấu đề tài
1.2. Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao
1.2.3. Hồ Chí Minh tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và vận dụng sáng
tạo kinh nghiệm ngoại giao trên thế giới
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu các tư tưởng, học thuyết chính trị - xã hội và văn hoá thế giới: từ phương Đông, đó là Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, binh pháp Tôn Tử, chủ nghĩa Tôn Dật Tiên, tư tưởng và kinh nghiệm cách mạng giải phóng Trung Quốc, Ấn Độ; từ phương Tây, đó là các tư tưởng dân chủ, nhân văn của thời kỳ Phục Hưng, thế kỷ ánh sáng, cách mạng tư sản Châu Âu, Châu Mỹ. Với mỗi chủ thuyết, tư tưởng, trường phái chính trị, Hồ Chí Minh chấp nhận những kiến giải phù hợp với tâm thức văn hoá Việt Nam, lựa chọn những yếu tố tích cực làm giàu kiến thức và tư tưởng của mình. Sự nghiên cứu và lựa chọn của Người xuất phát từ quan điểm thiết thực, tư tưởng phải gắn với đời, với người, không phải là thứ lý thuyết xa vời.
Đối với một số học thuyết và tôn giáo, Nguyễn Ái Quốc từng nhận xét: học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta”. Tuy nhiên, “Đạo đức của ông, học vấn của ông và những kiến thức của ông làm cho những người cùng thời và hậu thế phải cảm phục. Ông nghiên cứu và học tập không mệt mỏi, ông không cảm thấy xấu hổ tí nào khi học hỏi người bề dưới, còn việc không được mọi người biết đến, đối với ông chẳng quan trọng gì…”.Trong Luận ngữ Khổng Tử cũng nêu phẩm chất của người làm ngoại giao: “Tử viết: Hành kỷ hữu sỉ, sứ ư tứ phương, bất nhục quân mạng, khả vị sĩ hỹ” (Khi đi sứ đến các nước trong bốn phương, đừng làm nhục cái mạng lệnh mà vua giao phó cho mình; như vậy có thể gọi là
kẻ sĩ đó). Và “sứ ư tứ phương, bất năng chuyên đối; tuy đa, diệc hề dĩ vi ?” (Được hái đi sứ đến các nước bốn phương, nhưng tự mình chẳng có tài ứng đối; người ấy dầu học nhiều, nhưng có biết dùng tài học của mình chăng ?”. Nói chuyện với cán bộ ngoại giao năm 1964, Bác nhận xét: Ngày xưa, sứ thần ta đi sứ là phải làm sao “bất nhục quân diện”, nghĩa là đi sứ không được làm gì nhục đến vua mình. Nếu làm được như thế thì được thưởng, nếu làm sai thì phải giáng chức hoặc mất đầu. Hồ Chí Minh nghiên cứu kỹ phép dùng binh của Tôn Tử, một nhà quân sự danh tiếng nhất của Trung Quốc thời Xuân Thu, cũng như những mưu lược gia khác của Trung Quốc cổ đại. Trong loạt bài về phép dùng binh của Tôn Tử được Việt Minh xuất bản 2/1945, Người viết: “Nguyên tắc của Tôn Tử chẳng những dùng về quân sự đúng, mà dùng về chính trị cũng rất hay”. Tại bài Kế hoạch, ngoài năm điều mà việc binh phải xét cho rõ, cân nhắc kế hoạch của ta, xét rõ tình hình ta với địch, Người còn bổ sung thêm ba điều, trong đó ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng”[19, tr 559]. Tại bài Đánh bằng mưu, Hồ Chí Minh nêu lên bài học dùng ngoại giao để thắng địch: “dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu, thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh. Vây thành mà đánh là kém nhất. (Như quân Đức vây thành Xtalingrat mà không lấy được, từ đó bị thất bại đến cùng)”. Tại bài Quân tranh, Người viết: “Chưa biết mưu mô của các nước, thì không thể ngoại giao”.
Hồ Chí Minh hiểu biết sâu sắc tư tưởng Tôn Dật Tiên với chủ nghĩa Tam Dân - Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc; chính sách “liên Nga, liên Cộng, phù trợ công nông”; tư tưởng triết học trị hành hợp nhất; và phương pháp tìm kiếm bạn đồng minh cả trong và ngoài nước của Tôn Văn. M.Gandhi chủ trương chính sách “không bạo lực”, thực hiện cuộc đấu tranh tinh thần và chính trị để chống lại sự cai trị của thực dân Anh. Hiểu rõ giá trị đạo lý và tinh thần to lớn của đường lối giải phóng dân tộc mà M. Gandhi theo đuổi, khi trả lời báo Times của Ấn Độ năm 1955, Hồ Chí Minh đã suy tôn vị lãnh tụ tinh thần vĩ đại này của nhân dân Ấn Độ là thầy, một bậc tiền phong trong cuộc đấu tranh những chủ nghĩa đế quốc ở châu Á. Hồ Chí Minh đề cao những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và các quyền của con người được các cuộc cách mạng tư sản ở Mỹ và Pháp thế kỷ thứ XVIII đề cao. Đồng thời, Hồ
Chí Minh cũng nêu bật những hạn chế và tính không triệt để của những cuộc cách mạng ấy. Người nhận xét: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ” và Cách mạng Pháp “đã bốn lần rồi, mà nay công nông Pháp hẳn còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mạng An Nam nên nhớ những điều ấy” [26, tr.270, 274].
Trong quá trình quan sát, phân tích các diễn biến của chính trị quốc tế và ngoại giao thế giới trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới nửa đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tích lũy nhiều kinh nghiệm ngoại giao quý báu. Từ hoạt động ngoại giao đầu tiên năm 1919 - thay mặt nhóm người yêu nước An Nam đưa Yêu sách của nhân dân An Nam tới trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Vécxây, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Các cuộc xung đột ở Viễn Đông, mà nổi bật là tại Trung Quốc, trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới đem lại những nhận thức ngoại giao quan trọng đối với Nguyễn Ái Quốc, lúc đó với tư cách là một nhà quan sát chính trị, một nhà hoạt động quốc tế cộng sản và người con của một dân tộc cùng chung cảnh ngộ với nhân dân Trung Quốc anh em. Các cuộc xung đột này phơi bày các thủ đoạn, mánh lới ngoại giao giữa các nước lớn với nhau, lúc tinh vi, lúc thô bạo. Từ cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, Hồ Chí Minh rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích và phổ biến cho đồng bào mình, tháng 2 năm 1946: “Chúng ta phải học gương anh dũng của dân tộc Trung Hoa trong hồi kháng chiến. Mất Thượng Hải, gìn giữ Nam Kinh, mất Nam Kinh, gìn giữ Hán Khẩu, mất Hán Khẩu, gìn giữ Trùng Khánh, đến Trùng Khánh vẫn chuẩn bị để nếu cần thì giữ nơi khác, quyết kháng chiến Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn tranh đấu, lúc nào cũng sẵn sàng và không bao giờ do dự hoang mang Kinh nghiệm của Trung Quốc bày cách thực hành trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng quân sự (dũng cảm, kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù)” [20, tr. 187-188].
Từ thế kỷ XIX, Việt Nam là thuộc địa của Pháp, vì thế xu hướng bảo vệ văn hóa của quốc gia dân tộc chống xâm lược và các yếu tố văn hóa ngoại lai là chủ đạo, nhưng Hồ Chí Minh đã không bài ngoại mù quáng, Người đã vượt qua được ý thức hệ cũ kỹ của các nhà nho Việt Nam yêu nước đương thời, tiếp cận các giá trị tư tưởng tiến bộ của văn hóa Tây Phương với mục đích tìm con đường giải phóng dân tộc hiệu quả nhất Người cho rằng : “phương Đông hay phương Tây có cái gì hay cái gì tốt thì ta tiếp thụ, tiếp thụ có chọn lọc và phải biến thành thuần túy Việt Nam”.
Từ khi còn là một thiếu niên, Hồ Chí Minh đã ý thức vai trò và giá trị đỉnh cao của văn hóa phương Tây thời kỳ văn minh công nghiệp, khi theo học tại trường tiểu học Đông Ba Huế, Hồ Chí Minh đã thắc mắc về 3 chữ: Liberté- Égalité- Fraternité, trong Bản Tuyên ngôn nhân quyền và Dân quyền
của cách mạng Pháp năm 1789, những mục tiêu mà Hồ Chí Minh đã nhận thức được rằng không chỉ là của cách mạng Pháp mà của cả nhân loại. Người đã quyết tâm học thật giỏi tiếng Pháp. Người Pháp cũng phải thừa nhận điều này.Tài liệu công văn mật ghi số 140 ngày 23-1 1920 của sở mật thám Trung kỳ cũng có nhận định về người tên Nguyễn Tất Thành đang ở Pháp là người “rất thông minh, nói giỏi tiếng Pháp…”. Người muốn đọc bằng tiếng Pháp, bằng ngôn ngữ Pháp để hiểu sâu sắc văn minh văn hóa Pháp. Ngoài ra Người cũng học và biết nhiều ngôn ngữ châu Âu khác. Hồ Chủ Tịch đã cho chúng ta biết: “Vào trạc 13 tuổi lần đầu tiên tôi đã nghe những từ Pháp Tự do- Bình đẳng –Bác Ái…Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”[21, tr.14]. Hồ Chí Minh đã đi sang Pháp, đã chọn phương Tây thay vì phương Đông làm điểm đến đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của mình.
Xuất phát từ ý thức trên và bằng nghị lực phi thường Hồ Chí Minh đã đến Pháp tiếp thu, học hỏi những thành tựu mới nhất của nhân loại, những tiến bộ của văn hóa phương Tây. Với năng lực đặc biệt về ngoại ngữ, Người đã đọc về những nền văn minh rực rỡ của thế giới Tây phương, từ văn minh Hy-La cổ đại đến văn hóa Phục Hưng, các trào lưu triết học, như trào lưu triết học Ánh Sáng của Pháp, những tư tưởng về nhà nước pháp quyền, về những cống
hiến của nền dân chủ tư sản. Thực tế từ đầu thế kỷ XX, những tư tưởng tiến bộ của phương Tây (Pháp) như của Russeau, Montesquieu, Voltaire…đã truyền từ Pháp sang Việt Nam, trong các cuộc vận động đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, người ta đã nói nhiều đến những khái niệm mới như tự do, bình đẳng, dân quyền, lập hiến, dân sinh…Với Hồ Chí Minh có thể nói “Thế kỷ Ánh sáng đã chiếu rọi ánh sáng vào tâm trí Người”. Và suốt cả cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh vẫn luôn mang theo những giá trị nhân văn cao đẹp ấy, mà Người tiếp nhận từ những ngày đầu tiên gặp gỡ với nền văn hóa phương Tây và văn hóa Pháp.
Ngoài ra để hiểu sâu sắc về văn hóa phương Tây, người cũng tham gia các hoạt động thực tiễn, tiếp xúc trao đổi với các nhà văn hóa Pháp đương thời. Hồ Chí Minh đã tự khám phá, tiếp cận và tiếp biến các giá trị phương Tây đặc biệt là đối với văn hóa Pháp, về sau này Người đã phổ biến cho nhân dân biết về nền văn hóa Pháp đẹp đẽ nhân văn, thắt chặt thêm tình hữu nghị của 2 dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã có nhiều tên, và quãng thời gian ở phương Tây tên của Bác là Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh gắn liền với những giá trị tiên tiến nhất của thời đại như giá trị tự do, tự do mà Nguyễn Ái Quốc đấu tranh là tự do cho nhân loại.
Các tác giả nước ngoài khi viết về Bác cũng nhận định “Hồ Chí minh, một người vừa là G.washington vừa là A.Licoln của đất nước mình…Cụ có thể mềm dẻo như một cái cung và lao thẳng tới đích như một mũi tên. Cụ vận động trăm phương ngàn kế, đánh đánh đàm đàm, kết hợp nhiệt tình với quan điểm thực tế, nhưng không bao giờ chệch đi mục tiêu của mình” [3, tr.200]